Thi pháp học không phải là một khái niệm mới trong các hoạt động văn học. Hiểu một cách khái quát nhất chúng ta có thể quan niệm: Thi pháp học là một bộ môn khoa học, nghiên cứu các hình thức nghệ thuật của văn học, bao gồm: Thơ, tiểu thuyết, văn xuôi. Nghiên cứu thi pháp học là hướng nghiên cứu lớn giúp chúng ta hiểu được các giá trị văn hoá, và cũng là con đường tiếp cận tác phẩm văn học rất đa dạng. Đồng thời, nếu chúng ta biết vận dụng phương pháp này sẽ góp phần đưa các nghiên cứu văn học đến những tìm tòi mới.
Phương pháp nghiên cứu thi pháp bắt nguồn từ cơ sở là xem xét tác phẩm không chỉ như một văn bản ngôn từ, một tổng cộng của các yếu tố xác định mà như một chỉnh thể của thế giới nghệ thuật mang tính quan niệm. Chúng ta có thể xem xét các yếu tố lặp đi lặp lại trong tác phẩm, từ đó xây dựng những mô hình về hình thức văn học, tìm cách đặt tên cho các thi pháp đó, đối chiếu bối cảnh văn hoá để đối chứng. Chúng ta cũng cần tiến hành nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu thi pháp học trong mối liên hệ với ngôn ngữ học, ký hiệu học, văn hóa học, tâm lý học, nhân loại học Ngoài ra, có cả việc nghiên cứu, so sánh các thể loại, các biện pháp nghệ thuật, phong cách văn học Tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của nghiên cứu thi pháp là xuất phát từ cấu tạo ngôn ngữ của văn bản để từ đó khám phá ra các hình thức bên trong. Bởi lẽ, văn học lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật. Mọi sáng tạo của nhà văn đều nằm trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ vừa là sản phẩm của ý thức chủ thể, là phát ngôn của chủ thể, gắn với thế giới các chủ thể vừa là sự miêu tả, biểu hiện của thế giới khách thể. Với ý nghĩa này, tìm hiểu bất kỳ yếu tố thi pháp nào cũng phải xuất phát đầu tiên từ việc tìm hiều ngôn ngữ.
15 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 5983 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Thi pháp học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
MỤC LỤC
Trang 1
Chương I
KHÁI QUÁT CHUNG
Trang 2
1. Thi pháp học – Khái niệm và các phương pháp nghiên cứu
Trang 2
2. Thời gian nghệ thuật trong nghiên cứu thi pháp học
Trang 3
Chương II
NGÔN TỪ VÀ THI PHÁP TRONG “THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN KIỀU”
Trang 5
I.Thi pháp Truyện Kiều - một tác phẩm đặc sắc của Giáo Sư Trần Đình Sử
Trang 5
II. Ngôn từ và thi pháp trong “ Thời gian nghệ thuật của Truyện Kiều”
Trang 7
1. Khám phá thời gian dưới nhiều góc độ
Trang 7
2. Thống kê các tín hiệu thẩm mỹ nổi bật về thời gian
Trang 9
3. Thời gian nghệ thuật được nghiên cứu bằng phương pháp so sánh, đối chiếu
Trang 12
Chương I: KHÁI QUÁT CHUNG
1. Thi pháp học – Khái niệm và các phương pháp nghiên cứu.
Thi pháp học không phải là một khái niệm mới trong các hoạt động văn học. Hiểu một cách khái quát nhất chúng ta có thể quan niệm: Thi pháp học là một bộ môn khoa học, nghiên cứu các hình thức nghệ thuật của văn học, bao gồm: Thơ, tiểu thuyết, văn xuôi. Nghiên cứu thi pháp học là hướng nghiên cứu lớn giúp chúng ta hiểu được các giá trị văn hoá, và cũng là con đường tiếp cận tác phẩm văn học rất đa dạng. Đồng thời, nếu chúng ta biết vận dụng phương pháp này sẽ góp phần đưa các nghiên cứu văn học đến những tìm tòi mới.
