Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc, nhằm làm sáng tỏ cái đúng, cái sai, tốt, xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào đời sống và bản thân. Những đề tài và nội dung này thường là những vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, có tính giáo dục và tính thời sự cao. Đối với chương trình làm văn trong nhà trường phổ thông, đó thường là các đề bài mang đến cho học sinh những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn về cuộc sống, có ý nghĩa hướng đạo, đặc biệt là những vấn đề có ý nghĩa tác động trực tiếp đối với thế hệ trẻ.
Tập trung vào kiểu bài nghị luận xã hội là một nỗ lực đổi mới chương trình Ngữ Văn trong nhà trường trung học phổ thông hiện nay. Bởi lẽ, một thời gian dài trước đây, làm văn trong nhà trường chỉ tập trung vào nghị luận văn học khiến cho học sinh luôn cảm thấy văn chương xa rời thực tế cuộc sống. Cho đến hôm nay, văn nghị luận xã hội không chỉ trở thành tiêu chí đánh giá học sinh trong những bài kiểm tra, mà còn trong cả kỳ thi tốt nghiệp, đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học.Thiết nghĩ, sự chuyển biến này đã mang lại không ít cơ hội cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Rèn luyện văn nghị luận xã hội không chỉ giúp học sinh hoàn thiện kĩ năng trình bày quan điểm của mình mà còn cung cấp tri thức vô cùng phong phú về những vấn đề xã hội để có thể sống tốt hơn, và hoàn thiện nhân cách của mình. Tuy nhiên, bất kì một sự đổi mới nào cũng đặt ra không ít thách thức. Thách thức đối với học sinh kể từ khi đề văn nghị luận xã hội có mặt trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học không hề nhỏ. Thời gian rèn luyện trên lớp về nghị luận xã hội không nhiều. Kiến thức xã hội còn hạn chế. Tài liệu tham khảo nghị luận xã hội không nhiều. Cộng với kĩ năng làm bài chưa thuần thục, và nhiều vướng mắc khác trong việc thực hiện các yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội Tất cả những điều đó đã tạo áp lực, gây hoang mang cho không ít học sinh. Giúp đỡ cho các em học sinh khắc phục được những khó khăn trên chính là lí do để chúng tôi chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu.
32 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 5757 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Giúp học sinh lớp 12 ôn tập tốt hơn phần làm văn nghị luận xã hội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
I. MỞ ĐẦU:
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc, nhằm làm sáng tỏ cái đúng, cái sai, tốt, xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào đời sống và bản thân. Những đề tài và nội dung này thường là những vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, có tính giáo dục và tính thời sự cao. Đối với chương trình làm văn trong nhà trường phổ thông, đó thường là các đề bài mang đến cho học sinh những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn về cuộc sống, có ý nghĩa hướng đạo, đặc biệt là những vấn đề có ý nghĩa tác động trực tiếp đối với thế hệ trẻ.
Tập trung vào kiểu bài nghị luận xã hội là một nỗ lực đổi mới chương trình Ngữ Văn trong nhà trường trung học phổ thông hiện nay. Bởi lẽ, một thời gian dài trước đây, làm văn trong nhà trường chỉ tập trung vào nghị luận văn học khiến cho học sinh luôn cảm thấy văn chương xa rời thực tế cuộc sống. Cho đến hôm nay, văn nghị luận xã hội không chỉ trở thành tiêu chí đánh giá học sinh trong những bài kiểm tra, mà còn trong cả kỳ thi tốt nghiệp, đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học.Thiết nghĩ, sự chuyển biến này đã mang lại không ít cơ hội cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Rèn luyện văn nghị luận xã hội không chỉ giúp học sinh hoàn thiện kĩ năng trình bày quan điểm của mình mà còn cung cấp tri thức vô cùng phong phú về những vấn đề xã hội để có thể sống tốt hơn, và hoàn thiện nhân cách của mình. Tuy nhiên, bất kì một sự đổi mới nào cũng đặt ra không ít thách thức. Thách thức đối với học sinh kể từ khi đề văn nghị luận xã hội có mặt trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học không hề nhỏ. Thời gian rèn luyện trên lớp về nghị luận xã hội không nhiều. Kiến thức xã hội còn hạn chế. Tài liệu tham khảo nghị luận xã hội không nhiều. Cộng với kĩ năng làm bài chưa thuần thục, và nhiều vướng mắc khác trong việc thực hiện các yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội…Tất cả những điều đó đã tạo áp lực, gây hoang mang cho không ít học sinh. Giúp đỡ cho các em học sinh khắc phục được những khó khăn trên chính là lí do để chúng tôi chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu.
MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU.
Chúng tôi sẽ tiến hành đề tài với hai mục đích cơ bản sau:
Thứ nhất, giúp học sinh nắm được những phương pháp cơ bản để làm tốt một bài văn nghị luận xã hội.
Thứ hai, các giáo viên Ngữ Văn có thể dùng làm tài liệu ôn tập, luyện thi phần nghị luận xã hội.
Những mục đích trên cũng chính là đóng góp của đề tài.
ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU.
Đối tượng nghiên cứu: Nghị luận xã hội có mặt trong phân môn Ngữ Văn từ chương trình THCS. Ở chương trình THPT, nó có mặt ở cả 3 khối lớp: 10, 11, 12. Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài này, chúng tôi chỉ tìm hiểu phương pháp làm văn nghị luận xã hội cho học sinh lớp 12 để phục vụ 2 kì thi: Tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học.
Phạm vi nghiên cứu: Các đề bài nghị luận xã hội vô cùng phong phú và đa dạng. Trong khuôn khổ công trình này, chúng tôi chỉ có thể khai thác một số đề bài ở 2 dạng đề cơ bản, đó là: Nghị luận về một tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống.
NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU.
Để đạt được những mục đích trên, trong đề tài nghiên cứu của mình, chúng tôi giải quyết một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Đưa ra một số biện pháp rèn kĩ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh lớp 12.
- Đưa ra một số giải pháp nhằm tiến hành rèn luyện đạt hiệu quả cao cho học sinh.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Để đạt được mục đích và thực hiện những nhiệm vụ mà đề tài đặt ra, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:
- Phương pháp liệt kê.
- Phương pháp thống kê phân loại.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp để tìm hiểu cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và phân tích, chứng minh các biện pháp thực hiện.
- Phương pháp khảo sát thực nghiệm để chứng minh cho giả thuyết của đề tài.
CẤU TRÚC CỦA ĐỀ TÀI.
Ngoài phần mở đầu và kết thúc, đề tài của chúng tôi gồm những nội dung cơ bản sau:
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1. 1. Cơ sở pháp lý:
1. 2. Cơ sở lý luận.
1. 3. Cơ sở thực tiễn.
CHƯƠNG 2: RÈN KĨ NĂNG LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHO HỌC SINH LỚP 12.
2. 1. Rèn kĩ năng nhận dạng đề và tìm hiểu đề trong bài văn nghị luận xã hội.
2. 2. Rèn kĩ năng tìm luận điểm và thu thập dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội.
2.3. Rèn kĩ năng lập dàn bài trong bài văn nghị luận xã hội.
CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
3. 1. Tiến hành thực nghiệm.
3. 2. Kết quả thực nghiệm.
3. 3. Giải pháp
II. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1. 1. Cơ sở pháp lí:
Căn cứ pháp lí của đề tài là:
- Bộ giáo dục đào tạo đã quy định trong cấu trúc đề thi năm học 2008 – 2009, và 2009 – 2010 gồm có 3 câu, trong đó:
Câu 2: Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn khoảng 400 từ (đối với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông), hoặc khoảng 600 từ (đối với đề thi tuyển sinh cao đẳng, đại học). Có 2 dạng bài cụ thể là: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí và nghị luận về một hiện tượng đời sống.
1. 2. Cơ sở lý luận:
1. 2. 1. Nghị luận về một tư tưởng đạo lí:
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng đạo đức, lối sống, quan niệm của con người. Vấn đề tư tưởng đạo lí thường được nêu lên trong các ý kiến, nhận định của các bậc vĩ nhân, hay nhà thơ, nhà văn…, hoặc được nêu ra ở tục ngữ, ca dao…
Ví dụ: Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa” (Theo sách Dám thành công – Nhiều tác giả, NXB trẻ, 2008, tr90): Đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2009.
1.2.2. Nghị luận về một hiện tượng đời sống.
Xung quanh chúng ta hằng ngày có biết bao chuyện xảy ra. Có hiện tượng tốt, có hiện tượng xấu. Tất cả những điều xảy ra trong cuộc sống ấy đều là hiện tượng đời sống.
Nghị luận về một hiện tượng đời sống là cách sử dụng tổng hợp các thao tác lập luận để bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với đời sống xã hội, đáng khen, đáng chê hay có vấn đề cần suy nghĩ, từ đó làm cho người đọc hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu, để đồng tình hoặc bác bỏ trước những hiện tượng đó.
Ví dụ: Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A. Lin-côn viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi” (Theo Ngữ Văn 10, tập 2, NXB Giáo dục, 2006, tr 135). Từ ý kiến trên, anh chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống. (Đề thi tuyển sinh đại học khối C năm 2009)
1.2.3. Cách làm bài nghị luận xã hội:
Sách giáo khoa ngữ văn 12 đã đưa ra phần ghi nhớ về cách làm bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí và nghị luận về một hiện tượng đời sống như sau:
“Bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí thường có một số nội dung sau:
+ Giới thiệu, giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận;
+ Phân tích những mặt đúng, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề bàn luận;
+ Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng đạo lí. Diễn đạt cần chuẩn xác, mạch lạc; có thể sử dụng một số phép tu từ và yếu tố biểu cảm nhưng phải phù hợp và có chừng mực.” Sách giáo khoa ngữ văn 12 tập 1, NXB giáo dục, tr 21.
“Bài nghị luận về một hiện tượng đời sống thường có các nội dung:
+ Nêu rõ hiện tượng
+ Phân tích các mặt đúng, sai, lợi, hại.
+ Chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng xã hội đó.
Diễn đạt cần chuẩn xác, mạch lạc; có thể sử dụng một số phép tu từ và yếu tố biểu cảm, nhất là phần nêu cảm nghĩ riêng”
Sách giáo khoa ngữ văn 12 tập 1, NXB giáo dục, tr 67.
1. 3. Cơ sở thực tiễn:
1. 3. 1. Xu hướng chung.
Những vấn đề nghị luận xã hội vô cùng phong phú và đa dạng. Hàng trăm hàng nghìn câu nói, nhận định, và có biết bao nhiêu hiện tượng đáng chú ý trong đời sống hiện tại. Tất cả đều có thể được lấy làm đề thi nghị luận xã hội cho học sinh. Thế nhưng thời lượng chương trình dành cho việc giảng dạy và rèn luyện nghị luận xã hội trong phân phối chương trình theo quy định của bộ giáo dục là quá ít. Ở lớp 12, cả ban cơ bản và ban khoa học xã hội nhân văn đều chỉ có 2 tiết lí thuyết về cách làm bài nghị luận xã hội. Một cho dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí, và một cho dạng bài nghị luận về hiện tượng đời sống. Một năm học các em chỉ có 2 bài viết rèn luyện nghị luận xã hội. Còn lại thì tập trung vào nghị luận văn học. Trong khi đó, phần nghị luận xã hội lại là một câu bắt buộc trong đề thi, nằm ở phần chung cho tất cả thí sinh. Thực tế đó khiến cho học sinh không có điều kiện để rèn luyện nghị luận xã hội một cách thường xuyên. Hậu quả là kết quả thi không cao ở câu 2 trong đề thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh cao đẳng, đại học. Năm 2009, kì thi tốt nghiệp THPT đầu tiên thực hiện cấu trúc đề thi mới của bộ giáo dục đào tạo, tỉ lệ tốt nghiệp môn Văn cả nước thấp chưa từng thấy trước đó: 39 %. Các nhà phân tích giáo dục đều chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, đó là do các trường chưa tổ chức rèn luyện chưa thấu đáo cho học sinh phần nghị luận xã hội. Điều này có một lí do khách quan đó là đến tháng 4 năm 2009, Bộ giáo dục đào tạo mới công bố cấu trúc đề thi, trong khi các trường đều kết thúc chương trình vào đầu tháng 5. Việc ôn tập trong một thời gian ngắn như vậy chỉ là “muối bỏ bể”. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, cho đến nay, muốn có kết quả cao ở phần nghị luận xã hội cho học sinh thì giáo viên phải tranh thủ thời gian để ôn tập cho học sinh, chứ chưa có phân phối chương trình phù hợp quan tâm đến mảng này. Và tất nhiên, thời gian dành cho việc rèn luyện nghị luận xã hội sẽ ít hơn nhiều so với nghị luận văn học.
