Trong những năm gần đây quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh, các khu công nghiệp phát triển chóng mặt, thị trường lao động đa dạng, đang có sức hút lớn đối với người lao động nhập cư. Ngày càng có nhiều người nhập cư vào các đô thị, nhất là các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh., làm cho các đô thị trở nên quá tải. Họ là những người từ nhiều vùng quê, nhiều tỉnh khác nhau đến để học tập, kiếm sống. Họ được gọi là “người nhập cư”.
Tại sao các bạn ở Hà Nội? Tại các bạn có nhu cầu đến và ở đây để học tập, để làm việc, để kiếm sống Các bạn đang là sinh viên, đa phần các bạn thuê nhà trọ, nhà ở để sinh hoạt học tập, học xong cái bằng đại học thì có bao nhiêu người quay trở về quê nhà, xin việc và sinh sống như ban đầu, như mong muốn của tỉnh nhà? Có thì là rất ít, ít lắm các bạn ạ Các bạn là những người ở nhiều tỉnh khác nhau đến Hà Nội Như vậy, các bạn là người nhập cư.
Như vậy, Người nhập cư là người dân di chuyển từ vùng này đến một vùng khác để sinh sống, tạm trú.
11 trang |
Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 3562 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Người nhập cư - Cơ hội tiếp cận của người nhập cư đối với các dịch vụ công, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Người nhập cư?
Cơ hội tiếp cận của người nhập cư đối với các dịch vụ công.
I- NGƯỜI NHẬP CƯ:
1. Người nhập cư là những ai ?
Trong những năm gần đây quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh, các khu công nghiệp phát triển chóng mặt, thị trường lao động đa dạng, đang có sức hút lớn đối với người lao động nhập cư. Ngày càng có nhiều người nhập cư vào các đô thị, nhất là các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh..., làm cho các đô thị trở nên quá tải. Họ là những người từ nhiều vùng quê, nhiều tỉnh khác nhau đến để học tập, kiếm sống. Họ được gọi là “người nhập cư”.
Tại sao các bạn ở Hà Nội? Tại các bạn có nhu cầu đến và ở đây để học tập, để làm việc, để kiếm sống…Các bạn đang là sinh viên, đa phần các bạn thuê nhà trọ, nhà ở để sinh hoạt học tập, học xong cái bằng đại học thì có bao nhiêu người quay trở về quê nhà, xin việc và sinh sống như ban đầu, như mong muốn của tỉnh nhà? Có thì là rất ít, ít lắm các bạn ạ…Các bạn là những người ở nhiều tỉnh khác nhau đến Hà Nội…Như vậy, các bạn là người nhập cư.
Như vậy, Người nhập cư là người dân di chuyển từ vùng này đến một vùng khác để sinh sống, tạm trú.
Ở chuyên đề này, chúng tôi chủ yếu nghiên cứu về những người nhập cư tự do, có thu nhập thấp tại 2 trung tâm kinh tế lớn là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với các mạng lưới dịch vụ thuận tiện, hiện đại, có nhiều cơ hội thuận lợi trong đào tạo, nghề nghiệp... nên đã tạo sức hút lớn dân cư từ các nơi về định cư. Tỷ lệ nhập cư về Hà Nội có xu hướng ngày càng tăng, năm 1999 là 21,2‰, năm 2004 là 29,6‰ và năm 2005 là 35,6‰… và tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Số lượng dân nhập cư tại TP.HCM ngày càng gia tăng qua các năm.Vào năm 1998 dân nhập cư tại TP.HCM là 12,9%, đến năm 2000 thì số lượng này lên đến 15,2%, và trong vòng 5 năm trở lại đây (từ năm 2001 – 2005) số dân nhập cư tăng lên đáng kể, ít nhất từ 700.000 đến 1 triệu người (Lê Văn Thành, 2005).Và số lượng người nhập cư vẫn tiếp tục tăng .