Phương pháp nghiên cứu thi pháp bắt nguồn từ cơ sở là xem xét tác phẩm không chỉ như một văn bản ngôn từ, một tổng cộng của các yếu tố xác định mà như một chỉnh thể của thế giới nghệ thuật mang tính quan niệm. Chúng ta có thể xem xét các yếu tố lặp đi lặp lại trong tác phẩm, từ đó xây dựng những mô hình về hình thức văn học, tìm cách đặt tên cho các thi pháp đó, đối chiếu bối cảnh văn hoá để đối chứng. Chúng ta cũng cần tiến hành nghiên cứu liên ngành, nghiên cứu thi pháp học trong mối liên hệ với ngôn ngữ học, ký hiệu học, văn hóa học, tâm lý học, nhân loại học… Ngoài ra, có cả việc nghiên cứu, so sánh các thể loại, các biện pháp nghệ thuật, phong cách văn học… Tuy nhiên, yêu cầu đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của nghiên cứu thi pháp là xuất phát từ cấu tạo ngôn ngữ của văn bản để từ đó khám phá ra các hình thức bên trong. Bởi lẽ, văn học lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật. Mọi sáng tạo của nhà văn đều nằm trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ vừa là sản phẩm của ý thức chủ thể, là phát ngôn của chủ thể, gắn với thế giới các chủ thể vừa là sự miêu tả, biểu hiện của thế giới khách thể. Với ý nghĩa này, tìm hiểu bất kỳ yếu tố thi pháp nào cũng phải xuất phát đầu tiên từ việc tìm hiều ngôn ngữ.
2. Thời gian nghệ thuật trong nghiên cứu thi pháp học
Các phạm trù của thi pháp hết sức đa dạng. Các phạm trù thi pháp truyền thống gồm có cốt truyện, kết cấu, thể loại, lời văn. Ngoài ra, có những phạm trù mới như quan niệm nghệ thuật về con người, không gian, thời gian, kiểu tác giả, chi tiết nghệ thuật. Gắn với đề tài lựa chọn chúng tôi xin trình bày một cách ngắn gọn vấn đề thi pháp về “Thời gian nghệ thuật”. Trong triết học, thời gian là hình thức tồn tại của vật chất. Trong tác phẩm nghệ thuật, thời gian chính là phương thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời gian nghệ thuật không mang tính khách quan mà mang tính chủ quan, gắn với cảm nhận của con người. Thời gian nghệ thuật còn gắn với việc tác giả tổ chức chất liệu. Chất liệu văn học sẽ ghi khắc, in dấu, cố định diễn trình thời gian. Ngoài ra, thời gian nghệ thuật còn là biểu tượng nên nó mang tính quan niệm, tư tưởng của nhà văn về cuộc sống. Thời gian nghệ thuật là thời gian tổ chức lại từ thời gian tự nhiên, do vậy các tác giả văn học có thể sử dụng những cách thức như: Tìm lược, hãm chậm, kể lướt, kể đan xen, chồng chất… Chúng ta có thể xem xét về biều hiện của thời gian nghệ thuật trong tác phẩm thông qua hệ thống từ ngữ chỉ thời gian: Năm, tháng… tuổi nhân vật, hoa quả theo mùa, các biểu tượng về ngọn núi, biển cả, các chiều thời gian: Hiện tại, quá khứ, tương lai…
Hình thức thời gian trong văn học trung đại có sự khác biệt với thời gian trong thần thoại, sử thi, cổ tích cũng như văn học cận hiệu đại. Theo Likhachép, thời gian trần thuật trong văn học trung đại phụ thuộc vào mật độ sự kiện nhiều hay ít, thời gian trần thuật chưa phát triển, thời gian khép kín trong sự kiện, có tính đơn hướng, lời kể đều đặn, lặng lẽ.
Với những cách hiểu về khái niệm thi pháp, vai trò của ngôn từ trong nghiên cứu thi pháp và phạm trù thời gian nghệ thuật trong nghiên cứu thi pháp như trên, trong khuôn khổ bài tập tiểu luận này, chúng tôi xin tìm hiểu:
Ngôn từ và thi pháp trong “Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều”.
