Ông Ý có mảnh ruộng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.300 m2 . Tháng 12/2005, UBND xã X thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất đã lấy 243m2 đất ruộng của gia đình ông Ý đổi cho gia đình bà Thoa. Tuy nhiên, việc làm này không nhận được sự nhất trí của ông Ý. Ông Ý làm đơn khiếu nại đến UBND xã X và nhận được câu trả lời là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông Ý nay không còn giá trị. Sau đó, tháng 3/2007, UBND xã X đã lấy mảnh ruộng này bán cho ông Ca để làm nhà ở.
Hỏi:
1. Hãy bình luận về những việc làm của UBND xã X?
2. Ông Ý phải làm gì để bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của mình? Hãy thu thập và đưa ra các chứng cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho ông Ý?
3. Vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước nào? Vì sao?
4. Tư vấn cho ông Ý trình tự thực hiện việc khiếu nại để bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của mình?
5. Giúp ông Ý soạn thảo nội dung đơn khiếu nại gửi UBND xã X?
8 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2462 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập học kỳ số 3 Luật Đất đai, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI TẬP SỐ 3
Ông Ý có mảnh ruộng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.300 m2 . Tháng 12/2005, UBND xã X thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất đã lấy 243m2 đất ruộng của gia đình ông Ý đổi cho gia đình bà Thoa. Tuy nhiên, việc làm này không nhận được sự nhất trí của ông Ý. Ông Ý làm đơn khiếu nại đến UBND xã X và nhận được câu trả lời là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông Ý nay không còn giá trị. Sau đó, tháng 3/2007, UBND xã X đã lấy mảnh ruộng này bán cho ông Ca để làm nhà ở.
Hỏi:
1. Hãy bình luận về những việc làm của UBND xã X?
2. Ông Ý phải làm gì để bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của mình? Hãy thu thập và đưa ra các chứng cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho ông Ý?
3. Vụ việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước nào? Vì sao?
4. Tư vấn cho ông Ý trình tự thực hiện việc khiếu nại để bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của mình?
5. Giúp ông Ý soạn thảo nội dung đơn khiếu nại gửi UBND xã X?
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
Câu 1: Bình luận những việc làm của UBND xã X:
Với các dữ kiện trong tình huống, ta có thể nhận định mảnh đất ruộng của ông Ý là thuộc nhóm đất Nông nghiệp được quy định trong Luật Đất đai 2003. Ông Ý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh ruộng có diện tích 1.300 m2 này có nghĩa ông Ý đã được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ổn định và bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định tại Khoản 3; Khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai 2003.
Vậy, với các việc làm của UBND xã X ta có thể có bình luận sau đây:
Thứ nhất, tháng 12/2005, UBND xã X thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất đã lấy 243 m2 đất ruộng của gia đình ông Ý đổi cho gia đình bà Thoa mà không nhận được sự nhất trí của ông Ý đã là sai và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp trong việc sử dụng đất của ông Ý. Sở dĩ như vậy vì, theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai, chuyển đổi đất là một trong những quyền của người sử dụng đất được pháp luật bảo hộ và theo quy định của pháp luật, UBND xã không có thẩm quyền trong việc tiến hành chuyển đổi đất mà tại Khoản 3 Điều 37 chỉ quy định UBND xã có thẩm quyền: “cho thuê đất thuộc quĩ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn”. UBND xã X tự ý thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất này cho bà Thoa không được sự nhất trí của ông Ý là hành vi không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Ý.
Thứ hai, không những thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất không nhận được sự nhất trí của ông Ý mà khi ông Ý làm đơn khiếu nại đến UBND xã X và nhận được câu trả lời là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông Ý nay không còn giá trị. Khi đưa ra lời giải thích này, với chức năng và thẩm quyền của mình trong việc quản lý hành chính ở địa phương, đáng lý UBND xã X phải đưa ra các căn cứ pháp lý rõ ràng để giải thích vì sao lại nói giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Ý lại không còn giá trị nhưng UBND xã lại không đưa ra căn cứ pháp lý nào. Điều này làm cho người có quyền sử dụng đất hợp pháp là ông Ý sẽ không khỏi nghi ngờ là UBND xã X nói hoàn toàn không có căn cứ mà hành động của UBND còn là hành động lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai thẩm quyền theo Điều 15 Luật Đất đai.
Thứ ba, đến tháng 3/2007, UBND xã X lại lấy mảnh ruộng này bán cho ông Ca để làm nhà ở. Việc làm này của UBND xã X rõ ràng là sai vì mảnh đất ruộng nhà ông Ý thuộc nhóm đất nông nghiệp còn khi bán cho ông Ca để làm nhà ở, UBND đã biết rõ là ông Ca sẽ chuyển mục đích sử dụng đất này sang làm đất phi nông nghiệp. Về điều này, theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật Đất đai: “Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư”. Như vậy, việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, quận, thị xã chứ UBND xã không có thẩm quyền này. Vậy, việc UBND xã X bán mảnh đất ruộng đó nhà ông Ý cho ông Ca làm nhà ở là hành động như mặc nhiên cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của ông Ca. Việc làm này của UBND xã X qua phân tích ở trên rõ ràng là sai thẩm quyền.
Câu 2: Việc ông Ý cần làm để bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Các chứng cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Ý:
Điều 105 Luật Đất đai quy định về các quyền của người sử dụng đất trong đó, họ được “nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp” và có quyền “khiếu nại, tố cáo khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai”. Ở đây, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước các việc làm của UBND xã X, ông Ý cần gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền về các việc làm của UBND xã X để có sự can thiệp, giải quyết trường hợp của ông Ý theo đúng pháp luật. Trong tình huống có cho thấy ông Ý đã gửi đơn khiếu nại đến UBND xã X nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng nên ông Ý nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật tại các cấp để có thể nhận được sự câu trả lời đúng đắn và sự giải quyết công bằng của pháp luật.
Ông Ý có thể dựa vào các căn cứ pháp lý sau bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình:
Thứ nhất, mảnh ruộng của ông Ý đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.300 m2,đây là một căn cứ pháp lý đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của ông Ý với mảnh đất ruộng do “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất” nên ông Ý sẽ được bảo hộ các quyền lợi hợp pháp theo Điều 105 Luật Đất đai nếu trong quá trình sử dụng đất ông Ý thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về sử dụng đất.
Thứ hai, ông Ý cần xin cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận lại về bản đồ địa chính khu đất của ông để có thêm căn cứ xác đáng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình một cách rõ ràng, minh bạch vì “Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định”. Và Khoản 4 Điều 19 Luật Đất đai quy định: “Bản đồ địa chính được quản lý, lưu trữ tại cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn”. Như vậy, nếu bản đồ địa chính đã xác định rõ diện tích đất ông Ý được cấp và còn có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ thì ông Ý hoàn toàn được bảo hộ các quyền lợi chính đáng của mình.
Thứ ba, khi nói đến giá trị Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Ý mà UBND xã X cho rằng đã không còn giá trị ta có thể đưa ra các căn cứ sau để phản bác: Trong tình huống này, loại trừ trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Ý phải được cấp mới lại theo Khoản 5 Điều 41 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (Cần cấp mới lại không có nghĩa ông Ý không được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp) thì ở đây, mảnh đất của ông Ý được xác định là đất nông nghiệp và UBND xã X cho biết giấy đăng kí không còn giá trị có thể hiểu mảnh đất này là đất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận sử dụng có thời hạn. Vậy, căn cứ Khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai: “Thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 70 của Luật này là hai mươi năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 70 của Luật này là năm mươi năm…
Thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15 tháng 10 năm 1993”. Vậy nếu mảnh đất ruộng của ông Ý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thời hạn theo quy định là 20 năm với đất trông cây hàng năm và giả sử mảnh đất của ông Ý được giao trước ngày 15/10/1993 thì theo quy định trên, thời hạn sẽ được tính từ ngày 15/10/1993 và với thời hạn theo lập luận trên là 20 năm thì ông Ý có quyền sử dụng đất hợp pháp đến 15/10/2013. Và nếu ông Ý được giao sau thời gian 15/10/1993 thì đến nay lại càng chưa hết hết hạn. Khi UBND xã X can thiệp vào chuyển đổi đất của ông Ý năm 2005 tiếp theo là năm 2007 thì, UBND xã X không thể nói giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông Ý nay không còn giá trị vì thời hạn được phép sử dụng đất của ông Ý vẫn còn. Đây là căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của ông Ý.
Thứ tư, quyền lợi hợp pháp của ông Ý khi UBND xã X thực hiện việc chuyển đổi đất ruộng của ông Ý cho bà Thoa không được sự nhất trí của ông Ý. Theo Điều 106 Luật đất đai thì chuyển đổi đất là một trong những quyền của người sử dụng đất, UBND xã theo quy định của pháp luật chỉ có thẩm quyền giải quyết hòa giải cấp cơ sở khi có tranh chấp đất đai xảy ra theo Điều 135. Ở đây, UBND xã X tự ý chuyển đổi đất mà không được sự nhất trí của ông Ý là làm ảnh hưởng quyền lợi của ông Ý.
Thứ năm, về thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất, tháng 3/2007, UBND xã X đã lấy mảnh ruộng này nhà ông Ý bán cho ông Ca để làm nhà ở. Đây là việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho ông Ca, theo Điểm c Khoản 1 Điều 36 Luật Đất đai, việc này phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải của UBND xã theo Khoản 2 Điều 36. Vậy, việc UBND xã thực hiện việc bán đất này cho ông Ca làm nhà ở cũng không đúng quy định của pháp luật. Và việc làm này còn có thể hiểu UBND xã X đã có hành động thu hồi đất của ông Ý để bán cho ông Ca. Nhưng, xét Điều 38 Luật Đất đai thì gia đình ông Ý không thuộc diện phải thu hồi đất theo tình huống này và Khoản 2 Điều 44 Luật Đất đai quy định thì UBND xã hoàn toàn không có thẩm quyền được phép thu hồi đất của người sử dụng đất hợp pháp mà thẩm quyền này thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định và thẩm quyền này theo Khoản 3 Điều 44 thì không được ủy quyền. Đây cũng là một căn cứ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Ý.
Với các chứng cứ và căn cứ pháp lý trên, ông Ý hoàn toàn có thể thực hiện việc khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Câu 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc:
Theo tình huống trong đề bài, ông Ý đã thực hiện việc khiếu nại đến UBND xã X thỏa mãn quy định của Điều 30 Luật khiếu nại, tố cáo (sửa đổi, bổ sung 2004; 2005) “Người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình” vì vụ việc này không thuộc trường hợp quy định tại Điều 162 Nghị định 181/2004/NĐ-CP theo Điều 165 Nghị định 181/NĐ-CP cần theo Luật khiếu nại, tố cáo.
Khi ông Ý tiếp tục việc khiếu nại về đất đai trong khi UBND xã X lại lấy mảnh ruộng của ông Ý bán cho ông Ca, đây là hành vi liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu nại trong việc thu hồi đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm quyền giải quyết sẽ theo quy định tại Điều 163 Nghị định 181/2004/NĐ-CP mà cụ thể cấp có thẩm quyền là UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và người có thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi cán bộ, công chức thuộc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn,… có hành vi hành chính trong khi giải quyết công việc về quản lý đất đai mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó.
Nếu UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết vụ việc này mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó thì theo Khoản 3 Điều 163 Nghị định 181/NĐ-CP, thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo sẽ thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quyết định ở đây sẽ là quyết định giải quyết cuối cùng; hoặc có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân để giải quyết thì thẩm quyền sẽ thuộc tòa án nhân dân.
Câu 4:Trình tự thực hiện khiếu nại bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của ông Ý:
Trình tự thực hiện việc khiếu nại trên sẽ tuân theo quy định của Luật Đất đai và Luật khiếu nại, tố cáo (sửa đổi, bổ sung 2004; 2005). Cụ thể:
Theo Điểm c Khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai thì thời hiệu khiếu nại đối với hành vi hành chính về quản lý đất đai là 30 ngày kể từ ngày biết được có hành vi đó “Thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính đó”.
Đầu tiên, ông Ý phải gửi đơn khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết với việc khiếu nại của ông. Ở đây ông Ý đã thực hiện gửi UBND xã là cơ quan đã thực hiện hành vi sai đó và nhận được câu trả lời ông không đồng ý. Khi xã thực hiện hành vi tiếp theo sai phạm, ông Ý lúc này với sai phạm mới sẽ nộp đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Thời hạn giải quyết khiếu nại sẽ theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Căn cứ Điều 34 Luật khiếu nại, tố cáo, người giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu sẽ phải thụ lý đơn phù hợp với quy định của pháp luật trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp không thụ lý đơn phải nêu rõ lý do.
Theo Điều 36 Luật khiếu nại, tố cáo thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày (kể từ ngày thụ lý); vụ việc phức tạp hơn có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý. Đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa khó đi lại thì thời hạn giải quyết là 45 ngày kể từ ngày thụ lý, vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết.