2. Đặc điểm người nhập cư:
- Nguồn gốc của dân nhập cư:
Người nhập cư chủ yếu là những người đến từ các tỉnh, các vùng nông thôn ra các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tìm việc làm.
Có hơn 80% người nhập cư tại Hà Nội khẳng định tình trạng công việc cũng như thu nhập của họ tốt hơn nhiều so với ở quê. Chứng tỏ cuộc sống ở quê họ còn gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập nhập thấp. Họ là những người đến từ những vùng quê nghèo như Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình,...
- Độ tuổi và giới tính:
Đại bộ phận dân nhập cư đều ở tuổi trẻ và ngày càng trẻ.
Có tới 19,5% số lao động nhập cư ở TP.HCM ở độ tuổi dưới 20, độ tuổi từ 20 – 30 là nhiều nhất chiếm 56%, còn ở độ tuổi 30 - 40 ít hơn chiếm 17,4%, ít nhất là ở độ tuổi lớn hơn 40 tuổi như trong bảng 4.
Bảng: Độ tuổi lao động nhập cư TP.HCM
Độ tuổi lao động
<20 tuôi
20 – 30 tuổi
30 – 40 tuổi
>40 tuổi
Tổng số
Tỷ lệ
19.5
56
17.4
7
100
Nguồn: Lê Xuân Bá và ctv, 2006
Tỷ lệ nữ giới nhập cư cao cao hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ trẻ từ các tỉnh ĐBSCL, họ thích hợp với công việc ở các xí nghiệp may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, giúp việc gia đình... (Lê Xuân Bá và ctv, 2006).
- Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn:
Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn của lao động nhập cư có sự suy giảm nhất định, trước đây người nhập cư được chọn lọc kỹ hơn về điều động công tác, chuyển công tác... để nhập hộ khẩu, ngày nay việc nhập cư thì tự do hơn, số người nhiều hơn và ít được chọn lọc hơn (Lê Văn Thành, 2005).
Lao động nhập cư chủ yếu là lao động có trình độ trung học cơ sở, chiếm tỷ lệ 56% (Lê Xuân Bá và ctv, 2006), tỷ lệ có trình độ chuyên môn chỉ chiếm hơn 20%, còn lại là lao động chân tay (Hoài Nam và Phạm Trường, 2004).
Lao động trong các khu công nghiệp chiếm 70% lao động nhập cư, lao động phổ thông làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy xí nghiệp, lực lượng này đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất ở hầu hết các khu vực này, họ rất tích cực, năng động và linh hoạt trong công việc, có thể chấp nhận các công việc nặng nhọc, mức lương thấp, thậm chí các công việc độc hại mà người dân TP.HCM không muốn làm (Lê Văn Thành, 2005).
Trong số dân nhập cư có một bộ phận là sinh viên sau khi tốt nghiệp có xu hướng tìm việc làm tại thành phố, lý giải cho điều này là: thứ nhất là việc làm tương ứng với trình độ của họ và dễ tìm ở thành phố hơn là về quê; thứ hai họ có nhiều cơ hội thăng tiến về chuyên môn hơn; thứ ba cuộc sống ở thành phố hấp dẫn cho giới trẻ. Và đây là một bộ phận nhập cư thường xuyên, là nguồn bổ trợ hàng năm cho TP.HCM (Lê Văn Thành, 2005).
3. Một số khó khăn của dân nhập cư:
- Đa phần người lao động xuất thân từ nông thôn chưa quen với lối sống của nền văn minh đô thị về nhà ở, đường xá, phương tiện, trường học, y tế, văn hóa, vui chơi, giải trí....
- Nam nữ trẻ thanh niên xa nhà, thiếu vắng tình cảm khó tránh khỏi trường hợp sa ngã, rơi vào cạm bẫy xã hội.
- Trình độ chuyên môn tương đối thấp, chỉ làm công ăn lương và khó có cơ hội thăng tiến.
- Dân nhập cư được xem là gánh nặng xã hội, là sự tăng dân số cơ học và có sự phân biệt đối xử trong việc sử dụng các dịch vụ công của Nhà nước.
4. Tác động 2 mặt của người nhập cư.
* Tác động tích cực:
- Cung cấp số lượng lớn nhân công lao động cho các nhà máy, xí nghiệp chiếm 70% lao động nhập cư.
- Góp phần làm đa dạng nền văn hóa.
Người nhập cư xuất thân từ những quê hương khác nhau, lên đến thành phố thì họ vẫn giữ những lối sống, phong tục, tập quán quê hương họ, rồi hòa vào nền văn hóa có sẵn của thành phố, và đây là một yếu tố tích cực góp phần phát triển và đang các loại hình văn hóa thành phố.
- Góp phần làm tăng trưởng kinh tế,hoặc xóa đói giảm nghèo ở 1 số vùng.
Nhiều vùng quê Bắc bộ, Trung bộ và cả Nam bộ, rất nhiều gia đình đã thay đổi bộ mặt cuộc sống: sắm xe đạp, sắm được ti vi, sắm được xe máy, thậm chí xây được nhà, không phải từ lao động nông nghiệp mà chính là những khoản tiền của những người thân là lao động nhập cư từ TP.HCM gửi về.
* Tác động tiêu cực:
- Dân số đông gây khó khăn cho quản lí xã hội.
- Vấn đề ô nhiễm môi trường và các tệ nạn xã hội.
Số lượng dân cư lớn, vệ sinh môi trường bị ô nhiễm, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Đặc biệt tệ nạn xã hội tăng (mại dâm,đánh chém,các tụ điểm cờ bạc..).
II- DỊCH VỤ CÔNG.
1. Dịch vụ công là gì?
- Là một loại dịch vụ do Nhà nước (cơ quan hành chính,đơn vị sự nghiệp của nhà nước) trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước thực hiện dưới sự giám sát của nhà nước.
- Nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản,thiết yếu của xã hội,của nhân dân.
- Nhà nước là người chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân, xã hội về chất lượng,số lượng dịch vụ.Trách nhiệm này hể hiện qua việc hoạch định chính sách,thể chế pháp luật,quy định tiêu chuẩn chất lượng...
- Không nhằm mục tiêu lợi nhuận.
- Đối tượng hưởng dịch vụ công không trực tiếp trả tiền (đã trả qua hình thức đánh thuế). Nhưng có nhiều trường hợp phải trả lệ phí theo quy định chặt chẽ của pháp luật.
Vậy có thể hiểu một cách khái quát Dịch vụ công là những dịch vụ do nhà nước chịu trách nhiệm, phục vụ các nhu cầu cơ bản, thiết yếu chung của người dân không vì mục tiêu lợi nhuận.
2.Các loại hình dịch vụ công.
Có thể chia dịch vụ công thành các loại như sau:
- Thứ nhất, những dịch vụ sự nghiệp công:
Phục vụ những nhu cầu thiết yếu cho xã hội, quyền và lợi ích công dân. Nhà nước trực tiếp hoặc ủy quyền cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện cụ thể như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, đào tạo, văn hoá, thể dục thể thao, khoa học, bảo hiểm an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy, bão lụt, thiên tai, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người nghèo ....
- Thứ hai, những hoạt động mang tính dịch vụ công ích:
Đây là các hoạt động có một phần mang tính chất kinh tế, hàng hoá như cung cấp điện, cấp nước sạch, giao thông công cộng đô thị, viễn thông, vệ sinh môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận tải công cộng, khuyến nông, khuyến ngư,...
- Thứ ba, dịch vụ hành chính công:
Loại này liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, cụ thể như các hoạt động thẩm định hồ sơ, ký phê duyệt, tổ chức cho đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép khai thác khoáng sản, trật tự an toàn xã hội, hải quan, chứng thực...
III- CƠ HỘI TIẾP CẬN DỊCH VỤ CÔNG CỦA NGƯỜI NHẬP CƯ.
