Đề tài Chế độ pháp lý về hợp đồng tín dụng ngắn hạn và thực tiễn áp dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (VPBank)
Ngay từ khi ra đời, Ngân hàng thương mại đã thể hiện được rõ vai trò, chức năng quan trọng của mình trong hoạt động tài chính tiền tệ, vai trò trung gian tài chính của mình trong hoạt động của nền kinh tế. Ngân hàng là nơi cung cấp vốn cho nền kinh tế, chủ thể chính đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, ngân hàng thương mại đứng ra huy động các nguồn vốn nhàn rỗi và tạm thời nhàn rỗi ở mọi tổ chức, cá nhân, mọi thành phần kinh tế. Là cầu nối giữa các doanh nghiệp với thị trường, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp không những cần nâng cao chất lượng lao động, củng cố và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế. mà còn phải không ngừng cải tiến máy móc thiết bị, dây truyền công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất thích hợp. Do đó để giải quyết khó khăn này doanh nghiệp có thể tìm đến ngân hàng xin vay vốn nhằm thoả mãn nhu cầu vốn của mình. Ngân hàng thương mại là công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế, trong sự vân hành của nền kinh tế thị trường, ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả thông qua các nghiệp vụ kinh doanh của mình sẽ thực sự là một công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Bằng các nghiệp vụ kinh doanh của mình, nhất là các hoạt động tín dụng, các ngân hàng thương mại đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của mình. Hoạt động tín dụng ngắn hạn là một hoạt động chủ yếu của các ngân hàng thương mại, xuất phát từ đặc trưng của ngân hàng thương mại, là ngân hàng kinh doanh tiền gửi, mà trong đó chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn nên để khả năng thanh toán của mình ngân hàng thương mại cho vay chủ yếu là ngắn hạn. Hoạt động tín dụng ngắn hạn có thời gian hoàn vốn ngắn, liên quan đến điều kiện kinh tế trong thời gian gần nên hoạt động này cần có sự điều chỉnh của pháp luật. Chế độ pháp lý về hợp đồng kinh tế nói chung, hợp đồng tín dụng nói riêng và đặc biệt là hợp đồng tín dụng ngắn hạn còn nhiều vướng mắc như thế nào là hợp đồng tín dụng ngắn hạn, phân biệt HĐTD- HĐDS. Hoàn thiện chế độ pháp lý về hợp đồng tín dụng ngắn hạn - một chủng loại của hợp đồng kinh tế- là cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, chất lượng tín dụng. Qua quá trình thực tập tại NHTMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam, với sự hướng dẫn nhiệt tình của các cán bộ Phòng Thu Hồi Nợ, tác giả đã tìm hiểu đề tài”Chế độ pháp lý về hợp đồng tín dụng ngắn hạn và thực tiễn áp dụng tại NHTMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (VPBank). Bố cục của đề tài được chia thành 3 chương: Chương I: Hợp đồng tín dụng ngắn hạn- Một chủng loại của hợp đồng kinh tế. Chương II: Ký kết và thực hiện hợp đồng tín dụng ngắn hạn tại NHTMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (VPBank). Chương III: Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp đồng tín dụng ngắn hạn tại NHTMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (VPBank). Cuối cùng tác giả xin cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của Thạc Sỹ Đỗ Kim Hoàng, các cán bộ phòng Thu Hồi Nợ, các cán bộ, nhân viên tại NHTMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam đã giúp đỡ tác giả hoàn thành bài viết.