Đánh giá dự án đầu tư theo cách tiếp cận quyền chọn thực

Trong một môi trường kinh doanh đang ngày càng thay đổi nhanh chóng, việc tìm kiếm những phương pháp đánh giá tài chính dự án đầu tư có tính đến cả sự không chắc chắn trong tương lai cũng như khả năng cho phép doanh nghiệp điều chỉnh dự án khi có những thông tin mới đang trở nên cần thiết. Theo truyền thống, các dự án đầu tư thông thường được đánh giá dựa trên chỉ tiêu giá trị hiện tại ròng (NPV). Phương pháp đánh giá dự án đầu tư dựa vào chỉ tiêu NPV bao gồm hai bước chủ yếu: (1) Xác định các dòng tiền kỳ vọng của dự án, (2) tính toán giá trị hiện tại ròng của dự án dựa trên một tỷ suất chiết khấu được điều chỉnh theo rủi ro. Dự án sẽ được tiến hành nếu NPV > 0. Tuy nhiên, một hạn chế của phương pháp này là: quy tắc NPV giả thiết doanh nghiệp sẽ quản trị dự án một cách thụ động, không tính đến khả năng doanh nghiệp có thể điều chỉnh dự án khi phải đối mặt với tình huống không chắc chắn, ví dụ: nên mở rộng hay thu hẹp quy mô của dự án, nên lựa chọn thời điểm đầu tư nào là thích hợp, nên tiếp tục duy trì hay từ bỏ dự án .v.v. Nói cách khác, quy tắc NPV không phản ánh được tính linh động trong quản trị mà doanh nghiệp có thể có trong quá trình đầu tư. Mặc dù có những phương pháp phân tích hỗ trợ thêm để giúp cho các nhà quản trị tài chính có thể đánh giá dự án trong trường hợp không chắc chắn, chẳng hạn như phân tích tình huống, phân tích độ nhạy, mô phỏng Monte Carlo, các phương pháp này vẫn không tính đến những cơ hội cho phép doanh nghiệp điều chỉnh dự án khi tình hình thực tế có sự thay đổi. Trong thực tế, mỗi dự án đầu tư thường kèm theo nhiều lựa chọn, cho phép các doanh nghiệp có thể linh động trong quá trình đầu tư khi họ đã có những thông tin chính xác hơn về những dự báo liên quan đến dự án. Cân nhắc những lựa chọn này khi đánh giá dự án có thể giúp cho doanh nghiệp có quyết định đúng đắn hơn khi đầu tư. Bài viết này trình bày cách tiếp cận quyền chọn thực (real options) đối với việc đánh giá dự án đầu tư, một phương pháp có thể khắc phục hạn chế của phương pháp đánh giá dự án theo NPV.

doc6 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 2711 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đánh giá dự án đầu tư theo cách tiếp cận quyền chọn thực, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO CÁCH TIẾP CẬN QUYỀN CHỌN THỰC THE REAL OPTIONS APPROACH TO PROJECT EVALUATION ĐẶNG TÙNG LÂM Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Đánh giá dự án đầu tư dựa trên quy tắc NPV có thể làm giảm giá trị của dự án khi có nhiều tình huống không chắc chắn liên quan đến dự án trong tương lai, và do vậy có thể dẫn đến việc từ chối một cơ hội đầu tư. Xem cơ hội đầu tư như là quyền chọn cho phép việc đánh giá các dự án có tính đến sự linh động trong quá trình quản trị dự án khi tình hình thực tế thay đổi. ABSTRACT In case there is great uncertainty over future market conditions, it is likely that project evaluation based on the conventional NPV rule undervalues a project, which can lead managers to rejecting an investment opportunity. An investment opportunity is seen as an option to allow corporate managers to use investment evaluation tools and processes that properly account for both uncertainty and the company's flexibility in response to new information. 