Người nhập cư phần lớn do không có hộ khẩu thường trú nên chỉ được đăng ký tạm trú. Vì thế, họ không có điều kiện và bị hạn chế trong khi xin việc trong khu vực nhà nước; hạn chế việc học tập, chăm sóc sức khoẻ và không được cấp giấy phép sở hữu nhà đất. Ở chuyên đề này, chúng tôi nghiên cứu về cơ hội tiếp cận dịch vụ công của dân nhập cư ở những khía cạnh cụ thể sau:
1. Người nhập cư với dịch vụ hành chính công:
- Về hộ khẩu, dân nhập cư gặp phải nhiều khó khăn:
Sáu tháng phải có giấy tạm vắng của chính quyền địa phương quản lý hộ khẩu mới được phép tạm trú tiếp sáu tháng, đủ hai năm mới được phép tạm trú có thời hạn một năm, và mỗi năm phải gia hạn mới là hợp pháp.
Ngoài ra, còn có các Nghị định quy định dành cho người nhập cư: Về thời hạn đăng ký thường trú, Điều 6 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP, Điều 7 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú, Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại Điều 20 Luật Cư trú...
- Về nhà ở, dân nhập cư phải tự tìm chổ ở, thuê nhà trọ hoặc mua nhà, nếu mua nhà phải hợp lệ tức là được Phường chứng nhận không tranh chấp. Những người có hộ khẩu thường trú đều được xét cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở, còn dân nhập cư thì chưa hoặc không cho hợp thức hóa chủ quyền nhà đất ở.
- Việc xin các loại giấy tờ, các giấy phép, đăng ký kinh doanh,...cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Như vậy, việc cần thiết phải có những chính sách hạn chế sự phân biệt đối xử với người nhập cư là rất cần thiết nhằm làm giảm sự bất bình đẳng về nguồn gốc cư trú.
2. Người nhập cư với dịch vụ sự nghiệp công.
2.1.Dịch vụ giáo dục:
Giáo dục là nhiệm vụ quan tâm hàng đầu trong việc phát triển con người. Quyền và nghĩa vụ của trẻ em là đến trường. Thế nhưng cái quyền ấy của con em những người nhập cư phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
- Con em của những người nhập cư do không có hộ khẩu nên không được học tập tại những trường công lập, mà phải theo học ở những trường bán công, tư thục với chi phí cao.
- Khi được vào trường học, họ lại phải đối mặt với mối lo kinh phí học tập, những khoản tiền học phí, các loại quỹ,...và những khoản không tên trong khoản tiền lương eo hẹp của mình, bản thân hoặc con cái họ có khi phải lao động ngoài giờ...điều đó hạn chế cơ hội học hành của con em họ.
2.2. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe:
- Những người nhập cư thường có thu nhập thấp, không có chỗ ở cố định, di chuyển thường xuyên nên cơ hội được hưởng các chính sách về y tế của nhà nước là rất ít.
- Họ thường không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, cho nên việc sử dụng các dịch vụ y tế để chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Hầu như tất cả người nhập cư (99%) đều không có bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm tai nạn tại nơi làm việc. Khoảng 72% lao động di cư không có phúc lợi gì, dù dưới bất kỳ hình thức nào.
- Tại các nhà máy, xí nghiệp công nhân đi làm thuê cũng có khi không có các loại bảo hiểm như BHYT, BHXH,...bởi doanh nghiệp đó sẽ phải bỏ ra số tiền lớn để đáp ứng vấn đề này. Có đến 94% số lao động di cư trong các doanh nghiệp nhỏ được khảo sát chưa bao giờ đi khám bệnh hoặc được kiểm tra sức khoẻ ở nơi làm việc.
- Những chương trình y tế, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thường ít khi đề cập đến người nhập cư, thậm chí bỏ qua người lao động nhập cư do vị thế không chính thức của họ về mặt pháp lý ở nơi nhập cư.
- Họ là những đối tượng thiếu thông tin, nên việc hiểu biết về cách chăm sóc sức khoẻ, phòng chống các bệnh truyền nhiễm.., rất hạn chế. Người nhập cư, nhất là phụ nữ dễ bị xâm hại tình dục, bạo lực, thậm chí có nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh LTQĐTD, kể cả HIV/AIDS.
