Báo cáo Tóm tắt Tác động của quản trị công ty đến khủng hoảng tài chính tại các nước châu Á
(Bản scan) Khủng hoảng tài chính đặc biệt là làn sóng khủng hoảng vào các năm 1996-1997 ở các nước Châu Á và những năm gần đây đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Cho đến hiện nay, các mô hình về khủng hoảng tài chính có thể chia thành 4 thế hệ mô hình cơ bản. Nhóm mô hình thế hệ thứ nhất và thứ hai chủ yếu chú trọng đến các nhân tố vĩ mô yếu kém. Mô hình thế hệ thứ ba ra đời nhằm giải thích các cuộc khủng hoảng ở châu Á giai đoạn 1996-1997 và nhấn mạnh vào rủi ro đạo đức và thông tin không hoàn hảo (Krugman, 1998, Corsetti, Pesenti và Roubini, 1999) hoặc nhấn mạnh vào bản chất tự thân của khủng hoảng ở Châu Á (Chang and Velasco, 1998, 2001). Mô hình thế hệ thứ tư như mô hình của Johnson và cộng sự (2000), Acemoglu và cộng sự (2002) chú trọng vào yếu tố mô hình thể chế. Johnson và cộng sự (2000) đã tìm thấy rằng quản trị công ty đo lường ở cấp độ quốc gia, đặc biệt là tính hiệu quả của việc bảo vệ cổ đông nhỏ giải thích được sự giảm giá của đồng bản tệ và suy giảm của thị trường chứng khoán tốt hơn các biến vĩ mô chuẩn. Kết quả này được giải thích bởi lý do rằng quản trị công ty yếu kém cùng với triển vọng kinh tế không tốt sẽ tạo ra tham nhũng nhiều hơn của các nhà quản trị và gây ra sự sụt giảm giá tài sản. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế các nước châu Á có nhiều biến động và nguy cơ trở lại của các cuộc khủng hoảng tài chính khá cao. Do đặc trưng riêng về văn hóa, mức độ phát triển kinh tế, khủng hoảng tài chính ở các nước châu Á có nhiều khác biệt.