Khi người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết lần đầu về đất đai mà không đồng ý với quyết định đó, Điểm c Khoản 2 Điều 138 có quy định: “Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân”. Vậy, sau 45 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu, nếu người khiếu nại không đồng ý có thể tiếp tục thực hiện khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao hơn hoặc khởi kiện lên Tòa án nhân dân.
Việc thụ lý đơn khiếu nại lần 2 cũng được tiến hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại theo quy định Điều 41 Luật khiếu nại, tố cáo. Trường hợp không thụ lý đơn phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và nêu rõ lý do.
Việc giải quyết khiếu nại lần 2 quy định tại Điều 43 Luật khiếu nại, tố cáo thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; với vụ việc phức tạp thời hạn giải quyết có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Điều 46 Luật khiếu nại, tố cáo, về quyền khởi kiện (sau khi có quyết định giải quyết lần 2):“Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 43 của Luật khiếu nại,tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án;đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn nói trên có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3 Nghị định 181/2004/NĐ-CP thì nếu đã thực hiện khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thời hạn quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng, phải được công bố công khai và gửi cho người khiếu nại, người khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trong quá trình tiến hành khiếu nại, cần lưu ý khi khiếu nại vẫn phải chấp hành quyết định theo Điều 5 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Và nếu hết thời hạn khiếu nại, khởi kiện thì sẽ mất quyền khiếu nại, khởi kiện.
Câu 5: Nội dung đơn khiếu nại gửi UBND xã X:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Xã X, ngày … tháng … năm …
ĐƠN KHIẾU NẠI
Về hành vi hành chính của UBND xã X
Kính gửi: UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ X
Tên tôi là: Nguyễn Văn Ý - Sinh ngày … tháng … năm …
Nghề nghiệp: …….................................... - Trú tại: …, Xã X,…
Số CMND (hoặc Hộ chiếu):……………..- Ngày và nơi cấp: ………..
Tôi làm đơn này khiếu nại đối với hành vi của Ủy ban nhân dân xã X với mảnh đất ruộng của gia đình tôi. Vụ việc như sau:
Gia đình tôi được quyền sử dụng hợp pháp mảnh đất ruộng có diện tích 1.300m2 mà gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh ruộng này theo quy định của pháp luật.
Tháng 12 năm 2005, UBND xã X thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất đã lấy 243m2 đất ruộng của gia đình tôi đổi cho gia đình bà Thoa. Khi UBND xã X tiến hành việc làm này, tôi đã không nhất trí. Trước sự việc này, tôi có làm đơn khiếu nại gửi đến UBND xã X và nhận được câu trả lời là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình tôi nay đã không còn giá trị.
Sau đó, tháng 03 năm 2007, UBND xã X đã lấy mảnh ruộng này bán cho ông Ca để làm nhà ở. Với chút hiểu biết về quy định của pháp luật, tôi làm đơn khiếu nại này đến UBND xã nhờ xem xét lại hành vi hành chính của xã đối với vụ việc của tôi.
Để giải quyết việc khiếu nại này của tôi theo đúng pháp luật và thật công minh, tôi xin kiến nghị Ủy ban xem xét, thẩm tra, xác minh, làm rõ vấn đề của tôi theo một số căn cứ pháp lý sau đây:
- Xác định lại hồ sơ địa chính lập năm …, thửa số … mang tên gia đình ông Nguyễn Văn Ý có phải có diện tích đất nông nghiệp là 1.300m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không (Cần yêu cầu có trích lục kèm theo).
- Kiểm tra lại thời hạn của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên của ông Ý xem đã hết giá trị chưa (Cần chỉ rõ thời gian cấp và thời hạn ghi trên giấy chứng nhận).
- Tiến hành xem xét lại các việc làm của UBND xã X về việc chuyển đổi đất ruộng và bán đất đó có thực hiện đúng thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật không.
Tôi xin cam đoan nội dung khiếu nại trên của tôi là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại đã nêu. Kính mong UBND xã X dành chút thời gian hết sức quan tâm và sớm trả lời đối với việc khiếu nại của tôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Ghi chú:
- Xin gửi kèm theo bản sao Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất của tôi (Nguyễn Văn Ý) và một số tài liệu để Ủy ban tham khảo.
Người làm đơn
Ý
Nguyễn Văn Ý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội. Giáo trình Luật Đất đai. Nxb Tư pháp 2005;
Luật Đất đai 2003;
Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
Luật khiếu nại, tố cáo (Sửa đổi, bổ sung năm 2004; 2005);
Nghị định số 136/2006/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 14/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;
Một số tài liệu tham khảo khác.