2.3. Văn hóa – Thể dục thể thao:
- Người nhập cư ra thành phố với lý do mưu sinh hay học tập, họ ít có thời gian dành cho các hoạt động văn hóa, thể thao.
- Tại các xí nghiệp, công ty, không thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho người lao động, nếu có cũng chỉ mang tính chất hình thức.
- Cuộc sống của họ khi mà điều kiện sinh hoạt, giáo dục, chăm sóc sức khỏe chưa được đảm bảo thì mối quan tâm cho văn hóa, thể dục thể thao là không có chỗ.
Đây là sự thiệt thòi lớn với người nhập cư bởi họ sống và lao động mệt nhọc nhưng lại không có những khoảng thời gian thư giãn, hưởng thụ, tập luyện thể dục thể thao chăm sóc sức khỏe.
3. Người nhập cư với dịch vụ công ích.
3.1.Dịch vụ nhà ở:
- Phần lớn những người nhập cư đến Hà Nội đều gặp khó khăn về chỗ ở. Cho dù họ là cán bộ, công chức chuyển công tác, học sinh, sinh viên theo học ở các trường, cũng như nhóm lao động nhập cư tìm kiếm việc làm và người nhập cư cùng gia đình...
- Một bộ phận không nhỏ do không có nhà ở nên phải sống trong các khu nhà trọ đông đúc, thiếu thốn các tiện nghi cơ bản, điều kiện điện nước và vệ sinh môi trường, an ninh trật tự không được đảm bảo.
- Đa số người lao động nhập cư phải tụ tập sinh sống ở những nơi ít bị kiểm soát như: gầm cầu, ven sông, bến xe, bãi chợ..., họ ở trong những căn nhà tạm bợ, đơn sơ, được dựng bằng những vật liệu rẻ tiền.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại tình trạng xây nhà cho thuê và để giành, thậm chí để đất hoang, không sử dụng. Trong khi đó, khá nhiều người không có nhà ở phải sống trong những khu ổ chuột. Sự chênh lệch ngày càng lớn về điều kiện sống đang trở thành những nguyên nhân tiềm ẩn gây bất ổn định và sẽ hình thành những mâu thuẫn trong xã hội.
3.2. Dịch vụ điện – nước sinh hoạt:
Chi phí sử dụng các dịch vụ xã hội đối với những người nhập cư không có hộ khẩu cao hơn đáng kể.
- Người nhập cư phải chi trả cao hơn 4 - 5 lần đối với tiền điện, 7 - 8 lần đối với tiền nước so với giá quy định.
- Ở nhiều khu nhà trọ, tình trạng mất điện, mất nước, nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh diễn ra thường xuyên gây nên sự ức chế lớn đối với người nhập cư nhưng vì cuộc sống họ vẫn phải chấp nhận.
3.3. Dịch vụ vệ sinh môi trường – an ninh:
- Do phần lớn người nhập cư sống ở những khu nhà trọ đông đúc nên vệ sinh môi trường hầu như không được đảm bảo. Tình trạng rác thải, ô nhiễm là điều thường thấy ở các khu trọ.
- Do sống trọ nên vấn đề an ninh cũng không được đảm bảo. Một tỷ lệ đáng kể lao động di cư (43%) không cảm thấy an toàn khi sống ở nơi họ đang tạm trú. Hiện tượng mất trộm, đánh nhau,…xảy ra thường xuyên.
3.4. Dịch vụ giao thông công cộng:
- Phương tiện di chuyển thường xuyên và thuận lợi nhất của người nhập cư đó là xe Buýt. Người dân đi xe buýt có thể sử dụng vé lượt hoặc vé tháng với chi phí rất thấp (từ 3000 đồng đến 5000 đồng/lượt, tùy tuyến và 80.000đồng/tháng với vé tháng liên tuyến). Đây được xem như một thuận lợi trong di chuyển của người nhập cư.
Tuy nhiên tình trạng người đi buýt quá đông, hiện tượng móc trộm, xe không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, một số nhân viên xe buýt có thái độ không đúng mực cũng gây ra những áp lực, khó khăn cho người nhập cư khi đi xe buýt.
3.5.Dịch vụ viễn thông – thông tin:
- Đa phần người nhập cư không có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện truyền thông. Với khung thời gian làm việc của mình, họ chỉ có thể tranh thủ xem ti vi hay nghe đài vào những lúc nghỉ ngơi, ăn cơm hay buổi tối.
- Người nhập cư hầu như không có kiến thức và cơ hội tiếp xúc với Công nghệ thông tin, một lĩnh vực quan trọng của đời sống, trừ số ít những sinh viên có điều kiện hơn.
Điều này hạn chế sự hiểu biết, cập nhật thông tin của họ về xã hội, cuộc sống xung quanh.
IV- KẾT LUẬN.
Đô thị hoá luôn diễn ra song song với quá trình phát triển công nghiệp và các dịch vụ xã hội. Nó đã tạo ra các khu vực kinh tế phát triển năng động, cơ hội việc làm được mở rộng hơn. Nhiều nhu cầu dịch vụ mới xuất hiện, có những công việc mà người đô thị thực sự có nhu cầu sử dụng lao động, khi lực lượng lao động đô thị không đáp ứng được hoặc không muốn làm, thì người nhập cư, đặc biệt là người lao động di cư sẵn sàng làm tất cả các công việc từ giản đơn đến nặng nhọc, ở tất cả những ngành nghề để mưu sinh ở thành phố và có được thu nhập gửi về cho gia đình. Lao động nhập cư phần nào đã giải quyết được “nhu cầu” lao động tại các đô thị.
Hiện nay cũng như trong tương lai, khi các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung, các đô thị nói riêng đi vào hoạt động, lực lượng nhập cư vẫn là nguồn lao động quan trọng của các doanh nghiệp, họ sẽ là lực lượng đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lao động nhập cư đã tạo ra một thị trường việc làm năng động ở các thành phố. Do vậy, di cư cần được xem như một bộ phận cấu thành quan trọng trong công tác quy hoạch và hoạch định chính sách phát triển của đất nước. Các chính sách và điều luật lao động cần hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở những nơi nhập cư.
Việt Nam là một nước đang phát triển, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh, thị trường lao động đang hình thành và phát triển tại các trung tâm đô thị, các thành phố lớn, tạo ra những nhu cầu về sức lao động. Việc nhập cư và tập trung dân số tại các đô thị là xu hướng khách quan trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Người nhập cư không chỉ mang lại những đóng góp tích cực, thiết thực cho nơi xuất cư như: tạo việc làm cho lực lượng lao động dư thừa, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống…, mà còn cung cấp lao động cho các ngành nghề, đáp ứng những nhu cầu dịch vụ trong quá trình phát triển cho nơi nhập cư. Do vậy, việc ngăn cản các dòng người nhập cư trong khi chưa tìm được các giải pháp thay thế đều dẫn đến những khó khăn cho cả người nhập cư và người sở tại.
Trong quá trình hoạch địch chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các nhà lãnh đạo, quản lý cần có những cơ chế tác động phù hợp không để quá trình này diễn ra chỉ thuần tuý, tự do, trôi nổi, mà phải điều tiết để nó diễn ra một cách có trật tự - có sự kiểm soát ở những mức độ nhất định, nhằm đảm bảo đáp ứng những dịch vụ cơ bản cho người nhập cư. Khi xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc trú trọng xây dựng các cộng đồng dân cư đô thị là cần thiết. Trong đó mọi người dân, bất kể tình trạng cư trú, người nhập cư hay người sở tại đều có cơ hội tham gia với trách nhiệm như nhau, dựa trên nguyên tắc bình đẳng thực sự. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực hiện được mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và phát triển bền vững.