Thực trạng và các biện pháp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Tập Đoàn Dệt May Việt Nam – VINATEX
Cũng như quá trình phát triển của nhiều nước trên thế giới , trong nền kinh tế Việt Nam ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, ngành dệt may đóng một vai trò quan trọng, vừa cung cấp hàng hoá trong nước, vừa tạo điều kiện mở rộng thương mại quốc tế, thu hút nhiều lao động, tạo ra ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu và cũng là ngành nghề có lợi tức tương đối cao, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Nhìn lại lịch sử phát triển của mình, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua khá nhiều thăng trầm. Song đến những năm gần đây, cùng sự phát triển của ngành dệt may Thế Giới và khu vực, ngành dệt may Việt Nam thực sự bước sang thời kì phát triển mới với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng và kim ngạch xuất khẩu. Năm 2006 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt con số 5,3 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ 3 tỷ USD, các nước EU hơn 2 tỷ USD, ngành công nghiệp dệt may đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hướng ra xuất khẩu và ngày càng khẳng định vai trò “không thể thiếu” trong đời sống kinh tế - xã hội. Thành công đó có được là do ngành dệt may Việt Nam đã biết tận dụng cơ hội gồm cả nhân tố khách quan và chủ quan đem lại, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề xúc tiến thương mại, sự giúp đỡ có hiệu quả của Bộ Công Nghiệp và nỗ lực, cố gắng vươn lên của các doanh nghiệp dệt may trong toàn ngành thời gian qua. Bên cạnh vai trò về tính kinh tế trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta không thể không nói tới yếu tố truyền thống dân tộc của ngành nghề này. Ngành dệt may Việt Nam đã có lịch sử lâu đời, từ xa xưa cách đây hàng ngàn năm, cha ông chúng ta đã biết trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, ươm tơ dệt lụa,. biết làm ra các sản phẩm dệt may làm đẹp cho đời. Từ những chiếc khung cửi thủ công thô sơ đến máy may đạp chân, dần dần chúng ta đã có các thiết bị dệt nhuộm, may mặc cơ khí hiện đại, điện tử, tự động hóa.Bằng chứng cho sự phát triển này là đến nay vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề truyền thống trên nhiều vùng đất nước như: Lụa Vạn Phúc, Khăn Phùng Xá(Hà Tây); Dệt Làng Mẹo(Thái Bình); Lành Dệt Liên Tỉnh(Nam Định); Thổ Cẩm Mai Châu(Hoà Bình) Tuy vậy, phải đến cuối thế kỷ XIX, ngành dệt may mới manh nha hình thành và phát triển trong hình hài của một ngành công nghiệp. Đất nước ta là một nước phương Đông mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc không thể thiếu những ngành nghề truyền thống như gốm sứ, dệt may, điêu khắc Hơn nữa dệt may lại đang là ngành nghề mũi nhọn, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây. Chính phủ đã phê duyệt “ Chiến lược tăng tốc phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010”. Mục tiêu là kiên quyết vượt qua thách thức để đưa dệt may Việt Nam lên tầm cao mới. Nhiệm vụ còn lại là của các nhà doanh nghiệp dệt may thuộc mọi thành phần kinh tế trên khắp mọi miền của đất nước. Việt Nam đã gia nhập WTO, sức ép hội nhập kinh tế không cho phép ngành dệt may Việt Nam chậm chạp, chính vì thế mà chúng ta phải “tăng tốc”, “tăng tốc” để theo kịp các nước trong khu vực và trên Thế Giới. Thực tế cho thấy ngành dệt may Việt Nam hiện còn quá nhỏ bé so với tiềm năng của chính nó và so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên làm thế nào để ngành dệt của chúng ta “hoà nhập nhưng không hoà tan” đang là một câu hỏi lớn cho chính phủ và các doanh nghiệp. Chúng ta đã phải rất nỗ lực mới vào được tổ chức thương mại Thế Giới WTO, trước một hoàn cảnh mới như vậy, Việt Nam nói chung và ngành dệt may Việt Nam nói riêng phải đối phó với rất nhiều thách thức đe doạ, tuy nhiên cơ hội cũng có nhiều. Tập Đoàn Dệt May Việt Nam được xem là một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, với các chức năng bao quát từ hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ đến kinh doanh xuất nhập khẩu các loại sản phẩm thuộc lĩnh vực dệt may. Trong bản đề án này, em xin đưa ra một số vấn đề liên quan đến đặc điểm, thực trạng và các biện pháp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Tập Đoàn Dệt May Việt Nam – VINATEX - cơ quan đàu tàu của ngành dệt may nước ta.