1.1. Từ trước đến nay, trong nghiên cứu văn học, người ta chú ý
đến thể loại văn học đã rõ ràng. Bộ phận văn học nằm giữa ranh giới
với các thể loại khác thường bị bỏ quên. Du kí Việt Nam đã nằm
trong trường hợp đó.
1.2. Đầu của thế kỉ XXI, du kí được các nhà nghiên cứu trong và
ngoài nước quan tâm. Trong văn học Việt nam, du kí đã bùng phát
hai lần: lần thứ nhất vào nửa đầu thế kỉ XX, lần thứ hai vào đầu thế kỉ
XXI. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, du kí chưa được nghiên
cứu một cách đầy đủ và nghiêm túc. Vì thế, ở Việt Nam, chưa có
công trình lí luận và lịch sử dành riêng về du kí. Chúng tôi muốn đặt
vấn đề: làm sao để tháo gỡ những đường ranh thể loại du kí với các
thể loại khác? Làm sao để xác định đặc điểm của du kí không phải
bằng sự suy lí mà bằng cách khảo cứu thực tiễn sáng tác của nó?.
54 trang |
Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 1461 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
-------------------------
NGUYỄN HỮU LỄ
ĐẶC ĐIỂM DU KÍ VIỆT NAM
NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 62220121
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ VÀ
VĂN HOÁ VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. Trần Thái Học
Huế - 2015
NGUYỄN HỮU LỄ
CHARACTERISTICS OF VIETNAM
TRAVEL WRITING IN THE FIRST HALF
OF THE TWENTIETH CENTURY
Specialization: Vietnam Literature
Code : 62 22 01 21
A SUMMARY OF DISSERTATION ON
VIETNAMESE LANGUAGE AND
CULTURE
The scientific guidance:
Associate Prof. Dr. Trần Thái Học
Huế, 2015
NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Nguyễn Hữu Lễ, “Yếu tố kì ảo trong du kí Việt Nam nửa đầu thế
kỉ XX”, Kỉ yếu hội thảo Yếu tố kì ảo và huyền thoại trong văn học,
Đại học Khoa học Huế, 5/2013.
2. Nguyễn Hữu Lễ, “Phong cách du kí Nguyễn Đôn Phục”, Tạp chí
Khoa học Đại học sư phạm Hà Nội, Số 3/2014.
3. Nguyễn Hữu Lễ, “Một số vấn đề phong cách thể loại của du kí”,
Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Số 6/2014.
4. Nguyễn Hữu Lễ, “Một số vấn đề thi pháp thể loại của du kí”, Tạp
chí Khoa học Đại học Huế, Tập 95, Số 7/2014.
5. Nguyễn Hữu Lễ, “Bút pháp nghệ thuật du kí Mãn Khánh Dương
Kỵ”, Tạp chí Sông Hương, Số 305, 7/2014.
6. Nguyễn Hữu Lễ, “Những vấn đề thể loại của du kí”, Tạp chí
Nghiên cứu Văn học, Số 8/2014.
7. Nguyễn Hữu Lễ, "Vấn đề thể tài du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ
XX", Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Số 5/2015.
MINISTRY OF EDUCATION AND TRAINING
HUE UNIVERSITY
COLLEGE OF SCIENCE
-------------------------
THE LIST OF THE WORKS PUBLISHED BY THE AUTHOR
RELATED TO THE TOPICS OF THE THESIS
1. Nguyen Huu Le (2013), "The magical element in Vietnam travel
writing in the first half of the twentieth century", Proceedings of
Scientific Conference "The magic element and myth in literature",
Hue.
2. Nguyen Huu Le (2014), "Nguyen Don Phuc's style travel writing",
Journal of science of HNUE, Vol. 59, No 3, pp. 39 – 47.
3. Nguyen Huu Le (2014), "Some issues on language style of travel
writing", Journal of Language and Life, No 224, pp. 58 – 65.
4. Nguyen Huu Le (2014), "Some issues of genre – poetics of travel
writing", Journal of science Hue university, Vol. 95, No. 7, 163 – 179.
5. Nguyen Huu Le (2014), "The art style of Man Khanh Duong Ky
travel writing", Song Huong Journal, No. 305, pp. 72 – 79.
6. Nguyen Huu Le (2014), "Some issues on the genre of travel
writing", Literary journals, No. 8, pp. 52 – 62.
7. Nguyen Huu Le (2015), "The subject matter in Vietnam travel
writing in the first half of the twentieth century", Literary journals,
No. 5, pp. 104 – 115.
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Từ trước đến nay, trong nghiên cứu văn học, người ta chú ý
đến thể loại văn học đã rõ ràng. Bộ phận văn học nằm giữa ranh giới
với các thể loại khác thường bị bỏ quên. Du kí Việt Nam đã nằm
trong trường hợp đó.
1.2. Đầu của thế kỉ XXI, du kí được các nhà nghiên cứu trong và
ngoài nước quan tâm. Trong văn học Việt nam, du kí đã bùng phát
hai lần: lần thứ nhất vào nửa đầu thế kỉ XX, lần thứ hai vào đầu thế kỉ
XXI. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, du kí chưa được nghiên
cứu một cách đầy đủ và nghiêm túc. Vì thế, ở Việt Nam, chưa có
công trình lí luận và lịch sử dành riêng về du kí. Chúng tôi muốn đặt
vấn đề: làm sao để tháo gỡ những đường ranh thể loại du kí với các
thể loại khác? Làm sao để xác định đặc điểm của du kí không phải
bằng sự suy lí mà bằng cách khảo cứu thực tiễn sáng tác của nó?.
1.3.Trải qua quá trình hình thành và phát triển, du kí Việt Nam
đã tồn tại như một thể loại văn học. Đến nửa đầu thế kỉ XX, có sự
xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm du kí đăng trên các báo và tạp chí.
Sức hấp dấn của du kí đã thu hút nhiều nhà báo, nhà văn, học sinh, du
khách bởi sự mới mẻ của thể loại này. Trong quá trình hiện đại hóa
văn học nửa đầu thế kỉ XX, du kí là bộ phận văn học đã từng có vị
thế trên văn đàn và có nhiều đóng góp quan trọng. Du kí Việt Nam
nửa đầu thế kỉ XX cần phải được nghiên cứu một cách đầy đủ và
nghiêm túc để làm sáng tỏ một số vấn đề : loại hình, thể loại, đặc
trưng và vị trí của nó đối với quá trình phát triển của lịch sử văn học
dân tộc.
Từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: Đặc điểm du kí
Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Với đề tài "Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX",
công việc nghiên cứu của luận án nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể
sau đây:
2.1. Xác lập cách hiểu hợp lí về thể loại, khái niệm du kí, xây
dựng các vấn đề lí thuyết về thể loại. Những vấn đề này là căn cứ để
nghiên cứu lịch sử và đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
2.2. Việc nghiên cứu phải xác định những đặc điểm cơ bản
của du kí Việt Nam về nội dung và hình thức.
2.3. Chỉ ra được các phong cách tiêu biểu của thể loại du kí
trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án là du kí Việt Nam nửa
đầu thế kỉ XX. Đó là những tác phẩm du kí đăng trên các tạp chí nửa
đầu thế kỉ XX: Nam Phong, Tri Tân, Phụ nữ Tân văn, An Nam, Nam
Kỳ, Thanh Nghị, Tao Đàn, Tiểu thuyết thứ bảy, và các ấn phẩm du
kí xuất bản từ trước tới nay được sáng tác trong giai đoạn này.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
2.2.1. Phạm vi nghiên cứu lí thuyết của luận án là những vấn đề
lí thuyết về thể loại và lịch sử văn học.
2.2.2. Phạm vi nghiên cứu tư liệu của luận án bao gồm các tác
giả tiêu biểu và những tác phẩm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
- Để việc nghiên cứu có tính hệ thống, chúng tôi xem xét những
tác phẩm du kí Việt Nam trước thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI.
- Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX có sự phong phú về nội
dung, đa dạng về hình thức, có nhiều tác giả có phong cách độc đáo.
Du kí Việt Nam giai đoạn này có ba loại hình: du kí có yếu tố Hán,
du kí mang phong cách hiện đại, du kí chứa yếu tố hư cấu, tưởng
tượng. Nhiệm vụ đặt ra của Luận án là phải lựa chọn và giới thiệu
được các tác giả tiêu biểu.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp lịch sử
4.2. Phương pháp cấu trúc – hệ thống
4.3. Phân tích - tổng hợp
4.4. So sánh đối chiếu
4.5. Các phương pháp liên ngành: Thi pháp học, Phong cách
học, Văn bản học, Mĩ học tiếp nhận.
