1.1. E. Hemingway (1899 – 1961) là nhà văn lớn của nhân loại thế kỉ XX. Ông để lại ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc không chỉ ở các sáng tác văn chương mà còn qua chính cuộc đời mình.
1.2. E. Hemingway luôn có những tìm tòi, khám phá để phản ánh lên trang viết của mình sự đa dạng của cuộc sống con người. Để lại cho nhân loại một di sản văn học tuy không nhiều về số lượng, không phong phú về thể loại, nhưng E. Hemingway đã chuyển tải được nhiều vấn đề bức thiết, có tính muôn thuở của nhân loại trong tác phẩm của mình.
27 trang |
Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 2101 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway từ góc độ nữ quyền luận, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
LÊ LÂM
NHÂN VẬT NỮ TRONG TÁC PHẨM
CỦA ERNEST HEMINGWAY
TỪ GÓC ĐỘ NỮ QUYỀN LUẬN
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số : 62.22.01.20
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
HÀ NỘI, 2015
LUẬN ÁN ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. LÊ HUY BẮC
Phản biện 1: PGS.TS. Trần Khánh Thành
Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội
Phản biện 2: PGS.TS. Nguyễn Văn Dân
Viện Thông tin KHXH - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Phản biện 2: TS. Nguyễn Thị Kiều Anh
Trường ĐHSP Hà Nội 2
Luận án sẽ được bảo vệ trước hội đồng chấm luận án họp tại
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 136 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội
vào giờ ngày tháng năm 2015
Có thể tìm đọc luận án tại
Thư viện Quốc gia Hà Nội
Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. E. Hemingway (1899 – 1961) là nhà văn lớn của nhân loại thế kỉ XX. Ông để lại ấn tượng mạnh mẽ trong người đọc không chỉ ở các sáng tác văn chương mà còn qua chính cuộc đời mình.
1.2. E. Hemingway luôn có những tìm tòi, khám phá để phản ánh lên trang viết của mình sự đa dạng của cuộc sống con người. Để lại cho nhân loại một di sản văn học tuy không nhiều về số lượng, không phong phú về thể loại, nhưng E. Hemingway đã chuyển tải được nhiều vấn đề bức thiết, có tính muôn thuở của nhân loại trong tác phẩm của mình.
1.3. Tại Việt Nam, E. Hemingway là một trong số ít những nhà văn nước ngoài được đầu tư dịch thuật, nghiên cứu kỹ nhất. Con số đầu sách xuất bản và đặc biệt là số lần dịch lại các tác phẩm của ông đã cho thấy mối quan tâm của độc giả, những người làm công tác nghiên cứu, phê bình, dịch thuật đối với nhà văn này.
1.4. Nhiều ý kiến nhận định về một “thế giới đàn ông không có đàn bà” trong các tác phẩm của E. Hemingway. Có ý kiến cho rằng E. Hemingway có ác cảm với phụ nữ.
Triển khai đề tài, chúng tôi mong muốn mang tới một cái nhìn đầy đủ hơn về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway. Chứng minh một khía cạnh khác: trong thế giới hình tượng mà E. Hemingway xây dựng, nữ nhân vật vẫn chiếm một vị trí quan trọng như một phần tất yếu của cuộc sống. Nhân vật nữ trong các tác phẩm của ông đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển tải ý đồ nghệ thuật của nhà văn.
1.5. Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã vận dụng lí thuyết phê bình văn học nữ quyền để nhìn nhận về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway, đặc biệt là những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI phương thức này trở thành phổ biến. Nó tạo nên những cách nhìn nhận mới, tranh luận mới trong việc nghiên cứu tác phẩm của E. Hemingway đối với cả những vấn đề tưởng như đã an bài.
2. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu nhân vật nữ của E. Hemingway trong truyện ngắn và tiểu thuyết, để làm nổi bật các hình tượng nhân vật nữ đặc thù của E. Hemingway và những vấn đề có liên quan.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
– Khái lược, tổng hợp lại những nét chính của lí thuyết nữ quyền.
– Xác định hệ thống nhân vật nữ và vai trò của chúng trong tác phẩm của E. Hemingway.
– Từ lí thuyết “phê bình nữ quyền”, lý giải một số đặc điểm về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway.
– Định dạng nhân vật nữ của E. Hemingway trong truyền thống văn học Mỹ.
2.3. Phạm vi nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu những tác phẩm của E. Hemingway đã được dịch ở Việt Nam, có đối chiếu nguyên bản (khi cần thiết) và mở rộng sang những tác phẩm khác chưa được dịch.
3. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi vận dụng một số phương pháp cơ bản sau: Phương pháp hệ thống; Phương pháp so sánh đối chiếu; Phương pháp phân tích, tổng hợp; Phương pháp lịch sử; Phương pháp liên ngành.
4. Đóng góp của luận án
4.1. Luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway một cách hệ thống.
4.2. Hệ thống hóa một số nét về hình tượng nhân vật nữ trong tiến trình văn học Mỹ.
4.3. Làm rõ vấn đề nhân vật nữ trong tác phẩm của E. Hemingway.
4.4. Cung cấp thêm một cách tiếp cận tác phẩm của E. Hemingway.
5. Cấu trúc của luận án
Để nghiên cứu đề tài, ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, tài liệu tham khảo, chúng tôi triển khai luận án theo bốn chương như sau:
Chương một: Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Chương hai: Khái niệm Nữ quyền luận và nhân vật nữ của Ernest Hemingway trong truyền thống nữ quyền văn học Mỹ
Chương ba: Tương quan nhân vật nữ - nam
Chương bốn: Nữ quyền qua định dạng kiểu nhân vật nữ
Chương 1
TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước về Hemingway
Chúng ta đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỉ tiếp nhận và nghiên cứu tác phẩm của Hemingway. Ông là một trong số những tác giả văn học nước ngoài được nghiên cứu nhiều nhất tại Việt Nam. Nhiều nội dung trong tác phẩm của Hemingway đã được đề cập, tuy nhiên vấn đề nhân vật nữ trong tác phẩm của ông chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, thỏa đáng.
Có thể thấy ở giai đoạn đầu tiên, giới nghiên cứu tập trung giới thiệu về thân thế, cuộc đời, các tác phẩm tiêu biểu của Hemingway. Giai đoạn sau, tập trung vào các nội dung: Nguyên lí Tảng băng trôi, nghệ thuật đối thoại, nghệ thuật độc thoại nội tâm, nghệ thuật tượng trưng, nghệ thuật thể hiện nhân vật, nghệ thuật sử dụng không gian, thời gian... Chưa có công trình nào lựa chọn nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway như một khách thể độc lập để nghiên cứu.
Dưới đây, chúng tôi điểm qua một số nội dung có liên quan:
Năm 1985, ở phần lời giới thiệu cuốn Ernest Hemingway – Một ngày chờ đợi do Hội Văn nghệ Nghĩa Bình xuất bản, Mai Quốc Liên đã nói về khuynh hướng xã hội thể hiện qua nhân vật Magaret (Magot) trong tác phẩm Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber.
Năm 1992, giáo trình Văn học phương Tây (tập 3) ra đời, Hemingway mới chính thức được giảng dạy ở nhà trường Việt Nam. Tác giả Đặng Anh Đào đã có những nhận định về nhân vật trong Giã từ vũ khí và Chuông nguyện hồn ai. Đây là gợi ý thiết thực để chúng tôi dựa vào khi đánh giá nhân vật nữ.
Năm 1997, Phan Quang Định viết cuốn Cuộc đời sôi động đam mê của Hemingway. Cuốn sách đã cung cấp một số nội dung quan trọng, đặc biệt là thông tin về các mối quan hệ của Hemingway với phụ nữ.
Lê Đình Cúc trong các ông trình nghiên cứu của mình, đặc biệt là ở cuốn Tiểu thuyết của Hemingway, xuất bản năm 1999 đã có những nhận định trực tiếp về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway.
Lê Huy Bắc tiếp tục khái quát nội dung này trong cuốn Ernest Hemingway – Núi băng và hiệp sỹ, nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1999.
Năm 2001, nhà xuất bản Giáo dục phát hành cuốn Hemingway những phương trời nghệ thuật do Lê Huy Bắc tuyển chọn. Một số tác giả có bài viết trong cuốn sách này như Lê Nguyên Cẩn, Đỗ Hải Phong, Lê Tây... đã đề cập đến nhân vật nữ và những vấn đề có liên quan.
