Nước Mỹ là một quốc gia phát triển và văn minh, nhưng trong lịch sử lại từng tồn tại một chế độ nô lệ tàn ác khi mà những người da đen được đưa đến từ châu Phi xa xôi phải lao động cực nhọc mà không được đối xử như con người. Ngày nay, nhân loại tiến bộ đang hướng tới việc xây dựng một thế giới không phân biệt đối xử, thì đứng dưới góc độ lịch sử, việc nghiên cứu phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ trong thế kỷ XIX (1830 - 1865) vẫn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
25 trang |
Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 2018 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ (1830 – 1865), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
1.Lý do chọn đề tài
Nước Mỹ là một quốc gia phát triển và văn minh, nhưng trong lịch sử lại từng tồn tại một chế độ nô lệ tàn ác khi mà những người da đen được đưa đến từ châu Phi xa xôi phải lao động cực nhọc mà không được đối xử như con người. Ngày nay, nhân loại tiến bộ đang hướng tới việc xây dựng một thế giới không phân biệt đối xử, thì đứng dưới góc độ lịch sử, việc nghiên cứu phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ trong thế kỷ XIX (1830 - 1865) vẫn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Những hoạt động lẻ tẻ đấu tranh chống lại chế độ nô lệ đã khởi phát từ cuối thế kỷ XVIII nhưng phải đến thập niên 30 của thế kỷ XIX nó mới phát triển thành một phong trào rầm rộ cho đến tận năm 1865. Đối với nô lệ da đen, chế độ nô lệ quá khắc nghiệt và tự do với họ là khát khao cháy bỏng nhất. Đối với người da đen tự do, dù không phải là tài sản sở hữu của chủ nô nhưng họ vẫn bị kìm kẹp và cảm thấy khó thở trong xã hội bất công của người da trắng. Còn trong suy nghĩ của những người da trắng miền Bắc dù dưới góc độ kinh tế, tôn giáo hay đạo đức, xã hội thì chế độ nô lệ là đều cần phải xóa bỏ. Ngược lại, các chủ nô ở miền Nam lại muốn duy trì sự tồn tại của chế độ nô lệ. Vào thế kỷ XIX, mâu thuẫn giữa hai miền Nam Bắc nước Mỹ lại càng gay gắt mà đỉnh cao là cuộc Nội chiến lịch sử (1861-1865) và sự tồn tại của chế độ nô lệ chính là nút thắt. Có thể thấy, sở hữu nô lệ và sự tồn tại của chế độ nô lệ là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của các nhóm thế lực đối lập, thậm chí liên quan đến sự bền vững của quốc gia. Như vậy, lịch sử nước Mỹ đã giải quyết vấn đề này như thế nào, phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ trong 35 năm trước Nội chiến Mỹ có gì khác hơn so với các hoạt động đấu tranh trước đó và tại sao đến thế kỷ XX, phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen vẫn tiếp tục, vai trò của người da trắng và người da đen trong cuộc đấu tranh này như thế nào là những vấn đề khoa học tác giả muốn lý giải. Thực tế cho thấy ở Mỹ hiện nay, dù người Mỹ gốc Phi đã có một vị thế mới và đóng góp đáng kể cho sự thịnh vượng chung của nước Mỹ song tình trạng phân biệt chủng tộc và định kiến nặng nề với người da đen vẫn còn tồn tại ở nhiều bang. Đồng thời, việc hiểu rõ hơn về lịch sử xã hội Mỹ cũng góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau trong quá trình phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trên nhiều phương diện. Bản thân tác giả cũng mong muốn nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quyền con người, chế độ nô lệ trong quá khứ và chế độ nô lệ hiện đại, những vấn đề xã hội liên quan đến các nhóm yếu thế trong xã hội trong đó có các nạn nhân của nạn buôn bán người. Vì thế tác giả chọn đề tài “Phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ (1830 – 1865)” làm hướng nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ Lịch sử của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ
Mục đích của luận án là làm rõ vị trí, tác động của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ giai đoạn từ năm 1830 đến năm 1865 trong toàn bộ quá trình đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ và tác động của phong trào này đối với nước Mỹ và thế giới. Để thực hiện được mục đích trên, tác giả tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu sau đây: Một là, phân tích cơ sở cũng như những nhân tố tác động đến phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ từ năm 1830 đến năm 1865; Hai là, khôi phục lại một cách hệ thống và toàn diện về phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ từ năm 1830 đến năm 1865; Ba là, phân tích các kết quả, những mặt tích cực và hạn chế của phong trào từ đó khái quát những đặc trưng của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ từ năm 1830 đến năm 1865.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1.Đối tượng nghiên cứu của đề tài là phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ từ năm 1830 đến năm 1865.
3.2. Phạm vi nghiên cứu:
Về phạm vi không gian: luận án làm rõ nội dung của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ trên các bang sáp nhập vào lãnh thổ Mỹ trước năm 1865.
Về phạm vi thời gian: đề tài giới hạn từ năm 1830 đến năm 1865.
4. Các nguồn tư liệu
Các tư liệu gốc liên quan đến hoạt động của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ như các tờ báo chống nô lệ, các bài viết chống lại chế độ nô lệ, các câu chuyện kể của những nô lệ bỏ trốn, những tự truyện về cuộc đời nô lệ của họ, các văn bản pháp luật của Mỹ liên quan đến việc xóa bỏ chế độ nô lệ thế kỷ XIX ... Các tài liệu tham khảo khác bao gồm các chuyên khảo, các bài nghiên cứu, một số website lịch sử, thư viện chính thống trên internet, các công trình chuyên khảo về lịch sử Mỹ, và phong trào giải phóng nô lệ.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1.Về phương pháp luận: Luận án quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nghiên cứu khoa học lịch sử.
5.2. Về phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp lịch sử
Phương pháp logic
Phương pháp nghiên cứu tư liệu
Phương pháp bổ trợ khác như tổng hợp, so sánh
6. Đóng góp của luận án
Trước hết, luận án là công trình nghiên cứu có hệ thống về phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ giai đoạn 1830 đến 1865 dưới góc độ của nhà nghiên cứu Việt Nam; Hai là, trên cơ sở những tư liệu thu thập được, luận án làm sáng tỏ vị trí, tác động, đặc điểm của giai đoạn đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ từ năm 1830 đến năm 1865 ở Mỹ; Ba là, luận án đã góp phần bổ sung vào hệ thống tài liệu tham khảo và nâng cao chất lượng của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Mỹ, lịch sử thế giới cũng như các ngành khoa học xã hội liên quan.
7. Bố cục luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung luận án được trình bày trong 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu vấn đề
Chương 2: Cơ sở và những nhân tố tác động của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ (1830 -1865)
Chương 3: Tiến trình của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ (1830-1865)
Chương 4: Một số nhận xét về phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ (1830-1865)
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
1.1.Tình hình nghiên cứu của các học giả Việt Nam
Nhóm thứ nhất: Bao gồm các giáo trình lịch sử thế giới đại cương và những công trình về lịch sử nước Mỹ. Nhóm thứ hai, bao gồm các chuyên khảo về các vấn đề cụ thể trong lịch sử nước Mỹ, trong đó có vấn đề về chế độ nô lệ và đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ. Đặc điểm chung của các công trình trên là tuy có nhắc đến vấn đề nô lệ và phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ nhưng chưa được trình bày một cách kỹ càng, chưa thấy được rõ những hoạt động, tác động và đặc điểm của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ, đặc biệt trong thế kỷ XIX.
