Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc Á - Thực trạng và giải pháp
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, được coi là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho một bộ phận lao động, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. XKLĐ còn là biện pháp để tiếp thu, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng và tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào khu vực và quốc tế. Khu vực Đông Bắc Á có các nước có trình độ cao về phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, trong đó Nhật Bản còn là nước công nghệ nguồn, là khu vực có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại lao động. Vì vậy, XKLĐ sang khu vực này còn có mục đích tiếp thu các kiến thức khoa học công nghệ (KHCN), kỹ thuật sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh hiện đại từ các nước trong khu vực này, nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động. Thực tế, khu vực Đông Bắc Á là một thị trường XKLĐ khu vực quan trọng đối với Việt Nam, trong đó các nước nhập khẩu lao động (NKLĐ) chính là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Từ đầu những năm 1990 đến nay, hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực này chiếm tỷ trọng lớn và có tác động tích cực đối với người lao động cũng như đối với sự phát triển chung của các ngành, địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực Đông Bắc Á thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, có những diễn biến phức tạp và phát sinh các tiêu cực, rủi ro. Xảy ra hiện tượng lao động Việt Nam bị phân biệt đối xử về tiền công, về điều kiện làm việc và sinh hoạt, bị lạm dụng, lao động tự ý phá hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp, v.v. Đặc biệt, số lượng lao động Việt Nam tự ý phá hợp đồng, bỏ trốn ngày càng lớn, đến mức các nước này đã nhiều lần lên tiếng sẽ đóng cửa thị trường nếu Việt Nam không tìm cách ngăn chặn và giải quyết dứt điểm, thậm chí Đài Loan đã tạm thời ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam ở một số lĩnh vực. Những vấn đề đó đã tác động tiêu cực tới quan hệ hợp tác lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực, là nguyên nhân gây ra nguy cơ bị đóng băng hoặc mất thị trường XKLĐ vào tay các nước XKLĐ khác, làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho công tác quản lý lao động Việt Nam ở các nước này. Hơn nữa, xét về tầm chiến lược, những vấn đề đó nếu không được giải quyết triệt để sẽ làm mất uy tín của người lao động cũng như các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế, tạo dư luận và tâm lý không tốt trong xã hội đối với hoạt động XKLĐ, ảnh hưởng xấu tới mục tiêu và hiệu quả của hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực này trong thời gian tới. Từ tình hình thực tế nêu trên, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc Á để tìm ra những nguyên nhân của thành công và hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế những phát sinh tiêu cực, thúc đẩy hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực này phát triển là rất có ý nghĩa và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, vấn đề " Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc Á - thực trạng và giải pháp " được chọn làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ.