Luận án Tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản truyện Kiều của Nguyễn Du

1.1. Mơ hồ gọi tên một trạng thái không rõ ràng, bất định, cùng một ngữ cảnh mở ra nhiều ý hiểu. Nó là bản chất của đời sống đồng thời được xem là một thuộc tính khá thường trực trong hoạt động nhận thức, tâm lý, giao tiếp của con người bởi đời sống luôn vận động nhiều khi đi xa khỏi kinh nghiệm sẵn có khiến chúng ta không tránh khỏi sự nhận thức mông lung, không thể rạch ròi về đối tượng. Ngay đến khoa học là những bộ môn nghiên cứu luôn đòi hỏi sự chính xác thì tính không xác định của những phán đoán và kết luận cũng ngày càng trở nên phổ biến. Đã từng có thời kì khi nghiên cứu về hoạt động nhận thức, người ta thường xem mơ hồ là trạng thái không được đánh giá cao. Đặc biệt, đối với các bộ môn khoa học, mơ hồ có thể coi là nhược điểm cần tìm cách khắc phục. Nhưng khi xã hội càng phát triển, con người đã nhận ra xét đến cùng mơ hồ không phải lúc nào cũng bị xem là sự thiếu tin cậy nếu ta đặt bên cạnh tư duy chính xác bởi nhiều khi chính sự mơ hồ chủ động trong tư duy cho phép chúng ta nắm bắt được cái trạng thái rất đặc biệt của thế giới mà tư duy lý tính không thể chạm tới. Và do vậy, không phải ngẫu nhiên mà mơ hồ trở thành một phẩm chất rất cần thiết trong tư duy nghệ thuật. 1.2. Trên thế giới, mơ hồ đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ như: tư duy mơ hồ, mỹ học mơ hồ, mơ hồ tu từ học, ngôn ngữ mơ hồ.tuy nhiên, cho đến nay, góc tiếp cận mơ hồ vẫn còn nhiều khoảng trống. Trong văn học, mơ hồ là một phẩm chất thẩm mỹ. Nó đã được ý thức từ lâu trong lịch sử thi học cổ xưa, đặc biệt đến W. Empson và trường phái phê bình Mới, nó trở thành một thuật ngữ trong văn học. Sau này, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận thuật ngữ ở những góc độ khác nhau nhưng đều nhấn mạnh không có sự mơ hồ không tạo nên phẩm chất nghệ thuật của văn chương. Mơ hồ trước hết nằm trong chính cấu trúc nội tại của văn bản văn học. Ở Việt Nam, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, sâu sắc về tính mơ hồ trong văn học trên bình diện này. Luận án nghiên cứu tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản văn học là đi vào phương diện đặc trưng của tư duy nghệ thuật, nó chi phối và để lại dấu ấn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Mơ hồ với những cơ chế hoạt động của nó, mở ra trường ý nghĩa bất tận khiến văn học trở thành chiếc chìa khóa vạn năng, giúp chiếm lĩnh mọi mặt đời sống một cách phong phú và sâu sắc. Vì vậy, nghiên cứu tính mơ hồ là một bước tiến để hiểu sâu hơn nữa đặc trưng bản chất của văn học. Đó là đặc trưng về tính không xác định trên các bình diện của văn bản, tạo khả năng đa giá trị không chỉ về ý nghĩa, tư tưởng mà còn làm nên tính thẩm mỹ của thế giới nghệ thuật.

docx171 trang | Chia sẻ: Đào Thiềm | Ngày: 14/01/2024 | Lượt xem: 165 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản truyện Kiều của Nguyễn Du, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI -------------------------------- NGUYỄN HỒNG HẠNH TÍNH MƠ HỒ TRONG CẤU TRÚC VĂN BẢN TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HÀ NỘI - 2023 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI -------------------------------- NGUYỄN HỒNG HẠNH TÍNH MƠ HỒ TRONG CẤU TRÚC VĂN BẢN TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU Chuyên ngành: Lí luận văn học Mã số: 9220120 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGƯỜI HƯƠNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS Lê Lưu Oanh HÀ NỘI - 2023 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chuẩn xác cao nhất. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn có xuất xứ rõ ràng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình. Tác giả luận án MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Mơ hồ gọi tên một trạng thái không rõ ràng, bất định, cùng một ngữ cảnh mở ra nhiều ý hiểu. Nó là bản chất của đời sống đồng thời được xem là một thuộc tính khá thường trực trong hoạt động nhận thức, tâm lý, giao tiếp của con người bởi đời sống luôn vận động nhiều khi đi xa khỏi kinh nghiệm sẵn có khiến chúng ta không tránh khỏi sự nhận thức mông lung, không thể rạch ròi về đối tượng. Ngay đến khoa học là những bộ môn nghiên cứu luôn đòi hỏi sự chính xác thì tính không xác định của những phán đoán và kết luận cũng ngày càng trở nên phổ biến. Đã từng có thời kì khi nghiên cứu về hoạt động nhận thức, người ta thường xem mơ hồ là trạng thái không được đánh giá cao. Đặc biệt, đối với các bộ môn khoa học, mơ hồ có thể coi là nhược điểm cần tìm cách khắc phục. Nhưng khi xã hội càng phát triển, con người đã nhận ra xét đến cùng mơ hồ không phải lúc nào cũng bị xem là sự thiếu tin cậy nếu ta đặt bên cạnh tư duy chính xác bởi nhiều khi chính sự mơ hồ chủ động trong tư duy cho phép chúng ta nắm bắt được cái trạng thái rất đặc biệt của thế giới mà tư duy lý tính không thể chạm tới. Và do vậy, không phải ngẫu nhiên mà mơ hồ trở thành một phẩm chất rất cần thiết trong tư duy nghệ thuật. 1.2. Trên thế giới, mơ hồ đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ như: tư duy mơ hồ, mỹ học mơ hồ, mơ hồ tu từ học, ngôn ngữ mơ hồ...tuy nhiên, cho đến nay, góc tiếp cận mơ hồ vẫn còn nhiều khoảng trống. Trong văn học, mơ hồ là một phẩm chất thẩm mỹ. Nó đã được ý thức từ lâu trong lịch sử thi học cổ xưa, đặc biệt đến W. Empson và trường phái phê bình Mới, nó trở thành một thuật ngữ trong văn học. Sau này, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận thuật ngữ ở những góc độ khác nhau nhưng đều nhấn mạnh không có sự mơ hồ không tạo nên phẩm chất nghệ thuật của văn chương. Mơ hồ trước hết nằm trong chính cấu trúc nội tại của văn bản văn học. Ở Việt Nam, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, sâu sắc về tính mơ hồ trong văn học trên bình diện này. Luận án nghiên cứu tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản văn học là đi vào phương diện đặc trưng của tư duy nghệ thuật, nó chi phối và để lại dấu ấn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Mơ hồ với những cơ chế hoạt động của nó, mở ra trường ý nghĩa bất tận khiến văn học trở thành chiếc chìa khóa vạn năng, giúp chiếm lĩnh mọi mặt đời sống một cách phong phú và sâu sắc. Vì vậy, nghiên cứu tính mơ hồ là một bước tiến để hiểu sâu hơn nữa đặc trưng bản chất của văn học. Đó là đặc trưng về tính không xác định trên các bình diện của văn bản, tạo khả năng đa giá trị không chỉ về ý nghĩa, tư tưởng mà còn làm nên tính thẩm mỹ của thế giới nghệ thuật. 1.3. Truyện Kiều là tập đại thành của văn học dân tộc, có một lịch sử nghiên cứu và tiếp nhận vô cùng phong phú. Mặc dù đã ra đời gần 300 năm nhưng những giá trị của tác phẩm vẫn còn luôn để ngỏ với nhiều bí ẩn trong câu chữ, trong hình tượng dẫn đến ý nghĩa của Truyện Kiều luôn như một dòng chảy không bao giờ vơi cạn. Luận án xem mơ hồ là một phẩm chất, là một trong những cách thức tạo nên sự hấp dẫn, khoái cảm thẩm mỹ của tác phẩm cho đến tận bây giờ. Tìm hiểu Tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản Truyện Kiều là một hướng đi mới, nhằm khai thác và giải mã chiến lược tu từ và nghệ thuật tự sự, nghệ thuật xây dựng nhân vật góp phần tạo nên những ý nghĩa phong phú, sức quyến rũ của tác phẩm. Từ đó, khẳng định Truyện Kiều là một bước tiến lớn về chiến lược tu từ, tư duy tự sự và quan niệm nghệ thuật của dân tộc, thể hiện không những đặc thù thi pháp văn học trung đại mà còn gợi mở, tiệm cận dần với thi pháp văn học hiện đại. 1.4. Từ xưa đến nay, Truyện Kiều luôn là một tác phẩm trọng điểm có rất nhiều trích đoạn được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông như: Chị em Thúy Kiều; Cảnh ngày xuân; Kiều ở lầu Ngưng Bích; Mã Giám Sinh mua Kiều; Thúy Kiều báo ân báo oán Tuy nhiên, cách dạy học phổ biến vẫn chỉ dừng lại ở việc cảm thụ lớp nghĩa bề mặt và phân tích một vài biện pháp nghệ thuật như: cách dùng từ đắt, nghệ thuật tả cảnh, nghệ thuật xây dựng nhân vật chứ chưa chú ý khai thác sự đa trị, mơ hồ làm nên tính thẩm mỹ, tính quan niệm trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Đây chính là phần khơi gợi sức tưởng tượng, năng lực cảm thụ của học sinh một cách phong phú. Nghiên cứu Tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản Truyện Kiều, luận án mở ra một lối tiếp cận phát huy tính tích cực chủ động của học trò để khai mở những ý nghĩa, cảm nhận phong phú về tác phẩm trên mọi cấp độ lời văn, hình tượng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu,... Cách tiếp cận này đi theo đúng tinh thần đổi mới dạy học ngữ văn hiện nay là dạy học theo định hướng phát triển năng lực của người học. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án nghiên cứu tính mơ hồ như một phạm trù thẩm mỹ, là kết quả của sự sáng tạo, sự gia công sử dụng các thủ pháp nghệ thuật của người nghệ sĩ, mang tính quan niệm biểu hiện trong văn học. Từ đó, đi sâu vào nghiên cứu tính mơ hồ biểu hiện trên các cấp độ của cấu trúc văn bản Truyện Kiều: từ cấp độ ngôn từ đến cấp độ hình tượng và cấp độ ý nghĩa. Văn bản sử dụng để khảo sát là cuốn: Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ hiệu khảo (2020), Truyện Kiều, Nxb Văn học, Hà Nội. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Tính mơ hồ trong văn học có thể có nhiều cách tiếp cận như: phân tâm học, văn hóa học, tiếp nhận học nhưng do khuôn khổ của luận án, chúng tôi chỉ nghiên cứu tính mơ hồ như một phạm trù thẩm mỹ từ cách tiếp cận tu từ học và thi pháp học. Đó cũng chính là cách tiếp cận của W. Empson, các hướng nghiên cứu khác được chúng tôi sử dụng để tham chiếu. Luận án khảo sát mơ hồ trên mọi cấp độ ngôn từ của Truyện Kiều, nghiên cứu Truyện Kiều như hiện tượng của ngôn từ nghệ thuật, tạo nên khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc chứ không khảo sát nó như một hiện tượng ngôn ngữ học. Mặc dù vấn đề văn bản học Truyện Kiều có những thứ cũng có thể giúp ta quan sát được biểu hiện của tính mơ hồ như: hiện tượng từ trượt nghĩa, từ cổ, từ bị tách khỏi ngữ cảnh trực tiếp gây ra mơ hồ nhưng đó không phải là đối tượng nghiên cứu của luận án. Chúng tôi xem đó là những biểu hiện của mơ hồ thuộc tính chứ không phải là sản phẩm sáng tạo có chủ ý của Nguyễn Du nhằm tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cho văn bản. Ngoài ra, luận án còn triển khai mở rộng tìm hiểu tính mơ hồ biểu hiện qua hình tượng người kể chuyện và hình tượng nhân vật. Đây là những phương diện nghệ thuật độc đáo nhất trong thế giới hình tượng Truyện Kiều khẳng định giá trị vượt thời của tác phẩm. Chúng tôi ý thức được thế giới hình tượng của Truyện Kiều còn có: hình tượng tác giả hàm ẩn, hình tượng không gian, hình tượng thời gian, nhưng vì dung lượng bị giới hạn, luận án không triển khai những loại hình tượng này. Trong quá trình nghiên cứu, một số tác phẩm thuộc thể loại truyện Nôm như: Truyện Phan Trần, Nhị Độ Mai, Truyện Hoa Tiên, Sơ Kính Tân Trang và Kim Vân Kiều Truyện cũng được đưa vào khảo sát nhằm so sánh, đối chiếu. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Lấy công trình Bảy loại hình mơ hồ của W. Empson làm điểm tựa, luận án khẳng định vai trò của tính mơ hồ là một trạng thái thường trực trong hoạt động nhận thức và tâm lý của con người. Đặc biệt, mơ hồ không chỉ dừng lại là một thuộc tính tất yếu (vốn có, thuộc về bản chất, do các đặc tính tự nhiên như tính võ đoán, tính gián đoạn, tính ngữ cảnh gián tiếp, sự trượt nghĩa của ngôn ngữ tạo thành) mà đã được người nghệ sĩ ý thức phát triển trở thành một phẩm chất rất cần thiết trong hoạt động sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Luận án chỉ ra tính mơ hồ đã có một tiến trình phát triển chi phối sự vận động của văn học, của tư duy nghệ thuật, trở thành một phương diện biểu hiện qua hình thức mang tính quan niệm và tính thẩm mỹ đồng thời khẳng định vai trò, ý nghĩa của tính mơ hồ đối với đời sống văn học. Luận án chứng minh tính mơ hồ được biểu hiện ở các cấp độ từ ngôn từ đến hình tượng nghệ thuật chính là phương diện làm nên sự hấp dẫn, đem đến khoái cảm thẩm mỹ cho văn bản Truyện Kiều, giúp Truyện Kiều trở thành một tác phẩm có vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam và gây tiếng vang trên thế giới. Chương 3 và chương 4 khảo sát cụ thể biểu hiện của tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản Truyện Kiều để làm rõ sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du và trả lời hai câu hỏi nghiên cứu: - Tại sao người ta thích đọc Truyện Kiều? - Tại sao người ta luôn tranh cãi và bàn luận về Truyện Kiều? 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Xác lập quan niệm tính mơ hồ như một phạm trù thẩm mỹ được thể hiện trong các văn bản nghệ thuật ngôn từ. Loại hình hóa các biểu hiện của tính mơ hồ trong văn học Việt Nam. Xây dựng mô hình nghiên cứu tính mơ hồ trong văn học nói chung, khảo sát cụ thể qua cấu trúc văn bản Truyện Kiều. Phân tích và đánh giá các biểu hiện của tính mơ hồ như một phạm trù thẩm mỹ trong văn bản Truyện Kiều: từ cấp độ ngôn từ đến cấp độ hình tượng. Ở cấp độ ngôn từ, luận án hệ thống các thủ pháp mơ hồ; phân tích và chỉ ra giá trị mỹ cảm của tính mơ hồ; rút ra các nguyên tắc mơ hồ. Sự vận động của ngôn từ Truyện Kiều nằm ở sự giao nhau giữa truyền thống và hiện đại, giữa bác học và bình dân. Tác phẩm là thể loại truyện nhưng mang rất nhiều tính thơ, thể hiện một giai đoạn phát triển của ngôn ngữ thơ - truyện thơ. Có sự gia tăng tính trừu tượng của tiếng Việt. Đây là những yếu tố lý giải cho câu hỏi nghiên cứu mà chúng tôi đặt ra: tại sao người ta thích đọc Truyện Kiều? Ở cấp độ hình tượng, luận án chứng minh hệ thống thủ pháp mơ hồ được Nguyễn Du vận dụng một cách sáng tạo và hiệu quả tạo nên một bước tiến mới trong nghệ thuật kể chuyện và nghệ thuật xây dựng nhân vật. Xét phương thức mơ hồ trong nghệ thuật tự sự của Nguyễn Du, luận án chỉ ra tính bất định của hình tượng người kể chuyện trên các phương diện điểm nhìn, giọng điệu. Bên cạnh đó, nghiên cứu tính mơ hồ trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, luận án chỉ ra với Truyện Kiều, lần đầu tiên xuất hiện con người lưỡng diện, khả biến. Nhân vật của Nguyễn Du bắt đầu có những biểu hiện vượt ra ngoài khuôn khổ, không hoàn kết, “có phần dư thừa nhân tính”, tạo nên tiếng nói đối thoại không dứt giữa các quan niệm. Từ đó, luận án khái quát tính mơ hồ và quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Du. Đây là những yếu tố lý giải cho câu hỏi nghiên cứu: tại sao cho đến bây giờ độc giả vẫn chưa thôi tranh cãi, bàn luận về Truyện Kiều? 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp hệ thống - cấu trúc: Bản thân văn bản Truyện Kiều là một cấu trúc gồm các cấp độ liên kết với nhau tạo thành một chỉnh thể có tính hệ thống. Luận án vận dụng lý thuyết để soi chiếu vào các cấp độ cấu trúc của văn bản Truyện Kiều nhằm phân tích, chỉ ra các phương thức mơ hồ, từ đó, rút ra các nguyên tắc, ý nghĩa thẩm mỹ. Hơn nữa, để đánh giá đúng hiệu quả của tính mơ hồ, tránh rơi vào tình trạng phiến diện, luận án nhìn nhận tính mơ hồ trong mạng lưới các mối quan hệ có tính hệ thống, chẳng hạn như: trong chỉnh thể cấu trúc văn bản, trong mối quan hệ với truyền thống văn hóa văn học, trong mối liên hệ với ngữ cảnh của người đọc Phương pháp tiếp cận thi pháp học: luận án phân tích các phương diện hình thức của văn bản như: ngôn từ, hình tượng nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu để chỉ ra các thủ pháp tạo nên sự mơ hồ, tìm ra nguyên tắc, lý giải lý do của sự lặp lại, và cuối cùng là rút ra ý nghĩa thẩm mỹ, tính quan niệm của hệ thống các yếu tố mơ hồ bao trùm mọi cấp độ của tác phẩm. Phương pháp lịch sử: luận án sử dụng phương pháp này để tìm hiểu nguồn gốc, quá trình phát triển của lý thuyết mơ hồ, chỉ ra sự vận động tính mơ hồ trong diễn trình của đời sống và văn học, từ đó phát hiện ra quy luật, bản chất, nguyên tắc và ý nghĩa của lý thuyết mơ hồ. Ngoài ra, luận án sử dụng một số thao tác: Thao tác so sánh, đối chiếu: nhằm so sánh, đối chiếu hệ thống thủ pháp mơ hồ được sử dụng trong các thời kì văn học từ đó chỉ ra sự kế thừa và phát triển càng hoàn thiện của thủ pháp mơ hồ. Luận án còn so sánh sự phát triển của tính mơ hồ trong Truyện Kiều với các truyện Nôm và các tác phẩm văn xuôi tự sự trước và sau nó, so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều Truyện của Trung Hoa để thấy được sự tương đồng, khác biệt và sự sáng tạo của Nguyễn Du. Thao tác thống kê, phân loại: luận án thống kê số lần lặp lại của các thủ pháp như: ẩn dụ, phiếm chỉ, điển cố trong Truyện Kiều, từ đó, rút ra các nguyên tắc và giá trị sử dụng của chúng. Sau khi thống kê, chúng tôi tiến hành phân loại mơ hồ trong Truyện Kiều thành các cấp độ biểu hiện như cấp độ ngữ âm, từ vựng, cú pháp. 5. Đóng góp của luận án Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu tính mơ hồ như một phạm trù thẩm mỹ một cách tập trung và có hệ thống. Luận án mở rộng, đi sâu, kiến giải, tìm hiểu kiến thức mới nhằm xây dựng mô hình nghiên cứu tính mơ hồ, vận dụng mô hình này trong việc nghiên cứu cấu trúc