Ngay từ khi mới ra đời đến nay, tư tưởng về vị trí, tính chất của Quốc hội đã được khẳng định một cách thống nhất, xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, được thể chế hóa trong các bản Hiến pháp của nước ta từ trước đến nay. Qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, vị trí, tính chất của Quốc hội ngày càng được hoàn thiện hơn ở một tầm cao mới. Điều đó thể hiện sự thống nhất về quan điểm, tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, khẳng định vị trí tối cao của Quốc hội trong bộ máy nhà nước. Sự khẳng đó thể hiện rõ nét bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội qua 4 bản Hiến pháp, ta có thể thấy được sự kế thừa, phát triển và đổi mới trong chế định Quốc hội, đặc biệt là qua hai bản Hiến pháp năm 1946 và 1992. Vì vậy trong bài tiểu luận này, chúng em xin chọn đề tài: “So sánh Quốc hội theo Hiến pháp hiện hành với Nghị viện nhân dân theo Hiến pháp 1946” nhằm nêu ra những điểm giống và khác nhau về các đặc trưng giữa Nghị viện nhân dân trong Hiến pháp 1946 và Quốc hội trong Hiến pháp 1992.
10 trang |
Chia sẻ: lvbuiluyen | Lượt xem: 6354 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận So sánh Quốc hội theo Hiến pháp hiện hành với Nghị viện nhân dân theo Hiến pháp 1946, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiểu luận
So sánh Quốc hội theo Hiến pháp hiện hành với Nghị viện nhân dân theo Hiến pháp 1946LỜI MỞ ĐẦU
Ngay từ khi mới ra đời đến nay, tư tưởng về vị trí, tính chất của Quốc hội đã được khẳng định một cách thống nhất, xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, được thể chế hóa trong các bản Hiến pháp của nước ta từ trước đến nay. Qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, vị trí, tính chất của Quốc hội ngày càng được hoàn thiện hơn ở một tầm cao mới. Điều đó thể hiện sự thống nhất về quan điểm, tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, khẳng định vị trí tối cao của Quốc hội trong bộ máy nhà nước. Sự khẳng đó thể hiện rõ nét bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội qua 4 bản Hiến pháp, ta có thể thấy được sự kế thừa, phát triển và đổi mới trong chế định Quốc hội, đặc biệt là qua hai bản Hiến pháp năm 1946 và 1992. Vì vậy trong bài tiểu luận này, chúng em xin chọn đề tài: “So sánh Quốc hội theo Hiến pháp hiện hành với Nghị viện nhân dân theo Hiến pháp 1946” nhằm nêu ra những điểm giống và khác nhau về các đặc trưng giữa Nghị viện nhân dân trong Hiến pháp 1946 và Quốc hội trong Hiến pháp 1992.
NỘI DUNG
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, nhân dân không thể trực tiếp thực hiện quyền lực đó mà phải thông qua một cơ quan đại diện cho ý chí của mình. Tức là cơ quan này sẽ thực hiện những hành động dựa trên mong muốn của nhân dân – chủ sở hữu quyền lực.
Thông qua mỗi thời kì, giai đoạn nhất định, cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân lại mang những tên gọi khác nhau. Sự khác nhau trong tên gọi này được thể hiện rõ nét qua bản Hiến pháp năm 1946 với tên gọi Nghị viện nhân dân và Hiến pháp năm 1992 với tên gọi là Quốc hội. Như vậy, có thể nói các cơ quan đại diện này chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong bộ máy nhà nước nói chung và sự phát triển quyền lực của nhân dân nói riêng.
Tầm quan trọng này của Nghị viện nhân dân (1946) và Quốc hội (1992) đã được cụ thể hóa trong hai bản Hiến pháp bằng việc dùng cả một chương để nói về vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,… của các cơ quan này.
Điểm tương đồng
Mặc dù mang tên gọi khác nhau nhưng Quốc hội và Nghị viện nhân dân đều có những điểm tương đồng như sau:
Thứ nhất, Nghị viện nhân dân và Quốc hội đều là cơ quan nằm trong hệ thống quyền lực ở trung ương, thuộc loại cơ quan quyền lực nhà nước trung ương. Chế độ nghị viện lần đầu tiên được xác lập tại Việt Nam trong bản Hiến pháp đầu tiên – Hiến pháp năm 1946: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (Điều 22). Hiến pháp năm 1992 vẫn tiếp tục kế thừa đặc điểm quan trọng có tính bản chất của Quốc hội Việt Nam trong lịch sử lập hiến, trong đó có tính chất quyền lực nhà nước tối cao: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 83).
Thứ hai, cả Nghị viện nhân dân và Quốc hội đều phù hợp với bản chất giai cấp và bản chất của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tính chất dân chủ. Điều này được thể hiện cụ thể qua chính hoạt động của Nghị viện nhân dân trong bản Hiến pháp 1946: “Nghị viện họp công khai, công chúng được nghe” (Điều 30) hoặc “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý” (Điều 32). Hiến pháp 1992 cũng quy định cụ thể hơn về điều này qua điều 6, điều 7, ví dụ như: “Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (Điều 6) hay “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 7).
Thứ ba là mục đích thực hiện nhiệm vụ của Nghị viện nhân dân và Quốc hội đều hướng tới lợi ích của toàn thể nhân dân trong xã hội. Điều này không được quy định cụ thể thành điều luật nào nhưng nó được thể hiện một cách thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ các điều luật của cả hai bản Hiến pháp.
Như vậy, mặc dù được thành lập ở hai giai đoạn khác nhau nhưng qua những quy định của hai bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1992, ta vẫn thấy được những điểm tương đồng giữa Nghị viện nhân dân và Quốc hội. Song, như đã nói ở trên, Quốc hội 1992 là sự kế thừa, phát triển và đổi mới của Nghị viện nhân dân 1946. Bởi thế cũng có những điểm khác biệt nhất định giữa hai cơ quan này. Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, không theo nguyên tắc phân quyền như các nước tư bản phương Tây, mọi quyền lực đều thuộc về tay nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình nhờ những đại biểu đại diện do mình trực tiếp bầu ra vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân đó là Quốc hội. Mặc dù vậy nhưng do điều kiện khác nhau nên giữa hai bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1992 lại có sự khác nhau trong vấn đề quy định về nguồn gốc, hình thức, địa vị pháp lý, chức năng cũng như cơ cấu tổ chức.
Sự khác biệt
Về nguồn gốc hình thành của Nghị viện nhân dân và Quốc hội
Nghị viện nhân dân được thành lập ở Quốc hội khóa I năm 1946. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. “Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra. Ba năm bầu một lần” (Điều 24 - HP 1946). Công dân có quyền được tham gia quản lí xã hội tùy theo đức hạnh của mỗi người.
Quốc hội cũng là do nhân dân bầu ra nhưng Hiến pháp 1992 đã quy định một cách cụ thể hơn về các đối tượng có quyền bầu cử. Tất cả công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời gian cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.
Về hình thức hoạt động của Nghị viện nhân dân và Quốc hội
Hiến pháp năm 1946 đã quy định về hình thức hoạt động của Nghị viện nhân dân như sau:
- Mỗi năm họp 2 lần do ban thường vụ triệu tập vào tháng 5 và tháng 11.
- Phải có quá nửa số nghị viên tới họp hội nghị mới được biểu quyết.
- Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe.
- Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết
- Khi nào 2/3 tổng số nghị viên đồng ý, Nghị viện có thể tự giải tán.
Cũng giống Nghị viện nhân dân, Hiến pháp 1992 cũng quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm 2 lần. Mặc dù không quy định rõ về thời gian họp như Hiến pháp 1946 nhưng Hiến pháp 1992 quy định cụ thể và rõ ràng hơn về hình thức hoạt động của từng cơ quan, bộ phận làm việc trong Quốc hội như:
- Giữa hai kì họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Trong thời gian Quốc hội không họp thì hoạt động của đoàn đại biểu đóng vai trò như là sự hiện thân của Quốc hội tại các địa phương.
- Văn phòng Quốc hội có tác động quan trọng đến hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
- Các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia các kì họp, phiên họp, tiếp dân, tiếp xúc cử tri, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
3. Về địa vị pháp lí của Quốc hội so với Nghị viên nhân dân
Xét về mặt địa vị pháp lý trong bản Hiến pháp năm 1946 địa vị pháp lý của Nghị viện nhân dân được ghi nhận trong Điều 22 như sau: “ Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Cũng cùng một nội dung như vậy nhưng bản Hiến pháp năm 1992 quy định địa vị pháp lý của Quốc hội một cách cụ thể hơn tại điều 83: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Mặc dù Quốc hội và Nghị Viện nhân dân đều được khẳng định là cơ quan quyền lực cao nhất cả nước nhưng ta có thể thấy địa vị pháp lý của Quốc hội theo Hiến pháp 1992 có sự quy định cụ thể và rõ ràng hơn. Bản Hiến pháp khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân đã cho thấy tính chất dân chủ trong chính trị, mọi quyền lực của nhà nước đều thuộc về tay nhân dân thông qua cơ quan đại diện của mình đó là Quốc hội.
Về chức năng của Quốc hội và Nghị viện nhân dân
Xét trên phương diện lập hiến và lập pháp: Theo quy định tại Hiến pháp năm 1946 chưa có một quy định cụ thể nào ghi nhận về quyền lập hiến và lập pháp của Nghị viện, mà mang tính chất rất chung chung đó là “ Nghị viện …, đặt ra pháp luật…” ( Điều 23). Đến bản Hiến pháp năm 1992 vấn đề lập hiến và lập pháp của Quốc hội được khẳng định trong Điều 83: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” và khoản 1 Điều 84: “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật và pháp lệnh”. Như vậy có thể nhận thấy rõ quyền lập hiến và lập pháp của Quốc hội theo Hiến pháp 1992 có sự quy định rõ ràng, cụ thể hơn so với Nghị viên nhân dân theo Hiến pháp 1946, đồng thời thể hiện rõ hơn tính quyền lực của Quốc hội.
Trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước: Theo quy định tại Điều 32 Hiến pháp năm 1946: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý”. Như vậy có thể thấy quyền hạn của Nghị viện nhân dân còn rất hạn chế và quy định còn chung chung, chưa nêu cụ thể những vấn đề quan trọng đó là gì. Còn trong bản Hiến pháp 1992 vai trò quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước được thể hiện rõ. Quốc hội có quyền quyết định đến những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, các vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề đối nội, đối ngoại và an ninh quốc phòng một cách rõ ràng và cụ thể như sau:
+ Trong lĩnh vực kinh tế: Quốc hội quyết định đến các chính sách phát triển kinh tế, các hoạch định chính sách, dự toán trung ương, phê chuẩn ngân sách nhà nước, quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế…Những vấn đề này được ghi nhận trong Điều 83 và khoản 3, khoản 4, Điều 84 Hiến pháp 1992.
+ Trong lĩnh vực đối nội, đối ngoại: Quốc hội quyết định các vấn đề lien quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc, quyết định các vấn đề liên quan đến chiến tranh hay hòa bình; quyết định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp an ninh quốc phòng; quyết định các chính sách dân tộc, tôn giáo, quyết định đặc xá; quyết định trưng cầu dân ý; quyết định các chính sách cơ bản về đối ngoại, phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước do Chủ tịch nước trực tiếp kí kết, phê chuẩn hoạc bãi bỏ các điều ước khác đã được kí kết hoặc gia nhập theo đề nghị của chủ tịch nước ( Khoản 5, 10, 12, 13,14 Điều 84 Hiến pháp năm 1992).
+ Trong lĩnh vực quản lí nhà nước Hiến pháp năm 1946 ghi nhận tại Điều 46 với vai trò thuộc về Ban thường vụ Nghị viện đó là:
Biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ. Những sắc luật đó phải đem trình nghị viện vào phiên họp gần nhất để Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ.
Kiểm soát và phê bình chính phủ.
Đối với Quốc hội theo Hiến pháp 1992 ghi nhận Quốc hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và phát triển bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương:
+ Quốc hội quy định chung về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, từ các cơ quan quyền lực đến các cơ quan quản lý nhà nước. Quy định về mô hình tổ chức, các nguyên tắc hoạt động. ( Điều 83)
+ Quốc hội có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án tòa án nhân dân tối cao; Viên trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của chủ tịch nước về việc thành lập hội đồng quốc phòng và an ninh; phê chuẩn đề nghị của thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viện khác của Chính phủ. (Khoản 7, Điều 84).
+ Quốc hội có quyền thành lập và bãi bỏ các cơ quan ngang bộ; thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trục thuộc trung ương; quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ.
Cuối cùng đó là chức năng giám sát của Quốc hội (Nghị viện nhân dân). Theo bản Hiến pháp năm 1946 việc giám sát tối cao của Nghị viện nhân dân chưa được xác định một cách rõ ràng và cụ thể, sự giám sát của nhân dân với Nghị viện nhân dân đối với Chính phủ chưa được đặt ra, mà chỉ đặt ra khi Chính phủ phản bội Tổ quốc. Tuy nhiên với bản Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận và xác định cụ thể chức năng giám sát của nhà Quốc hội đối với các cơ quan cấp trung ương: “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước” ( Điều 83), “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị định của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tich nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao” ( Khoản 2, Điều 84); còn đối với các cơ quan địa phương do HĐND các cấp quản lý. Như vậy có thể thấy sự khác nhau cơ bản trong chức năng giám sát của Quốc hội (Nghị viện nhân dân) qua hai bản Hiến pháp 1946 và 1992.
Về cơ cấu tổ chức của Quốc hội và Nghị viện nhân dân
Theo điều 27 – Hiến pháp 1946 quy định: “Nghị viện nhân dân bầu ra 1 Nghị trưởng, 2 phó Nghị trưởng, 12 ủy viên, 3 ủy viên dự khuyết để thành lập Ban thường vụ. Nghi trưởng và phó nghị trưởng kiêm chức trưởng và phó Ban thường vụ”. Còn theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) quy định Quốc hội bao gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội và chủ tịch Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
Như vậy có thể thấy sự khác biệt trong cơ cấu tổ chức của Nghị viện nhân dân (HP 1946) và Quốc hội (HP 1992), thể hiện ở chỗ: Trong HP 1946 chỉ quy định Ủy ban thường vụ là cơ quan duy nhất giúp việc cho Nghị viện nhân dân, ngoài ra không có cơ quan nào khác. Hơn thế, sự phân định chức năng, quyền hạn giữa các cơ quan, chức vụ trong nghị viện không có sự phân hóa rõ ràng, cụ thể là hai chức vụ trưởng và phó ban thường vụ cũng do nghị trưởng và phó nghị trưởng đảm nhiệm. Còn Hiến pháp năm 1992 thì ngược lại, sự phân định chức năng, quyền hạn giữa các cơ quan đã rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn, số lượng cơ quan giúp việc cho Quốc hội đã thay đổi, không phải 1 mà là 3 cơ quan, tên gọi của các cơ quan và ủy ban trong Quốc hội cũng có sự thay đổi.
Nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt giữa Nghị viện nhân dân (HP 1946) và Quốc hội (1992)
Như vậy, có sự khác biệt kể trên giữa Nghị viện nhân dân và Quốc hội là do hoàn cảnh lịch sử quy định. Có thể thấy Hiến pháp năm 1946 được làm và thông qua trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử đầy khó khan và phức tạp trong buổi đầu của công cuộc xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, quan hệ đến sự mất còn của chính quyền non trẻ. Giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm cùng một lúc đang đe dọa nền độc lập bước đầu mà nhân dân ta mới giành được. Hơn nữa, vào thời điểm này, chính quyền còn phải nhường 70 ghế đại biểu cho Việt Quốc, Việt Cách để kéo dài thời gian hòa hoãn, chuẩn bị tập trung đối phó với kẻ thù nguy hiểm hơn là thực dân Pháp. Vì vậy, việc quy định cụ thể về vị trí và một số quyền hạn của Nghị viện nhân dân cũng bị hạn chế hơn. Cùng với sự phát triển của xã hội và những định hướng phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, vị trí, cơ cấu, hoạt động và chức năng của Quốc hội (đặc biệt là theo những quy định trong Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001) ngày càng được tập trung và củng cố hơn giúp cho Quốc hội thực hiện ngày càng có hiệu quả nhiệm vụ của mình, tương xứng với sự tin cậy, tín nhiệm của toàn thể nhân dân cả nước, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
LỜI KẾT
Qua việc so sánh Nghị viện nhân dân qua Hiến pháp 1946 và Quốc hội Hiến pháp 1992, ta có thể thấy được những điểm tương đồng giữa hai cơ quan này, đó là sự kế thừa; đồng thời cũng có cả những điểm khác biệt thể hiện sự phát huy và đổi mới. Không thể phủ nhận Quốc hội trong Hiến pháp 1992 có sự tiến bộ hơn Nghị viện nhân dân nhưng Nghị viện nhân dân được thành lập cũng đã thể hiện một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của nhà nước và pháp luật Việt Nam. Đồng thời mỗi cơ quan cũng phù hợp với sự phát triển của từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước.
Do kiến thức và hiểu biết còn hạn chế nên bài tiểu luận của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, chúng em rất mong được các thầy cô xem xét và góp ý để bài tiểu luận của chúng em được hoàn thiện hơn.
Chúng em xin chân thành cảm ơn!