Dẫu còn sơ lược nhưng một số nhận xét đã nêu đúng những đặc điểm về nhân vật nữ trong các tác phẩm của Hemingway. Đặc biệt, hai nhà nghiên cứu Lê Đình Cúc, Lê Huy Bắc đã có những kiến giải cụ thể, chính xác, khoa học về nhân vật nữ trong tác phẩm của ông.
1.2. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài về Hemingway
Việc nghiên cứu nhân vật nữ trong các tác phẩm của Hemingway ở nước ngoài đã được chú trọng hơn nhiều so với Việt Nam. Mặc dù, chúng tôi chưa tìm thấy những công trình độc lập về nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway nhưng có rất nhiều bài viết, nhận định về nội dung này.
Cuốn Tuyển tập các tiểu luận phê bình về Hemingway (Hemingway: A Collection of Critical Esays) do Robert P. Weeks biên soạn, xuất bản năm 1962. Ở hai bài Đàn ông không đàn bà (Men without Women) của Leslie Fiedler và Tình chết trong “Mặt trời vẫn mọc” (The Death of love in “The Sun also Rises”) của Mark Spilka, các tác giả đã đề cập đến một số đặc điểm xây dựng nhân vật trong tác phẩm của Hemingway. Lí giải cách thức thể hiện nhân vật nữ qua hình tượng nhân vật Brett ở Mặt trời vẫn mọc.
Cuốn Ernest Hemingway: Tiếp nhận phê bình (Ernest Hemingway: The Critical Reception), do Robert O. Stephens biên tập, ấn hành năm 1977, trong khi nhận định về cốt truyện, cách thức xây dựng nhân vật, quan hệ giữa các nhân vật trong Mặt trời vẫn mọc, người viết đã có những kiến giải đáng lưu ý về mối quan hệ giữa các nhân vật nữ và nhân vật nam.
Năm 1983, A. Robert Lee biên soạn cuốn Ernest Hemingway: Những tiểu luận mới (Ernest Hemingway: New Critical Essays). Cuốn sách tập hợp một số tiểu luận về những tác phẩm tiêu biểu của Hemingway như Trong thời đại chúng ta, Mặt trời vẫn mọc, Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai... các nhà nghiên cứu đã điểm qua những đặc điểm về nhân vật nữ. Đặc biệt là hai nhân vật Brett trong Mặt trời vẫn mọc và Catherine trong Giã từ vũ khí.
Năm 1984, Đại học Wisconsin ấn hành cuốn Ernest Hemingway – Nhà văn trong bối cảnh (Ernest Hemingway – The Writer in Context) do James Nagel biên soạn. Đáng chú ý là bài Phụ nữ và đánh mất vườn địa đàng, huyền thoại của Hemingway (Women and the Loss of Eden Hemingway’s Mythology) của Carol H. Smith. Tác giả nói về vai trò không thể phủ nhận của nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway.
Năm 1990, Jackson J. Benson biên soạn Những cách tiếp cận phê bình mới với truyện ngắn của Ernest Hemingway (New Critical Approaches to the Short Stories of Ernest Hemingway). Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết thể hiện những điểm nhìn nhận mới trong tiếp nhận truyện ngắn của Hemingway trong đó nhân vật nữ đóng vai trò quan trọng.
Trong cuốn Chú giải “Mặt trời vẫn mọc” (“The Sun Also Rises” Notes), xuất bản tại New York năm 1991, Gary Carey đã tóm lược về tiểu sử nhân vật Brett và nêu một số đặc trưng về ngoại diện cũng như tính cách của nhân vật này.
Tình hình nghiên cứu nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway và những vấn đề có liên quan thật sự khởi sắc trong những năm cuối thế kỉ XX và thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI.
Năm 1996, Đại học Cambridge phát hành cuốn Cẩm nang Cambridge về Ernest Hemingway (The Cambridge Companions to Ernest Hemingway). Đáng chú ý là bài Brett và những người đàn bà khác trong “Mặt trời vẫn mọc” (Brett and the Other Women in “The Sun Also Rises”) của James Nagel và Hemingway và lịch sử giới tính (Hemingway and Gender History) của Rena Sanderson. Các bài viết tập trung phân tích đặc điểm cũng như phân loại nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway.
