Đề tài Các nguyên tắc pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế
Mỗi hệ thống pháp luật đều được thiết lập dựa trên hệ các nguyên tắc pháp luật nhất định. Có thể nói, các nguyên tắc pháp luật như xương sống làm giá đỡ cho toàn bộ hệ thống pháp luật. Các nguyên tắc pháp luật là những tư tưởng chỉ đạo nội dung, quá trình xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật. Ngoài ra chúng còn có tác dụng như chất kết dính tạo ra sự liên kết và thống nhất giữa các bộ phận của hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc xác định và thực hiện các nguyên tắc pháp luật xã hội chủ nghĩa phù hợp sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả của hệ thống pháp luật, tới công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, quyền, lợi ích của nhân dân. Ngược lại, nếu việc xác định hoặc thực hiện các nguyên tắc pháp luật không chính xác, không tốt sẽ có ảnh hưởng xấu đến các hoạt động xây dựng, thực hiện pháp luật và xét đến cùng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế, chính trị- văn hoá, xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới thì trước hết phải xác định đúng, chính xác nội dung các nguyên tắc pháp luật. Do vậy, việc nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện những tư tưởng, quan điểm phù hợp để chỉ đạo quá trình xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống pháp luật cũng như quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật trong tình hình và điều kiện mới. Khi đã có một hệ thống các nguyên tắc pháp luật phù hợp, các quy phạm pháp luật sẽ được ban hành, thực hiện và áp dụng trên cơ sở của những nguyên tắc đó, và điều đó cũng có nghĩa là hiệu quả điều chỉnh pháp luật sẽ cao hơn, công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc sẽ đạt được nhiều thành tích hơn vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.