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Về lí luận
- Luận án chỉ ra những điểm chưa thống nhất trong cách hiểu
khái niệm và thể loại du kí. Từ đó, Luận án xác lập một quan niệm
mới: du kí là một thể loại văn xuôi thuộc loại hình tự sự. Du kí có
đầy đủ đặc điểm của một thể loại và có khả năng tiếp nhận phương
thức phản ánh hiện thực của một số thể loại khác. Nó có khả năng
ảnh hưởng trở lại với những thể loại khác.
- Luận án đã xây dựng được một số vấn đề lí thuyết thể loại
của du kí, điều mà từ trước tới nay chưa có trong các sách lí luận văn
học ở Việt Nam.
5.2. Về thực tiễn
- Sưu tầm nhiều tác phẩm du kí, trong đó có các tác phẩm
chưa được phát hiện. Đây là những sản phẩm quí giá làm giàu di sản
văn học dân tộc.
- Dựa trên phân tích các đặc điểm phong cách thể loại, chúng
tôi đưa ra những căn cứ để phân biệt tác phẩm du kí với các tác phẩm
của thể loại khác và chỉ ra những tác phẩm không phải là du kí đã
gây hiểu nhầm cho nhiều người.
- Luận án tiếp cận du kí trên phương diện nội dung và hình
thức để dựng lại diện mạo của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX với
những đặc trưng cơ bản của nó. Việc nghiên cứu về phong cách tác
giả càng khẳng định du kí nửa đầu thế kỉ XX là bộ phận văn học
quan trọng.
- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu
tham khảo để biên soạn giáo trình, tài liệu học tập và nghiên cứu cho
các ngành: văn học, văn hóa học, du lịch.
6. Cấu trúc luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, luận án có tất cả 5
chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2: Vấn đề lí thuyết thể loại và lịch sử du kí Việt Nam
Chương 3: Đặc điểm nội dung của du kí Việt Nam nửa đầu thế
kỉ XX
Chương 4: Đặc điểm nghệ thuật của du kí Việt Nam nửa đầu thế
kỉ XX
Chương 5: Các phong cách du kí Việt Nam tiêu biểu nửa đầu thế
kỉ XX
NỘI DUNG
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Về khái niệm và thể loại của du kí
1.1.1. Ở nước ngoài
Những năm 90 của thế kỉ XX, Nghiên cứu và phê bình du kí
phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, nhiều
học giả trên thế giới xem du kí là một thể của văn học du lịch. Các
khái niệm về du kí đều xoay quanh vấn đề này.
Vấn đề định nghĩa du kí phụ thuộc vào quan niệm về thể loại
của du kí. Ở nước ngoài, vấn đề khái niệm và thể loại của du kí được
tiếp cận ở hai quan niệm: hư cấu và không hư cấu.
Về thể loại, không có quan điểm cho rằng du kí là tiểu loại, trái
lại còn coi du kí lớn hơn thể loại, nó bao gồm nhiều tiểu loại khác
nhau.
Có người còn cho rằng du kí nằm giữa lằn ranh "giữa quan sát
khoa học và tiểu thuyết" (Tim Youngs)
Mặc dù có những quan niệm khác nhau về du kí, có khi trái
ngược nhau nhưng những định nghĩa của những nhà nghiên cứu nước
ngoài nói trên không coi du kí là sự ghi chép của người du lịch. Họ
quan niệm du kí là một thể loại văn học, nó dung nạp các phương
thức biểu hiện của các thể loại khác. Như vậy, nội dung của tác phẩm
du kí lớn hơn nhiều so với những gì mà tác giả thể hiện trong văn bản.
1.1.2. Ở trong nước
Đầu thế kỉ XX, thể loại du kí còn xa lạ với nhiều người.
Quan niệm về du kí được nói đến tiên là Phạm Quỳnh. Ông cho rằng:
phải có cuộc hành trình xa, nhiều ngày mới viết được du kí. Còn Vũ
Ngọc Phan đã thừa nhận có văn du kí nhưng chưa khẳng định tính thể
loại của du kí. Nhiều người khi nghiên cứu tác phẩm Thượng kinh kí
sự của Lê Hữu Trác, họ gọi nó bởi nhiều tên khác nhau : du kí, kí sự,
truyện kí lịch sử, bút kí,...