Năm 2000, Linda Wagner–Martin biên soạn cuốn Hướng dẫn biên niên về Hemingway (Historical Guide to Ernest Hemingway). Một số bài viết đề cập đến vấn đề giới tính trong tác phẩm của Hemingway như: Thời trang của nam tính (The fashion of Machismo) của Marilyn Elkins, Đào tạo giới tính của Hemingway (Hemingway’s Gender Training) của Jamie Barlowe...
Không thể không kể đến cuốn Hemingway và phụ nữ – Phê bình nữ và tiếng nói nữ (Hemingway and Women – Female Critical and the Female Voice), do Lawrence R. Broer và Gloria Holland biên soạn, Đại học Alabama ấn hành năm 2002. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu nữ về Hemingway và các tác phẩm của ông.
Cũng bàn về vấn đề giới tính trong tác phẩm Hemingway, cuốn Cái nhìn phê bình hiện đại về Ernest Hemingway của Bloom (Bloom’s Modern Critical Views Ernest Hemingway) do nhà xuất bản Chelsea House ấn hành năm 2005 có tổng hợp bài Santiago và người phụ nữ bất diệt: Xác định giới Biển trong “Ông già và biển cả” (Santiago and the Eternal Feminine: Gendering La Mar in “The Old Man and the Sea”) của Susan F. Beegel.
Cuốn Ernest Hemingway: Nam tính và khổ dâm (Ernest Hemingway: Machismo and Masochism) của Richard Fantina do Palgrave Macmillan ấn hành năm 2005 đề cập nhiều đến vấn đề mã hóa và giải mã các hình ảnh đại diện cho man (đàn ông) và women (đàn bà) trong tác phẩm của Hemingway, lí giải sự vắng bóng phụ nữ và sự thống trị của các giá trị biểu trưng cho nam giới như đi săn, đấu bò, đấu quyền Anh...
Linda Wagner–Martin tiếp tục cho xuất bản cuốn Ernest Hemingway: Cuộc đời văn chương (Ernest Hemingway: A Literary Life) vào năm 2007. Đây là một số ít trong bài viết đã cung cấp những tư liệu quan trọng về cuộc đời cũng như vấn đề giới tính, nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway.
Năm 2007, Bloom biên tập cuốn Hướng dẫn của Bloom về “Mặt trời vẫn mọc” của Hemingway (Bloom’s Guides Ernest Hemingway’s “The Sun also ries”). Trong sách này có bài Mimi Reisel Gladstein nhìn nhận Brett như người đàn bà phá hoại bất diệt của Hemingway (Mimi Reisel Gladstein on Brett as Hemingway’s Destructive Indestructible Woman) và bài James Nagel nhìn nhận những người phụ nữ khác (James Nagel on the Other Women) thể hiện những đánh giá về nhân vật nữ trong tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc.
Năm 2010, Bloom tiếp tục cho in cuốn Hướng dẫn của Bloom về “Giã từ vũ khí” của Hemingway (Bloom’s Guides Ernest Hemingway’s A Farewell to Arms”). Bài Richard Fantina nhìn nhận Catherine như người đàn bà của Hemingway (Richard Fantina on Catherine as a Hemingway’s Woman) có những kiến giải tương đối cụ thể về nhân vật nữ chính trong Giã từ vũ khí.
Gần đây nhất, trong cuốn Cái nhìn phê bình hiện đại của Bloom về Hemingway (Bloom’s Modern Critical Views Ernest Hemingway) Đại học Yale ấn hành năm 2011, ta cũng bắt gặp nhiều bài viết có đề cập đến giới tính hoặc nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway.
Điểm qua những công trình nghiên cứu về nhân vật nữ trong tác phẩm Hemingway qua mảng tư liệu tiếng Anh, có thể thấy các nhà nghiên cứu nước ngoài tập trung từ hai phương diện chính để nhìn nhận đánh giá nhân vật nữ: Xuất phát từ cái nhìn nữ quyền; xuất phát từ hoàn cảnh xuất thân và những dữ liệu mang dấu ấn phân tâm của Hemingway. Qua đó, chúng ta có thể thấy cái nhìn sâu sắc của Hemingway về thân phận người phụ nữ cũng như mối quan hệ phức tạp giữa hai giới đàn ông – đàn bà trong tác phẩm của ông.
