Phóng sự là một thể loại báo chí có khả năng thông tin thời sự về người thật, việc thật một cách sâu sắc trong một quá trình diễn biến. Phóng sự có cả khả năng thông tin sự kiện, và thông tin lý lẽ, thông tin thẩm mỹ.Phóng sự có xu hướng ngắn lại và mở rộng phạm vi phản ánh tới những sự việc, sự kiện đa dạng hơn. Phóng sự hiện đại vẫn đang chứng tỏ rằng việc thông tin sự kiện, thông tin thời sự có thể trình bày một cách có nghệ thuật. Ví dụ phóng sự về Sập cầu Cần Thơ:
11 trang |
Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 1904 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Phân tích so sánh các thể loại ký báo chí, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA BÁO CHÍ
---------------
TIỂU LUẬN
PHÂN TÍCH SO SÁNH CÁC THỂ LOẠI KÝ BÁO CHÍ
1. Phóng sự
Phóng sự là một thể loại báo chí có khả năng thông tin thời sự về người thật, việc thật một cách sâu sắc trong một quá trình diễn biến. Phóng sự có cả khả năng thông tin sự kiện, và thông tin lý lẽ, thông tin thẩm mỹ.Phóng sự có xu hướng ngắn lại và mở rộng phạm vi phản ánh tới những sự việc, sự kiện đa dạng hơn. Phóng sự hiện đại vẫn đang chứng tỏ rằng việc thông tin sự kiện, thông tin thời sự có thể trình bày một cách có nghệ thuật. Ví dụ phóng sự về Sập cầu Cần Thơ:
“ Đau đớn xóm chùa Bồ Đề”
TT-Rất nhiều người dân xóm chùa Bồ Đề (Vĩnh Long) đi làm công nhân ở công trình cầu Cần Thơ. Tin sập cầu bay về, cả xóm lặng người...
19g, trung sĩ Trần Thanh Liêm từ tiểu đoàn đặc công bước vội lên con đò ngang trên dòng sông Mỹ Hòa để về nhà tại chùa Bồ Đề (Rạch Tra, ấp Mỹ Hưng II, Mỹ Hòa). Cả ngày hôm nay, Liêm như ngồi trên lửa khi thông tin dồn dập từ bên nhà. Đầu tiên, người cậu ruột tên Nguyễn Văn Mười, 35 tuổi, bị thương trong đống sắt chiếc cầu sập. Tiếp nữa, hai người anh họ: Nguyễn Văn Thanh (25 tuổi) và Bùi Văn Thông (35 tuổi) bị chết trong đống sắt vụn của nhịp cầu sập.
Rồi về chiều, thông tin cuối: người chú ruột cũng không thoát khỏi tử thần. Họ có mặt trên nhịp cầu định mệnh của cái phút giây oan nghiệt trong buổi sáng 26-9.
Con tôi đâu? Chồng tôi đâu?
Gấp những tấm áo, chiếc quần còn lành lặn của con trai, ông Lê Văn Mai (48 tuổi, ngụ ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) như chết lặng. Mới sáng nay, trước khi lên công trường, con trai ông là anh Lê Văn Tấn (22 tuổi) còn nói: "Con làm chín ngày nữa là đủ tháng, lĩnh được lương tháng này con sẽ mua lá về sửa lại nhà”. Vậy mà chưa lĩnh được tháng lương đầu tiên, Tấn đã bỏ vợ chồng ông và ba đứa em ra đi mãi mãi.
Nhà ông Mai thuộc diện nghèo nhất xã, với chỉ một gian nhà lá thấp lè tè, ẩm ướt, hai bên vách nhà nhiều chỗ trống hoác vá chằng vá đụp bằng mấy tấm nilông. Nhà nghèo nên Tấn học võ vẽ dăm ba chữ thì nghỉ rồi theo cha đi làm thuê làm mướn. Cách đây hơn tháng, Tấn và cha còn lặn lội vào tận Đồng Tháp Mười gặt lúa mướn. Hết mùa gặt Tấn về quê, ai thuê gì làm nấy. Thế rồi hay tin ngoài công trường xây dựng cầu Cần Thơ tuyển công nhân, từ ruộng vườn, Tấn cùng nhiều bạn bè trong ấp đến nộp đơn xin việc. Hôm nhận thông báo được tuyển vào làm công trường với lương tháng 1,5 triệu đồng, Tấn mừng như mở cờ trong bụng. Không ngờ niềm vui đó hóa ra lại là nỗi buồn đau vô tận, chỉ mới làm công nhân được 21 ngày, Tấn đã tử nạn.
Cách nhà anh Tấn độ 100m, chúng tôi ghé vào nhà chị Quỳnh Dao. Khi chúng tôi đến cũng là lúc cán bộ xã đến nhà báo tin thi thể của anh Trần Văn Hiền (37 tuổi), chồng chị Dao, đã được đưa về đến ủy ban xã cùng chín người tử nạn khác. Trong khi gia đình đang cuống cuồng cho người lên nhận thi thể anh về thì chị Dao ngất lịm, từ sáng đến giờ chị chết đi sống lại nhiều lần. Mỗi khi tỉnh lại, chị gào thét như người mất trí, thấy ai đứng cạnh chị cũng níu tay, níu áo hỏi như thét: "Chồng tôi đâu?". Hai đứa con bé bỏng của chị cũng ngồi khóc rũ rượi bên mẹ. Đứa con gái lớn Trần Thị Bảo Yến mới hơn 10 tuổi đầu, vừa khóc vừa an ủi: "Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa. Cha ở bệnh viện, cha sẽ về mà”. Chừng hay tin cha đã chết, Yến cũng ngặt nghẽo khóc theo rồi gần như lịm đi.
Tội nghiệp nhất là đứa con gái mới gần 3 tuổi đầu của anh Hiền, bé Trần Thị Ngọc Yến. Ngồi trong lòng chị gái, dường như tâm hồn thơ dại của em vẫn chưa cảm nhận được tai họa đã xảy ra với gia đình mình. Ở cái tuổi bập bẹ, ngọng nghịu gọi tiếng ba chưa tròn đó, làm sao bé Ngọc Yến có thể hiểu được rằng từ cái ngày định mệnh này, em sẽ mồ côi cha mãi mãi.
Thà tôi chết còn hơn
Khi hay tin dữ, bà Nguyễn Thị The (ở xóm chùa Bồ Đề) chết lặng người, miệng lẩm bẩm được vài lời: "Út ơi sao con bỏ mẹ lại. Út ơi...!". Phía trong buồng, chị Trần Thị Kim Ngọc (con dâu bà The) cũng gào lên gọi chồng, rồi ngất đi trong tuyệt vọng. Chị Ngọc và anh Huỳnh Văn Lực mới cưới nhau được 19 ngày. Đám cưới xong chừng mười hôm thì anh Lực xin đi làm công nhân xây dựng cầu Cần Thơ. Và rồi chiều 26-9 anh không về nữa...
Cạnh nhà bà The, chị Huỳnh Thị Hồng cũng ngồi thẫn thờ trước hiên nhà, trong dạ thấp thỏm bồn chồn đầy âu lo. Hễ thấy ai trong xóm đi ngang chị lại nói nhảm: "Chồng tôi sao rồi?". Hàng xóm cho biết chồng chị - anh Lê Văn Thạnh - mới đi làm công nhân xây dựng cầu Cần Thơ được có... hai ngày. Do gia đình khó khăn, không có tiền đóng tiền trường cho con, trong nhà cũng chẳng có của cải gì đáng giá, vậy là anh xin đi làm công nhân nhưng không ngờ... Đến chiều tối vẫn chưa có thông tin về anh Thạnh, mọi người cho biết anh Thạnh còn kẹt trong đống sắt thép đổ nát. "Lạy trời cho chồng tôi tai qua nạn khỏi. Ảnh còn nuôi gia đình, con cái học hành nữa. Ảnh mà có mệnh hệ nào thì mẹ con tôi chẳng biết sống ra sao!" - chị Hồng gào lên.
Cụ bà Út Năm cùng chồng dắt díu tay nhau ra tận công trường dò hỏi tin con. Gặp anh công nhân nào cụ cũng hỏi: "Thằng Sáu đâu rồi con?". Dù không dám nghĩ anh công nhân Đỗ Văn Sáu, con các cụ, không còn hi vọng sống sót nhưng không ai dám trả lời. Thương hai cụ, người ta phải nói gạt rằng: "Anh Sáu không sao, anh Sáu đang cùng mấy anh em khác cứu người trong đó”.
Cụ hỏi riết, cụ đợi riết từ sáng tới tối vẫn không thấy anh Sáu trở về, cụ biết người ta đã nói gạt mình và rồi hai mái đầu già ôm nhau khóc nức nở. Anh Sáu không trở về, nghĩa là từ đây căn nhà lá bên chân cầu Cần Thơ sẽ chỉ còn hai vợ chồng già, một nàng dâu trẻ và một đứa con mồ côi cha.
Nhiều gia đình ở xã Mỹ Hòa chưa tìm được người thân cũng đang đợi chờ trong tuyệt vọng. Dù biết khả năng sống sót của người thân là mong manh nhưng tất cả họ đều không dám nghĩ rằng người thân mình đã chết. Ông Huỳnh Văn Hát (50 tuổi) vừa nhận thi thể con rể là anh Đặng Văn Bảy về lại tất tả chạy ra công trường để chờ tin đứa con trai tên Huỳnh Văn Thanh. Từ sáng đến giờ, ông đi rã cả giò từ công trường đến bệnh viện tìm tin con nhưng gần như vô vọng. Thấy ông gần như mất trí, nhiều người hàng xóm xúm lại an ủi: "Thằng Thanh nó vẫn còn sống, nó kẹt trong đó, mai người ta cưa sắt kéo nó ra thôi mà!". An ủi vậy để gieo vào lòng người cha khổ đau này chút hi vọng mong manh, bởi người ta không dám để cho ông tuyệt vọng trong lúc đớn đau cùng cực này.
Ông Huỳnh Văn Hát cứ ngồi im rồi bật lên thành tiếng khóc lặng cả người: "Tui như người khùng, thằng con rể chết, thằng con ruột còn nằm đâu đó trong đống sắt vụn ngoài kia. Thà tôi chết đi còn hơn!".
Trời tối sụp nhưng tin tức về người thân sống sót ngày càng vô vọng. Xóm chùa Bồ Đề vắng lặng, chìm trong không khí đau thương. Ông Trương Văn Lợt - phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa - cho biết do công trình nằm gần địa bàn xã nên có rất nhiều người dân xin đi làm công nhân xây cầu Cần Thơ, đông nhất là người dân ở xóm chùa Bồ Đề. "Số liệu những người thiệt mạng và còn trong đống đổ nát đến bây giờ chúng tôi chưa nắm được chính xác, nhưng qua sơ bộ có gần 20 người dân ở xóm chùa Bồ Đề chết và chưa biết tin tức" - ông Lợt nói.
(NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG - MINH LUẬN - TẤN THÁI)
2. Ghi nhanh
Ghi nhanh cũng có một số hạn chế như: nó chỉ có khả năng thông tin bề mặt và chỉ có khả năng thông tin vào thời điểm ban đầu của sự kiện. Nó có thể thỏa mãn thông tin ngay lập tức nhưng lại không thể đi sâu vào nguyên nhân, diễn biến và kết quả của sự kiện. Ví dụ ghi nhanh về vụ Sập cầu Cần Thơ.
“ Nghẹn ngào, thất thần”
TT - 22g, nhà tang lễ Bệnh viện 121 Cần Thơ vẫn đông người. Những khuôn mặt mệt mỏi thất thần vì mất người thân, có người hớt hải vì đến giờ này vẫn chưa biết tung tích thân nhân của mình.
Họ đến đây nhưng vẫn ấp ủ hi vọng người thân của mình không có trong danh sách tử. Có người mong nếu chết thì cũng nhận được thi thể. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng lại có chung một nỗi đau đứt ruột gan: mất người thân.
Cẩn thận dò từ trên xuống dưới danh sách người chết được dán trước nhà tang lễ, cô Lê Thị Mỹ Dung (Tam Bình, Vĩnh Long) thở dài quay đi. Từ chiều đến giờ hai vợ chồng cô đã đi tìm tung tích người cháu Đặng Văn Sóc khắp nơi nhưng vẫn bặt tăm. Cha anh Sóc đang trực nơi cầu bị sập, mẹ anh nuôi người em bị thương nặng do sập cầu đang nằm tại bệnh viện đa khoa, biết trời đất gì nữa bà quáng quàng chạy đi tìm con đang làm ở đó. "Người ta không cho vào, tôi tông rào vào thì thấy không biết bao nhiêu người đang mắc kẹt dưới đó mà con mình chưa biết ra sao. Người ta đưa đi cấp cứu nhiều lắm, tôi cuống quýt đi theo nhưng đâu biết con mình ở đâu, chạy qua hết mấy bệnh viện ở Cần Thơ, tới trưa thì hay tin con nằm ở đây".
Anh Lê Hoàng Phi, công nhân đang thi công ở hiện trường, với gương mặt kinh hoàng, thất thần nói lúc tai nạn xảy ra anh đang ở gần đó, lao ngay vào tìm em trai Lê Hoàng Quốc Việt cũng là công nhân đang trực tiếp thi công, "nó bị nặng lắm giờ chưa vợ anh phải chăm sóc cho đứa con còn ẵm ngửa...
Chị Nguyễn Ngọc Sang (Bình Minh, Vĩnh Long) cũng lặn lội đến nơi cầu sập, các bệnh viện trong thành phố và cả nhà tang lễ vẫn chưa tìm thấy tung tích anh Nguyễn Văn Tiếp - chồng chị. "Hồi sáng thay đồ, ảnh mặc có cái áo rồi đi tới đi lui tính không đi làm. Hôm qua ảnh nói bị đạp đinh, tui kêu hôm nay nghỉ nhưng ảnh nói nghỉ hoài người ta trừ lương hết, ráng làm tới ngày một tây rồi lãnh lương. Vậy mà giờ không biết ảnh đang ở đâu" - chị nghẹn ngào. Trong khi đó, cô Phạm Thị Đào đã thu dọn hết đồ đạc tư trang của anh Trương Quang Viễn để 4 giờ sáng mai gia đình sẽ liệm và đưa anh về Ninh Bình. Cái chết của anh cả nhà đều biết ngoại trừ cha mẹ đã ngoài 70...
Ông Trần Thanh Quang - giám đốc Bệnh viện 121 - cho biết đến thời điểm 22g đã có 34/37 thi thể tại bệnh viện được người nhà đến nhận. Ba thi thể còn lại cũng đã có địa chỉ (đều ở Nghệ An), hôm nay (27-9) sẽ chuyển những thi thể này về gia đình.
Không dám nhìn lên bảng bệnh viện
Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ là nơi tập trung đông nạn nhân nhất, hàng ngàn người tập trung kín khu vực cấp cứu, cổng và khuôn viên bệnh viện, trong đó rất nhiều bà mẹ, người cha, anh, chị dõi mắt đau đáu tìm người thân chưa biết được tin tức. Bà Nguyễn Thị Hường (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) đứng lặng người ngoài khu phòng cấp cứu của Bệnh viện 121 (Quân khu 9) ngóng tin con trai Nguyễn Văn Hoàng bị chấn thương đầu chờ chụp cắt lớp. Bà nói trong nước mắt: "Nó mới hơn 20 tuổi đầu, vào làm công nhân công trình chưa được bao lâu, vậy mà...!".
Bà kể buổi sáng đang ở nhà gần đó thì nghe người ta nói sập cầu, không biết sống chết thế nào". Chính anh là người khiêng cáng em đi cấp cứu. Anh Phi còn một đứa em bà con nữa cũng chưa biết được đưa đến bệnh viện nào.
Bên ngoài khu vực nhà xác của Bệnh viện 121 và Bệnh viện Đa khoa trung ương, danh sách người tử nạn được cập nhật thay đổi liên tục và tăng lên từng giờ, nhiều ánh mắt thất thần không dám nhìn thẳng vào những cái tên được ghi trên bảng. Một phụ nữ hơn 60 tuổi đang vật vã khóc tìm con và nhờ những người xung quanh dò tìm tên Nguyễn Văn Trang, trên bảng tử nạn của nhà xác Bệnh viện 121 vừa mới ghi lên tên này. Vừa nghe vậy, bà gào lên: "Sao con nỡ bỏ mẹ mà đi..." rồi ngất.
Bên ngoài khoa ngoại chấn thương của Bệnh viện Đa khoa trung ương, một người đàn ông đầu vẫn còn đội mũ bảo hộ và mang ủng đứng lên ngồi xuống ngóng con từ trong phòng mổ. Ông là Võ Văn Nhì, kể rằng lúc sập cầu ông đang ngủ ở nhà trọ cách đó 200m (vì đêm trước trực ca đêm), nghe tin ông nhào ra vì con trai đang làm ở đó, giờ thì con trai Võ Văn Tâm của ông đang ở phòng cấp cứu, đầu bị đè dập. Ông nói trong nước mắt: "Nếu nó có mệnh hệ nào tui không biết sống làm sao!".
Áo trắng lấm máu
Bác sĩ Lê Quang Dũng, trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, bàng hoàng: "Tai họa ghê gớm này xảy đến trong lúc bệnh viện chúng tôi đang chuẩn bị công tác di dời về bệnh viện mới, nhưng khi nghe tin là y bác sĩ lập tức tập trung toàn lực tham gia công tác cấp cứu". Hàng ngàn y, bác sĩ, sinh viên thực tập của Bệnh viện Đa khoa trung ương và Đại học Y dược Cần Thơ đã vào cuộc trong công tác cấp cứu, điều trị nạn nhân tại bệnh viện và tại hiện trường.
Những lưng áo trắng ướt đẫm mồ hôi lẫn máu và bùn đất của bệnh nhân đang đi lại như con thoi giữa phòng cấp cứu và các khoa để cấp cứu và chuyển bệnh nhân. Từ hơn 8 giờ sáng, khi những ca cấp cứu đầu tiên được chở đến tất cả điều dưỡng, bác sĩ được huy động toàn bộ, buổi trưa cũng không ai màng đến chuyện ăn uống.
(T.LŨY - MINH GIẢNG)
3. Ký chân dung
Ký chân dung là một thể loại báo chí mà đối tượng phản ánh là những con người thật, tiêu biểu của một vấn đề hoặc một khía cạnh nào đó mang tinhd thời sự gắn với với những việc làm, hành động, việc làm cụ thể trong tình huốn hoặc hoàn cảnh điển hình với bút pháp đặc tả và thái độ thẩm định dứt khoát của tác giả
Đường đến giảng đường của Thanh
TT - Chưa đầy hai năm trên ngực chị em Thanh đeo hai mảnh vải đại tang mất cả bố lẫn mẹ. Có nhiều bữa bốn chị em vét sạch thùng gạo mà vẫn chưa đủ nửa bơ. Thanh chấp nhận đi rửa bát thuê, bán dạo thịt lợn để nuôi em và thực hiện bằng được giấc mơ giảng đường.
Nguyễn Thị Thanh (TP Vinh, Nghệ An) vừa thi tốt nghiệp lớp 12 xong thì mẹ đổ bệnh. Căn bệnh ung thư dạ dày bao nhiêu năm bỗng trở nặng quật ngã mẹ. Bố đi làm thuê ngoài Hà Nội rất ít khi gửi nổi vài trăm ngàn đồng về nhà. Đồ đạc trong nhà cứ vơi dần để có tiền cho mẹ chạy trị liệu. Sau Thanh là ba em: Thảo, Thắm, Thiết đều đang tuổi ăn tuổi học.
Nhìn mấy em ôm mẹ thút thít, cô chị cả nén lại ước mơ vào đại học. Thanh biết cuộc sống gia đình bây giờ trông cậy vào mình cả. Hết tiền đong gạo, tiền điện, tiền nước, hàng trăm thứ chi tiêu làm đầu óc cô bé mới hôm qua còn mải mê với bài vở phải quay cuồng tính toán. Thanh xin phép mẹ vào Nam làm thuê kiếm tiền.
Đứa con gái mới 17 tuổi loay hoay ở bến xe miền Đông mất một ngày rồi lang thang đến tận Bệnh viện Nguyễn Trãi. Nhìn đôi dép lê vẹt gót và cái dáng chưa đầy 40kg của Thanh, chị chủ căntin thương tình nhận vào làm. Thanh phải dậy từ 3g sáng để dọn dẹp chuẩn bị bữa sáng cùng đầu bếp. Mỗi buổi cô bé phải rửa sạch hàng chục chồng bát đĩa bóng nhẫy dầu mỡ chất cao quá đầu. Rồi dọn thức ăn thừa, lau chùi bàn ghế đến tận 12g đêm. Khi mọi người đi ngủ hết, tắt bớt đèn Thanh mới dám giở sách ra ôn thi. Trong cái căntin ẩm thấp của bệnh viện ấy chưa đêm nào Thanh nguôi giấc mơ trở thành sinh viên trường y.
Vậy mà 500.000 đồng lương tháng đầu tiên chưa kịp gửi về mua thuốc thì mẹ đã ra đi.
Vắng bóng mẹ, căn nhà số 39 vốn rách nát nhất phố Ngô Đức Kế (TP Vinh) càng hiu hắt hơn. Thanh phải bỏ việc để về chăm sóc các em. Thằng Thiết quen ngủ được ôm mẹ nên tối nào nó cũng ôm Thanh gào thét đứt hơi. Nhiều đêm trời mưa, huy động hết xô chậu mà vẫn không có chỗ khô để nằm, bốn chị em ôm nhau nức nở. Thanh không dám khóc nhiều. Vì các em cô càng tỏ ra cứng rắn.
Bố về. Sau những ngày ở chợ lao động, sức khỏe bố sút hẳn. Bố càng suy sụp nhanh sau khi mẹ mất.
Bố gần như nằm một chỗ vì chứng lao phổi. Cái Thảo đang học lớp 12, Thắm học lớp 11 còn Thiết chuẩn bị lên lớp 8. Để kiếm tiền, Thanh theo chân chị hàng xóm ra chợ Đại học bán thịt lợn thuê. Cả ngày bán mặt cho phản thịt lợn vẫn không thể kéo Thanh khỏi giấc mơ vào trường y. Tháng 9-2005 (chưa đầy năm sau khi mẹ mất), bố bỏ bốn chị em Thanh mà đi khi mới 49 tuổi sau một cơn ho dữ dội.
Bố chưa kịp nhìn tờ giấy báo nhập học Cao đẳng Y tế Nghệ An của cô con gái đầu lòng. Thanh đạt 23 điểm.
Thủ lĩnh hạt tiêu
Thanh là ủy viên ban chấp hành Đoàn trường, bí thư liên chi đoàn khoa điều dưỡng Trường cao đẳng Y tế Nghệ An. Tất cả hoạt động của khoa, trường đều có sự tham gia của Thanh. Cô được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An tín nhiệm giao làm trưởng nhóm “Dự án nâng cao kỹ năng giao tiếp của điều dưỡng viên - kỹ thuật viên - hộ lý” do Tổ chức phi chính phủ Phần Lan đầu tư.
Đang thao thao giải thích cho chị em bệnh nhân về kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, lại thấy cô lụi cụi dán băngrôn cho chiến dịch hiến máu nhân đạo do đoàn trường tổ chức. Khám, tư vấn, tuyên truyền, phát thuốc miễn phí, những việc làm vì cộng đồng Thanh quen xốc vác từ năm 1. Bạn bè quen gọi Thanh là “thủ lĩnh hạt tiêu”. Việc lớp, việc trường, thực hành ở bệnh viện, việc dự án đều được Thanh giải quyết rất khoa học, nhanh gọn. Rất nhiều bạn không hề biết hoàn cảnh của gia đình Thanh như thế nào. Gặp Thanh dù đang tất bật việc gì cô cũng nhoẻn miệng cười: “Mình là thủ lĩnh Đoàn, phải giữ lửa cho các bạn trong các phong trào chứ ạ!”.
Thanh vẫn đi làm gia sư tất cả các đêm trong tuần để trang trải chi phí cho mình và các em.
Năm vừa rồi điểm tổng kết của “hạt tiêu” vẫn “đỉnh” nhất lớp C1B: kỳ một 8,0; kỳ hai 7,9.
(VĂN HUYỀN)
MỤC LỤC