Thị trường chứng khoán và tác động của nó đến thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO

Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là một xu thế tất yếu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam cũng không thể tách rời xu thế đó. Thị trường chứng khoán (TTCK) hình thành và phát triển sẽ cùng với thị trường tiền tệ tạo ra một thị trường tài chính vận hành có hiệu quả hơn, góp phần đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năm 2006 và quý I/2007, TTCK Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, chỉ số Vn-Index tại sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh (Hostc) tăng 144% năm 2006 và 40% trong quý I/2007, tại sàn giao dịch Hà Nội (Hastc) tăng 152,4% và 41% trong quý I/2007.

doc4 trang | Chia sẻ: ducpro | Lượt xem: 3110 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thị trường chứng khoán và tác động của nó đến thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thị trường chứng khoán và tác động của nó đến thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO   Ngày 09/5/2007, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Thị trường chứng khoán và tác động của nó đến thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh gia nhập WTO” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Công thương Việt Nam đồng tổ chức. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của các nhà tạo lập chính sách, các cán bộ khoa học của các bộ, ngành và các viện nghiên cứu trong nước. Hội thảo đã tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây: 1.Vai trò của TTCK và thị trường tài chính Việt Nam đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là một xu thế tất yếu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam cũng không thể tách rời xu thế đó. Thị trường chứng khoán (TTCK) hình thành và phát triển sẽ cùng với thị trường tiền tệ tạo ra một thị trường tài chính vận hành có hiệu quả hơn, góp phần đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năm 2006 và quý I/2007, TTCK Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, chỉ số Vn-Index tại sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh (Hostc) tăng 144% năm 2006 và 40% trong quý I/2007, tại sàn giao dịch Hà Nội (Hastc) tăng 152,4% và 41% trong quý I/2007. Số lượng hàng hóa trên thị trường không ngừng tăng lên và hiện nay có 107 loại cổ phiếu niêm yết tại Hostc và 86 cổ phiếu niêm yết tại Hastc. Số lượng tài khoản cũng tăng mạnh, đến cuối tháng 3/2007 đã có 158.376 tài khoản giao dịch được mở tại các công ty chứng khoán. Tổng giá trị vốn hóa đạt 13,8 tỉ USD cuối năm 2006 (chiếm 22,7% GDP) và 24,4 tỷ USD quý I/2007 (chiếm khoảng 40% GDP), giá trị cổ phiếu do các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ đạt khoảng 4 tỉ USD, chiếm 16,4% mức vốn hóa của toàn thị trường. Hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK đã hình thành và phát triển nhanh chóng với 55 công ty chứng khoán, 18 công ty quản lý quỹ, 35 quỹ đầu tư (23 quỹ đầu tư nước ngoài và 12 quỹ đầu tư trong nước), gần 50 tổ chức đầu tư theo hình thức ủy thác qua các công ty chứng khoán, 41 tổ chức tham gia hoạt động lưu ký chứng khoán, 6 ngân hàng lưu ký, 8 công ty kiểm toán độc lập. Khung pháp lý cho hoạt động và phát triển TTCK từng bước được hoàn thiện, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 đã góp phần thúc đẩy thị trường phát triển và tăng cường khả năng hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế. Tính công khai, minh bạch của các tổ chức niêm yết được tăng cường. Cùng với thị trường tập trung, giao dịch các cổ phiếu của khoảng 6.700 công ty cổ phần được thực hiện trên thị trường phi tập trung, hàng ngày có khoảng 80-100 công ty có cổ phiếu giao dịch, đây là những cổ phiếu được phát hành theo Luật Doanh nghiệp là chính. Trên thị trường phi tập trung, tổng khối lượng giao dịch gấp khoảng 6 lần so với khối lượng giao dịch trên Hostc. Bên cạnh những thành tựu đạt được, TTCK Việt Nam mới phát triển và không thể tránh khỏi những hạn chế, chủ yếu bao gồm: – Mức vốn hóa trên thị trường tăng nhanh, nhưng lượng vốn hóa đạt thấp, quy mô TTCK còn nhỏ. TTCK Việt Nam phát triển chưa ổn định, chưa phải là kênh huy động quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam, biến động trên TTCK chưa phản ánh đúng trạng thái của nền kinh tế; – Lượng hàng hóa trên TTCK còn ít, dẫn đến mất cân đối cung cầu và những biến động bất lợi cho thị trường. Hậu quả là, chỉ số P/E (giá trên thu nhập) quá cao với mức tăng bình quân 21 lần và khoảng 1/4 công ty đạt 30-70 lần. Chính vì vậy, khi thị trường sụt giảm thì giá cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh, kể cả những cổ phiếu được coi là có chất lượng; – Cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và nguồn nhân lực của các trung tâm giao dịch chứng khoán và của các công ty chứng khoán không theo kịp được sự phát triển quá nhanh của thị trường, nhiều công ty chứng khoán bị quá tải, hệ thống pháp luật về chứng khoán và TTCK chưa đầy đủ; – Tính dễ bị tổn thương của TTCK Việt Nam khá cao do phụ thuộc nặng nề vào các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các công cụ quản lý và giám sát TTCK còn hạn chế; – Diễn biến thất thường của TTCK Việt Nam thời gian qua là do nhiều nguyên nhân, bao gồm: sự thiếu hoàn chỉnh của hành lang pháp lý, sự mất cân đối cung cầu chứng khoán, tình trạng đầu cơ và đầu tư theo bầy đàn, tính công khai minh bạch của thị trường còn hạn chế, v.v. 2.2. Tác động của TTCK đến hệ thống ngân hàng Thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán như hai bình thông nhau trong sự luân chuyển vốn, lãi suất ngân hàng tăng hoặc giảm sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán giảm hoặc tăng, cũng như ảnh hưởng đến dòng luân chuyển vốn (capital flow) : vốn được chuyển từ TTCK sang thị trường tiền tệ hoặc ngược lại.Thêm vào đó, thị trường chứng khoán phát triển còn tạo thêm những công cụ mới, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể mở rộng khả năng tham gia các nghiệp vụ thị trường tiền tệ. Điều này thúc đẩy thị trường tiền tệ phát triển, đồng thời hỗ trợ NHTW thực hiện tốt vai trò điều tiết tiền tệ thông qua các công cụ CSTT, nhất là thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Việc mua, bán chứng khoán của NHNN với các NHTM sẽ có tác dụng mở rộng hay thu hẹp khối lượng tiền tệ trong lưu thông, qua đó mà khối lượng tiền tệ được điều tiết theo mục tiêu đã định. TTCK đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo ra sự phát triển mạnh hơn của thị trường tiền tệ liên ngân hàng và thị trường tín dụng ngắn hạn, góp phần giảm gánh nặng tín dụng ngân hàng. Lượng vốn từ hệ thống ngân hàng chuyển sang TTCK tăng đáng kể thông qua cho vay các dự án, hợp đồng mua lại về chứng khoán, cầm cố, thế chấp chứng khoán, v.v. Về hoạt động cấp tín dụng, các TCTD được phép cấp tín dụng cho các hoạt động liên quan đến TTCK. Tuy nhiên, báo cáo của các TCTD cho thấy, tổng dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán còn thấp, nhưng tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu khi giá chứng khoán giảm mạnh. TTCK cũng tạo thuận lợi cho các NHTM trong việc tăng vốn để đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Tính đến cuối quý I/2007, hầu hết các NHTMCP đều đã đạt mức vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên, vượt thời hạn so với lộ trình tăng vốn điều lệ theo qui định tại Nghị định 146/2006/NĐ-CP. Cơ cấu cổ đông tại các NHTMCP có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ cổ đông là các nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới và mở chi nhánh, phòng giao dịch cũng tăng mạnh, trong khi nguồn nhân lực còn hẫng hụt, làm tăng nguy cơ mất an toàn hệ thống. 3. Vài nét về TTCK thế giới 2006-2007 và kinh nghiệm một số nước Năm 2006 là năm thành công của TTCK thế giới, đặc biệt tại Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, TTCK thế giới năm 2006 và đầu năm 2007 có nhiều biến động bất thường và tiềm ẩn rủi ro, nhất là trước diễn biến thất thường của giá dầu thế giới. TTCK thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau; trong đó, tâm điểm của phản ứng dây chuyền thường bắt đầu từ TTCK Mỹ và Trung quốc, sau đó lan rất nhanh sang Châu Âu và Châu Á. Tại Châu Á, sự phục hồi kinh tế Nhật Bản và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, Ấn Độ đã góp phần quan trọng thúc đẩy TTCK Châu Á, điển hình là sàn giao dịch TP. Hồ Chí Minh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hồng Kông và Jakarta. Trong đó, làn sóng đầu tư vào cổ phiếu tư nhân tăng mạnh và làm dấy lên làn sóng sáp nhập và thâu tóm doanh nghiệp khắp thế giới. Đây là những yếu tố mang lại thành công vang dội cho Châu Âu, Châu Mỹ với tâm điểm là TTCK Mỹ và tạo những cú hích mới cho Châu Á. Xu hướng này có thể giúp các TTCK các nước kiềm chế ảnh hưởng của sự sụt giảm dây chuyền do TTCK Mỹ và Trung Quốc gây ra. Đầu năm 2007 cũng ghi nhận một sự kiệm mới là TTCK liên lục địa đầu tiên đã được hình thành khi Sở Giao dịch chứng khoán New York giành được quyền kiểm soát Công ty Điều hành TTCK Châu Âu Euronext, tạo nên một sàn giao dịch chứng khoán liên kết 6 TTCK lớn trị giá 29 tỉ USD. Kinh nghiệm của Đài Loan TTCK Đài Loan được thành lập năm 1962, đến nay có 638 công ty niêm yết tại TTCK tập trung và 384 cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC. Trên TTCK tập trung, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết đạt khoảng 275 tỉ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 12%. Việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK được thực hiện từ năm 1982 với những bước đi thận trọng. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia TTCK tập trung và ban đầu chỉ có hai đối tượng được phép kinh doanh chứng khoán, đó là: ngân hàng phải nằm trong danh sách 500 ngân hàng lớn nhất thế giới và có lượng vốn trên 300 triệu USD để đầu tư chứng khoán, các công ty bảo hiểm phải có thời gian kinh doanh bảo hiểm trên 10 năm và có tài sản trên 500 triệu USD. Năm 1993, các điều kiện trên được nới lỏng (ngân hàng nằm trong top 1.000 ngân hàng và công ty bảo hiểm có 5 năm kinh doanh bảo hiểm) và mở rộng thêm hai đối tượng là cơ quan quản lý quỹ (đã thành lập được 3 năm và có tài sản trên 300 triệu USD) và công ty chứng khoán (có tài sản 150 triệu USD và có kinh nghiệm kinh doanh chứng khoán). Các quy định tiếp tục được nới lỏng vào năm 1996 và năm 2003, hiện nay bao gồm: ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ, công ty tín thác và quĩ cộng đồng phải có vốn đầu tư chứng khoán trên 100 triệu USD, công ty chứng khoán phải có vốn trên 50 triệu USD. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tăng dần từ 10%, 12%, 20%, 25%, 30% và 50% cổ phiếu công ty (qua các năm 1991, 1995, 1998, từ 1999 đến nay). Hạn mức đầu tư tăng từ 2,5 tỉ USD năm 1991 lên 7,5 tỉ USD (hiện nay), sau ba tháng hoạt động mới được chuyển vốn gốc ra nước ngoài và mỗi năm chỉ được chuyển lãi ra nước ngoài một lần, những hạn chế này được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2001. Kinh nghiệm của Trung Quốc Theo quy định ban hành năm 2002, Trung Quốc chỉ cho phép các tổ chức đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp được tham gia TTCK, bao gồm 4 đối tượng: NHTM, công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán. Các tổ chức này phải có kinh nghiệm kinh doanh và phải có vốn kinh doanh chứng khoán từ 10 tỉ USD trở lên, sau 3 năm đầu tư chứng khoán mới được chuyển vốn gốc ra nước ngoài và mỗi lần không quá 20% tổng hạn mức đầu tư, thời gian giữa hai lần chuyển vốn ra nước ngoài tối thiểu là một tháng. 4. Giải pháp phát triển bền vững thị trường tài chính -tiền tệ Việt Nam Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý bình đẳng và đồng bộ cho hoạt động của TTCK, tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thông thoáng hơn theo cam kết WTO để thu hút các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài vào hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, hoàn thiện thể chế thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng, tổ chức và điều hành TTCK theo đúng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính công khai và minh bạch, nâng cao năng lực quản lý và giám sát TTCK. Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DNNN và các NHTMNN, góp phần tăng thêm nguồn hàng hóa có chất lượng cho TTCK, tiếp tục bán cổ phần tại một số công ty cổ phần mà Nhà nước thấy không cần phả nắm giữ. Nâng cao năng lực hoạt động của các trung gian tài chính trên TTCK. Trong đó, các công ty chứng khoán trong nước cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng cải thiện quy mô vốn, nâng cao chất lượng và loại hình dịch vụ, đổi mới công nghệ thông tin và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế trong quản trị công ty chứng khoán, nâng cao khả năng giám sát, kiểm soát nội bộ và hiệu quả tác nghiệp của công ty chứng khoán. Phát triển thị trường vốn theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc, có sự giám sát thích hợp của Nhà nước và liên kết với thị trường vốn quốc tế, chuyển Hostc thành sở giao dịch chứng khoán hoạt động theo hình thức công ty cổ phần hoặc công ty TNHH, có nhiệm vụ tổ chức thị trường cho các loại chứng khoán đủ điều kiện niêm yết, Hastc tổ chức thị trường cho các cổ phiếu chưa đủ điều kiện niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán, nâng cao hiệu lực quản lý và giám sát thị trường OTC. Xây dựng thị trường trái phiếu Chính phủ trên cơ sở tham gia của các nhà tạo lập thị trường, khuyến khích các tập đoàn và các công ty lớn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cải tiến phương thức giao dịch nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường, chuẩn hóa các đợt phát hành nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, thiết lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các nhà tạo lập thị trường. Tăng cường tính công khai, minh bạch của các tổ chức niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư theo tinh thần của Luật Chứng khoán. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng thông tin và trình độ nguồn nhân lực của các trung tâm giao dịch chứng khoán và các tổ chức trung gian nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường và đảm bảo quyền lợi của các tổ chức và cá nhân khi tham gia đầu tư trên TTCK. Tăng cường hệ thống giám sát tài chính nhằm hạn chế rủi ro, nhất là đối với các nguồn vốn ra nước ngoài. Có giải pháp khả thi để giảm thiểu rủi ro, tránh những biến động lớn và đột ngột của TTCK; trong đó, Chính phủ cần đóng vai trò định hướng thông tin và dẫn dắt thị trường, điều chỉnh thị trường bằng những công cụ thích hợp, mở rộng các công cụ tài chính phái sinh, hình thành quỹ bình ổn thị trường và đảm bảo sự an toàn hệ thống. Tăng cường hoạt động tuyên truyền và phổ biến kiến thức về chứng khoán và TTCK cho công chúng, giúp các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân có kiến thức cơ bản về chứng khoán và TTCK. - Đối với NHNN + Tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và các luồng vốn vào trên cơ sở phối hợp giữa NHNN với Bộ Tài chính (UBCKNN); + Sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành CSTT như chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị trường mở để điều hòa cung cầu tiền tệ; + Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới hai luật ngân hàng, góp phần cùng với Luật Chứng khoán tạo lập khuôn khổ pháp lý cho TTCK phát triển ổn định; + Theo dõi chặt chẽ diễn biến cán cân thanh toán quốc tế để tính toán lượng ngoại tệ thặng dư trong nền kinh tế, xác định nguồn ngoại tệ cần thu hút vào NHNN để tăng dự trữ ngoại hối và dự đoán mức tăng M2, góp phần tiết kiệm chi phí can thiệp; + Giám sát chặt chẽ không để phát sinh tình trạng cho vay cầm cố bằng cổ phiếu quá mức tại các NHTM; + Phối hợp chặt chẽ việc điều hành CSTT với chính sách tỷ giá, thực hiện chế độ tỷ giá linh hoạt hơn nhằm khuyến khích các thành viên trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; + Có giải pháp đồng bộ nhằm tạo sự luân chuyển luồng vốn ngoại tệ giữa các khu vực trong nền kinh tế, góp phần đảm bảo hiệu quả điều tiết của NHNN trên thị trường ngoại hối. Trên đây là một số nội dung chính Hội thảo đã đề cập tới, xin thông tin để các bạn biết và trao đổi. XT- VPNHNN