Chuyên đề Ngành viễn thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
1. Tính cấp thiết của đề tài Nhân loại đang bước vào một thời đại kinh tế mới, đó là thời đại của nền kinh tế tri thức, thời đại của xã hội thông tin. Trong chính sách phát triển của các quốc gia trong đó có Việt Nam, viễn thông luôn được coi là một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng và là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời là lĩnh vực ảnh hưởng nhạy cảm đối với an ninh, chính trị của quốc gia. Trên thế giới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra một cách mạnh mẽ, nó lôi cuốn các quốc gia, các ngành, các lĩnh vực tham gia “cuộc chơi” chung vì những lợi ích mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Trong xu thế này, Việt Nam nói chung và ngành viễn thông nói riêng đã và đang tích cực tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà mục tiêu đặt ra là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm nay, năm 2005. Bắt đầu từ năm 2003, các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến ngành viễn thông bắt đầu có hiệu lực, trong đó đặc biệt là Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn cuối gấp rút đàm phán gia nhập WTO, do đó việc nghiên cứu về thực trạng hội nhập của ngành viễn thông trong thời gian qua là rất cần thiết. Xuất phát từ vấn đề trên, tác giả đã chọn đề tài: “Ngành viễn thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” làm đề tài luận văn cao học. Trong luận văn này, tác giả chỉ ra những yêu cầu của hội nhập, mà đặc biệt là các yêu cầu của Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, yêu cầu của WTO về lĩnh vực viễn thông, phân tích những vấn đề mà Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu và những vấn đề mà cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của hội nhập. 2. Mục đích của chuyên đề Chuyên đề đi sâu phân tích thực trạng hội nhập kinh tế quốc tế của ngành viễn thông Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở phân tích những thực trạng đó, tác giả đưa ra những giải pháp và khuyến nghị để phát triển ngành viễn thông trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu là quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của ngành viễn thông Việt Nam. Về phạm vi nghiên cứu, luận văn phân tích thực trạng hội nhập kinh tế quốc tế của ngành viễn thông Việt Nam trong những năm gần đây với việc đi sâu vào các vấn đề như hoạt động quản lý nhà nước về viễn thông, môi trường pháp lý, mở cửa thị trường, năng lực cạnh tranh của ngành, môi trường đầu tư có yếu tố nước ngoài và thực trạng nguồn nhân lực viễn thông. 4. Phương pháp nghiên cứu Chuyên đề khoa học sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, diễn dịch, các phương pháp phân tích tổng hợp, so sánh, phương pháp đối chiếu, khái quát hoá. trên cơ sở sử dụng số liệu thống kê và tư liệu của ngành viễn thông để phân tích, đánh giá và rút ra kết luận cho vấn đề nghiên cứu. 5. Kết cấu của chuyên đề Ngoài phần mở đầu, kết luật và phần tài liệu tham khảo, chuyên đề bao gồm 3 chương: Chương 1: Lý thuyết về hội nhập kinh tế quốc tế và thể chế hội nhập kinh tế quốc tế của ngành viễn thông Việt Nam Chương 2: Thực trạng ngành viễn thông Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị đối với ngành viễn thông trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.