Chương 2
KHÁI NIỆM NỮ QUYỀN LUẬN VÀ
NHÂN VẬT NỮ CỦA ERNEST HEMINGWAY TRONG TRUYỀN THỐNG NỮ QUYỀN VĂN HỌC MỸ
Theo quan điểm của chúng tôi, nữ quyền tác động đến Hemingway trên hai phương diện: như một thực thể xã hội, đời sống, đối tượng miêu tả của văn chương và như một nhân tố chi phối phương thức kiến tạo nhân vật nói chung và nhân vật nữ của Hemingway nói riêng.
2.1. Khái niệm “nữ quyền luận”
Trước hết chúng tôi minh định một số khái niệm cơ bản:
Nữ quyền luận là khái niệm liên quan đến những vấn đề khái quát nhất mang tầm triết học và văn hóa về việc bất bình đẳng giới và cuộc đấu tranh đòi bình đẳng của phụ nữ với nam giới, cũng như thiết lập những tiêu chuẩn riêng của phụ nữ trong cuộc sống...
Trong luận án này, khái niệm nữ quyền luận được chúng tôi giới hạn ở phạm vi phê bình văn học nữ quyền. Những nội dung dưới đây được chúng tôi tổng thuật từ các công trình của Phương Lựu, Lê Huy Bắc, các công trình nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và khảo cứu một số khái niệm về nữ quyền luận trong các từ điển và sách chuyên luận chuyên ngành.
Nữ quyền, hiểu một cách cơ bản nhất là “Quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục...”. Các nhà nghiên cứu thường thống nhất rằng nếu hiểu ở cấp độ rộng thì khái niệm nữ quyền là quyền lợi của người phụ nữ đặt trong mối tương quan với quyền lợi của nam giới để đạt đến cái gọi là nam nữ bình quyền. Ở cấp độ hẹp thì nữ quyền có liên quan đến các khái niệm như giới tính, phái tính trong văn học.
Nữ quyền hướng tới là sự bình đẳng nam nữ, đồng thời tạo ra hệ quy chuẩn riêng, khẳng định nét đặc thù của nữ giới.
Nữ quyền luận là sản phẩm của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, một trong những phong trào đấu tranh lâu dài và rộng khắp nhất của lịch sử nhân loại. Dấu mốc quan trọng để khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa nữ quyền là các phong trào cách mạng tư sản cận đại. Gắn liền với nó là những phong trào đấu tranh của phụ nữ về đòi hỏi được hưởng các quyền và lợi ích như nam giới.
Xuất thân từ các phong trào xã hội, gắn liền với những thay đổi của xã hội (về nhận thức, thể chế, quốc gia, dân tộc), những vấn đề liên quan đến nữ quyền do vậy cũng luôn luôn có những biến đổi. Có lẽ phương diện lý thuyết nữ quyền phù hợp nhất để xem xét vấn đề nhân vật nữ của Hemingway là phương diện mang tính khởi thủy của nữ quyền – Quyền của phụ nữ.
2.2. Nữ quyền và hình tượng nhân vật nữ trong văn học Mĩ
Như đã nêu, Mĩ là một trong những nơi các phong trào đòi quyền lợi cho phụ nữ diễn ra một cách mạnh mẽ và quyết liệt nhất. Cũng do đó nơi đây được coi là điểm phát tích hoặc ủng hộ mạnh mẽ những vấn đề lí thuyết văn học có liên quan đến nữ quyền.
Đến Hemingway, nhân vật nữ trong tiến trình văn học Mỹ đã trải qua một chặng đường dài để hoàn thiện. Nếu nhìn nhận dưới cái nhìn của phê bình văn học nữ quyền, nhân vật nữ trong các tác phẩm văn học Mỹ từ thời kỳ lập quốc đã cho thấy chặng đường đấu tranh giành quyền lợi, xác lập vị thế thế chính trị, xã hội cho nữ giới.
Nếu xét riêng hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway, đặt nó vào dòng chảy của văn học Mỹ, có thể thấy ông đã cống hiến rất lớn trong việc đổi mới phương thức thể hiện loại hình tượng nhân vật này. Dường như ở Hemingway đã có sự dung hòa về những đặc điểm trong cách xây dựng nhân vật nữ của các nhà văn Mỹ.
2.3. Ảnh hưởng của tư tưởng nữ quyền với phương thức thể hiện nhân vật nữ của Ernest Hemingway
Hemingway có một tiểu sử hầu như gắn liền với “nữ quyền”. Ngay từ thời thơ ấu, nhà văn đã được chứng kiến cái gọi là nữ quyền ngay ở gia đình mình: Bà ngoại, mẹ, những người dì của ông là những nhà hoạt động xã hội tích cực ủng hộ các phong trào đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ.
Khi trưởng thành, tham gia vào giới sáng tác, Hemingway cũng được tiếp xúc nhiều với các nhà văn theo xu hướng nữ quyền, thậm chí trong số đó có người còn góp phần định hướng cách viết, đỡ đầu văn chương cho ông.
Cái ảnh hưởng trực tiếp đến Hemingway từ cuộc sống đến văn chương là những nội dung thuộc tư tưởng của chủ nghĩa nữ quyền chứ không phải đơn thuần phê bình nữ quyền trong văn chương. Nữ quyền như là một khách thể của cuộc sống để Hemingway miêu tả nhiều hơn là yếu tố lý thuyết văn chương chi phối sáng tác của nhà văn.
Tiểu kết
Tổng hợp một số đặc trưng của nữ quyền luận đã được các nhà nghiên cứu đề cập, chúng tôi mong muốn chỉ ra những sự tương quan và ảnh hưởng của nó tới phương thức xây dựng hình tượng nhân vật nữ của Hemingway. Đến ông, nữ quyền đã trải qua một chặng đường dài để phát triển cả về mặt xã hội và những lí thuyết mà nó kiến tạo. Tuy nhiên, có thể thấy, giai đoạn nhà văn sống và sáng tác là giai đoạn mà quyền của người phụ nữ cùng với hệ thống lí thuyết đảm bảo cho các hoạt động của nó đạt được những kết quả nổi bật. Hemingway đã chứng kiến điều đó và phản ánh lên trang viết của mình. Nhân vật nữ của ông đã mang hơi thở của nữ quyền như một lẽ tất yếu của cuộc sống xã hội.
Chương 3
TƯƠNG QUAN NHÂN VẬT NỮ – NAM
Không khó để nhận ra thế giới đàn ông – nhân vật nam trong các tác phẩm của Hemingway xuất hiện ở thế áp đảo về số lượng. Có thời điểm các nhà phê bình nữ quyền quy kết Hemingway có thành kiến giới tính ngay trong mối tương quan nam nữ bất bình thường này. Tuy nhiên, nếu lấy một số tiêu chí của nữ quyền để xem xét, số lượng ít ỏi nhân vật nữ không hề làm lu mờ đi vai trò của họ.
3.1. Nhân vật nữ - nam nhìn từ số lượng
Khảo sát hơn năm mươi truyện ngắn và 8 tiểu thuyết của Hemingway, số lượng nhân vật nữ có tên chưa tới con số 30. Số lượng nhân vật nữ không tên cũng tương đương như vậy. Nếu chia theo tỉ lệ, khoảng 2 tác phẩm của Hemingway mới có một nhân vật nữ xuất hiện. Ở góc độ nhân vật trung tâm, cả tiểu thuyết và truyện ngắn của Hemingway có 8 nữ nhân vật.
Lí giải điều này, có ý kiến cho rằng sở dĩ có sự khập khiễng “âm thịnh dương suy” trong tác phẩm của Hemingway là do ông có mối ác cảm với phụ nữ. Một số công trình nghiên cứu ở nước ngoài đã khẳng định điều này.
Từ hiện tượng phụ nữ ít xuất hiện trong tác phẩm của Hemingway, nếu có thì đầy đa đoan, trắc trở, có khi là mối di họa cho những người đàn ông. Một số nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng đây là một hình thức “trả thù” hay chí ít là “phản ứng” của Hemingway với giới nữ.
Nếu chỉ nhìn nhận như vậy quả thật rất khiên cưỡng. Thực tế sáng tác văn chương cho thấy không phải lúc nào không thích một ai đó thì nhà văn sẽ không cho họ xuất hiện trên trang