Tóm tắt luận án Hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nay đến năm 2020
1. Lý do nghiên cứu: Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tư cách thành viên trong tổ chức này giúp Việt Nam nắm bắt những cơ hội mới để đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu, trong đó xuất khẩu sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ với vị thế mới trên trường quốc tế. Năm 2006 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam: kim ngạch xuất khẩu đạt 39,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch thủy sản đạt mức 3,348 tỷ USD, hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mặt tại 127 thị trường trên thế giới và hoạt động xuất khẩu thủy sản đã tạo ra hiệu quả kinh tế –xã hội lớn lao. Tuy nhiên, từ thực tiễn của hoạt động xuất khẩu thủy sản thời gian qua cũng đã phát sinh nhiều hạn chế và vướng mắc, chẳng hạn như: liên kết giữa các khâu cung ứng nguyên liệu – thu mua – chế biến trong nước lỏng lẻo; chất lượng thủy sản xuất khẩu chưa ổn định, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ, an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu mục tiêu, các doanh nghiệp trong nước chưa phát huy tính cộng đồng trong kinh doanh; các nước nhập khẩu đưa ra nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật như tên gọi hàng hóa, dư lượng kháng sinh, hệ thống đảm bảo chất lượng, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá các tranh chấp thương mại cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại thủy sản. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là Việt Nam chưa triển khai hệ thống giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản một cách bền vững. Yêu cầu cấp thiết của thực tế đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ giữa các yếu tố trong từng khâu và giữa các khâu trong toàn chuỗi hoạt động liên quan đến xuất khẩu thủy sản, gồm: nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Chính vì vậy tác giả đã chọn thực hiện luận án với đề tài: “Hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nay đến năm 2020”. 2. Mục đích nghiên cứu: - Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định cần phải đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tình hình mới, - Phân tích những kết quả đạt được và các yếu tố tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trên cơ sở đánh giá tình hình xuất khẩu thủy sản thời gian qua. - Đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nay đến năm 2020. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài: - Đối tượng nghiên cứu: nghiên cứu hoạt động xuất khẩu thủy sản của các chủ thể trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nhưng do điều kiện nghiên cứu, việc khảo sát được thực hiện chủ yếu tại các tỉnh, thành phía nam. - Phạm vi nghiên cứu: nghiên cứu tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ năm 1990 đến năm 2006; các giải pháp đề xuất sẽ được áp dụng từ nay cho đến năm 2020. 4. Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện các mục tiêu đề ra, luận án đã sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với định lượng, các phương pháp nghiên cứu duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, mô tả, phân tích và thống kê để xử lý số liệu, kết hợp nghiên cứu tại bàn và nghiên cứu tại hiện trường. Đặc biệt, để thực hiện Luận án, tác giả đã sử dụng phương pháp chuyên gia và phương pháp điều tra xã hội học với 3 cuộc khảo sát công phu: khảo sát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản (297 doanh nghiệp), khảo sát các hộ nuôi trồng thủy sản (258 hộ) và cuộc khảo sát kiểm chứng (297 doanh nghiệp và 258 hộ đã tham gia những cuộc khảo sát trước đó). Kết quả khảo sát được xử lý bằng phần mềm SPSS. 5. Những đóng góp khoa học mới của luận án: - Đánh giá toàn diện thực trạng xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 1990 - 2006, đặc biệt rút ra những điểm mạnh, các hạn chế, rào cản, vướng mắc trong quá trình đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh cạnh tranh mới trên phạm vi khu vực và thế giới, - Đưa ra một số quan điểm mới làm cơ sở cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản: đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện mới phải đáp ứng tốt hiệu quả kinh tế xã hội toàn diện, dựa trên một hệ thống giải pháp triển khai đồng bộ giúp thủy sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới một cách chủ động, tích cực trong đó cần quan tâm thích đáng đến môi trường kinh doanh quốc tế, liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà thương lái cần xác lập cơ chế và mô hình cụ thể, phù hợp với thực tiễn mới của ngành thủy sản. - Đưa ra hệ thống giải pháp đưa ra đảm bảo tính đồng bộ giữa các yếu tố trong toàn bộ quy trình xuất khẩu thủy sản. Đặc biệt, các giải pháp đưa ra đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng của môi trường thương mại quốc tế về thủy sản hiện nay, trong điều kiện các rào cản phi thuế quan ngày càng được áp dụng rộng rãi, các tranh chấp thương mại diễn ra thường xuyên hơn khi thị phần của thủy sản xuất khẩu Việt Nam tăng lên, môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt hơn. - Đề xuất thành lập Hội đồng Điều hành phát triển thủy sản vùng, đảm bảo sự chỉ đạo nhạy bén, kịp thời của Nhà nước trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường trên cơ sở khai thác triệt để sức mạnh của tính tự quản từ cộng đồng nhằm đảm bảo thủy sản sạch và an toàn “từ ao nuôi đến bàn ăn”. 6. Bố cục của luận án: Luận án gồm 169 trang, 31 bảng, hình, 4 phụ lục. Nội dung được trình bày trong 3 chương: - Chương 1: Sự cần thiết phải xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế . - Chương 2: Tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian qua. - Chương 3: Hệ thống giải pháp đồng bộ đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nay đến năm 2020.