1. Đặt vấn đề Trong một môi trường kinh doanh đang ngày càng thay đổi nhanh chóng, việc tìm kiếm những phương pháp đánh giá tài chính dự án đầu tư có tính đến cả sự không chắc chắn trong tương lai cũng như khả năng cho phép doanh nghiệp điều chỉnh dự án khi có những thông tin mới đang trở nên cần thiết. Theo truyền thống, các dự án đầu tư thông thường được đánh giá dựa trên chỉ tiêu giá trị hiện tại ròng (NPV). Phương pháp đánh giá dự án đầu tư dựa vào chỉ tiêu NPV bao gồm hai bước chủ yếu: (1) Xác định các dòng tiền kỳ vọng của dự án, (2) tính toán giá trị hiện tại ròng của dự án dựa trên một tỷ suất chiết khấu được điều chỉnh theo rủi ro. Dự án sẽ được tiến hành nếu NPV > 0. Tuy nhiên, một hạn chế của phương pháp này là: quy tắc NPV giả thiết doanh nghiệp sẽ quản trị dự án một cách thụ động, không tính đến khả năng doanh nghiệp có thể điều chỉnh dự án khi phải đối mặt với tình huống không chắc chắn, ví dụ: nên mở rộng hay thu hẹp quy mô của dự án, nên lựa chọn thời điểm đầu tư nào là thích hợp, nên tiếp tục duy trì hay từ bỏ dự án .v.v. Nói cách khác, quy tắc NPV không phản ánh được tính linh động trong quản trị mà doanh nghiệp có thể có trong quá trình đầu tư. Mặc dù có những phương pháp phân tích hỗ trợ thêm để giúp cho các nhà quản trị tài chính có thể đánh giá dự án trong trường hợp không chắc chắn, chẳng hạn như phân tích tình huống, phân tích độ nhạy, mô phỏng Monte Carlo, các phương pháp này vẫn không tính đến những cơ hội cho phép doanh nghiệp điều chỉnh dự án khi tình hình thực tế có sự thay đổi. Trong thực tế, mỗi dự án đầu tư thường kèm theo nhiều lựa chọn, cho phép các doanh nghiệp có thể linh động trong quá trình đầu tư khi họ đã có những thông tin chính xác hơn về những dự báo liên quan đến dự án. Cân nhắc những lựa chọn này khi đánh giá dự án có thể giúp cho doanh nghiệp có quyết định đúng đắn hơn khi đầu tư. Bài viết này trình bày cách tiếp cận quyền chọn thực (real options) đối với việc đánh giá dự án đầu tư, một phương pháp có thể khắc phục hạn chế của phương pháp đánh giá dự án theo NPV. 2. Nhận dạng quyền chọn thực Quyền chọn cho phép người nắm giữ nó có quyền (nhưng không bắt buộc) để mua (hay bán) một tài sản với một giá nhất định. Quyền chọn thực là quyền chọn trên các tài sản thực. Trong phân tích dự án, quyền chọn thực đề cập đến những cơ hội điều chỉnh dự án đầu tư trong các tài sản thực. Những cơ hội này là những quyền, nhưng không phải là sự bắt buộc đối với doanh nghiệp để thực hiện một sự điều chỉnh nào đó đối với dự án. Tương tự như quyền chọn trên các tài sản tài chính, giá trị của quyền chọn thực sẽ càng lớn khi tính không ổn định của giá trị tài sản thực trong tương lai càng lớn. Doanh nghiệp chỉ thực hiện quyền chọn thực khi giá trị của tài sản thực thay đổi theo chiều hướng thuận lợi. Dưới đây là ví dụ về một số loại quyền chọn thực cơ bản: + Quyền chọn liên quan đến thời điểm đầu tư Giả sử một doanh nghiệp A đang cân nhắc dự án đầu tư xây dựng một nhà máy lắp ráp xe ôtô. Để đơn giản, giả định rằng việc đầu tư có thể tiến hành ngay hôm nay hoặc có thể trì hoãn đến thời điểm một năm sau đó nhưng không thể muộn hơn. Chi phí xây dựng nhà máy ước tính là 18 triệu USD, và giả thiết rằng chi phí này không thay đổi cho dù đầu tư bây giờ hay một năm sau đó. Một vấn đề có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp A là: hiện tại, các nhà chức trách địa phương đang xem xét giảm thuế nhập khẩu ôtô nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang ngày càng gia tăng. Nếu quyết định giảm thuế được thông qua, nhu cầu đối với xe ôtô do doanh nghiệp A lắp ráp sẽ rất thấp và dòng thu nhập trong năm thứ nhất chỉ là 1,6 triệu USD , giá trị hiện tại ở thời điểm cuối năm thứ nhất của các dòng thu nhập sau đó của dự án là 16 triệu USD. Tuy nhiên, nếu các nhà chức trách vẫn giữ nguyên mức thuế như cũ (hoặc giảm không đáng kể), nhu cầu đối với xe ôtô của doanh nghiệp A sẽ khá cao. Trong trường hợp này, dòng thu nhập trong năm thứ nhất sẽ là 2,5 triệu USD và giá trị hiện tại ở thời điểm cuối năm thứ nhất của các dòng thu nhập sau đó là 25 triệu USD. Dựa trên ước tính khả năng nhu cầu cao, thấp đối với xe ôtô lắp ráp, các nhà quản trị doanh nghiệp A thông thường sẽ giải bài toán đầu tư này bằng cách tính toán chỉ tiêu NPV của dự án. Giả sử giá trị hiện tại của dòng thu nhập kỳ vọng của dự án là 20 triệu USD, khi đó NPV = 20 - 18 = 2 triệu USD. Dựa vào giá trị NPV > 0, doanh nghiệp A sẽ quyết định đầu tư ngay bây giờ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp A tiến hành đầu tư hôm nay, kết quả mà nó nhận được có thể không như mong muốn bởi vì sự không chắc chắn của nhu cầu trong tương lai đối với xe lắp ráp. Nếu mức thuế nhập khẩu ôtô giảm đáng kể sau một năm, nhu cầu xe lắp ráp sẽ thấp, và như vậy dự án đầu tư của doanh nghiệp A sẽ thất bại về mặt tài chính. Trong tình huống phải đối mặt với sự không chắc chắn như vậy, tại sao doanh nghiệp A không trì hoãn việc đầu tư cho đến khi đã biết mức thuế mới được áp dụng cho ôtô nhập khẩu. Tình huống trên minh họa một quyền chọn thực, và là một quyền chọn mua trên tài sản thực, mà doanh nghiệp A đang nắm giữ liên quan đến việc lựa chọn thời điểm đầu tư. Doanh nghiệp A có thể tiến hành đầu tư hôm nay hoặc có thể trì hoãn việc đầu tư, tùy thuộc vào giá trị của quyền chọn thực được tính toán hôm nay. Tính không ổn định của giá trị tài sản thực càng lớn, quyền chọn thực sẽ càng có giá trị. Trong trường hợp đó việc duy trì quyền chọn thay vì đầu tư ngay hôm nay có thể là một quyết định đúng đắn. + Quyền chọn đối với việc mở rộng dự án Một ví dụ khác có thể minh họa cho loại quyền chọn này. Một doanh nghiệp B đang xem xét dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe gắn máy. Đặc điểm của loại xe này là nó sử dụng một loại nhiên liệu khác thay thế cho xăng, nhằm góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, ưu điểm đáng chú ý nhất là khả năng tiết kiệm chi phí nhiên liệu đáng kể so với các loại xe gắn máy dùng xăng thông thường. Tuy nhiên, bởi vì loại nhiên liệu được sử dụng cho xe gắn máy này trái với thói quen sử dụng của người tiêu dùng, cũng như những khó khăn mà người tiêu dùng có thể gặp phải khi họ phải tìm trạm cung cấp để nạp nhiên liệu, nhu cầu đối với loại xe này có tính không chắc chắn khá cao. Sự chấp nhận của người tiêu