Chương II: NGÔN TỪ VÀ THI PHÁP TRONG “THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN KIỀU”
Không một người Việt Nam nào không biết đến Truyện Kiều, những bài hát ru trong Truyện Kiều, những câu bói Kiều, lảy Kiều dường như đã thấm sâu vào máu thịt, vào tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam. Từ xưa đến nay, từ những nhà phê bình văn học cho đến những người chỉ đơn giản là yêu mến, là tự hào về Truyện Kiều đã tốn không ít giấy mực để phân tích, chiêm nghiệm.... Thi pháp Truyện Kiều của Giáo sư Trần Đình Sử là một trong những công trình đầy tâm huyết và giá trị nhu thế.
I.Thi pháp Truyện Kiều - một tác phẩm đặc sắc của Giáo Sư Trần Đình Sử
Trước hết chúng tôi xin tóm lược một cách vắn tắt nhất nội dung chính của cuốn Thi pháp Truyện Kiều.
Công trình nghiên cứu “Thi pháp Truyện Kiều” bao gồm 6 chương.
Chương I: Những chặng đường nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều. Trong chương này tác giả đã tổng kết lại những công trình nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều qua từng thời kỳ, từ những công trình của Phong Tuyết chủ nhân Thập Thanh Thị , Mộng Liên Đường chủ nhân, Đào Nguyên Phổ đến những bài viết của Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Việt Hoài… và những nghiên cứu của những năm 1940, sau cách mạng Tháng Tám và những năm 1980 Từ đó tác giả đã tổng kết: “Nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều thực chất là nghiên cứu thế giới nghệ thuật, hệ thống nghệ thuật của tác phẩm”. Đó là một hướng nghiên cứu mở với rất nhiều cách tiếp cận khác nhau: ngữ văn học, ngôn ngữ học, phong cách học, ký hiệu học, hiện tượng học... Từ nghiên cứu thi pháp mới có thể vạch ra thực chất sáng tạo của Nguyễn Du và mới xác định cụ thể vai trò, địa vị của tác phẩm Truyện Kiều trên tiến trình văn học cổ điển Việt Nam.
Chương II: Truyện Kiều và văn hóa, văn học Trung Quốc. Ở chương này tác giả đã đi từ sự thật lịch sử đến sáng tạo tác phẩm Truyện Kiều, đặt Truyện Kiều trong truyền thống tiểu thuyết tài tử giai nhân cũng như đặt Truyện Kiều như một đối tượng của văn học so sánh, trong đó tác giả so sánh với Kim Vân Kiều truyện về chủ đề, cốt truyện, nhân vật, phong cách học.
Chương III: Truyện Kiều và văn hóa, văn học Việt Nam. Trong chương này tác giả so sánh Truyện Kiều với một số tác phẩm truyện Nôm và ngâm khúc để khẳng định xét về hình thức Truyện Kiều đã phát triển những nét mới trong thi pháp truyện Nôm và ngâm khúc lên một trình độ cao chưa từng có.
Chương IV: Truyện Kiều - Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du, tác giả đã khai thác ở các khía cạnh:Tư tưởng, nhân vật, cách kể chuyện; cái nhìn nghệ thuật về con người; không gian nghệ thuật; thời gian nghệ thuật; hình tượng tác giả.
Chương V: Mô hình tự sự và ngôn ngữ nghệ thuật bao gồm 11 phần: Hình thức tự sự; mô hình cốt truyện, thể loại đến khuynh hướng cảm thương chủ nghĩa; chất thơ, trữ tình; độc thoại nội tâm và cấu trúc tự sự; giọng điệu nghệ thuật cảm thương; màu sắc; đối ngẫu; phép sóng đôi; ẩn dụ; điển cố; nghệ thuật ngôn từ.
Chương IV, cũng là chương cuối tác giả khẳng định sức sống của Truyện Kiều khi đặt trong tương quan với truyện Nôm sau nó, trong đời sống văn học sau Truyện Kiều và trong hoạt động tiếp nhận văn học.
Trong toàn bộ những nội dung của cuốn sách, chúng tôi xin lựa chọn vấn đề về “Thời gian nghệ thuật” trong chương IV: Truyện Kiều - Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du
II. Ngôn từ và thi pháp trong “ Thời gian nghệ thuật của Truyện Kiều”
Trong chương IV, viết về thế giới nghệ thuật của Truyện Kiều - Nguyễn Du, sau phần viết về tư tưởng, nhân vật, cách kể chuyện; cái nhìn nghệ thuật về con người, không gian nghệ thuật, tác giả đã dành khoảng gần 20 trang sách để viết về thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều.
2. Phương pháp nghiên cứu thời gian nghệ thuật trong thi pháp Truyện Kiều
1. Khám phá thời gian dưới nhiều góc độ (Em xem lại đề mục?)
Trong khi nghiên cứu thời gian trong Truyện Kiều Giáo sư Trần Đình Sử đã khái quát và tổng kết được rất nhiều quan niệm về thời gian của Nguyễn Du.
Trước hết, tác giả khẳng định trong Truyện Kiều có quan niệm về thời gian định mệnh. Cơ sở của thời gian định mệnh này xuất phát từ tư tưởng định mệnh, tác giả đã khẳng định “Trong các truyện Nôm Việt Nam, Truyện Kiều là thể hiện rõ nhất cho tư tưởng định mệnh”. Theo tác giả: “Đặc điểm của thời gian định mệnh là tất cả mọi sự kiện, chuyển biến kết cục của đời người đều đã được định sẵn từ trước như một tất yếu khắc nghiệt”. Các nhân vật dự báo định mệnh trong truyện “chiếm một vị trí không gian bên lề cuộc sống, giữa thực tại và hư vô”. Thời gian này cũng chỉ tồn tại trong quan niệm của nhân vật, không tồn tại trong thời gian hành động và sự kiện. Các lực lượng siêu hình vì thế nên lý giải như là một biểu hiện của đời sống nội tâm thần bí của nhân vật.
Bên cạnh thời gian định mệnh là thời gian con người, “ thước đo sự tự thực hiện của con người phù hợp với địa vị xã hội - lịch sử của họ”. Để sáng tạo thời gian con người này Nguyễn Du đã “ nhìn nhân vật từ phía nhân vật, từ phía những mục đích, khát vọng, xu hướng hành động của chúng”. Tác giả đã dẫn chứng thời gian của Kiều là thời gian của những kỷ niệm, ước mơ, mong đợi… Hiện tại của Thúy Kiều - Kim Trọng là nỗi lòng say mê và hành động theo tiếng gọi của tình yêu mãnh liệt, trong trắng.
Đặc sắc hơn, tác giả đã phát hiện ra trong Truyện Kiều có nhịp điệu thời gian sự kiện. Các sự kiện gấp khúc, chồng chéo “sự kiện này chưa xong, sự kiện kia đã tới, gối đầu lên nhau, chồng chất, xô đẩy nhau”. Thời gian sự kiện này đã phản ánh tính chất dang dở, không trọn vẹn của đời sống cũng như của Kiều và tô đậm tính chất vô lý, tàn nhẫn, phũ phàng của các thế lực đen tối. Qua đó, tạo cảm giác không lý giải nổi của các sự kiện, biến cố trong Truyện Kiều.
Ngoài ra, tác giả còn phát hiện quan niệm thời gian tuần hoàn trong Truyện Kiều. Thời gian tuần hoàn là “thời gian có thể đảo ngược. Vận động chủ
yếu là sự biến hoá, lặp lại cái đã có. Quá khứ không mất đi mà tồn tại trong
dạng khác. Tương lai là sự lặp lại hay kéo dài cái đã qua hay hiện có”.
Theo thời gian trong Truyện Kiều có thời gian ba kiếp. Kiếp trước không mang nội dung cụ thể tuy được nhắc nhiều lần. Kiếp này là hiện tại của Kiều. Kiếp sau là cuộc sống sau của Kiều sau cái chết ở sông Tiền Đường. Đạm Tiên là một hình ảnh của quá khứ nhưng cũng là hình ảnh của tương lai. Dự cảm của Kiều là sự lặp lại một kiếp Đạm Tiên trong đời mình. Kiều hay nhớ nhung nhưng chưa biết hồi tưởng. Do vậy, tác giả khẳng định thời gian tuần hoàn không gợi ra được tư tưởng về sự phát triển. Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định chỗ sâu sắc nhất trong cảm thụ thời gian của Nguyễn Du là đã thể hiện tính không đảo ngược của những mất mát, đau khổ của con người. Sau 15 năm lưu lạc, sau cái chết trẫm mình ở sông Tiền Đường “Kiểu vẫn sống một cuộc đời duy nhất và thống nhất. Thời gian của Kiều không thể được tính lại từ đầu… Thời gian không đảo ngược không phải với nghĩa xuân bất tái lai nói chung mà là với một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cuộc sống khách quan không chứng thực cho những hứa hẹn thần bí, siêu hình”.
Giáo sư Trần Đình Sử cũng nghiên cứu những nét đặc sắc trong thời gian trần thuật của Truyện Kiều. Theo tác giả, điểm khác Truyện Kiều so với các truyện Nôm khác là đã có hệ thống tính thời gian: Năm, tháng, ngày, buổi. Và “Nguyễn Du không kể lại các sự kiện một cách giản đơn mà bao giờ cũng đặt chúng trong một khung cảnh có không gian, màu sắc và nhịp điệu riêng”. Tác giả cũng phát hiện ra thời gian sự kiện còn gắn liền với cảm xúc bốn mùa của thiên nhiên làm cho tính thực tại của tác phẩm thêm đậm đà.
Ngoài ra, Giáo sư Trần Đình Sử cũng khẳng định trong Truyện Kiều vẫn còn thời gian ước lệ. Nguyễn Du thích bố trí sự kiện của nhân vật vào mùa xuân và mùa thu, mùa hè rút ngắn, mùa đông bỏ qua.
Cuối cùng, tác giả cũng khám phá thêm một đặc sắc nữa của thời gian trong Truyện Kiều đó là Nguyễn Du đã biết dừng lại ở yếu tố bây giờ, tức là Nguyễn Du không chỉ dừng ở việc chỉ ra mối liên hệ giữa các sự kiện mà còn gợi ra mối liên hệ với thời gian giữa các sự kiện đó.
Với những tổng kết ở trên chúng ta có thể nhận thấy tác giả của “Thi pháp Truyện Kiều” đã hết sức kỳ công để tổng hợp, nghiên cứu và phát hiện ra những biểu hiện về thời gian, những quan niệm về thời gian của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Cách khám phá thời gian dưới nhiều góc độ như vậy giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị nội dung tác phẩm cũng như nét tiêu biểu trong tư tưởng của Nguyễn Du.
2. Thống kê các tín hiệu thẩm mỹ nổi bật về thời gian
Để phân tích, tổng kết thời gian trong Truyện Kiều ở dưới nhiều góc độ, điểm đặc sắc nhất trong cách khám phá của Giáo sư Trần Đình Sử theo chúng tôi là đã xuất phát từ chính các yếu tố ngôn ngữ trong tác phẩm. Giáo sư đã phát hiện các yếu tố ngôn ngữ đã được chuyển hoá thành các tín hiệu thẩm mỹ, các yếu tố ngôn ngữ lặp đi, lặp lại tạo thành hệ thống để khái quát thành các quan niệm về thời gian nghệ thuật của Nguyễn Du.
Để minh chứng cho thời gian định mệnh, tác giả đã xuất phát từ những từ: Phương xa, cõi ngoài, trong mộng… từ đó khái quát “Nó tạo ra một tương lai mơ hồ, gợi lên một sự đợi chờ phấp phỏng cho nhân vật”
Khi chứng minh thời gian con ngưòi, tác giả đã rất tinh tế khi phát hiện ra hành động của các nhân vật hay gắn liền với từ “vội”. Kim Trọng khi đến với người yêu, khi trở lại vườn Thuý, khi gặp mặt cũng như khi chia ly đều rất vội. Cái bước chân: “Xăm xăm băng lốí vườn khuya một mình” của Thuý Kiều cũng là vội. Tác giả còn phát hiện không chỉ Kim Trọng, Thuý Kiều vội mà Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến cũng nằm trong khuôn khổ của chữ vội ấy.
Từ việc phát hiện chữ vội, tác giả phát hiện ra hệ thống các trạng từ thời gian để minh chứng cho nhịp điệu thời gian sự kiện của tác phẩm: Vội, vội vàng, kíp, kịp, đã, thoắt… qua các ví dụ cụ thể:
“ Nàng thì vội trở buồng thêu
Sinh thì dạo gót sân đào vội ra”
“ Thoắt mua về, thoắt bán đi”
Tác giả còn xem xét cách sử dụng điệp từ: Đã, càng, cho… để tác phẩm tạo thành “những cơn lốc nhỏ của sự kiện, của dục vọng, của tình cảm”. Bên cạnh đó tác giả cũng xem xét hệ thống những từ “thong dong”, “ Ghé lại thong dong dặn dò”, “Tẩy trần vui chén thong dong”… để khẳng định “đó chỉ là khoảnh khắc im ắng giữa hai đầu giông bão” và thời gian sự kỉện Truyện Kiều cơ bản vẫn là “thời gian gấp khúc”.
Giáo sư Trần Đình Sử còn khai thác cách sử dụng từ “đâu”
“ Người đâu gặp gỡ làm chi”
“Thoắt đâu thấy một tiểu kiều”
“ Sự đâu sóng gió bất kỳ”
“ Kiệu hoa đâu đã đến ngoài”
…
Qua cách sử dụng từ “đâu” tác giả đã phát hiện “cứ mỗi tiếng đâu như vậy xuất hiện là báo hiệu hay tổng kết một thay đổi lớn, không thể đảo ngược, mà phần nhiều là báo hiệu một thảm hoạ…”. Từ đâu còn được so sánh với chữ đâu nghi vấn cảm thán (Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà, Từ công hờ hững biết đâu) để thấy sự khác biệt. Đâu trong những câu nghi vấn cảm thán là chỉ trạng thái con người nói chung chứ không thể hiện trạng thái con người nhỏ bé, bất lực trước cơn lốc cuộc đời.
Khi khai thác về thời gian trần thuật, Giáo sư Trần Đình Sử đã chứng minh hệ thống tính thời gian bằng những từ chỉ thời gian như: Bóng tà, gương nga, bóng nguyệt…
Một điểm đặc sắc khác trong khi nghiên cứu hệ thống ngôn ngữ để tìm ra thời gian nghệ thuật của Nguyễn Du là Giáo sư Trần Đình Sử đã phát hiện ra cách sử dụng từ “bây giờ”. Bây giờ được phân tích với một loạt các ý nghĩa: Mang chiều sâu, rộng của quá khứ và tương lai, bây giờ đầy lạc quan, hứa hẹn, bây giờ tổng kết niềm tin, bây giờ xót xa, vời vợi… Từ đó thời gian đã tổng kết: “Khám phá cái bây giờ chính là Nguyễn Du đi vào nội tâm nhân vật, đi vào cái cá biệt không lặp lại của không gian và thời gian. Nó cho thấy bên cạnh dòng thời gian sự kiện, Truyện Kiều có thêm dòng thời gian tâm trạng… Khám phá cái bây giờ, chứng tỏ nhà văn đã biết nhìn nhân vật theo điểm nhìn của nhân vật, nhìn nhân vật từ bên trong…”
Qua những thống kê ở trên có thể thấy Giáo sư Trần Đình Sử đã rất kỳ công trong việc nghiên cứu, lựa chọn và tổng hợp những tín hiệu ngôn ngữ nổi bật, lặp đi lặp lại trong Truyện Kiều để chứng minh cho những luận điểm về quan niệm thời gian của Nguyễn Du. Quan trọng hơn, việc tổng hợp, phát hiện xuất phát từ chính văn bản ngôn từ của tác phẩm đã thể hiện một phương pháp nghiên cứu khoa học, hiện đại, có cơ sở và tạo sức thuyết phục cao cho người đọc.
3. Thời gian nghệ thuật được nghiên cứu bằng phương pháp so sánh, đối chiếu
Trong giáo trình dẫn luận thi pháp học, Giáo sư Trần Đình Sử đã khẳng định:
“ Thi pháp học so sánh là một hướng nghiên cứu quan trọng”. Tìm hiểu về thời gian trong Truyện Kiều, Giáo sư Trần Đình Sử đã có những so sánh rất khoa học và tinh tế.
Trước hết, khi tìm hiều về quan niệm thời gian tuần hoàn, tác giả đã so sánh với đạo Phật “thời gian này trở thành chuỗi luân hồi, báo ứng, nhân quả”, trong “Tam Quốc diễn nghĩa” là “thế lớn chia lâu phải hợp, hợp lâu phải chia”, quan niệm “khổ hết sướng đến, vinh nhục xoay hết vòng này đến vòng khác” trong Hồng Lâu Mộng và kết cấu chung “Hội ngộ - tai biến – đoàn tụ” trong truyện Nôm của Việt Nam. So sánh đề thấy Truyện Kiều cũng nằm trong mạch quan niệm chung đó nhưng vẫn có những khác biệt. Tác giả đã phát hiện “Kiều có lẽ là nhân vật suy nghĩ về tương lai nhiều nhất trong truyện Nôm” và “chỗ cảm thụ sâu sắc nhất trong cảm thụ thời gian của Nguyễn Du là đã thể hiện tính không đảo ngược của những mất mát, đau khổ của con người…". Cũng theo tác giả: “Điểm nổi bật của Truyện Kiều so với nhiều truyện Nôm khác là đã có một hệ thống tính thời gian: năm, tháng ngày, mà đáng kể nhất là thời gian bằng ngày, buổi”.
Tuy nhiên những so sánh quan trọng nhất là khi tác giả so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Về việc xây dựng tương quan giữa thời gian và sự kiện, thời gian đã so sánh. “Thanh Tâm Tài nhân kể chuyện, trình bày sự kiện như một chuỗi sự việc liên tục, giản đơn, theo kiểu: “Than xong, khách liền đi mua quan tài”…đây là một lối kể chuyện cực kỳ tẻ nhạt… hầu như không có cả cảm giác về nhịp điệu thời gian bốn mùa, không có mối liên hệ giữa cảm xúc của nhân vật và thời tiết…” Với Nguyễn Du thì …“đã xây dựng một dòng thời gian thiên nhiên nhịp nhàng tuôn chảy”. Tác giả đã chứng minh bằng buổi du xuân trong Kim Vân kiều truyện vỏn vẹn mấy dòng nhưng Nguyễn Du đã tả cảnh trong 20 dòng với những câu thơ đẹp, giàu sức biểu cảm.
Giáo sư còn so sánh về cách tính thời gian giữa Kim Vân kiều truyện và Truyện Kiều. Dẫn ra các sự kiện, tác giả đã khẳng định thời gian sự việc theo lời kể của Thanh Tâm tài nhân hết sức rõ ràng nhưng trong Truyện Kiều thời gian mang tính ước lệ, mùa thu có khi kéo dài đến 5, 6 tháng. Nhiều đoạn trong Kim Vân kiều truyện không nói rõ về thời gian là mùa nào, Thanh Tâm tài nhân không có cảm nhận về thời gian nhưng trong Truyện Kiều lại hết sức rõ ràng. Và tác giả đã kết luận: “Tính ước lệ của thời gian… không phải bắt nguồn từ truyện của Thanh Tâm tài nhân, mà bắt nguồn từ cảm nhận thời gian của Nguyễn Du…” và khẳng định: “Đây là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du”.
Qua những so sánh trên đây Giáo sư Trần Đình Sử đã góp phần thể hiện rõ những nét chung cũng như nét riêng trong cảm nhận về thời gian của Nguyễn Du so với Thanh Tâm tài nhân cũng như các tác giả truyện Nôm khác. Qua đó, khẳng định được tài năng cũng như sức sáng tạo của đại thi hào.