Một thực tế đáng nói nữa đó là học sinh THPT hiện nay có rất ít hiểu biết về kiến thức xã hội. Điều này các em phải tự tích lũy dần theo thời gian, vì chẳng có ai trực tiếp dạy cho các em cả. Vì vậy học sinh rất ngại tìm hiểu các vấn đề xã hội. Mà thiếu kiến thức thực tế thì chắc chắn học sinh không thể làm tốt bài văn nghị luận xã hội được. Kết quả không cao cũng là điều dễ hiểu.
1.3. 2. Thực tế ở trường THPT Phan Đình Phùng.
Hòa với thực tế chung của các trường THPT trong cả nước, trường THPT Phan Đình Phùng cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Các giáo viên dạy khối 12 của tổ Văn đã chú ý đến việc rèn kĩ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh để đáp ứng yêu cầu trong các kì thi. Tuy nhiên, thời gian dành cho việc rèn luyện này thật sự là quá ít.
Năm học 2008 – 2009, do sự chậm trễ trong việc công bố cấu trúc đề thi đã nói trên mà tổ Văn của trường cũng đã không có thời gian rèn luyện cho học sinh. Vì thế mà năm học đó, tỉ lệ tốt nghiệp môn Văn cũng chỉ dừng lại ở con số 39%.
Năm học 2009 – 2010, việc rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh lớp 12 được thực hiện cho học sinh yếu kém trong 2 đợt học phụ đạo ban đêm, mỗi đợt kéo dài 4 tuần. Số lượng đề nghị luận xã hội giải quyết mẫu cho học sinh là 8 đề. Nhờ thế, tỉ lệ tốt nghiệp môn Văn năm 2009 lên đến 58%.
Năm học 2010 – 2011, trong các buổi học phụ đạo chiều thứ 7 theo chương trình học 2 buổi trên ngày cho học sinh, các giáo viên Văn đã dành thời lượng 50% cho việc rèn luyện nghị luận xã hội.
Nhìn chung, tổ Văn của trường đã và đang có những quan tâm đáng kể đến việc rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh. Tuy nhiên, khối lượng thời gian cho việc đầu tư là chưa nhiều.
Về phía học sinh, các em vẫn còn rất yếu kém kĩ năng về lĩnh vực này. Nhiều học sinh còn chưa nhận ra mức độ khó của đề bài nghị luận xã hội nên vẫn còn tỏ ta xem thường. Nhiều em khác có ý thức thì tỏ ra hoang mang, lo lắng, không biết làm thế nào để làm tốt bài văn nghị luận xã hội. Nếu không có một kế hoạch ôn luyện cụ thể thì khó có thể giúp học sinh ôn tập một cách hiệu quả nhất. Vì thế đòi hỏi về mặt thời gian và nhân lực cho việc đầu tư là rất lớn.
CHƯƠNG 2
RÈN KĨ NĂNG LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHO HỌC SINH LỚP 12
Thực tiễn cho thấy, học sinh không phải là đại văn hào, thiên tài chính trị…có đủ năng lực về sáng tạo và văn chương và có thuật hùng biện. Nhưng dù có là đại văn hào, là thiên tài đi nữa thì trước khi nói và viết họ vẫn phải chọn đề tài, lập ý một cách công phu. Huống là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đang học tập, trau dồi năng lực văn học, chuẩn bị cho tương lai cuộc sống của mình. Không ai có thể làm tốt một bài văn nghị luận khi dồn tất cả các khâu, từ phân tích đề, lập dàn ý, chọn dẫn chứng, hành văn, diễn đạt… vào một thời điểm căng thẳng được. Thế nhưng học sinh của chúng ta thì vẫn cứ thích làm như thế. Thử hỏi làm sao có kết quả khả quan được. Trong khuôn khổ đề tài này, chúng tôi chỉ đưa ra một số biện pháp giúp học sinh chuẩn bị trước khi viết vào bài làm chính thức. Các công đoạn này thường được gọi là “làm nháp”.
