Chuyên đề Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu theo hình thức FOB của công ty may Chiến Thắng
Qua hơn 10 năm đổi mới, hoà chung với nhịp điệu phát triển chung của toàn cầu trong những bước chuyển mình đầu tiên của thiên niên kỷ mới, đất nước đã trải qua bao gian lao, thử thách và ngày nay bước đầu đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kể. Theo đà chuyển biến chung của đất nước, hoạt động thương mại quốc tế cũng đã tham gia đóng góp một phần công sức không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Đại hội đại biểu lần thứ IX Đảng Cộng Sản Việt Nam trong khi đề cập đến việc đẩy mạnh hoạt động xuất khâủ nhằm góp phần thực hiện công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước đã khẳng định: “ Đẩy mạnh xuất khẩu, coi xuất khẩu là hướng ưu tiên và là trọng điểm của kinh tế đối ngoại.” Hàng dệt-may là một trong những mặt hàng chủ lực đã được Đảng và Nhà nước quan tâm hướng mạnh đến xuất khẩu. Thời gian qua, ngành dệt-may có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nhằm đảm bảo hàng hoá tiêu dùng trong nước, có nhiều điều kiện mở rộng thương mại quốc tế, thu hút nhiều lao động, tạo ra ưu thế cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu sử dụng nhiều lao động và cũng là ngành có tỷ lệ lợi tức tương đối cao. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may không ngừng gia tăng và hàng năm thu về cho đất nước một khoản ngoại tệ hơn 1 tỷ USD. Hiện nay, ngành may Việt Nam đã có quan hệ với hơn 200 công ty thuộc 40 quốc gia trên thế giới và khu vực. Điều đó đã khẳng định được uy tín ngày càng cao của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành may xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở mức độ gia công cho nước ngoài là chủ yếu, hiệu quả thấp, đây là yếu tố làm cho chúng ta bị động trong sản xuất, đôi khi sản xuất này mang tính thời vụ và phụ thuộc vào nhu cầu cũng như sự biến động về thị trường của khách hàng nước ngoài. Điều đó đặt ra cho ngành một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là phải nhanh chóng chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thực hiện tốt nhất mục tiêu của chiến lược tăng tốc mà ngành dệt may đặt ra từ nay đến năm 2010. Là một thành viên của Tổng công ty may Việt Nam, công ty may Chiến Thắng đã phát triển từ một xí nghiệp may quy mô nhỏ sản xuất đơn thuần theo pháp lệnh nhà nước đã trở thành một Công ty chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, lớn mạnh cả quy mô năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công ty may Chiến Thắng đã từng bước khẳng định được uy tín của mình trên thị trường may mặc xuất khẩu với trên 15 mặt hàng may mặc khác nhau xuất sang được gần 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, doanh thu xuất khẩu của Công ty tăng trung bình 15%/ năm. Mặc dù đạt dược kết quả như vậy nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cũng giống như các doanh nghiệp may mặc khác của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Để theo kịp xu hướng phát triển chung của ngành may mặc Việt nam và nâng cao hiệu quả xuất khẩu của mình, phương hướng phát triển của công ty may Chiến Thắng trong những năm tới là phải nhanh chóng chuyển từ gia công xuất khẩu sang xuất khẩu theo hình thức FOB. Sau một thời gian thực tập tại công ty may Chiến Thắng, đứng trước thực trạng khó khăn chung trong Công ty và những vướng mắc trong việc đẩy mạnh việc chuyển đổi từ phương thức gia công xuất khẩu hàng may mặc sang xuất khẩu trực tiếp , với mong muốn tìm hiểu, nghiên cứu và góp phần tìm ra những giải pháp cho Công ty cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Cô giáo – Thạc sĩ Trần Thị Thạch Liên, tôi đã chọn đề tài: “Một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu theo hình thức FOB của công ty may Chiến Thắng ” Luận văn được viết gồm 3 phần: Chương I: Một số nét khái quát về công ty may Chiến Thắng Chương II: Thực trạng xuất khẩu hàng may mặc tại công ty may Chiến Thắng Chương III: Phương hướng và giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu theo hình thức FOB của Công ty