1.2. Tình hình nghiên cứu của các học giả ngoại quốc
Các công trình bằng tiếng Anh có thể chia thành từng nhóm liên quan đến nội dung luận án như sau: Nhóm thứ nhất, tìm hiểu về chế độ nô lệ nước Mỹ, thân phận người nô lệ da đen ở Mỹ và sự phản kháng của họ trong các đồn điền ở miền Nam nước Mỹ. Nhóm thứ hai, tìm hiểu về phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ, những nhân vật lịch sử có đóng góp to lớn cho phong trào và những thành tựu của phong trào này ở Mỹ vào thế kỷ XIX. Nhóm thứ ba, là tìm hiểu về tác động của chế độ nô lệ, phong trào giải phóng nô lệ tới các sự kiện chính trị, xã hội, luật pháp ở Mỹ thế kỷ XIX. Nhóm thứ tư, các công trình nghiên cứu toàn diện về chế độ nô lệ Mỹ, phong trào giải phóng nô lệ và kết quả của nó trong lịch sử nước Mỹ
1.3. Nhận xét
Tại Việt Nam chủ đề về “phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ từ năm 1830 đến năm 1865” nhìn chung chưa được đề cập một cách chuyên sâu và hệ thống. Ưu điểm của các công trình nước ngoài mà tác giả tiếp cận được là nguồn tài liệu phong phú, quý giá, thậm chí ở một số công trình còn đưa ra những tư liệu gốc hết sức có giá trị. Tuy nhiên, do đa phần các công trình mà tác giả đã tiếp cận đều viết dưới dạng tập hợp tư liệu, tập hợp sự kiện, tập hợp ý kiến chứ hầu như không có sự kết hợp đánh giá tác động và ảnh hưởng của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ đối với lịch sử nước Mỹ, cuộc sống của người Mỹ gốc Phi cũng như tới thế giới. Vì vậy, với đề tài này, tác giả mong muốn lấp đầy những khoảng trống về vấn đề nghiên cứu trong nước, đồng thời đưa ra những luận giải cá nhân dưới góc độ đa chiều, khách quan của một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ VÀ NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TỚI PHONG TRÀO
ĐẤU TRANH XÓA BỎ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ Ở MỸ (1830-1865)
2.1. Cơ sở của phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ (1830-1865)
2.1.1.Cơ sở nhận thức
Phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ chính là sản phẩm từ nhận thức của người Mỹ về chế độ nô lệ. Nền tảng của những nhận thức chính là những tư tưởng tiến bộ về quyền con người của các nhà triết học châu Âu tiêu biểu như John Locke (1632-1704) và Thomas Paine (1731-1809). Nhận thức của người nô lệ sau năm 1787 đến trước Nội chiến (1861-1865) mới chỉ dừng lại ở việc tự giải phóng mình khỏi thân phân nô lệ. Nhưng trong thời kỳ Nội chiến, nhận thức của các nô lệ đã thay đổi. Họ bắt đầu ý thức được rằng trong cuộc chiến này, tự do của họ gắn liền với chiến thắng của Liên bang miền Bắc và sự thất bại của Liên minh miền Nam. Lúc này, họ đã đặt sự tự do của mình trong mối quan hệ chính trị với cả dân tộc nên cuộc đấu tranh của họ không còn mang tính chất tự phát như thời kỳ trước mà gắn liền với những hoạt động chung của Liên bang nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh, bảo toàn sự thống nhất của quốc gia. Bên cạnh các nô lệ thì những người da đen tự do cũng nhận thức được yêu cầu xóa bỏ chế độ nô lệ Mỹ, họ coi cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ là một nhiệm vụ của mình và gắn nó với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đòi quyền bình đẳng cho người da đen. Trong khi đó, sau năm khi Hiến pháp Mỹ ra đời năm 1787, nhận thức của những người da trắng về chế độ nô lệ đã có sự khác biệt giữa hai miền Nam – Bắc. Ở miền Nam, người da trắng tìm cách ngăn cản sự nổi dậy của các nô lệ bằng các đạo luật ngày càng nghiêm khắc, tàn bạo và lên án các hoạt động đấu tranh chống lại chế độ nô lệ. Ở miền Bắc, nhận thức của người Mỹ về chế độ nô lệ được đặt trên nhiều phương diện khác nhau từ kinh tế, chính trị đến đạo đức, xã hội. Quan điểm đạo đức cho rằng chế độ nô lệ là tội lỗi, quan điểm chính trị cho rằng sự mở rộng của chế độ nô lệ về phía Tây bởi nó sẽ làm cho cán cân quyền lực nghiêng về các chủ nô miền Nam, quan điểm kinh tế cho rằng chế độ nô lệ bởi nó làm tổn hại nghiêm trọng đến nền sản xuất công thương, xuất phát từ quan điểm xã hội, những người phụ nữ cũng lên án chế độ nô lệ bởi sự bất công, bất bình đẳng. Trong giai đoạn 1861-1865, nhận thức của người miền Bắc về chế độ nô lệ được đặt trong mối quan hệ với nhiệm vụ bảo toàn sự thống nhất của Liên bang dù ban đầu không phải như vậy. Điển hình cho nhận thức của những người miền Bắc về yêu cầu xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ chính là Abraham Lincoln. Mặc dù có sự chia rẽ giữa những người da trắng miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ và những người da trắng miền Bắc phản đối sự tồn tại của nó nhưng cả hai đều có điểm chung tương đồng trong định kiến chủng tộc với người da đen. Bởi vậy, thời kỳ đầu, phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ chính là việc đưa những người da đen trở về châu Phi. Ngay cả những nhà lãnh đạo có quan điểm tiến bộ như Jefferson hay Lincoln cũng vẫn chưa thoát khỏi định kiến này. Điều này cũng là nguyên nhân lý giải tại sao phong trào đấu tranh từ năm 1830 đến năm 1865 dù đã xóa bỏ được chế độ nô lệ nhưng người da đen lại không thực sự được giải phóng và cuộc đấu tranh của người da đen vẫn còn kéo dài trong thế kỷ tiếp theo.
1.1.2.Cơ sở thực tiễn
1.1.2.1.Thực trạng chế độ nô lệ
*Sự ra đời của chế độ nô lệ
Chế độ nô lệ ở Mỹ được hình thành từ thập niên 60 của thế kỷ XVII, hoàn chỉnh vào thập niên 80 của thế kỷ XVII, sau đó được phát triển và mở rộng vào thế kỷ XVIII, với sự tấp nập trong hệ thống buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương. Cơ sở của chế độ nô lệ là hệ thống lao động da đen được nhập khẩu từ châu Phi. Lợi nhuận to lớn từ việc sử dụng nô lệ da đen đã khiến chế độ nô lệ trở thành một hệ thống kinh tế xã hội vững chắc đến nỗi cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ hay còn được coi là cuộc cách mạng tư sản lần thứ nhất không thể xóa bỏ được.
*Bản chất khắc nghiệt của chế độ nô lệ
Theo các nhà nghiên cứu, có hai yếu tố khiến chế độ nô lệ ở Mỹ trở thành một hình thức tàn bạo nhất trong lịch sử nô lệ thế giới đó là khát vọng lợi nhuận từ kinh doanh nông nghiệp kiểu tư bản và hai là sự phân biệt chủng tộc hà khắc. Sự phân biệt chủng tộc này thể hiện ngay từ việc bắt bớ và buôn bán nô lệ. Chế độ nô lệ ở nước Mỹ là một chế độ cưỡng bức vì được quản lý bởi một loạt các đạo luật nô lệ hà khắc. Các bộ luật nô lệ là cơ sở pháp lý cho sự tồn tại vững chắc của chế độ nô lệ. Chính sự khắc nghiệt của chế độ nô lệ đã thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ và xóa bỏ chế độ nô lệ.
1.1.2.2. Hoạt động đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ trước năm 1830
*Hành động phản kháng của nô lệ da đen
Ngay từ thời điểm ban đầu khi bị bắt làm nô lệ, những người da đen đã liên tục phản kháng để đòi tự do cho bản thân mình. Điều đó thể hiện từ thái độ chống đối, hành động phá hoại, bỏ trốn hoặc thậm chí tìm đến cái chết để thoát khỏi cảnh nô lệ. Cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ đã tạo điều kiện cho các nô lệ bỏ trốn hoặc nổi loạn. Sau cách mạng, chế độ nô lệ dù có bị tấn công chủ yếu ở miền Bắc nhưng lại vẫn phát triển mạnh mẽ ở miền Nam và lan rộng ra miền Tây nước Mỹ. Sự phản kháng của họ diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng tất cả đều mang tính chất tự phát, lẻ tẻ và không đưa đến thắng lợi. Tuy nhiên, những phản kháng ban đầu này cũng chính là cơ sở thúc đẩy cho phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở giai đoạn sau.
*Hoạt động của các lực lượng da trắng tiến bộ
Lực lượng chống chế độ nô lệ của người da trắng trước năm 1830 chủ yếu là lực lượng tôn giáo. Để hỗ trợ cho các hoạt động chống lại chế độ nô lệ, nhiều tổ chức và nhóm xã hội đã được thành lập nhằm chống buôn bán, nhập khẩu nô lệ, chống bắt cóc và hỗ trợ kinh tế cho các nô lệ tự do, nô lệ bỏ trốn. Bên cạnh các hội chống chế độ nô lệ, là sự xuất hiện của phong trào thuộc địa hóa cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, hoạt động của phong trào này thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân tiến bộ. Tuy nhiên, sau đó dần lụi tàn do những hạn chế về tài chính cũng như định kiến phân biệt chủng tộc. Sự đi xuống của phong trào thuộc địa hóa buộc các nhà hoạt động chống lại chế độ nô lệ cần phải thành lập các tổ chức khác với mục tiêu và định hướng hoạt động hợp lý hơn.
2.2. Những nhân tố tác động tới phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ (1830-1865)
2.2.1. Phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ trên thế giới
Vào năm 1788, Jacques Pierre Brissot đã sáng lập Hội bạn bè của người da đen để đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ. Vào ngày 27 tháng 4 năm 1848, dưới nền Cộng hòa thứ hai (1848-1852), Hiến pháp chính thức quy định xóa bỏ chế độ nô lệ trên toàn đế quốc Pháp. Năm 1807, nước Anh tuyên bố xóa bỏ mua bán nô lệ châu Phi. Vào năm 1833, Nghị viện Anh đã thông qua Luật giải phóng nô lệ. Đến năm 1838, tất cả các nô lệ ở đế quốc Anh được tự do. Bên cạnh chính sách của các nước thực dân trong việc xóa bỏ chế độ nô lệ thì cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ trên thế giới, đặc biệt là ở châu Mỹ đã tác động trực tiếp đến cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ.
2.2.2. Phong trào tôn giáo “Đại thức tỉnh” lần thứ nhất và lần thứ hai
Hai phong trào tôn giáo lớn mang tên cuộc “Đại thức tỉnh lần thứ nhất” (1720-1770) và cuộc “Đại thức tỉnh lần thứ hai” (1790-1850) đều có ảnh hưởng tới các nhà hoạt động đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ trên nhiều phương diện. Nếu như tư tưởng tôn giáo cải cách trong phong trào “Đại thức tỉnh lần thứ nhất” hướng tới sự cứu rỗi công bằng, khoan dung tôn giáo và coi chế độ nô lệ là một tội ác nhằm thay đổi nhận thức về mặt đạo đức của cá nhân thì cuộc “Đại thức tỉnh lần thứ hai” ảnh hưởng đến các nhà hoạt động trong phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ theo hai hướng cơ bản. Thứ nhất, sự cứu rỗi trong tôn giáo trở thành một phương tiện để thực hiện các cải cách xã hội trong đó có xóa bỏ chế độ nô lệ. Thứ hai, tại miền Nam sau khi tiếp thu tư tưởng tôn giáo cải cách từ các nhà truyền giáo, mục sư người da trắng thì bản thân các nô lệ đã chủ động tổ chức nên các “chiến dịch phục hưng tôn giáo của người da đen”, xây dựng niềm tin và thực hiện những nghi lễ tôn giáo của riêng họ.
2.2.3.Sự phát triển của nền kinh tế tư bản Mỹ và nhu cầu xóa bỏ chế độ nô lệ
Từ sau cuộc chiến tranh giành độc lập, nền kinh tế Mỹ bắt đầu có những bước chuyển mạnh mẽ. Trái ngược với sự phát triển kinh tế công thương nghiệp ở miền Bắc, miền Nam lại tập trung vào kinh tế nông nghiệp đồn điền. Mặc dù có đầy đủ các điều kiện cho phát triển công nghiệp như tài nguyên về nước, than đá và sợi bông nhưng nền công nghiệp ở miền Nam vẫn tụt hậu hơn nhiều so với miền Bắc.Xét dưới góc độ kinh tế, chế độ nô lệ đang đi ngược lại lịch sử bởi nó ngăn cản sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nước Mỹ muốn xây dựng một thuế quan thống nhất, muốn sử dụng lao động tự do, muốn thúc đẩy các sáng tạo về kỹ thuật công nghiệp thì cần phải xóa bỏ chế độ nô lệ.
2.2.4. Mâu thuẫn giữa hai miền Nam Bắc nước Mỹ
Vào thế kỷ XIX, hai miền Nam Bắc nước Mỹ có những mâu thuẫn sâu sắc tác động lớn đến lịch sử nước này. Xét về mặt kinh tế, trong khi các bang miền Bắc chủ yếu phát triển công thương nghiệp thì miền Nam lại duy trì nền nông nghiệp đồn điền sử dụng sức lao động của nô lệ. Xét về mặt chính trị, mâu thuẫn giữa hai miền Nam Bắc phản ánh sự hai quan điểm khác nhau giữa một bên ủng hộ việc tập trung quyền hành ở chính quyền Liên bang được Đảng Cộng hòa của A.Lincoln ủng hộ (chủ yếu ở miền Bắc) và việc phân chia quyền hành cho các tiểu bang vốn được ủng hộ bởi Đảng Dân chủ (đa phần ở miền Nam). Xét về mặt đạo đức tôn giáo, đa phần người Quaker ở miền Bắc ủng hộ tư tưởng khoan dung tôn giáo, coi chế độ nô lệ là tội ác đi ngược lại với Kinh thánh. Tất cả các lý do trên dù xét dưới góc độ nào, dù trực tiếp hay gián tiếp đều phản ánh hai quan điểm trái ngược về vấn đề nô lệ giữa hai miền Nam-Bắc nước Mỹ. Vào đầu thế kỷ XIX, cuộc đấu tranh giữa chủ nô miền Nam và giai cấp tư sản miền Bắc diễn ra khá gay gắt khi những bang mới gia nhập Liên bang. Tháng 3 năm 1820, Quốc hội thông qua một dự án thỏa hiệp mang tên gọi Thỏa ước Missouri tạo ra thế cân bằng giữa hai bên chống chế độ nô lệ và muốn duy trì chế độ này. Sự nhượng bộ của tư sản miền Bắc vẫn không ngăn cản được ý định muốn mở rộng chế độ sang phía Tây của chủ nô miền Nam. Năm 1854, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Kansas – Nebraska, kết quả của đạo luật này là một chuỗi các cuộc chạm trán giữa những người ủng hộ và chống chế độ nô lệ diễn ra ở lãnh thổ Kansas và một số thị trấn gần bang Missouri giữa năm 1854 và 1861. Cùng với những xung đột ở Kansas, các nghị sĩ trong Quốc hội với hai quan điểm đối lập cũng công kích lẫn nhau ngay trong các cuộc họp. Đỉnh cao của các mâu thuẫn là cuộc chiến đau thương chưa từng có mà lịch sử gọi là Nội chiến Mỹ (1861-1865). Dù mục đích tham chiến ban đầu không phải là giải phóng nô lệ nhưng những nhà lãnh đạo Liên bang đã biết khéo léo hướng đến tới việc thủ tiêu chế độ nô lệ để giành chiến thắng trong khi đó miền Nam lại thất bại vì vẫn cố chấp bảo vệ vật cản đó.
CHƯƠNG 3
TIẾN TRÌNH CỦA PHONG TRÀO ĐẤU TRANH XÓA BỎ
CHẾ ĐỘ NÔ LỆ Ở MỸ (1830-1865)
3.1. Tiến trình đấu tranh bí mật, bất hợp pháp
3.1.1. Đấu tranh bí mật – Hoạt động của “Đường sắt ngầm”
“Đường sắt ngầm” là một mạng lưới được hình thành và phát triển trong khoảng 30 năm trước Nội chiến (1861-1865) nhằm hỗ trợ nô lệ da đen miền Nam bỏ trốn đến với vùng đất tự do. Để tới được “miền đất hứa” của mình, nô lệ đã phải trải qua một hành trình đầy gian nan và vất vả. Kinh phí hoạt động của “Đường sắt ngầm” chủ yếu được quyên góp, ủng hộ từ những người Quaker, những cá nhân có tấm lòng hảo tâm và những người tham gia hoạt động trong tuyến “Đường sắt ngầm”. Các hoạt động của “Đường sắt ngầm” là hoàn toàn bí mật nên các ngôn ngữ giao tiếp đều phải được m