2.1. Rèn kĩ năng nhận dạng và tìm hiểu đề trong bài văn nghị luận xã hội.
2.1.1. Nhận dạng đề.
Trong phần đối tượng và phạm vi nghiên cứu, người viết đã giới hạn 2 dạng đề nghị luận xã hội, đó là dạng nghị luận về một tư tưởng đạo lí và nghị luận về một hiện tượng đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế các đề nghị luận xã hội lại vô cùng phong phú và đa dạng. Sự phân chia các dạng đề chỉ là tương đối. Nhiều khi giới hạn giữa hai dạng nghị luận là rất nhỏ, nên học sinh sẽ rất khó xác định dạng đề. Do vậy, việc nhận dạng đề trước khi tìm hiểu đề và lập dàn bài, cũng như viết thành lời văn là điều hết sức quan trọng. Nó giúp học sinh định hướng đúng cho bài làm, tránh việc sai lạc đề. Thử xác định dạng đề của các đề bài sau:
(1) “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống” (Lép Tônxtôi). Anh (chị) hãy nêu suy nghĩ về vai trò của lý tưởng nói chung và trình bày lý tưởng riêng của mình.
(2) Bàn về đọc sách, nhất là đọc các tác phẩm văn học lớn, người xưa nói: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ lá, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài” (Dẫn theo “Lâm Ngữ Đường”, sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Sài Gòn, 1965). Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?
(3) Hãy viết một bài văn bàn về vấn đề: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay.
(4) Anh (chị) suy nghĩ gì về hiện tượng nghiện “game” trong giới trẻ hiện nay?
(5) Nhà tỉ phú B. Gates nói rằng: “Các bạn phải học để trả ơn cho đất nước, cho những gì mà đất nước đã đầu tư cho bạn”. Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến trên? Bàn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
(6)Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến (1.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước”. Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn trình bày quan điểm của mình về việc làm thế nào để phát huy tốt nhất thời vàng son của tuổi trẻ hiện nay?
Xét về các đề bài trên chúng ta thấy: Các đề (1), (2) thuộc dạng đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí. Các đề (3), (4) thuộc dạng đề bài nghị luận về một hiện tượng đời sống. Các đề bài trên là những đề bài đơn giản nhất thường thấy. Học sinh có thể dễ dàng nhận ra dạng đề ở các đề bài này nhờ vào các dấu hiệu ngôn ngữ có trong đề bài.
Đối với đề (1) và (2), học sinh nhận ra nhờ các câu nói nằm trong dấu ngoặc kép. Đề (1) là câu nói của nhà văn Nga Lep – Tônxtôi, đề (2) là câu nói của Lâm Ngữ Đường ở Trung Quốc. Yêu cầu của 2 đề bài này là bình luận về câu nói được trích dẫn. Nội dung của 2 phát ngôn trên thuộc về vấn đề nhận thức cuộc sống. Nói tóm lại, học sinh có thể nhận ra dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí khi nhận thấy đề bài yêu cầu bàn luận về một nhận định, hay một câu nói của một người nổi tiếng được giới thiệu trong đề bài. Nhận định, tư tưởng thường được được trích dẫn nguyên văn và được đặt trong dấu ngoặc kép.
Đối với đề (3), (4), học sinh nhận ra dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống cũng nhờ vào đối tượng được đề cập đến trong đề bài và yêu cầu của đề bài. Đối tượng được đề cập bây giờ không phải là một câu nói nào đó mà là một vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại. Thông thường trên dạng đề này có các từ ngữ như: hiện tượng, vấn đề, vấn nạn…. Ở đề (3) là vấn đề tai nạn giao thông, còn ở đề (4) là hiện tượng nghiện “game”. Nhờ các từ ngữ nói trên, học sinh có thể xác định được dạng đề ngay tức thì.