dùng, và nhu cầu đối với loại xe gắn máy này chỉ có thể biết được tương đối chính xác sau khi doanh nghiệp này sản xuất và đưa vào thị trường loại xe đó. Do vậy, các nhà quản trị của doanh nghiệp này dự định tiến hành đầu tư theo hai giai đoạn, thay vì đầu tư với quy mô lớn ngay bây giờ. Trong giai đoạn một, doanh nghiệp chỉ đầu tư sản xuất một số lượng xe gắn máy vừa đủ để thăm dò thị trường. Đây là giai đoạn khá quan trọng và nó quyết định đến việc mở rộng sản xuất ở quy mô lớn sau đó của doanh nghiệp. Nếu giai đoạn một thành công, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn hai để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, đánh giá theo phương pháp truyền thống của doanh nghiệp lại cho thấy cả hai dự án đầu tư trong hai giai đoạn đều có NPV < 0. Dựa trên các chỉ tiêu NPV này, một số ý kiến trong ban lãnh đạo của doanh nghiệp cho rằng không nên tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy. Kết quả này xuất phát từ hạn chế của phương pháp đánh giá dựa vào NPV. NPV của dự án đầu tư trong giai đoạn một đã không tính đến giá trị của việc điều chỉnh dự án, nếu như việc thăm dò thị trường trong giai đoạn một cho kết quả tốt đẹp. Mặc dù NPV của dự án đầu tư trong giai đoạn một có giá trị âm, đầu tư giai đoạn này sẽ tạo ra cơ hội để tiến hành đầu tư ở giai đoạn hai sau đó. Đây là một quyền chọn thực để mở rộng đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy, giá trị của dự án ở giai đoạn một không chỉ bao gồm NPV của riêng nó, mà còn bao gồm cả giá trị của quyền chọn thực này. Ngay cả trong trường hợp NPV của dự án đầu tư trong giai đoạn hai có giá trị âm, giá trị của quyền chọn thực này sẽ không có giá trị âm. Cụ thể, theo quy tắc NPV, dòng thu nhập kỳ vọng ở mỗi mốc thời gian trong tương lai được xác định bằng với giá trị kỳ vọng của tất cả những tình huống có thể, bao gồm cả những tình huống tốt và những tình huống xấu nhất. Cách xác định dòng thu nhập kỳ vọng như thế rõ ràng sẽ làm giảm đi giá trị của dự án. Ngược lại, theo cách tiếp cận quyền chọn thực, dòng thu nhập trong những tình huống xấu của dự án đầu tư mở rộng sẽ không ảnh hưởng đến quyết định hôm nay của doanh nghiệp, vấn đề mà quy tắc NPV không thể khắc phục được. Cân nhắc những tình huống xảy ra khi kết thúc giai đoạn thăm dò thị trường: nếu sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng nhiệt liệt chào đón, doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tận dụng ngay cơ hội kinh doanh này. Tuy nhiên, nếu nhu cầu đối với loại xe gắn máy này vẫn thấp, doanh nghiệp chỉ đơn giản không đầu tư thêm. Đánh giá dự án theo cách tiếp cận quyền chọn thực có thể thay đổi hoàn toàn quyết định của doanh nghiệp trong ví dụ vừa nêu trên. + Quyền chọn đối với việc từ bỏ dự án đầu tư Khả năng để mở rộng dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Khi quá trình đầu tư đang diễn ra khá thuận lợi, nếu việc mở rộng được tiến hành càng nhanh, doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội để kiếm thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu như quá trình đầu tư lại diễn ra theo chiều hướng xấu và dòng thu nhập của dự án là khá thấp so với dự tính ban đầu, trong tình huống này quyền chọn để từ bỏ dự án sẽ là hữu ích đối với doanh nghiệp. Xem xét tình huống sau đây: giả sử một doanh nghiệp C đang dự định xây dựng một nhà máy sản xuất bia nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng ở địa phương. Tuy nhiên, do áp lực cạnh tranh từ nhiều sản phẩm bia khác hiện đã có mặt trên thị trường, nhu cầu đối với loại bia mà doanh nghiệp C sản xuất có tính không chắc chắn cao. Dựa trên chi phí đầu tư và dòng thu nhập kỳ vọng của dự án, phương pháp đánh giá truyền thống cho thấy rằng NPV của dự án có giá trị âm. Dự án này nên bị loại bỏ nếu dựa vào chỉ tiêu NPV này. Giả sử có một doanh nghiệp khác ở địa phương đề nghị với doanh nghiệp C rằng họ có thể mua lại nhà máy bia ở bất kỳ một thời điểm nào đó trong tương lai với một giá được ấn định trước, tùy thuộc vào quyết định của doanh nghiệp C. Trong trường hợp này, đây là một quyền chọn thực để từ bỏ dự án của doanh nghiệp. Tính không ổn định của dòng thu nhập của dự án càng lớn, quyền chọn thực này càng có giá trị. Giá trị của dự án sẽ thay đổi nếu như việc đánh giá dự án có tính đến giá trị của quyền chọn thực để từ bỏ dự án nếu như kết quả đầu tư không như mong muốn, thay vì chỉ dựa vào NPV. Những ví dụ trên chỉ minh họa một vài quyền chọn thực gắn liền với dự án. Trong thực tế còn có nhiều loại quyền chọn thực khác mà doanh nghiệp có thể có khi tiến hành đầu tư. Đánh giá dự án theo cách tiếp cận quyền chọn có thể cho phép các nhà quản trị doanh nghiệp có những quyết định đúng đắn hơn. 3. Định giá quyền chọn thực Về lý thuyết, các kỹ thuật được sử dụng để định giá quyền chọn tài chính, chẳng hạn mô hình nhị thức (The binomial model), mô hình Black-Scholes hoặc mô phỏng Monte Carlo đều có thể được vận dụng để định giá quyền chọn thực. Tuy nhiên trong thực tế, do các thuộc tính của quyền chọn thực, việc vận dụng mô hình Black-Scholes hay mô phỏng Monte Carlo thường khó thực hiện. Cụ thể, mô hình Black-Scholes giả định rằng tài sản cơ sở không trả lợi tức trong thời hạn của quyền chọn (đối với tài sản thực là không có dòng thu nhập), chỉ có thể thực hiện quyền chọn khi đến hạn (chỉ áp dụng với quyền chọn kiểu châu Âu - European Options), chỉ ảnh hưởng bởi một nguồn không chắc chắn duy nhất, và giá thực hiện luôn là hằng số. Những giả định trên thường trái với những thuộc tính của quyền chọn thực. Hạn chế của kỹ thuật định giá quyền chọn dựa trên mô phỏng Monte Carlo là rằng kỹ thuật này rất khó để sử dụng khi định giá những quyền chọn kiểu Mỹ (American Options), trong khi đó phần lớn quyền chọn thực là quyền chọn kiểu Mỹ. Do vậy, mô hình nhị thức thường hay được sử dụng khi định giá quyền chọn thực. Dưới đây minh họa việc vận dụng mô hình nhị thức để định giá quyền chọn thực liên quan đến thời điểm đầu tư trong ví dụ đầu tiên ở phần trên. Tình huống tương ứng với cây nhị thức một giai đoạn (sơ đồ). Mặc dù cây nhị thức một giai đoạn thường không phản ánh đúng những tình huống trong thực tế, nơi mà giá trị tài sản thường biến động theo cây nhị thức với khá nhiều giai đoạn ngắn, nguyên lý cơ bản của việc định giá quyền chọn dựa trên mô hình nhị thức là giống nhau. Trước hết cần tính toán xác suất trung tính rủi ro (risk-neutral probabilities) của thay đổi giá trị của tài sản. Giá trị của tài sản thực ở thời điểm hiện tại là 20 triệu USD. Nếu nhu cầu là cao, dòng thu nhập trong năm thứ nhất sẽ là 2,5 triệu USD và giá trị của tài sản ở thời điểm cuối năm thứ nhất là 25 triệu USD. Tỷ suất lợi tức trên tài sản trong trường hợp này sẽ là: (25 + 2,5 - 20):20 = 0,375 . Nếu nhu cầu là thấp, dòng thu nhập trong năm thứ nhất chỉ là 1,6 triệu USD, giá trị của tài sản ở thời điểm cuối năm thứ nhất là 16 triệu USD. Tỷ suất lợi tức trên tài sản lúc này sẽ là: (16 + 1,6 - 20):20 = - 0,12. Nếu ký hiệu p là xác suất trung tính rủi ro của sự thay đổi tăng trong giá trị tài sản, lúc đó (1 - p) sẽ là xác suất trung tính rủi ro của sự thay đổi giảm. Giả sử lãi suất phi rủi ro là 5%, p được xác định từ phương trình sau: p*0,375 + (1-p)*(-0,12) = 5% ( p = 0,343 1-p = 0,657 Giá trị của quyền chọn được xác định bằng cách tính toán ngược từ cuối đến đầu cây nhị thức. Giá thực hiện trong trường hợp này là 18 triệu USD. Nếu giá trị tài sản vào cuối năm là 25 triệu USD, quyền chọn ở thời điểm này có giá là 25 - 18 = 7 triệu USD. Nếu giá trị tài sản vào cuối năm là 16 triệu USD, quyền chọn ở thời điểm này có giá trị bằng 0. Giá trị của quyền chọn (c) ở thời điểm hiện tại được xác định bằng cách chiết khấu giá trị kỳ vọng của quyền chọn trong điều kiện trung tính rủi ro, với tỷ suất chiết khấu là lãi suất phi rủi ro. c =  Quyền chọn có giá trị 2,29 triệu USD nếu doanh nghiệp A trì hoãn việc đầu tư, và có giá trị bằng NPV (2 triệu USD) nếu thực hiện ngay (nghĩa là tiến hành đầu tư ngay ở thời điểm hiện tại). Do vậy, giá trị NPV dương trong trường hợp này cũng chưa phải là lý do để tiến hành đầu tư ngay, vẫn còn cơ hội tốt hơn nếu doanh nghiệp A tiếp tục chờ đợi thêm thông tin. Khi định giá quyền chọn thực bằng cách sử dụng mô hình nhị thức nhiều giai đoạn, một thông số quan trọng cần phải ước lượng để có thể tính toán thay đổi trong giá trị của tài sản là độ lệch chuẩn (σ) của tỷ suất lợi tức trên tài sản. σ có thể được ước lượng dựa trên các dữ liệu lịch sử của các tài sản với đặc điểm rủi ro tương tự theo cách thông thường, hoặc từ phân tích tình huống, hoặc có thể từ các mô hình phức tạp hơn (như mô hình GARCH). 4. Kết luận Tóm lại, hạn chế của quy tắc NPV là rằng chỉ tiêu này không tính đến những cơ hội mà doanh nghiệp có thể có trong suốt thời gian tồn tại của dự án đầu tư. Đánh giá dự án theo cách tiếp cận quyền chọn có thể khắc phục hạn chế này. Tuy nhiên, cách tiếp cận quyền chọn không phủ nhận cách tiếp cận dựa trên NPV. Nó có thể xem như cách tiếp cận bổ sung cho phương pháp đánh giá dự án dựa trên NPV, qua đó góp phần cải thiện chất lượng của quá trình ra quyết định đầu tư, và do vậy thành quả của doanh nghiệp. TÀI LIỆU THAM KHẢO Brealey, R. A., Myers, S.C. (2003), Principles of Corporate Finance, 7th Edition, McGraw-Hill. Copeland, T.E., Weston, J.F., Shastri, K. (2005), Financial Theory and Corporate Policy, 4th Edition, Pearson - Addison Wesley. Hull, J.C. (2003), Options, Futures, and Other Derivatives, 5th Edition, Prentice Hall. Kathleen T. Hevert, "Real Options Primer: A Practical Synthesis of Concepts and Valuation Approaches", Journal of Applied Corporate Finance, Vol. 14, No.2 (Summer 2001).
Luận văn liên quan