Tóm tắt Luận án Xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường (Nghiên cứu trường hợp khu công nghiệp Thượng Đình)

Từ giữa những năm 1970, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại bắt đầu có những đặc điểm và xu hướng phát triển mới để chuyển sang giai đoạn thứ hai, đó là cuộc cách mạng về công nghệ. Với nhu cầu tăng trưởng kinh tế và giành lợi thế cạnh tranh, công nghệ trở thành một trong các yếu tố quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp. Công nghệ được áp dụng, thay đổi liên tục theo vòng đời của công nghệ và mong muốn của sản phẩm tạo ra. Nhưng vấn đề ở chỗ sử dụng công nghệ nào và sử dụng như thế nào để vừa hiệu quả, khả thi vừa phát huy tốt nhất nguồn lực có giới hạn và bảo vệ môi trường (BVMT).

pdf10 trang | Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 1429 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tóm tắt Luận án Xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường (Nghiên cứu trường hợp khu công nghiệp Thượng Đình), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường (Nghiên cứu trường hợp Khu công nghiệp Thượng Đình) Hà Như Quỳnh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Luận văn Thạc sĩ. Quản lý Khoa học và Công nghệ; Mã số: 60 34 72 Nghd: TS. Nguyễn Quang Tuấn Năm bảo vệ: 2014 Keywords: Xây dựng chính sách; Xung đột môi trường; Công nghệ thân môi trường; Quản lý khoa học Contents: PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Từ giữa những năm 1970, cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại bắt đầu có những đặc điểm và xu hướng phát triển mới để chuyển sang giai đoạn thứ hai, đó là cuộc cách mạng về công nghệ. Với nhu cầu tăng trưởng kinh tế và giành lợi thế cạnh tranh, công nghệ trở thành một trong các yếu tố quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp. Công nghệ được áp dụng, thay đổi liên tục theo vòng đời của công nghệ và mong muốn của sản phẩm tạo ra. Nhưng vấn đề ở chỗ sử dụng công nghệ nào và sử dụng như thế nào để vừa hiệu quả, khả thi vừa phát huy tốt nhất nguồn lực có giới hạn và bảo vệ môi trường (BVMT). Sự phát triển lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã đạt tới trình độ xã hội hoá cao độ, toàn cầu hóa là hệ quả tất yếu và đây cũng chính là điều mà C. Mác đã dự báo. Xu thế mở rộng hợp tác, khuyến khích thương mại tạo thuận lợi cho các hoạt động mua bán, kể cả mua bán công nghệ. Công nghệ có thể mua bán trên thị trường thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ (CGCN). Một số nhà kinh tế học có thể đưa ra rất nhiều ưu điểm của toàn cầu hóa như toàn cầu hóa là con đường để nâng cao thu nhập cho người lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống, là cách để một quốc gia có thể tận dụng và khai thác tối đa các lợi thế của công nghệ mới. Nhưng không phải tất cả các thành tựu công nghệ đều mang lại lợi ích cho xã hội. Tác giả Qazi Faruque Ahmed đã cho người đọc có thể thấy được những cảnh báo hết sức thú vị mang đậm tính nhân văn: “Mù quáng bởi cái được gọi là thành tựu khoa học và công nghệ” [10; 23]. Trước sự tất yếu của việc sử dụng công nghệ trong sản xuất cũng như những cảnh báo về tác động của công nghệ đối với môi trường, tôi thấy được sự cần thiết phải xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường, nhằm hạn chế ảnh hưởng của rác thải công nghệ đến môi trường. Trong bối cảnh loại hàng hóa này được tự do mua bán trên thị trường, nước ta đã có những yêu cầu nhất định về CGCN để phù hợp với điều kiện quốc gia. Pháp luật Việt Nam khuyến khích chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây: Tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao; tạo ra ngành công nghiệp, dịch vụ mới; tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; bảo vệ sức khỏe con người; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; sản xuất sạch, thân thiện môi trường; phát triển ngành, nghề truyền thống. Luật pháp Việt Nam cũng hạn chế chuyển giao và cấm chuyển giao, nhằm mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia; bảo vệ sức khỏe con người; bảo vệ giá trị văn hoá dân tộc; bảo vệ động vật, thực vật, tài nguyên, môi trường; thực hiện quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Mặc dù ở Việt Nam đã xây dựng có hiệu lực nhiều luật liên quan đến hoạt động mua bán và sử dụng công nghệ, như Luật Chuyển giao công nghệ (2006), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Bảo vệ môi trường (2005) nhưng thực tế các khu công nghiệp (KCN) vì lợi ích trước mắt mà thờ ơ, trốn tránh việc thực thi các điều luật trên. Hiện nay, một trong những KCN đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước và không khí cho khu vực nội thành của thủ đô Hà Nội, gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý cũng như tài chính của người dân sống xung quanh và khu vực lân cận là KCN Thượng Đình (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). KCN Thượng Đình gồm 05 nhà máy. Trong thời kỳ thực hiện kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa (giai đoạn 1958 - 1960), Hà Nội đã triển khai xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp quốc doanh làm nền tảng cho kinh tế Hà Nội và miền Bắc. Từ năm 1957, Trung Quốc đã giúp ta xây dựng một số cơ sở vật chất thiết yếu, đào tạo công nhân cho ba nhà máy lớn của Hà Nội lúc đó là Nhà máy cao su Sao Vàng, Nhà máy thuốc lá Thăng Long và Nhà máy xà phòng Hà Nội. Ngày 18/5/1960, các nhà máy này được khánh thành, cùng với Nhà máy cơ khí Hà Nội và Công ty giầy Thượng Đình tạo thành KCN Thượng Đình, KCN có quy mô đầu tiên ở Hà Nội và miền Bắc nước ta. Từ khi đi vào hoạt động, rác thải công nghệ của các nhà máy này đang là nguyên nhân trực tiếp gây ra thực trạng ô nhiễm môi trường và xung đột môi trường (XĐMT) tại đây. Nhưng các nhà quản lý doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng cho mình một chính sách công nghệ với những giải pháp công nghệ có tính triệt để. Dưới góc độ quản lý Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các hoạt động công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ XĐMT bởi rác thải công nghệ của chính các hoạt động đó. Thực tế cho thấy, việc tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có ô nhiễm môi trường tại khu vực công nghiệp Thượng Đình, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người và gây bức xúc cho người dân sống xung quanh. Do đó, nhận diện XĐMT để các nhà đầu tư cũng như các đơn vị quản lý KH&CN thực hiện và quản lý các giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng thân môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Đây cũng là lý do để tôi thực hiện đề tài nghiên cứu: “Xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường” (Nghiên cứu trường hợp khu công nghiệp Thượng Đình). 2. Lịch sử nghiên cứu Con người biết đến tác dụng của công nghệ như “con dao hai lưỡi”, bởi ngoài các giá trị kinh tế từ việc sử dụng công nghệ mang lại, rác thải của nó đã gây ra những tác động xấu đến môi trường sống của con người. Do đó, hoạt động quản trị công nghệ đã được đưa vào chương trình đào tạo của các trường đại học và cao đẳng, thậm chí hoạt động này còn được đưa vào khung chương trình đào tạo của khối xã hội và nhân văn, điển hình là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhiều giáo trình được xuất bản và lưu hành rộng rãi, để thấy rõ sự cần thiết trong việc quản lý công nghệ của các bên liên quan như Giáo trình “Quản trị công nghệ” của Nguyễn Đình Phi (2011), nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường về khía cạnh xã hội, điển hình là cuốn sách“Nghiên cứu xã hội về môi trường” do Vũ Cao Đàm chủ biên (2009), nhóm tác giả đã đưa ra những cách nhìn chung nhất về môi trường sống. Vấn đề XĐMT được nhiều tác giả nghiên cứu như đặt ra một yêu cầu cấp thiết cần phải quản lý và giải quyết nó, như luận văn “Đề xuất chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua việc nhận dạng và giải quyết xung đột môi trường giữa các cộng đồng dân cư trong khu vực sông Nhuệ, sông Đáy (đoạn qua tỉnh Hà Nam)” của Nguyễn Đắc Dương (2009), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cũng trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội về môi trường, thuật ngữ “Vốn xã hội” tuy còn khá mới mẻ ở nước ta nhưng thực tế vốn xã hội có vai trò tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), bài viết “Phát huy vốn xã hội trong bảo vệ môi trường” trên Tạp chí Cộng sản, tác giả Nguyễn Quang Tuấn (2008) đã phân tích vai trò của yếu tố này. Thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng công nghệ với ô nhiễm môi trường là rất nhiều bài viết trên một số tạp chí, nhất là các tạp chí thuộc lĩnh vực công nghệ và môi trường. Nhờ đó, người đọc sẽ được cập nhật thường xuyên các thông tin về tình hình ô nhiễm môi trường từ rác thải công nghệ của các nhà nghiên cứu và các cơ quan chức năng, ví dụ như Báo cáo môi trường quốc gia năm 2009: Môi trường khu công nghiệp Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009) và trong “Các kết luận kiểm tra về bảo vệ Môi trường” của Cục Bảo vệ môi trường (2008); trong đó cũng có nhiều bài viết về lợi ích từ sản xuất sạch hơn (SXSH) như “Lợi ích kinh tế và môi trường từ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp công nghiệp” của Nguyễn Thị Lâm Giang (2008) trên Tạp chí Công nghiệp, số 6 hoặc “Tích cực đầu tư công nghệ xử lý chất thải tại công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng” của Nguyễn Tuấn (2008) đăng trên Tạp chí Công nghiệp, số 9. Tuy nhiên, những nghiên cứu trên chưa đề cập đến hiện trạng XĐMT tại khu vực công nghiệp, tính cấp thiết cần phải xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường tại các doanh nghiệp. Kế thừa những đề tài cùng hướng nghiên cứu, cùng với yêu cầu khách quan trong việc đầu tư cho công nghệ sản xuất sạch tại Hà Nội, tác giả thực hiện nghiên cứu về việc xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường bằng giải pháp áp dụng SXSH trong hoạt động công nghiệp tại KCN Thượng Đình. Tính mới của nghiên cứu thể hiện rõ nhất trong phương pháp nghiên cứu, tác giả không sử dụng phương pháp thực nghiệm để xét nghiệm mẫu nước tại các lưu vực sông bị ô nhiễm hay đo nồng độ ô nhiễm trong khí thải. Ở đây, tác giả dùng phương pháp điều tra xã hội học, chủ yếu sử dụng bảng hỏi và phỏng vấn sâu đối với một số người dân sống quanh KCN, điển hình là khu tập thể Thuốc lá Thăng Long, khu tập thể Cao su Sao Vàng, đường Nguyễn Trãi và đường Nguyễn Tuân. Các thông tin thu thập giúp đánh giá mức độ xung đột về môi trường giữa hoạt động công nghiệp của các đơn vị với quyền lợi của người dân. 3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục tiêu nghiên cứu Trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường khu công nghiệp, đề tài hướng đến việc xây dựng chính sách công nghệ thân môi trường tại khu công nghiệp Thượng Đình. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Làm rõ cơ sở lý luận các vấn đề về môi trường; - Đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường khu công nghiệp; - Chỉ ra mối quan hệ giữa các chủ thể trong xung đột môi trường; - Nhận diện mối quan hệ giữa xung đột và quản lý về môi trường; - Đề xuất một số giải pháp công nghệ thân môi trường tại khu công nghiệp Thượng Đình. 4. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi nội dung: Đề xuất các giải pháp công nghệ thân môi trường tại khu công nghiệp Thượng Đình trên cơ sở nhận diện xung đột môi trường, nhằm hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường từ rác thải công nghệ. - Phạm vi thời gian nghiên cứu số liệu: từ năm 2005 đến năm 2012; - Phạm vi không gian khảo sát: Vùng dân cư gần khu vực công nghiệp (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). 5. Câu hỏi nghiên cứu Việc nhận diện xung đột môi trường có tác động như thế nào đến hành vi của doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thân môi trường? 6. Giả thuyết nghiên cứu Nhận diện xung đột môi trường tại một khu vực cụ thể là cơ sở thực tiễn cho thấy những hạn chế của công nghệ sản xuất đang được các doanh nghiệp sử dụng và nhất là các tác động môi trường, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương (Nghiên cứu trường hợp tại Khu công nghiệp Thượng Đình). Việc nhận diện xung đột môi trường có thể góp phần vào việc xây dựng các chính sách công nghệ thân môi trường tại các doanh nghiệp nhằm gắn kết hoạt động chuyển giao công nghệ với bảo vệ môi trường, phát triển hài hòa giữa hoạt động công nghiệp với phát triển bền vững. Do đó, các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ sang hướng thân thiện với mới trường nếu vẫn muốn tiếp tục các hoạt động sản xuất và kinh doanh tại đây. Đồng thời, nhận diện xung đột môi trường còn chỉ ra cho các nhà quản lý thấy được những “lỗ hổng” cũng như những thiếu sót trong các văn bản pháp quy về quản lý khoa học, công nghệ và môi trường, từ đó có những điều chỉnh hợp lý và kịp thời. Tuy nhiên, thái độ của cộng đồng dân cư địa phương trong việc giải quyết xung đột môi trường chưa thực sự quyết liệt, mới chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh tình hình. 7. Phương pháp nghiên cứu 7.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu Phân tích, tổng hợp tài liệu từ sách, báo, tạp chí, ... chủ yếu thuộc các lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ, môi trường. Tài liệu được chính dẫn là những nguồn thông tin chính thống của các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng đã được công bố hoặc xuất bản. 7.2. Phương pháp phỏng vấn sâu Thực hiện phỏng vấn sâu đối với một số Ông/Bà là tổ trưởng tổ dân phố phường Thanh Xuân Trung về thái độ của người dân, những biện pháp quản lý của Ban lãnh đạo khu công nghiệp Thượng Đình nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế xung đột môi trường; đồng thời trao đổi sâu hơn với một số chuyên gia về xung đột môi trường. 7.3. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi Thực hiện điều tra 100 bảng hỏi đối với người dân thuộc khu tập thể Cao su Sao Vàng, khu tập thể Thuốc là Thăng Long và một số người dân trên đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Tuân, nhằm thu thập những ý kiến làm cơ sở thực tiễn chứng minh cho sự cần thiết phải thực hiện các giải pháp công nghệ thân môi trường tại các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Thượng Đình. 7.4. Phương pháp quan sát Tiến hành quan sát thực tế ô nhiễm môi trường nước tại một số sông trên địa bàn Hà Nội mà KCN Thượng Đình trực tiếp xả thải như sông Tô Lịch, nhằm thu thập chứng cứ khách quan cho nghiên cứu. 7.5. Phương pháp so sánh Tác giả đưa ra một số doanh nghiệp đã xây dựng thành công giải pháp sản xuất sạch hơn, thu được nhiều lợi ích kinh tế và môi trường. Với tương quan trong cùng môt điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, pháp luật của đất nước, sự so sánh này hy vọng sẽ giúp các nhà quản lý thu được một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động quản lý công nghệ của doanh nghiệp. 8. Cấu trúc của luận văn Luận văn được kết cấu thành 03 chương, gồm: Chương 1: Cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa xung đột và các vấn đề môi trường Chương 2: Nhận diện xung đột môi trường và mối quan hệ giữa các chủ thể trong vấn đề môi trường Chương 3: Một số giải pháp thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại khu công nghiệp Thượng Đình Và một số nội dung, phụ lục khác có liên quan đến đề tài nghiên cứu, gồm: Lời cảm ơn, Mục lục, Danh mục các bảng biểu, Phần mở đầu, Phần kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Công thương (2011), Báo cáo điển hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. [2] Bộ Công thương (2011), Kết quả khảo sát số liệu nền cho các mục tiêu trong chiến lược sản xuất sạch hơn đến năm 2020. [3] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Điều tra quy hoạch đất đai (2006), Báo cáo kết quả dự án “Điều tra, đánh giá tổng quan thực trạng môi trường đất Việt Nam”. [4] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009), Báo cáo môi trường quốc gia năm 2009: Môi trường khu công nghiệp Việt Nam. [5] Cục Bảo vệ môi trường (2008): Các kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường. [6] Nguyễn Văn Dục và nhóm cộng sự (2001): Ô nhiễm nước bởi kim loại nặng ở khu vực công nghiệp Thượng Đình, Tạp chí Khoa học: Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN (số 2). [7] Nguyễn Đắc Dương (2009), Đề xuất chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua việc nhận dạng và giải quyết xung đột môi trường giữa các cộng đồng dân cư trong khu vực sông Nhuệ, sông Đáy (đoạn qua tỉnh Hà Nam), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, Luận văn thạc sĩ. [8] Đỗ Văn Đại (2007), Nghĩa vụ thông tin trong pháp luật hợp đồng Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật (số 11), trang 22-45. [9] Vũ Cao Đàm (2008), Phân tích và hoạch định chính sách, Bài giảng Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. [10] Vũ Cao Đàm và nhóm cộng sự (2009): Nghiên cứu xã hội về môi trường (Social Studies of Environmenht), Nxb Khoa học và Kỹ thuật. [11] Nguyễn Thị Lâm Giang (2008): Lợi ích kinh tế và môi trường từ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp công nghiệp, Tạp chí Công nghiệp (số 6), trang 4-5. [12] Lê Văn Khoa (2009), Giáo trình Khoa học môi trường, Nxb Giáo dục. [13] Nguyễn Cao Lãnh (2005): Khu công nghiệp sinh thái - Một mô hình cho phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật. [14] Đàm Văn Lợi (2009), Mặt trận với chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” - Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Mặt trận (số 64). [15] Đặng Văn Lợi (2006), Định hướng phát triển công nghệ môi trường ở Việt Nam, Tạp chí Bảo vệ môi trường (số 3), trang 9-11. [16] Nguyễn Văn Minh (2008), Tầng công nghệ và chu kỳ phát triển kinh tế - kỹ thuật, Tạp chí Tia sáng (số 18), trang 20-25. [17] Ngô Thị Nga và nhóm cộng sự (2006), Nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường trong công nghiệp thông qua thực hiện sản xuất sạch hơn, Tạp chí Bảo vệ môi trường (số 3), trang 12-15. [18] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005): Luật Bảo vệ môi trường. [19] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006): Luật Chuyển giao công nghệ. [20] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013): Luật Khoa học và công nghệ. [21] Bùi Thiên Sơn (2009), Nhìn lại vấn đề phát triển bền vững môi trường ở Việt Nam từ góc độ doanh nghiệp công nghiệp, Tạp chí Công nghiệp (số 1), trang 18. [22] Trịnh Ngọc Thạch (1998): Khoa học và Công nghệ luận, Đề cương bài giảng của Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. [23] Dương Thị Minh Thúy (2008), Đánh giá tác động của công nghệ đến môi trường thông qua các đơn khiếu nại tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. [24] Trần Minh Tích, Khu công nghiệp sinh thái - Tại sao không? Báo Công thương (baocongthuong.com.vn) ngày 29/9/2013. [25] Nguyễn Tuấn (2008): Tích cực đầu tư công nghệ xử lý chất thải tại công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng, Tạp chí Công nghiệp (số 9), trang 40-41. [26] Nguyễn Quang Tuấn (2008), Phát huy vốn xã hội trong bảo vệ môi trường, Tạp chí Cộng sản (số 778). [27] Nguyễn Quang Tuấn (2006), Tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách, Tạp chí Cộng sản (số 20). [28] Đào Thanh Trường (2009): Nghiên cứu xã hội về Khoa học và công nghệ, Đề cương bài giảng Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. [29] Trần Văn Vẻ (2009): Áp dụng sản xuất sạch hơn tại công ty Tuyển than Cửa Ông, Tạp chí Công nghiệp (số 1), trang 20. [30] Các Website: www.thuongdinhfootwear.com.vn (Công ty Giầy Thượng Đình) www.vinachem.com.vn (Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội) www.vinataba.com.vn (Công ty Thuốc lá Thăng Long) www.mie.com.vn (Công ty cơ khí Hà Nội) www.src.com.vn (Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng)
Luận văn liên quan