Du kí được giới nghiên cứu và phê bình văn học bàn bạc với tư
cách thể loại vào những năm 60 của thế kỉ XX. Dựa trên quan điểm
của các nhà lí luận Liên-xô và Trung Quốc, các học giả Việt Nam
chia văn học thành bốn thể loại: thơ, truyện, kịch, kí. Du kí được xem
là tiểu loại của thể loại kí. Quan điểm đó vẫn duy trì cho đến ngày
nay.
Gần đây, du kí được định danh là thể tài nhưng không tách ra
khỏi thể loại kí để tồn tại như một thể loại.
1.2. Về du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX
1.2.1. Ở nước ngoài
Khi phân tích tạp chí Nam Phong, trong luận án của mình, Phạm
Thị Ngoạn chỉ nói đến du kí nhưng không đưa ra định nghĩa thể loại
hay chỉ ra đặc điểm của du kí.
1.2.2. Ở trong nước
Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã có nhiều người tiếp cận
trên phương diện thể tài. Nguyễn Hữu Sơn có nhiều bài đăng trên các
báo và tạp chí.
Ngoài ra, du kí giai đoạn này còn được tiếp cận trên phương
diện văn hóa, ngôn ngữ nhưng vẫn dựa trên quan điểm: du kí là tiểu
loại của thể loại kí.
1.3. Nhận định về những vấn đề đặt ra từ tổng quan tình
hình nghiên cứu
So sánh du kí với các thể loại khác, chúng tôi đồng ý với nhiều
người coi du kí là một thể loại. Chúng tôi cũng xác định các yếu tố
chủ quan mang tính nghệ thuật của du kí và đưa ra khái niệm:
Du kí là thể loại văn học, viết về cuộc hành trình hay liên quan
đến cuộc hành trình với mục đích nào đó và thường phản ánh hiện
thực bằng các phương thức tự sự và phi tự sự như: ghi chép, miêu tả,
tường thuật, kể chuyện, dựng đối thoại,... Trong một số trường hợp,
du kí có thể vận dụng các phương thức phản ánh của hội họa, nhiếp
ảnh, điện ảnh, truyền hình, ... các phương thức thu nhận thông tin
khoa học như: khảo cứu, điều tra, thống kê tư liệu, có khi đi kèm
với các phương thức biểu cảm. Nhân vật trung tâm của tác phẩm du
kí vừa là chủ thể, vừa là khách thể, đồng thời là người kể chuyện.
Ngoài nội dung thông tin, nội dung biểu cảm, tác phẩm du kí còn
chứa đựng văn hóa cá nhân tại thời điểm tiếp xúc văn hóa của chủ
thể với hiện thực ở nơi mà lần đầu tiên chủ thể khám phá hoặc trải
nghiệm nó.
Đối với những tác phẩm du kí sử dụng chất liệu ngôn từ, du kí
chịu ảnh hưởng của các thể loại khác như: bút kí, hồi kí, tùy bút, tản
văn, biền văn, phóng sự, kí sự,... nên trong một số tác phẩm đã có
hiện tượng giao thoa thể loại. Dựa trên những đặc trưng phổ quát,
du kí có thể phân biệt được với các thể loại gần gũi với nó. Du kí bao
giờ cũng tồn tại trong một cấu trúc bị chi phối bởi cuộc hành trình.
Những yếu tố như thời gian, không gian, nhân vật trong tác phẩm du
kí luôn đảm bảo tính khách quan.
Chương 2: VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT THỂ LOẠI VÀ LỊCH
SỬ DU KÍ VIỆT NAM
2.1. Thi pháp thể loại du kí
2.1.1. Cốt truyện
Vấn đề cốt truyện đã được các nhà nghiên cứu đưa ra những
cách lí giải khác nhau. Cách hiểu hiện đại coi cốt truyện du kí là hành
trình của nhân vật di chuyển qua các không gian khác nhau. So sánh
cốt truyện du kí với cốt truyện của truyện kể: cốt truyện của du kí
phụ thuộc người trần thuật; cốt truyện truyện kể phụ thuộc vào nhân
vật. Vì vậy, trong tác phẩm du kí, người kể chuyện đóng vai trò quan
trọng đối với cốt truyện, tức là điều khiển câu chuyện theo một ý đồ
nhất định.
2.1.2. Kết cấu
Kết cấu của tác phẩm du kí là kết cấu một chiều, theo nguyên tắc
trật tự của thời gian. Nó có thể bỏ qua một khoảng thời gian nào đó
chứ không quay trở lại. Tọa độ của kết cấu chính là điểm giao nhau
của hai trục: trục tung để liên kết các sự kiện trong cuộc hành trình,
trục hoành là các khoảng cách văn hóa được xác lập ở người đọc
trong mối quan hệ giữa tác giả và độc giả.