Tuy nhiên ở đề (5), và (6) thì vấn đề lại không hoàn toàn đơn giản như vậy. Ở đề (5) có câu nói của tỉ phú B. Gates, và cũng có yêu cầu bàn về câu nói này. Nhưng ở vế sau của yêu cầu đề bài (bàn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) thì không còn là nghị luận về tư tưởng đạo lí nữa, mà là bàn về vấn đề thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy đề bài trên vừa là bàn về tư tưởng đạo lí, vừa là bàn về hiện tượng đời sống. Với đề bài này, phần giải quyết yêu cầu của đề bài bàn về tư tưởng đạo lí phải được chú trọng hơn phần giải quyết yêu cầu của đề bài bàn về hiện tượng đời sống.
Tương tư như vậy, ở đề (6), có câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đề bài lại yêu cầu trình bày quan điểm của mình về việc làm thế nào để phát huy tốt nhất thời vàng son của tuổi trẻ hiện nay. Để giải quyết đề bài này người viết phải đi từ nhận định của Bác Hồ để bàn về vấn đề trong cuộc sống hiện tại. Với đề bài này, phần giải quyết yêu cầu của đề bài bàn về hiện tượng đời sống phải được chú trọng hơn phần giải quyết yêu cầu của đề bài bàn về tư tưởng đạo lí.
Với các đề bài vừa thuộc nghị luận về tư tưởng đạo lí, vừa thuộc nghị luận về hiện tượng đời sống, học sinh cần kết hợp yêu cầu bài làm của cả hai dạng đề đề giải quyết. Trước hết các em cần xác định phần chung của hai dạng đề cần giải quyết, đó là:
- Giới thiệu, tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng cần giải quyết.
- Bình luận về tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống. Chỉ ra mặt đúng, mặt tích cực, hay mặt sai, mặt tiêu cực của vấn đề cần bàn luận.
- Rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Mỗi dạng đề có các yêu cầu riêng của nó. Dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí cần thiết phải giải thích ý nghĩa của tư tưởng đạo lí. Còn dạng đề nghị luận về một hiện tượng đời sống cần thiết phải phân tích nguyên nhân và chỉ ra hậu quả của hiện tượng cần bàn luận. Đối với các đề bài có sự kết hợp cả 2 dạng thì học sinh cần phải xác định luận điểm nhiều hơn, bao gồm cả phần chung và phần riêng đã nói trên.
Như vậy, nhận dạng đề là khâu quan trọng đầu tiên giúp học sinh xác định được hướng đi của bài làm, nhằm tránh việc lạc đề.
2.1.2. Tìm hiểu đề.
Sau khi nhận dạng đề, học sinh cần tiến hành khâu tìm hiểu đề. Việc tìm hiểu đề không phải là công đoạn riêng của văn nghị luận xã hội mà bất cứ bài làm văn nghị luận nào cũng cần thiết phải được chú ý. Tìm hiểu đề là tìm hiểu 3 yêu cầu của đề, bao gồm: Yêu cầu về thể loại (1), yêu cầu về nội dung (2) và yêu cầu về phạm vi dẫn chứng(3). Đối với đề văn nghị luận xã hội, yêu cầu (1) và (3) gần như giống nhau ở tất cả các đề bài. Yêu cầu (1) thông thường là bình luận. Còn yêu cầu (3) là dẫn chứng phải lấy từ thực tế cuộc sống, có thể lấy từ sách vở, văn học nhưng cần hạn chế vì dễ sa vào ngoại đề. Yêu cầu (2) là yêu cầu đòi hỏi học sinh phải xác định đúng để bài làm đi đúng trọng tâm.
Ví dụ 1: Suy nghĩ của anh (chị) về tài năng trẻ Việt Nam.
Yêu cầu về nội dung (sau đây gọi là luận đề) của đề bài trên đó là: vấn đề tài năng trẻ của Việt Nam.
Ví dụ 2: Có người cho rằng: “Nếu cuộc đời là một bộ phim, tôi muốn là vai phụ xuất sắc nhất”. Anh (chị) có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trình bày quan điểm của mình.
Luận đề của đề bài này là: Bàn về vai trò của một người bình thường trong xã hội, nhưng là người bình thường xuất sắc.
Ví dụ 3: Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong bài kí đề danh tiến sĩ năm 1442: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồ