Đề tài Hoàn thiện chính sách thương mại xuất khẩu dưới góc độ tiếp cận các chi tiêu tài chính trong lộ trình Việt Nam gia nhập AFTA
Thế giới đã và đang diễn ra những biến đổi to lớn và sâu sắc. Các quốc gia trên thế giới phụ thuộc lẫn nhau trong mối quan hệ kinh tế, không có quốc gia nào phát triển mà không mở rộng mối quan hệ kinh tế đối ngoại, đặc biệt là ngoại thương. Xu hướng khu vực hoá và toàn cầu hoá càng thể hiện một cách tõ nét chẳng hạn như sự lớn mạnh của các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới WTO, EU, ASEAN, APEC. Với những thành tựu và khả năng ứng dụng của công nghệ thông tin trên thế giới diễn ra hết sức sôi động và phát triển như vũ bão. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế thế giới. Chính vì vậy, ngày nay hợp tác quốc tế đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển đi lên của mỗi quốc gia. Toàn cầu hoá và hội nhập là xu hướng được khởi xướng từ các nước phát triển, nhưng cho đến nay nó đã và đang cuốn tất cả các nước, kể cả những nước chậm phát triển nhất, vào quỹ đạo của mình như một tất yếu. Nó đang thiết định những nguyên tắc mới cho “cuộc chơi” trên thế giới, chung cho tất cả các nước mà không phân biệt lớn hay nhỏ, phát triển hay kém phát triển. Đối với Việt Nam với bước chuyển sang hệ thống kinh tế thị trường có điều tiết vĩ mô theo định hướng xuất khẩu, xu hướng này cũng đang tác động rất mạnh, có ảnh hưởng to lớn và toàn diện đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội. Hiện nay, càng tiến sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn những mặt tích cực lẫn tiêu cực của tác động này. Chính điều này là cơ sở đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một chính sách thương mại phù hợp với xu hướng này tạo điều kiện cho sự phát triển KT-XH trong tình hình mới. Thực tiễn cho thấy trong những năm vừa qua việc Việt Nam gia nhập ASEAN (07/1995) đánh dấu một bước khởi đầu trong tiến trình hội nhập với các tổ chức kinh tế thế giới. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã cam kết thực hiện CEPT/AFTA. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đặt ra cho Việt Nam những cơ hội như tăng khả năng thâm nhập vào thị trường mới từ đó làm tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước và những thách thức mới do việc hội nhập đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc và luật chơi điều tiết thương mại quốc tế mà điều cơ bản là phải mở cửa thị trường hơn nữa cho sự cạnh tranh công bằng và bình đẳng của hàng hoá và dịch vụ nước ngoài với nguyên tắc có đi có lại, trong khi hệ thống chính sách kinh tế – thương mại chưa hoàn chính, sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ Việt Nam còn kém và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Cạnh đó yêu cầu của hội nhập buộc Việt Nam phải cắt giảm thuế quan sẽ là một nhân tố làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối giữa thu và chi NSNN trong tình hình mới. Do vậy việc có một chính sách thương mại hợp lí đáp ứng đầy đủ được những yêu cầucủa hội nhập kinh tế là rất cần thiết. Xuất phát từ những nhận thức nói trên với nhiệm vụ và thực tế của đợt thực tập trong năm cuối bậc Đại học em chọn đề tài “Hoàn thiện chính sách thương mại xuất khẩu dưới góc độ tiếp cận các chi tiêu tài chính trong lộ trình Việt Nam gia nhập AFTA” cho báo cáo thực tập tốt nghiệp của mình. Với mục đích hệ thống hoá một số vấn đề lí luận cơ bản về chính sách thương mại xuất nhập khẩu từ góc độ các chỉ tiêu tài chính vĩ mô trong điều kiện hội nhập. Và từ sự phân tích thực trạng của chính sách thương mại xuất khẩu của việt Nam trong lộ trình hội nhập AFTA, sẽ là cơ sở chính sách thương mại xuất khẩu trong thời gian tới nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp của Việt Nam đảm bảo cho họ có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước từ đó làm tăng thu ngân sách cho nhà nước và cải thiện đời sống kinh tế xã hội trong nước. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài là một số công cụ và quá trình thực hiện của chính sách thương mại trong lĩnh vực xuất khẩu hiện nay của Đảng và nhà nước ta. Cùng với những quy định của hiệp định chung về thuế quan CEPT- AFTA đối với thương mại hàng hoá trong lộ trình Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào AFTA. Đây là một đề tài phức tạp đòi hỏi giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố lĩnh vực khác nhau vận dụng nhiều kiến thức từ nhiều môn học như chiến lược và chính sách thương mại kinh tế thương mại cùng nhiều môn học chuyên ngành khác. Mặc dù đã cố gắng để có thể bao hàm các nội dung và yêu cầu đặt ra, nhưng do gặp nhiều khó khăn nhất định về điều kiện thu nhập thông tin, thời gian cũng như năng lực nghiên cứu nên không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các cán bộ công tác tại Bộ Tài Chính, các thầy cô, các nhà khoa học và các bạn để có thể hoàn chính cho bài báo cáo thực tập được tốt hơn. Đề tài này sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng trong quá trình nghiên cứu và quán triệt đầy đủ đường lối và chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó còn có các phương pháp cụ thể như nghiên cứu theo tài liệu, biểu hình hoá, sơ đồ hoá, phương pháp sử dụng các chỉ số trong phân tích tổng hợp, so sánh. Đề tài này có kế thừa một số kết quả nghiên cứu trước đó. Kết cấu đề tài ngoài phần mở đầu,kết luận và phụ lục bài báo cáo thực tập được chia làm ba chương. Chương 1: Một số vấn đề lí luận cơ bản hoàn thiện chính sách thương mại xuất nhập khẩu từ góc độ tiếp cận các chỉ tiêu tài chính trong lộ trình hội nhập AFTA. Chương 2: Thực trạng chính sách thương mại xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình hội nhập CEPT-AFTA. Chương 3: Phương hướng và biện pháp đổi mới, hoàn thiện chính sách thương mại xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình hội nhập AFTA dưới góc độ các chỉ tiêu tài chính.