Đặc trưng cấu trúc của du kí là cấu trúc khúc đoạn theo trục thời
gian với bốn kiểu kết cấu tiêu biểu: kết cấu trực quan, kết cấu truyện
lồng trong truyện, kết cấu nhật trình, kết cấu đan xen tự sự - trữ tình.
2.1.3. Điểm nhìn trần thuật
Điểm nhìn trần thuật trong du kí là điểm nhìn bên ngoài, nơi chủ
thể lựa chọn nó để phản ánh. Ý đồ của tác giả thể hiện cách lựa chọn,
và ưu tiên các sự kiện xảy ra trong cuộc hành trình.
2.1.4. Thời gian và không gian
Không gian trong du kí có hai loại. Không gian vật lí là không
gian của lộ trình, bao gồm: địa điểm, địa danh, và các yếu tố biểu thị
không gian như: phương tiện đi lại, nhà cửa, đền đài, chùa chiền,
thắng cảnh, cây cối, núi non,... Không gian ý niệm là không gian
mang ý nghĩa của chuyến đi như là sự trở về cội nguồn, trải nghiệm.
Mỗi kiểu đi có cách mô tả không gian khác nhau để thể hiện những ý
niệm khác nhau.
Thời gian trong du kí có hai dạng. Thời gian vật lí là thời gian
tuyến tính. Thời gian ý niệm là thời gian tái hiện không gian quá khứ
để ý niệm rằng: cuộc hành trình còn mang một nghĩa khác. Thời gian
này có khả năng đưa con người vượt ra khỏi trục thời gian của mình
để đến với thời gian khác.
2.1.5. Ngôn từ
Ngôn từ trong du kí là lớp ngôn từ chung. Kiểu ngôn từ trong
các tác phẩm du kí thường gặp trong các văn bản: nhật kí, bức thư
trên lộ trình, bài tạp bút, bài tuỳ bút... Phát ngôn của nhân vật chính
trong du kí là những phát ngôn về đối tượng được nói đến đã lọc qua
tư tưởng
2.2. Khái quát quá trình lịch sử của du kí Việt Nam
Chúng tôi nhận thấy du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX không
phải là một hiện tượng đột phát mà là một quá trình. Có thể xác định
vị trí của du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX trong lịch đại của nó như
sau:
2.2.1.Giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ thứ XVII. Du kí tồn tại
dưới hình thức thơ, phú. Thông qua cuộc hành trình của mình, tác giả
thường bộc lộ cảm xúc của mình về những nơi đến và cả về thế sự.
Về thơ du kí được viết khi đi sứ, đi chơi núi có tác giả Trương Hán
Siêu. Thơ du kí được viết khi đi làm việc quan có tác giả Phạm Sư
Mạnh. Thơ du kí được viết khi đi du ngoạn của Chu Văn An, Hồ
Tông Thốc, Về phú du kí có Trương Hán Siêu, Nguyễn Hãng.
2.2.2. Giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX
Ở thế kỉ XVIII, tiếp nối du kí viết bằng thơ có sự xuất hiện du kí
văn xuôi chữ Hán của: Trịnh Xuân Thụ, Lê Hữu Trác. Đến thế kỉ
XIX, du kí văn xuôi chữ Hán phát triển. Giai đoạn này, đã xuất hiện
một số tác phẩm viết về các chuyến công du ở nước ngoài như: Tây
hành kiến văn kỉ lược (1831) của Lý Văn Phức (1785 - 1849), Hải
trình chí lược (1834) của Phan Huy Chú (1782 - 1840); các tác phẩm
của phái đoàn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản
đi sứ sang Pháp và Tây Ban Nha năm 1863: Như Tây sứ trình nhật kí
(1864) của Phạm Phú Thứ, Như Tây kí (1864) của Ngụy Khắc Đản,
Tây phù nhật kí (1865) của Tôn Thọ Tường ...
2.2.3. Giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX
Đây là giai đoạn phát triển của du kí. Dí xuất hiện trên các tạp
chí: Nam Phong, Tri Tân, Phụ nữ Tân văn, Đội ngũ sáng tác đông
đảo, có nhiều cây bút đã tạo được phong cách riêng như: Phạm
Quỳnh, Nguyễn Đôn Phục, Dương Kỵ,
Du kí giai đoạn này phát triển là do tác động của sự thay đổi văn
hóa và văn học, đó là:
- Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp.
- Sự hình thành văn học và báo chí Quốc ngữ.
- Hoạt động dịch thuật và phê bình.
Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX trải qua các bước phát triển:
- Từ 1900 – 1917. Báo chí in các tác phẩm của quá khứ. Chỉ có
Nguyễn Văn Vĩnh viết Hương Sơn hành trình đăng trên Đông dương
tạp chí.
- Từ 1918 – 1934. Giai đoạn nở rộ của du kí trên tạp chí Nam
Phong. Trong 17 năm tồn tại, Nam Phong có 120 số báo đăng các tác
phẩm du kí trong và ngoài nước. Tạp chí Phụ nữ Tân văn cũng đăng
du kí ngay từ số đầu và đăng nhiều kì. Giai đoạn này xuất hiện nhiều
cây bút du kí chuyên nghiệp như: Phạm Quỳnh, Nguyễn Đôn Phục,
Nguyễn Bá Trác, Phạm Vân Anh (Đào Trinh Nhất), Nguyễn Tiến
Lãng,
Du kí giai đoạn này có đặc điểm: vừa mang yếu tố truyền thống
vừa mang tính hiện đại. Đây là giai đoạn văn học Quốc ngữ đang
hình thành và phát triển.Trong một số tác phẩm du kí có sự ảnh
hưởng của văn học chữ Hán. Sự tiếp nối truyền thống này đã tạo ra ở
du kí Việt Nam sự đa dạng về phong cách thể loại. So với du kí thế kỉ
trước, du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã có những chuyển biến
mạnh mẽ, mang tính hiện đại. Tính hiện đại này thể hiện qua các yếu
tố: chất liệu, thi pháp, phong cách, trào lưu sáng tác,
- Từ 1935 – 1945. khi Nam Phong chấm dứt, du kí vẫn tiếp tục
xuất hiện trên các tạp chí: Tri Tân, Phong Hóa, Thanh Nghị, Nam
Kỳ, Đã có thêm những cây bút vững vàng như: Trần Huy Bá,
Dương Kỵ, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Du kí giai đoạn này đã có sự
ảnh hưởng qua lại với các thể loại văn xuôi khác.
2.2.4. Giai đoạn nửa sau thế kỉ XX
Từ sau năm 1945 đến thập niên 80 của thế kỉ XX, đất nước ta
phải chịu những cuộc chiến tranh liên miên và sự cấm vận của Mĩ, du
lịch không có điều kiện phát triển, du kí vì thế mà không có đất để
sinh sôi.
2.2.5. Giai đoạn từ thập niên cuối thế kỉ XX đến nay
Bắt đầu từ thập niên cuối thế kỉ XX sang thập niên đầu thế kỉ
XXI, du kí xuất hiện trở lại. Du kí giai đoạn này chủ yếu viết trong
các chuyến học tập tham quan ở nước ngoài. Nổi bật giai đoạn này là
sự lên ngôi của các cây bút nữ như: Ngô Thị Giáng Uyên, Dương
Thụy, Trần Thị Khánh Huyền,
Chương 3: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÍ VIỆT NAM
NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX
3.1. Sự phong phú của đề tài
3.1.1. Đề tài khảo cứu văn hóa
Các bài du kí viết về đề tài khảo cứu văn hóa dân tộc trong giai
đoạn này khá đa dạng và thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện
tượng gặp gỡ văn hóa cá nhân và giá trị văn hóa của đối tượng được
khảo cứu như là một cách triển khai đề tài trong tác phẩm.
3.1.2. Đề tài lịch sử
Du kí giai đoạn này còn có nhiều tác phẩm du kí mang đề tài
lịch sử. Khác với đề tài lịch sử trong tiểu thuyết, du kí không chủ ý
để viết về nhân vật hay sự kiện lịch sử. Du kí hướng đến mục đích
thông tin về các địa danh lịch sử và di tích; và giả định rằng những
nơi đó ít người biết, hoặc nếu có biết thì chưa tường tận.
3.1.3. Đề tài danh lam thắng cảnh
Đề tài danh lam thắng cảnh là đề tài mang tính truyền thống
của du kí Việt Nam. Cảnh vật trong du kí giai đoạn này đã có đủ mọi
đối tượng. Cảnh vật thiên nhiên: