Tiểu luận Biện pháp chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng quá trình dạy học ở trường THPT Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Trong bối cảnh đầu thế kỷ XXI, đất nước ta đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt sau hơn 20 năm đổi mới, trong đó có sự đóng góp to lớn của nền giáo dục nước nhà. Mặc dầu chúng ta đã đạt được những thành tựu trong nhiều lĩnh vực nói chung và trong giáo dục và đào tạo nói riêng nhưng thực tại vẫn còn nhiều yếu kém và bất cập. Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập hoá, cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục nhảy vọt, xuất hiện nền kinh tế tri thức, công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng trên quy mô rộng lớn. Sự nghiệp giáo dục nước nhà mang một sứ mệnh lớn lao đồng thời đứng trước những thách thức chưa từng có mà chúng ta ( những người làm công tác giáo dục) và toàn xã hội phải quyết tâm đổi mới nhằm nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà. Đó là vấn đề sống còn của một quốc gia. Giáo dục ngày nay được coi là nền móng của sự phát triển khoa học kỹ thuật và đem lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế quốc dân. Vì lẽ đó, có thể coi giáo dục đồng nghĩa với sự phát triển. Điều 35 hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam: “ Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhà nước và xã hội phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”.Nghị quyết TW2 – Khoá III khẳng định: “ Muốn tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục - đào tạo,phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển”.Có thể nói: Giáo dục và đào tạo là chìa khoá mở cửa tiến vào tương lai. Những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong những năm qua thật đáng tự hào.Nhưng với sự nhìn nhận một cách nghiêm túc, chúng ta còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế yếu kém đầy thách thức đó là chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là những bất cập kéo dài trong công tác quản lý giáo dục và đào tạo , mà khâu quan trọng nhất là quá trình chỉ đạo dạy và học ở các cấp học, bậc học. Chiến lược phát triển giáo dục đến 2010 đưa ra bảy giải pháp, trong đó những giải pháp chủ yếu là đổi mới chương trình giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp giáo dục là những giải pháp trọng tâm và giải pháp đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá. Nhiệm vụ đổi mới đã và đang được thực hiện ở từng cơ sở giáo dục và ở mỗi nhà giáo với nhiều nội dung. Việc quản lý quá trình dạy học trong trường THPT phải có những bước đột phá để đáp ứng với “ cuộc cách mạng” giáo dục nước nhà. Cán bộ giáo viên trường THPT Buôn Ma Thuột đang nỗ lực hết sức mình để thực hiện những nhiệm vụ lớn lao trên, trong đó quản lý và thực hiện đổi mới quá trình dạy học được ưu tiên hàng đầu.