Trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay, công ty cổ phần (CTCP) là loại hình doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, góp phần hoàn thiện cơ chế thị trường phong phú về loại hình cũng như ngành nghề kinh doanh ở nước ta. Giống như tất cả các loại hình doanh nghiệp khác, vốn của CTCP là một yếu tố cực kỳ quan trọng không thể thiếu khi thành lập cũng như trong quá trình hoạt động của công ty. Nếu không có đủ số vốn điều lệ, đối với một số ngành nghề kinh doanh đặc biệt còn yêu cầu vốn pháp định thì công ty sẽ không thể có đủ khả năng hoạt động và phát triển, thậm chí là không đáp ứng đủ cả điều kiện về thành lập công ty. Do đó em chọn đề tài “Tìm hiểu pháp luật về huy động vốn của công ty cổ phần” để trình bày và phân tích các quy định của pháp luật về huy động vốn của CTCP.
11 trang |
Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 3792 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quy định của pháp luật về các hình thức huy động vốn của công ty cổ phần, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Trang
LỜI MỞ ĐẦU:……………………………………………………………1
NỘI DUNG:….……………………………………………………………1
Khái quát về CTCP và vốn của CTCP theo luật doanh nghiệp 2005:...1
Khái quát về CTCP:………………….…………………………………1
Khái niệm về vốn và cấu trúc vốn của công ty cổ phần: ………...……2
Pháp luật về huy động vốn của công ty cổ phần:………………………..2
Quy định của pháp luật về các hình thức huy động vốn của CTCP:…3
Huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu: ………………………3
Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu: ……………………..6
2. Một số nhận xét về các qui định của pháp luật về huy động vốn trong công ty cổ phần:…………………………………………………………….8
a. Về vốn chủ sở hữu:……………………………………………………...8
b. Về trái phiếu:…. ………………………………………………………...9
KẾT LUẬN:…………………………….…………………………………..9
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
LỜI MỞ ĐẦU:
Trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam hiện nay, công ty cổ phần (CTCP) là loại hình doanh nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, góp phần hoàn thiện cơ chế thị trường phong phú về loại hình cũng như ngành nghề kinh doanh ở nước ta. Giống như tất cả các loại hình doanh nghiệp khác, vốn của CTCP là một yếu tố cực kỳ quan trọng không thể thiếu khi thành lập cũng như trong quá trình hoạt động của công ty. Nếu không có đủ số vốn điều lệ, đối với một số ngành nghề kinh doanh đặc biệt còn yêu cầu vốn pháp định thì công ty sẽ không thể có đủ khả năng hoạt động và phát triển, thậm chí là không đáp ứng đủ cả điều kiện về thành lập công ty. Do đó em chọn đề tài “Tìm hiểu pháp luật về huy động vốn của công ty cổ phần” để trình bày và phân tích các quy định của pháp luật về huy động vốn của CTCP.
PHẦN NỘI DUNG:
Khái quát về CTCP và vốn của CTCP theo luật doanh nghiệp 2005:
Khái quát về CTCP:
Với tính chất như một hiện tượng kinh tế - xã hội, CTCP nói riêng cũng như các loại hình công ty nói chung đã trở thành một thực thể pháp lí. Pháp luật Việt Nam hiện hành không đưa ra định nghĩa cụ thể về CTCP mà chỉ đưa ra những dấu hiệu để nhận biết CTCP theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật doanh ngiệp 2005:
"Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 81 và khoản 5 Điều 84 của Luật này".
Vậy, ta có thể khái quát về loại hình CTCP như sau:
CTCP là một dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn, được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu nó.
Vốn của CTCP được chia nhỏ thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần. Công ty được phát hành cổ phần huy động vốn tham gia của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Các cá nhân hay tổ chức nắm giữ quyền sở hữu hợp pháp cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông được quyền tham gia quản lý, kiểm soát, điều hành công ty thông qua việc bầu cử và ứng cử vào các vị trí quản lý trong công ty. Ngoài ra, cổ đông còn được quyền hưởng các khoản lợi nhuận do công ty tạo ra cũng như chịu lỗ tương ứng với mức độ góp vốn.
Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết.
CTCP có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đầu tư và có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
CTCP phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc). Đối với CTCP có trên mười một cổ đông phải có Ban kiểm soát.
Khái niệm về vốn và cấu trúc vốn của công ty cổ phần:
Vốn của doanh nghiệp nói chung là giá trị được tính bằng tiền của những tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, được sử dụng trong kinh doanh. Cũng như các chủ thể kinh doanh khác, để tiến hành các hoạt động kinh doanh, CTCP phải có vốn. Là loại hình công ty đối vốn điển hình nên vấn đề vốn của CTCP là hết sức phức tạp, được tiếp cận dưới nhiều góc độ, dựa trên những tiêu chí khác nhau. Căn cứ vào nguồn gốc hình thành, vốn của CTCP được chia thành: vốn chủ sở hữu (vốn tự có) và vốn tín dụng (vốn vay).
Vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn thuộc sở hữu của công ty, được hình thành từ nguồn đóng góp của cổ đông và vốn do CTCP tự bổ sung từ lợi nhuận của công ty.
Vốn tín dụng: là nguồn vốn hình thành từ việc đi vay dưới các hình thức khác nhau: vay ngân hàng, vay của các tổ chức, cá nhân khác hoặc vay bằng cách phát hành trái phiếu.
ÞCTCP cần có tỉ lệ vốn hợp lí,phương thức huy động vốn thích hợp, phương pháp kinh doanh đúng đắn để sử dụng vốn hiệu quả, tạo niềm tin cho đối tác của mình.
Pháp luật về huy động vốn của công ty cổ phần:
Các chủ thể kinh doanh thường mong muốn có nguồn vốn lớn để mở rộng và phát triển quy mô sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp thường có hai cách để huy động vốn, đó là: tăng vốn chủ sở hữu và tăng vốn vay.
Theo Luật doanh nghiệp 2005 (LDN 2005), so với các loại hình doanh nghiệp khác như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn,… thì CTCP khẳng định sự thuận lợi hơn trong mô hình kinh doanh của mình bằng quyền phát hành chứng khoán được quy định tại khoản 3 Điều 77:
"Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn".
Trong các loại chứng khoán đó, cổ phiếu là công cụ riêng của CTCP, nó đem đến ưu thế rất lớn nhờ khả năng thu hút vốn dễ dàng: có thể huy động được một nguồn vốn lớn do mở rộng đối tượng huy động; và cũng có thể giảm chi phí huy động vốn do được tiếp cận trực tiếp với người đầu tư;...
Cấu trúc vốn của CTCP cũng rất linh hoạt, có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người đầu tư. Phần vốn của cổ đông có thể tự do chuyển nhượng thông qua việc chuyển quyền sở hữu cổ phần (trừ một số trường hợp do pháp luật quy định) mà biểu hiện hình thức là chuyển nhượng cổ phiếu. Tính chuyển nhượng cổ phiếu mang lại cho nền kinh tế sự vận động nhanh chóng của vốn đầu tư mà không phá vỡ tính ổn định của tài sản công ty. Việc chuyển nhượng vốn dưới hình thức này rất dễ dàng và thuận lợi thông qua thị trường chứng khoán. Mặt khác, cổ phần có mệnh giá nhỏ kết hợp với tính thanh khoản và chuyển nhượng đã khuyến khích mọi tầng lớp dân chúng đầu tư.
Những đặc điểm cơ bản đó đã góp phần đưa CTCP trở thành một hình thức tổ chức kinh doanh có khả năng huy động một số lượng vốn lớn ngầm chảy trong các tầng lớp dân cư, khả năng tích tụ và tập trung vốn với quy mô khổng lồ, có thể coi là lớn nhất trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay.
Quy định của pháp luật về các hình thức huy động vốn của công ty cổ phần:
Với 2 cách huy động vốn của CTCP là tăng vốn chủ sở hữu và tăng vốn vay, trong mỗi cách lại có những phương thức huy động vốn khác nhau: tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu, tăng vốn vay bằng cách phát hành trái phiếu, tín dụng ngân hàng và tín dụng thuê mua.
Huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu:
Khái niệm cổ phần, cổ phiếu:
Cổ phần: Thuật ngữ cổ phần được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới và gắn liền với CTCP. LDN 2005 định nghĩa cổ phần là “phần chia nhỏ nhất vốn điều lệ của CTCP”(điểm a khoản 1 điều 77), theo đó, có hai loại cổ phần mà CTCP được phép phát hành là: cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Cổ phần phổ thông (còn gọi là cổ phần thường) là nền tảng của CTCP. Khoản 1 Điều 78 LDN 2005 quy định cổ phần phổ thông là loại cổ phần bắt buộc phải có khi thành lập CTCP, gồm hai loại: cổ phần phổ thông của cổ đông phổ thông và cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập (điều 84 LDN). Ngoài ra, CTCP có thể có cổ phần ưu đãi, gồm các loại: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định (điều 78 LDN 2005).
Cổ phiếu: chính là hình thức của cổ phần, là chứng chỉ do CTCP phát hành, hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sử hữu một hoặc một số cổ phần của công ty trong đó. Nói cách khác, cổ phiếu là bằng chứng chứng minh quyền sử hữu cổ phần của công ty, cổ phiếu có thể ghi tên hoặc không ghi tên và phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại điều 85 LDN 2005 (tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; số lượng cổ phần và loại cổ phần; mệnh giá mỗi cổ phần,tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu…).
Đối với các loại cổ phiếu ưu đãi thì phải có thêm các điều kiện ưu đãi. Trường hợp cổ phiếu bị mất, rách, bị cháy hay bị tiêu hủy dưới hình thức khác thì cổ đông được công ty cấp lại cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông đó. Đối với cổ phiếu có giá trị danh nghĩa trên 10 triệu đồng Việt Nam, trước khi tiếp nhận đề nghị cấp cổ phiếu mới, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể yêu cầu chủ sở hữu cổ phiếu đăng thông báo về việc cổ phiếu bị mất, bị cháy hoặc bị tiêu hủy dưới hinh thức khác. Quy định như vậy sẽ bảo vệ được quyền lợi của cả nhà đầu tư và công ty với tư cách là một tổ chức phát hành.
Phát hành cổ phiếu:
Phát hành cổ phiếu là việc chào bán cổ phần của CTCP cho người đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn của công ty. Kết quả của việc chào bán cổ phần sẽ đảm bảo huy động vốn điều lệ trong quá trình thành lập công ty hoặc sẽ làm tăng vốn điều lệ của công ty trong trường hợp công ty đang hoạt động.
Việc phát hành cổ phiếu có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông hiện có trong công ty hay có thể dẫn đến thay đổi vị thế của từng cổ đông. Do vậy, việc quyết định loại cổ phần, tổng số cổ phần của từng loại được chào bán sẽ do Đại hội đồng cổ đông quyết định còn Hội đồng quản trị quyết định thời điểm, phương thức và giá chào bán cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán, nhưng đều phải tuân theo quy định tại LDN 2005 nhằm đảm bảo quyền lợi cho đa số cổ đông. Người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty kể từ thời điểm cổ phần được thanh toán đủ và những thông tin về người mua được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng kí cổ đông. Sau khi cổ phần được bán, công ty phải phát hành và trao cổ phiếu cho người mua. Công ty cũng có thể bán cổ phần mà không trao cổ phiếu. Trường hợp này, các thông tin về cổ đông được ghi vào sổ đăng kí cổ đông là đủ để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông.
Quy định của pháp luật về phát hành cổ phiếu:
Phát hành cổ phiếu có thể diễn ra nhiều lần. Có thể chia thành các trường hợp: phát hành cổ phiếu lần đầu để huy động vốn thành lập công ty và phát hành cổ phiếu trong quá trình hoạt động của công ty.
- Phát hành cổ phiếu lần đầu tiên khi thành lập công ty:
Khi thành lập, CTCP phải huy động vốn góp của các cổ đông. Pháp luật quy định các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng kí mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán. Trong trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng kí mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào và bán hết trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh để huy động đủ số vốn điều lệ. Các cổ đông sáng lập phải thực hiện nguyên tắc nhất trí về số lượng cổ phần, loại cổ phần dự kiến chào bán.
LDN 2005 quy định rõ trách nhiệm của các cổ đông sáng lập về tính chính xác, trung thực đối với giá trị tài sản góp vốn được giới hạn trong phạm vi các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn kết thúc định giá. Những người cam kết mua cổ phần còn phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn vào công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 29.
- Phát hành cổ phiếu trong quá trình hoạt động của công ty:
Trong quá trình hoạt động, cổ phiếu cũng trở thành một trong những phương tiện để huy động vốn rất hiệu quả. Việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ làm tăng độ tín nhiệm cho công ty. Cổ phần là lớp nệm bảo vệ cho các chủ nợ, nhờ vậy khả năng vay nợ được mở rộng. Hơn nữa, vốn chủ sở hữu tăng tạo ra một lá chắn chống lại sự phá sản của công ty. Thực chất việc phát hành cổ phiếu trong trường hợp này là việc công ty chào bán cổ phần để huy động vốn. Theo pháp luật Việt Nam, phát hành cổ phiếu có thể thực hiện bằng hai phương thức:
+ Phát hành riêng lẻ: là hình thức phát hành trong đó cổ phiếu có thể được bán cho phạm vi một số người nhất định với số lượng hạn chế, thông thường bán cho những người trong công ty. LDN 2005 lần đầu tiên đưa ra quy định về việc công ty phát hành thêm cổ phần phổ thông và chào bán cổ phần đó cho tất cả các cổ đông theo tỉ lệ cổ phần hiện có tại công ty (khoản 2 Điều 87). Quy định này thực sự có một bước phát triển hơn so với LDN 1999 trước đó. Tuy nhiên trình tự thủ tục, điều kiện,...chào bán cổ phiếu riêng lẻ LDN 2005 không trực tiếp quy định mà do Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể.
+ Phát hành cổ phiếu ra công chúng: là phương thức phát hành trong đó cổ phiếu được bán rộng rãi ra công chúng cho một số lượng lớn nhà đầu tư với khối lượng cổ phiếu phát hành đạt được một tỉ lệ quy định nhất định và phải dành một tỉ lệ nhất định cho các nhà đầu tư nhỏ. Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng là việc tạo hàng hóa để giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán (thị trường tập trung). Phát hành cổ phiếu ra công chúng được chia làm 2 trường hợp: Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (phát hành trong đó cổ phiếu của công ty lần đầu tiên được bán cho công chúng đầu tư) và phát hành thêm cổ phiếu (phát hành cổ phiếu bổ sung cho công chúng đầu tư).
Theo khoản 6 Điều 87 LDN 2005, điều kiện, phương thức và thủ tục chào bán cổ phần ra công chúng thực hiện theo quy định của Luật chứng khoán 2006. Muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng, CTCP phải đáp ứng các yêu cầu về vốn, thời gian hoạt động, đội ngũ quản lí, hiệu quả sản xuất kinh doanh và tính khả thi của dự án sản xuất trong tương lai được quy định rõ tại khoản 1 Điều 12 Luật chứng khoán 2006:
"a) Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán;
c) Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua"
Việc quy định như trên nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng cổ phiếu phát hành của công ty cổ phần để có thể giao dịch trên thị trường chứng khoán. Nếu công ty cổ phần có số vốn điều lệ quá nhỏ, làm ăn không có lãi thì không tạo niềm tin cho người đầu tư và cổ phiếu của công ty niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán sẽ không có tính thanh khoản cao.
Sau khi đã đủ các điều kiện trên thì công ty lập hồ sơ gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước để xin được cấp giấy phép phát hành gọi là hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng - khoản 1 điều 13, tiến hành phân phối cổ phiếu sau khi nhận được giấy phép phát hành cổ phiếu và công bố - điều 21,… Điều đáng chú ý nhất trong hồ sơ xin phép phát hành là bản cáo bạch, nội dung gồm các thông tin về cơ cấu tổ chức tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, tài sản, tình hình tài chính, đợt chào bán và chứng khoán chào bán, báo cáo tài chính của tổ chức phát hành trong hai năm gần nhất,…(khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 15 Luật chứng khoán).
Ngoài ra, công ty còn phải thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin và chịu sự giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Điều đó xuất phát từ lí do để cổ phiếu phát hành ra không phải là sản phẩm của trò lừa đảo hoặc của chủ thể có dự án đầu tư kém hiệu quả,gây lãng phí cho nền kinh tế,đồng thời bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư.
Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu :
CTCP còn được quyền huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu.
Theo Khoản 3 Điều 77 LDN 2005, CTCP có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn. Cùng với cổ phiếu, CTCP có thể sử dụng trái phiếu để vay vốn trung hạn và dài hạn, đáp ứng cho nhu cầu về vốn kinh doanh có lúc vượt ngoài khả năng tài chính của các cổ đông.
Theo khoản 3 Điều 6 Luật chứng khoán: "Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành".
Như vậy, khác với cổ phiếu là chứng từ xác nhận cổ phần trong công ty, trái phiếu chỉ xác nhận quyền của người sở hữu trái phiếu được trả nợ gốc và lãi suất ấn định trong trái phiếu. Quan hệ giữa người sở hữu trái phiếu với công ty là quan hệ giữa chủ nợ với con nợ. Theo khoản 1 Điều 88 LDN 2005: "Công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty".
Trái phiếu của công ty phát hành có đặc điểm: có thời gian đáo hạn, có lợi tức cố định, đem lại cho chủ sở hữu quyền ưu tiên về phân chia lợi nhuận và về phân chia tài sản khi công ty giải thể hoặc phá sản, có thể tự do chuyển nhượng trên thị trường chứng khoán nhưng người sở hữu trái phiếu không có quyền tham gia biểu quyết các vấn đề của công ty. Khác với các hình thức vay nợ khác, trái phiếu có khả năng trao đổi. Mệnh giá trái phiếu là số tiền ghi trên trái phiếu khi phát hành. Trái phiếu có mệnh giá là 100.000 đồng Việt Nam và bội số của 100.000 đồng VN.
Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của cùng một công ty phát hành theo các điều kiện dã quy định trước. Các loại trái phiếu khác theo điều lệ của công ty có thể là: trái phiếu dự phần, trái phiếu có thể thu hồi.
Phát hành trái phiếu là một cách thức vay vốn quan trọng của CTCP làm tăng vốn vay của công ty. Theo đó người vay phát hành một chứng chỉ thường là với một mức lãi suất xác định, đảm bảo thanh toán vào một thời hạn xác định trong tương lai. Người mua trái phiếu sẽ trở thành chủ nợ của công ty, nhận được một mức lãi suất cố định và thanh toán khoản vay khi đáo hạn.
Phương thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu là phương thức ưu việt dành cho những công ty cổ phần có dự án kinh doanh dài hạn với một mức lãi suất thích hợp nhỏ hơn lãi suất công ty phải đi vay ngân hàng nhưng lại cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm để thu hút các nhà đầu tư. Điều này vừa có lợi cho công ty phát hành cũng như các nhà đầu tư do bỏ qua chi phí trung gian.
Þ CTCP có thể phát hành trái phiếu theo hai phương thức là phát hành riêng lẻ và phát hành rộng rãi. Điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng cũng được quy định tương tự như đối với phát hành cổ phiếu (khoản 2 Điều 12 Luật chứng khoán), ngoài ra công ty còn phải cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác. CTCP cũng phải lập hồ sơ nộp lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước để xin được cấp giấy phép phát hành trái phiếu theo khoản 2 Điều 13 Luật chứng khoán, và cũng phải chú ý tới bản báo cáo bạch như đối với trường hợp phát hành cổ phiếu. Trường hợp CTCP phát hành trái phiếu có đảm bảo thì phải nêu rõ tỉ lệ đảm bảo và liệt kê chi tiết tài sản đảm bảo trong hồ sơ xin phép phát hành và có tài liệu hợp lệ chứng minh những tài sản bảo đảm này thuộc quyền sở hữu của mình hoặc của người thứ ba (trong trường hợp bảo lãnh) và có đủ giá trị thanh toán trái phiếu. Trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi, công ty phải nêu rõ điều khoản mua hoặc chuyển đổi trong hồ sơ xin phép phát hành. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban chứng khoán phải cấp giấy phép phát hành cho công ty, trường hợp không cấp phải giải thích lí do bằng văn bản. Việc phân phối, tiêu thụ cũng như đình chỉ phát hành trái phiếu cũng được quy định như đối với cổ phiếu.
2 . Một số nhận xét về các qui định của pháp luật về huy động vốn trong công ty cổ phần:
a. Về vốn chủ sở hữu:
Mặc dù các quy định của pháp luật về huy động vốn chủ sở hữu đã có nhiều điểm tiến bộ, tạo được những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế không tránh khỏi.