Chuyên đề Các biện pháp vượt rào cản đối với hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ khi Việt Nam gia nhập WTO
Trong xu thế hội nhập của nền kinh tế quốc dân như hiện nay, việc các quốc gia tăng cường công tác xuất khẩu là một tất yếu để phát triển đất nước, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hoa Kỳ là một trong tám cường quốc phát triển nhất thế giới hiện nay, là một quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ phát triển vào bậc nhất thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định, có một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này cho thấy việc đẩy mạnh hợp tác sâu rộng và bình đẳng với Hoa Kỳ sẽ là một lợi thế rất lớn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nó cho phép chúng ta tận dụng những kinh nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, tiếp thu những tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ của nước bạn vào sản xuất kinh doanh, từ đó mà tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị đóng góp to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao và kí Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ quan hệ buôn bán giữa hai nước đã đạt được những bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên cho tới nay quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế của cả hai bên. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,4% kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Trong số các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ là hàng dệt may. Hàng dệt may đóng một vai trò quan trọng và có đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên mặt hàng dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn gặp nhiều hạn chế do các rào cản thuế quan và phi thuế quan do Hoa Kỳ đặt ra. Vì vậy mục tiêu của việc nghiên cứu là tổng hợp phân tích và đánh giá thực trạng về các rào cản thương mại đối với hàng dệt may xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay từ đó đưa ra một số kiến nghị về các giải pháp để giúp các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vượt qua các rào cản trong thời kì Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Với lý do trên, em mạnh dạn chọn đề tài "Các biện pháp vượt rào cản đối với hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ khi Việt Nam gia nhập WTO" làm chuyên đề tốt nghiệp với hy vọng có thể đóng góp những nghiên cứu và các ý kiến của mình về các rào cản thương mại đối với hàng dệt may của Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là các rào cản thương mại đối với hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn hậu Việt Nam gia nhập WTO. Nó sẽ cung cấp một số lý luận cơ bản về rào cản thương mại quốc tế nói chung và các rào cản thương mại của Hoa Kỳ nói riêng đối với hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đề tài cũng đưa ra một số kiến nghị về những giải pháp cơ bản nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua các rào cản trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình nghiên cứu đề tài có sử dụng kết hợp phương pháp duy vật biện chứng, tổng hợp, phân tích, đánh giá thực tiễn để làm rõ mục đích và yêu cầu của đề tài. Ngoài lời mở đầu và kết luận, nội dung của chuyên đề kết cấu gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về rào cản trong thương mại quốc tế. Chương 2: Thực trạng xuất khẩu dệt may và các rào cản phi thuế quan đối với xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian qua. Chương 3: Các biện pháp vượt qua rào cản đối với hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ khi Việt Nam gia WTO.