văn bản Truyện Kiều. Công trình nỗ lực trong việc việc nhận diện, phân tích, đánh giá vừa hệ thống vừa chi tiết các biểu hiện của tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản Truyện Kiều. Đây là góc nhìn mới để khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm, điều mà những công trình trước đó ít nhiều đã để ý nhưng chưa đào sâu. Luận án chứng minh mơ hồ là phương diện làm nên sức hấp dẫn, mỹ cảm của ngôn từ và hình tượng Truyện Kiều. Từ đó, khẳng định mơ hồ là một phẩm chất quan trọng đánh dấu một bước tiến trong tư duy nghệ thuật, tư duy tự sự, tư duy tiếng Việt, quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Du; cho thấy những đóng góp của Nguyễn Du đối với sự phát triển của văn học dân tộc, đặc biệt đối với sự phát triển của ngôn ngữ thơ ca. Luận án có ý nghĩa nghiệp vụ, mở ra một hướng tiếp cận mới từ tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản văn học góp phần đổi mới dạy học ngữ văn trong nhà trường. 6. Cấu trúc luận án Chương 1. Tổng quan. Chương 2. Những vấn đề về tính mơ hồ trong cấu trúc văn bản văn học nhìn từ lý thuyết của W. Empson. Chương 3. Tính mơ hồ trên bình diện ngôn từ Truyện Kiều. Chương 4. Tính mơ hồ trên bình diện hình tượng Truyện Kiều. Kết luận. Thư mục tham khảo. Danh mục những công trình đã công bố. Chương 1 TỔNG QUAN 1.1. Tính mơ hồ trong diễn ngôn lý luận phê bình văn học phương Đông và phương Tây Mơ hồ có nghĩa là sự tồn tại đồng thời của hơn một ý nghĩa hay hơn một cách diễn giải, thường được nhận diện như là một đặc trưng của cấu trúc ngôn từ, hình tượng, của hình thức văn chương, của bản thân các thể loại và của các thực hành bởi người đọc. Hiện tượng mơ hồ trong văn học không phải bây giờ mới được biết tới, mỹ học phương Đông thủa xa xưa đã quan tâm đến tính mơ hồ. Nghiêm Vũ đời Tống ở Trung Quốc đã nói khá rõ về tính mơ hồ của thơ: “Đạo thơ ở chỗ diệu ngộ chỗ kì diệu của nó trong suốt, lung linh không thế nắm bắt được” [137;424] Vương Sĩ Trinh đời Thanh đề cao cái “ý tại ngôn ngoại, ý ở ngoài lời của văn thơ” [113;32]. Nhà thi thoại đời Minh, Tạ Trăn cũng chủ trương tả cảnh, thuật sự không nên giống như thực mà phải khác lạ khiến cho người tiếp nhận có cảm giác mơ hồ, bí ẩn (diệu tại hàm hồ). Cảm thấy tính hạn chế và bất lực của ngôn từ “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”, Lưu Hiệp với công trình nổi tiếng Văn tâm điêu long chủ trương “lập tượng dĩ tận ý”, đề xuất khái niệm ý tượng và nâng lên thành một phạm trù của thi học. Hệ thống “ngôn từ ý tượng”, sau phát triển, xuất hiện thêm một số thuật ngữ “ý cảnh”, “tình cảnh” là ngôn từ sử dụng chủ yếu các thủ pháp ẩn dụ, điển cố, hoán dụ, so sánh, chấm phá, gợi tả nhằm tạo nên ngôn từ giàu hình ảnh bao hàm nhiều ý nghĩa, lời ít mà ý nhiều. Sau này, nhiều công trình nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc như: Thi học cổ điển Trung Hoa (Phương Lựu chủ biên), Ngôn ngữ thơ Trung Hoa của Francois Cheng, Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường của Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân cũng nhấn mạnh đến bản chất mơ hồ của văn chương. Các tác giả đã tập trung nghiên cứu cú pháp, cách dùng chữ và ý tượng của thơ cổ Trung Quốc. Cú pháp thơ Đường do từ và mối quan hệ giữa các từ tạo ra, có thể quy về ba loại: “Khi một danh từ hoặc một cụm danh từ tiếp nối ngay sau một danh từ hoặc một cụm danh từ thì đây là trường hợp không liên tục; khi một câu thơ đồng thời tồn tại hai hoặc nhiều loại cấu trúc ngữ pháp, đây là trường hợp đa nghĩa. loại thứ ba gọi là đặt sai - là khi thứ tự của từ trong câu bị đảo lộn hoặc đặt xen một cụm từ vào trong một câu thơ vốn được xem là trôi chảy tự nhiên” [28;83]. Cả ba loại cú pháp này đều xuất hiện trong thơ Đường và tạo nên hiệu quả mơ hồ cho lời thơ vì cú pháp không liên tục là do nhân tố ngữ pháp quá ít, lỏng lẻo khiến ý thơ hoặc mờ nhòe hoặc tạo hiệu quả thẩm mỹ mới mẻ, nếu nhân tố ngữ pháp quá nhiều thì sẽ khiến ý thơ phong phú, đa nghĩa, còn đảo vị trí, đặt sai trật tự thì tạo nên sự lạ hóa khiến ý thơ trở nên mới lạ. Xét về các thành phần từ vựng và cú pháp, các công trình đều chỉ ra đặc trưng của ngôn ngữ thơ Trung Hoa thường tỉnh lược đại từ nhân xưng, tỉnh lược giới từ, tỉnh lược bổ ngữ chỉ thời gian, những từ so sánh và động từ, dùng hư từ thay cho động từ nhằm tạo ra một cấu trúc cú pháp linh hoạt, lỏng lẻo đưa đến nhiều cách kết hợp, nhiều cách lý giải giúp cho lời thơ trở nên mơ hồ đa nghĩa. Như vậy, ngay từ xa xưa, tính mơ hồ tuy rằng chưa được gọi tên nhưng nó đã được ý thức rất rõ trong các công trình thi học cổ điển phương Đông. Các học giả đều thống nhất cho rằng tính mơ hồ là một trong những yếu tố tạo nên mỹ cảm của thơ ca. Thơ ca Trung Hoa luôn chủ ý sử dụng hệ thống các thủ pháp tạo nghĩa giúp cho ngôn từ thơ ca giàu hình ảnh, hàm súc, lời ít ý nhiều. Ở phương Tây, tính mơ hồ có lịch sử thăng trầm hơn. Thời cổ đại, khi nghiên cứu về tu từ học, Aristotle đã trực tiếp nói đến tính mơ hồ khi ông bàn về nhận thức luận. Trong tác phẩm De Phisticis Elenchis, ông đã đề cập mơ hồ do từ đồng âm, mơ hồ do kết hợp từ trong câu. Đó không phải là chủ ý của người nói, người viết mà là một đặc tính tự nhiên của ngôn ngữ. Mối liên hệ giữa nội dung và hình thức của ngôn ngữ là gián tiếp và tùy tiện, do đó có thể xảy ra "tai nạn" cú pháp dẫn đến hai hoặc nhiều nghĩa tồn tại trong cùng một tín hiệu. Mơ hồ bị xem là một trở ngại có hại cho giao tiếp, cho sự thật (trong lĩnh vực logic) và công lý (trong lĩnh vực hùng biện pháp y) cần tìm cách khắc phục. Sau này, trong tác phẩm Ars Rhetorica, ông khai thác sâu hơn, thừa nhận việc sử dụng có chủ ý tính mơ hồ của các nhà ngụy biện mang đầy ẩn ý. Nó là một thuật ngữ có thể được ám chỉ cho nhiều điều khác nhau. Theo quan điểm của Aristotle, sự mơ hồ được xem như một phương tiện để đánh lừa, đó là sự lập lờ, những lời ngụy biện khiến người nghe không phân biệt được thật - giả. Ông đề cao nguyên tắc không mâu thuẫn như là cội nguồn của tư duy khoa học và tư duy logic, trong khi đó mơ hồ chứa đựng các mâu thuẫn ở bên trong cho nên mơ hồ bị xem là “một phạm trù giả tạo”, “một mánh khóe vì lợi ích cá nhân” [7;128] hoặc “chỉ là một sự đùa cợt-để truyền đạt một ý nghĩa sai lệch, hoặc một cách hóm hỉnh để gợi lên một ý nghĩa phụ mà không có ý định cam kết” [7;30]. Trong bối cảnh văn chương thời cổ đại Hi - La, Virgil đã sử dụng từ ambages trong sử thi của Iliad để định nghĩa sự tiên tri có tính chất mơ hồ. Trong Odyssey ngôn ngữ của nhân vật không rõ ràng và dễ hiểu, mà là cố ý tối tăm. Trong kịch Hy Lạp, cả ba bi kịch Agamemnon, Vua Oedi

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxluan_an_tinh_mo_ho_trong_cau_truc_van_ban_truyen_kieu_cua_ng.docx
  • pdf1. Hạnh. Luận án BVCT.pdf
  • pdf2. Hạnh. Tóm tắt. Tieng Viet BVCT.pdf
  • docx2. Hạnh. Tóm tắt. Tieng Viet BVCT.docx
  • docx3. Hạnh. Tóm tắt. Tieng Anh BVCT.docx
  • pdf3. Hạnh. Tóm tắt. Tieng Anh BVCT.pdf
  • pdf4. Hạnh. thông tin tóm tắt những điểm mới của LA.pdf
  • doc4. Hạnh. Thong tin tom tat ve nhung diem moi cua LA.doc
  • pdf5. Hạnh. QĐ TL Hội đồng cấp Trường.pdf
Luận văn liên quan