Do tình hình khó khăn của nền kinh tế, nhu cầu về thép giảm, lượng thép tồn kho
tăng cao làm nhiều nhà máy sản xuất thép phải giảm sản xuất, thậm chí chỉ chạy cầm
chừng ở mức 50 - 60% công suất. Đồng thời ngành thép còn phải chịu thêm sức ép cạnh
tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc.
Công ty TNHH Thép Nhật Quang được thành lập năm 2004, hoạt động trong lĩnh
vực sản xuất và cung cấp các sản phẩm thép không rỉ. Tại thời điểm hiện nay, hoạt động
sản xuất kinh doanh của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh
tế, làm nhu cầu tiêu thụ thép giảm, tồn kho công ty tăng cao. Đồng thời các sản phẩm của
công ty đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các doanh nghiệp thép lớn trong ngành như Hòa
Phát, Hoa Sen, Việt Đức về giá bán, hệ thống phân phối. Thị phần của công ty hiện
chiếm khoảng 4,5% so với toàn thị trường, công suất các dây chuyền sản xuất cũng mới
chỉ được sử dụng từ 40 - 50%.
Vì vậy, xuất phát từ thực tế trên tác giả đã chọn đề tài: ‘‘Nâng cao năng lực cạnh
tranh sản phẩm thép không rỉ của công ty TNHH Thép Nhật Quang’’ làm đề tài
nghiên cứu luận văn của mình.
Nội dung luận văn gồm có ba chương chính:
Chương 1: Những lí luận cơ bản về năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp
ngành thép trong nền kinh tế thị trường
Chương 2: Thực trạng năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ của công ty TNHH
Thép Nhật Quang
Chương 3: Một số giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không
rỉ của công ty TNHH Thép Nhật Quang
11 trang |
Chia sẻ: thientruc20 | Lượt xem: 669 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tóm tắt Luận văn Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ của công ty TNHH Thép Nhật Quang’, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Do tình hình khó khăn của nền kinh tế, nhu cầu về thép giảm, lượng thép tồn kho
tăng cao làm nhiều nhà máy sản xuất thép phải giảm sản xuất, thậm chí chỉ chạy cầm
chừng ở mức 50 - 60% công suất. Đồng thời ngành thép còn phải chịu thêm sức ép cạnh
tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc.
Công ty TNHH Thép Nhật Quang được thành lập năm 2004, hoạt động trong lĩnh
vực sản xuất và cung cấp các sản phẩm thép không rỉ. Tại thời điểm hiện nay, hoạt động
sản xuất kinh doanh của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh
tế, làm nhu cầu tiêu thụ thép giảm, tồn kho công ty tăng cao. Đồng thời các sản phẩm của
công ty đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các doanh nghiệp thép lớn trong ngành như Hòa
Phát, Hoa Sen, Việt Đức về giá bán, hệ thống phân phối. Thị phần của công ty hiện
chiếm khoảng 4,5% so với toàn thị trường, công suất các dây chuyền sản xuất cũng mới
chỉ được sử dụng từ 40 - 50%.
Vì vậy, xuất phát từ thực tế trên tác giả đã chọn đề tài: ‘‘Nâng cao năng lực cạnh
tranh sản phẩm thép không rỉ của công ty TNHH Thép Nhật Quang’’ làm đề tài
nghiên cứu luận văn của mình.
Nội dung luận văn gồm có ba chương chính:
Chương 1: Những lí luận cơ bản về năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp
ngành thép trong nền kinh tế thị trường
Chương 2: Thực trạng năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ của công ty TNHH
Thép Nhật Quang
Chương 3: Một số giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không
rỉ của công ty TNHH Thép Nhật Quang
CHƯƠNG 1. NHỮNG LÍ LUẬN CƠ BẢN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH SẢN
PHẨM CỦA DOANH NGHIỆP NGÀNH THÉP TRONG NỀN KINH TẾ THỊ
TRƯỜNG
1.1. Khái niệm năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp trong nền kinh tế
thị trường
Năng lực cạnh tranh của sản phẩm: là khả năng sản phẩm đó tiêu thụ được
nhanh hơn trong khi có nhiều người cùng bán loại sản phẩm đó trên thị trường. Hay nói
một cách khác, năng lực cạnh tranh của sản phẩm được đo bằng thị phần của sản phẩm
đó. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng, giá cả, tốc độ cung cấp,
dịch vụ đi kèm, uy tín của người bán, thương hiệu, quảng cáo, điều kiện mua bán, v.v...
1.2. Đặc điểm sản phẩm thép không rỉ có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh
sản phẩm và hệ thống các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm của
doanh nghiệp ngành thép
Thép không rỉ bản chất là một dạng hợp kim sắt chứa tối thiểu 10,5% crôm, có đặc
tính không bị biến màu hay bị ăn mòn dễ dàng như là các loại thép thông thường khác.
Ngoài ra người ta còn sử dụng phương pháp mạ kẽm nhúng nóng để có thể tạo ra lớp
màng bảo vệ giúp thép không rỉ trong môi trường ăn mòn cao. Phương pháp này có đặc
điểm chi phí rẻ, công nghệ đơn giản, vật tư thiết bị có thể mua ở trong nước...
Hệ thống các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp
ngành thép gồm: Sản lượng, tốc độ tăng sản lượng hàng năm; Doanh thu và tốc độ tăng
trưởng doanh thu hàng năm; Lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm; Thị
phần của doanh nghiệp; Thương hiệu của sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp.
1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp
ngành thép trong nền kinh tế thị trường
Các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp gồm 5 nhân tố: nguồn nhân lực; khả năng tài
chính; nguồn lực vật chất và kĩ thuật công nghệ; trình độ tổ chức quản lý; và hoạt động
marketing của doanh nghiệp.
Các nhân tố ảnh hưởng gián tiếp gồm: Môi trường tác nghiệp: đối thủ cạnh tranh
tiềm ẩn; nhà cung cấp; khách hàng (người mua hàng); cạnh tranh trong nội bộ ngành; và
sản phẩm thay thế. Môi trường vĩ mô: Nhân tố chính trị, pháp luật; Nhân tố kinh tế; Nhân
tố xã hội; và Nhân tố công nghệ
1.4. Công cụ và phương thức nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh
nghiệp ngành thép trong nền kinh tế thị trường
Công cụ cạnh tranh sản phẩm chủ yếu của doanh nghiệp ngành thép là chất lượng
của sản phẩm, giá bán, dịch vụ kèm theo. Bên cạnh đó là hệ thống phân phối và bán hàng
cùng với thương hiệu sản phẩm giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường.
Có ba phương thức để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm doanh nghiệp
ngành thép hay áp dụng đó là chính sách về sản phẩm, chính sách về giá cả và chính sách
khuếch trương sản phẩm.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH SẢN PHẨM THÉP
KHÔNG RỈ CỦA CÔNG TY TNHH THÉP NHẬT QUANG
2.1. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ
của công ty TNHH Thép Nhật Quang
Nhân tố ảnh hưởng trực tiếp
Nguồn nhân lực: công ty luôn có những chính sách quản lý nhân sự phù hợp để
giữ chân người lao động, nâng cao năng suất lao động, tạo động lực trong công việc, làm
tăng cường năng lực cạnh tranh cho công ty và cho sản phẩm.
Khả năng tài chính: tổng tài sản của công ty có xu hướng tăng dần qua các năm thể
hiện sự lớn mạnh của công ty, công ty tiếp tục đầu tư vào máy móc thiết bị, nhà xưởng,
mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn lực vật chất kỹ thuật, công nghệ: công ty có ba khu nhà máy công suất 150
nghìn tấn/năm, với các dây chuyền sản xuất hiện đại từ Nhật Bản, Đức, Mỹ và Đài loan.
Được quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008.
Trình độ tổ chức quản lý và lập kế hoạch sản suất kinh doanh: Tất cả các hoạt
động sản xuất và kinh doanh của công ty đều được lập kế hoạch cụ thể và chi tiết, do đó
hoạt động của công ty luôn luôn chủ động, bám sát nhu cầu thị trường, tiết kiệm chi phí,
tăng hiệu quả trong kinh doanh.
Hoạt động marketing của doanh nghiệp: công ty là một doanh nghiệp nhỏ, mới
thành lập nên công tác marketing chưa được chú ý, hiện nay các hoạt động marketing chủ
yếu đều do phòng kinh doanh thực hiện.
Nhân tố ảnh hưởng gián tiếp
Môi trường tác nghiệp (môi trường ngành) gồm các đối thủ cạnh tranh hiện tại, đối
thủ cạnh tranh tiềm ẩn; khách hàng (người mua hàng); nhà cung cấp và các sản phẩm
thay thế.
Môi trường vĩ mô gồm các nhân tố về chính trị pháp luật, kinh tế, môi trường xã
hội, khoa học công nghệ.
2.2. Thực trạng năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ của công ty TNHH
Thép Nhật Quang so với các đối thủ cạnh tranh
Về năng lực, công nghệ sản xuất: năng lực sản xuất được đánh giá thuộc loại trung
bình, công nghệ sản xuất tương đối hiện đại so với các doanh nghiệp trong ngành. Là cơ
sở để công ty năng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản
xuất.
Về chủng loại, chất lượng sản phẩm: chủng loại sản phẩm của công ty tương đối
đầy đủ về kích thước, độ dày. Công ty chỉ tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh và
công nghệ có thể sản xuất được. Chất lượng sản phẩm của công ty đều đạt các tiêu chuẩn
quốc tế, có thể cạnh tranh tốt với doanh nghiệp khác.
Về giá bán sản phẩm: công ty xây dựng mức giá bán các loại sản phẩm ở mức
trung bình so với các doanh nghiệp khác, và được khách hàng đánh giá là một trong
những doanh nghiệp có uy tín chất lượng trong việc đảm bảo giá bán. Giá bán được xây
dựng cho khách hàng và nhà phân phối dựa trên cơ sở: sản lượng, khu vực địa lý, đặc
điểm khách hàng, tính mùa vụ...
Về hệ thống phân phối: bao gồm các nhà phân phối cấp 1 và một số văn phòng đại
diện, công ty chưa có hệ thống phân phối trực tiếp cho mình. So với doanh nghiệp khác
trong ngành thì còn quá ít, các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen, Hữu Liên Á
Châu... đều có hệ thống các nhà phân phối lớn, các đại lý bán sỉ, các cửa hàng bán lẻ và
phân phối trực tiếp đến các dự án rộng khắp cả nước và thực hiện xuất khẩu sang các
nước khác.
Về thị trường tiêu thụ sản phẩm: tiêu thụ trong cả nước, tập trung nhiều vào miền
Bắc. Các doanh nghiệp khác thì ngoài tiêu thụ trong nước còn xuất khẩu sang thị trường
khu vực Đông Nam Á, Úc và Bắc Mỹ.
Về dịch vụ kèm theo sản phẩm, hoạt động xúc tiến bán hàng: Các sản phẩm và
dịch vụ kèm theo của công ty đã được khách hàng đánh giá tốt, sản phẩm được tiêu thụ
trên cả ba miền đất nước. Thương hiệu Thép Nhật Quang dần được biết đến trên thị
trường. Hoạt động xúc tiến bán hàng công ty mới chỉ thực hiện khuyến mại tăng mức
chiết khấu cho nhà phân phối và sử dụng đội ngũ nhân viên kinh doanh bán hàng trực
tiếp đến các cửa hàng, nhà phân phối. Các hoạt động quảng cáo, xúc tiến thương mại,
tham gia hội chợ triển lãm, quan hệ công chúng... hầu như công ty đều không thực hiện
để tiết kiệm chi phí
Một số chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ của công ty
TNHH Thép Nhật Quang
- Doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm: doanh thu không ngừng
tăng qua các năm, năm 2007 đạt 174 tỷ đồng, năm 2009 đạt 326 tỷ đồng, và tăng lên đến
510 tỷ đồng năm 2011. Năm 2011 so với năm 2007 thì tăng gần 367 tỷ đồng, tương ứng
gấp 2,9 lần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu thép không rỉ bình quân là 34% mỗi năm. Năm
2012 doanh thu ước đạt 590 tỷ đồng.
- Sản lượng, tốc độ tăng sản lượng hàng năm: sản lượng sản xuất các sản phẩm
thép không rỉ tăng nhanh qua các năm. Năm 2007 đạt 29.247 tấn, năm 2009 đạt 52.025
tấn, năm 2011 tăng lên đến 65.168 tấn. Năm 2011 so với năm 2007 đã tăng lên 35.921
tấn, tương ứng tăng 2,2 lần. Tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân mỗi năm là 24%.
Sản lượng ước đạt năm 2012 là khoảng 70.000 tấn.
- Thị phần sản phẩm thép không rỉ của công ty qua các năm: Thị phần của công ty
so với toàn thị trường năm 2007 là 1,8%, năm 2009 là 3,2% và tăng lên 4,1% năm 2011.
Tốc độ tăng bình quân mỗi năm là 0,6%. Thị phần của công ty tăng thể hiện năng lực
cạnh tranh của công ty và sản phẩm tăng, nhưng thị phần của công ty nói chung là vẫn
còn khá nhỏ so với toàn thị trường. Thị phần công ty năm 2012 vào khoảng 4,5% so với
toàn thị trường.
2.3. Các giải pháp công ty TNHH Thép Nhật Quang đã áp dụng để nâng cao năng
lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ
Các giải pháp công ty đã áp dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của
mình là: đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại ngay từ khi gia nhập thị trường; phát
triển các chủng loại sản phẩm phù hợp với khả năng công ty và nhu cầu thị trường; thực
hiện công tác tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm; lập kế hoạch sản xuất
kinh doanh cụ thể và chi tiết theo thời gian; xây dựng, phát triển hệ thống phân phối tiêu
thụ sản phẩm. Các giải pháp này đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn
một số hạn chế cần bổ sung.
2.4. Đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ của công ty TNHH Thép
Nhật Quang những năm qua
Từ phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ bên trên thì
những điểm mạnh của công ty là: có Ban Giám đốc có trình độ, kinh nghiệm quản lý điều
hành tốt; có các dây chuyền sản xuất tiên tiến hiện đại, quy trình sản xuất được quản lý
theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008; sản phẩm chất lượng tốt được sự chấp
nhận của khách hàng thể hiện sản lượng, doanh thu và thị phần đều tăng qua các năm.
Công ty cũng đã xây dựng được hệ thống phân phối khắp cả nước tạo thị trường đầu ra
cho sản phẩm.
Bên cạnh những thành tựu mà công ty đã đạt được là những tồn tại và yếu kém
của công ty, nguyên nhân có thể là do khách quan, chủ quan hoặc cả hai. Những điểm
còn yếu kém là: công ty phải nhập khẩu 100% nguyên vật liệu nên giá bán các sản phẩm
phụ thuộc rất lớn vào biến động của thị trường thép thế giới và tỷ giá; công ty sử dụng
vốn vay lớn, tỷ trọng nợ bình quân khoảng 73%; chi phí sản xuất của công ty vẫn còn cao
so với các doanh nghiệp khác trong ngành; công tác nghiên cứu thị trường của công ty
hiện nay cũng chưa được chú trọng; công tác lập kế hoạch, điều hành sản xuất tuy đạt
được nhiều nhành tựu nhưng vẫn còn những hạn chế...
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH
TRANH SẢN PHẨM THÉP KHÔNG RỈ CỦA CÔNG TY TNHH THÉP NHẬT
QUANG
3.1. Một số giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thép không rỉ
của công ty TNHH Thép Nhật Quang
3.1.1. Đa dạng hóa dòng sản phẩm về kích thước, độ dày và chủng loại
Đa dạng hoá sản phẩm thực hiện theo hướng tăng danh mục sản phẩm về mặt kích
thước và độ dày, tăng một số chủng loại công ty chưa có như ống thép hình ô van, chữ D,
lục giác. Phòng kinh doanh phối hợp với bộ phận kỹ thuật trong công ty thực hiện nhiệm
vụ nghiên cứu tìm tòi, tăng thêm danh mục và chủng loại sản phẩm nhằm tạo ra sự phù
hợp đối với đối tượng người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị
trường, đồng thời tạo những sản phẩm mới để thay thế những sản phẩm không còn phù
hợp nữa...
3.1.2. Phát triển dòng sản phẩm cao cấp đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng
Bên cạnh những dòng sản phẩm công ty đã có thì công ty cần nghiên cứu để phát
triển thêm các dòng sản phẩm cao cấp, chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu khắt khe về
các tiêu chuẩn: độ dung sai kích thước, trọng lượng; độ bám kẽm; độ cứng, uốn; độ bền
kéo...
3.1.3. Thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm
Các giải pháp công ty có thể thực hiện là: Xây dựng định mức chi phí sản xuất;
Tăng cường Áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất; Xây dựng và thực hiện
định mức tồn kho nguyên liệu, thành phẩm và phụ tùng thay thế; Điều chỉnh cơ cấu
nguồn vốn chủ và nguồn vốn nợ phù hợp; Theo dõi, dự báo, đánh giá mức biến động giá
thép nguyên vật liệu để có quyết định mua hàng đúng thời điểm với giá phù hợp nhằm
giảm chi phí đầu vào; Duy trì tỷ lệ vay ngoại tệ và tỷ lệ vay bằng VND ở mức độ phù
hợp, sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá; Thường xuyên đánh giá hạn mức
nợ, tuổi nợ, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi nợ để hạn chế tối đa nợ phải thu quá hạn và
giảm thiểu rủi ro công nợ; Giảm tối đa chi phí vận chuyển hàng hóa...
3.1.4. Điều chỉnh chính sách giá cho dòng sản phẩm xà gồ để mở rộng thị trường tiêu
thụ
Công ty có thể giảm giá bán các sản phẩm xà gồ không rỉ gần bằng với xà gồ thép
đen, tăng mức chiết khấu cho các nhà phân phối để có thể cạnh tranh với các sản phẩm
công ty khác, đồng thời tăng cường các hoạt động quảng cáo giới thiệu sản phẩm đến
người tiêu dùng làm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ các sản phẩm thép đen sang thép
không rỉ.
3.1.5. Tổ chức và quản lý có hiệu quả mạng lưới tiêu thụ sản phẩm
Về tổ chức, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối: xây dựng và phát triển các
nhà phân phối tại các khu vực thị trường có nền kinh tế phát triển, đông dân cư, gần các
khu công nghiệp trọng điểm; có những chính sách thích hợp tạo điều kiện cho các nhà
phân phối hoạt động có hiệu quả , đối với khu vực kinh doanh kém, cạnh tranh nhiều cần
điều chỉnh các chính sách cho phù hợp để thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm như giảm
giá bán, hỗ trợ chi phí vận chuyển, hỗ trợ bảng quảng cáo...; xây dựng thêm văn phòng
đại diện tại các thành phố lớn để cung cấp thông tin về sản phẩm, tạo mối quan hệ, thực
hiện kí kết hợp đồng với khách hàng, khuếch trương hình ảnh uy tín của công ty.
Bên cạnh với việc tổ chức mạng lưới tiêu thụ, công ty có thể quản lý hệ thống
phân phối một cách có hiệu quả bằng một số giải pháp sau: Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu,
sản lượng tiêu thụ, giá bán, lợi nhuận, tồn kho, quy cách chủng loại của từng loại hàng tại
từng thị trường để có kế hoạch sản xuất, điều chuyển hàng, đảm bảo đúng quy cách,
chủng loại cho nhu cầu bán hàng của các kênh bán hàng với giá bán phù hợp; Thực hiện
phân chia thị trường và khách hàng, bảo đảm phối hợp giữa các đơn vị bán hàng trong hệ
thống để không bỏ sót thị trường và khách hàng; Huấn luyện về nghiệp vụ quản lý cho
nhân viên quản lý thị trường của công ty và đội ngũ quản lý chi nhánh; Phát triển mối
quan hệ chặt chẽ với các nhà phân phối, thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tình hình, cùng
nhà phân phối đi khảo sát nhu cầu của thị trường về sản phẩm, giá cả, đối thủ cạnh tranh
để có chính sách hợp lý.
3.1.6. Tăng cường các hoạt động xúc tiến bán hàng cho các sản phẩm thép không rỉ
Do đặc điểm của sản phẩm và tình hình kinh doanh của công ty, công ty có thể sử
dụng các biện pháp tăng cường xúc tiến bán hàng như sau: Thực hiện các hoạt động
tuyên truyền, quảng cáo nhằm giới thiệu hình ảnh của công ty đến với khách hàng; Tham
gia một số hội chợ, triển lãm chuyên ngành và Quan hệ công chúng
3.1.7. Tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khu vực cũng như trên thế giới
để tiêu thụ sản phẩm
Công ty Thép Nhật Quang tìm kiếm thị trường xuất khẩu bằng các biện pháp sau:
Tham gia các hội thảo, triển lãm giới thiệu sản phẩm; Xây dựng và hoàn thiện website để
giới thiệu sản phẩm của công ty, đăng thông tin sản phẩm lên các trang thương mại điện
tử, sàn giao dịch thép; Nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nhân viên, cử cán bộ
tìm hiểu, phát triển thị trường tại nước ngoài; Cập nhật thông tin diễn biến của thị trường
thép trong nước và thế giới, có những biện pháp điều chỉnh linh; Tập trung tìm kiếm vào
một số thị trường truyền thống và có tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á như Lào,
Campuchia, Myanmar, Indonesia...; Học hỏi kinh nghiệp xuất khẩu của các doanh nghiệp
khác, phát huy tối đa lợi thế của công ty về sản phẩm; Tích cực tham gia vào các hoạt
động của Hiệp hội Thép Việt Nam, phối hợp với phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài.
3.1.8. Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ công nhân viên trong công ty
Trong doanh nghiệp, lao động và trình độ lao động được xem là nhân tố cơ bản
quyết định trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp,
năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng của sản phẩm. Do vậy để có thể nâng cao
năng lực cạnh tranh của sản phẩm thì việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán
bộ công nhân viên phải được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục.
3.1.9. Thực hiện công tác quản trị rủi ro trong công ty
Để có thể hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đạt được các mục tiêu của mình công
ty cần thực hiện quản lý rủi ro cho quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh. Công tác
quản trị rủi ro giúp cho công ty nhận diện, xác định các loại rủi ro của công ty có thể gặp
phải, bao gồm rủi ro bên trong, bên ngoài, rủi ro có thể kiểm soát được cũng như rủi ro
không kiểm soát được từ đó đưa ra những biện pháp, phương án xử lý kịp thời đúng lúc.
3.2. Một số kiến nghị đối với các cơ quan Chính Phủ và Hiệp hội Thép Việt Nam
Ngoài những giải pháp nêu trên, luận văn còn nêu ra một số kiến nghị đối với các cơ
quan Chính Phủ và Hiệp hội Thép Việt Nam để hoạt động sản xuất, kinh doanh của các
doanh nghiệp ngành thép tốt hơn như: Kiến nghị Chính Phủ thực hiện bình ổn kinh tế vĩ
mô, giảm lạm phát và kích cầu tiêu dùng các sản phẩm thép; Tiếp tục thực hiện miễn,
giảm và gia hạn thuế cho các doanh nghiệp; Điều chỉnh lãi suất vốn vay hợp lý, ưu tiên
cho doanh nghiệp vay vốn; Thực hiện xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất
khẩu cho doanh nghiệp; Kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc
và Thực hiện quy hoạch lại ngành thép