Đề tài Khảo sát chỉnh thể nghệ thuật trào phúng trong Chèo truyền thống
Chèo truyền thống hay còn gọi là Chèo cổ hoặc Chèo sân đình là một hiện tượng sân khấu dân gian đặc sắc. Đó là nghệ thuật hết sức đậm đà bản sắc dân tộc, là tiếng nói tâm hồn dân tộc, được nhân dân nhiều thế hệ từ bao đời sáng tạo, chọn lọc, gọt giũa, giữ gìn, ấp ủ trong các làng quê Việt. Từ thời trung đại, các nhà văn hóa, các trí thức phong kiến ở những thời kỳ lịch sử khác nhau đã có những ý kiến khảo tả sơ lược, bắt đầu có lẽ từ năm 1501 với Hỷ phường phả lục của Lương Thế Vinh. Đến thời đại chúng ta, các nhà nghiên cứu Chèo thế hệ đầu tiên của xã hội mới cũng đều nhất trí cho rằng: Cho tới nửa cuối thế kỷ XX, nếu không có nghệ thuật chèo thì không thể hình dung nổi đời sống văn hóa của nông thôn Việt Nam trước nay [66, tr. 126]. Đã có một thời, Hội Chèo làng quê Việt ở đồng bằng Bắc Bộ kéo dài hàng tuần lễ: Hội chèo làng Đặng đi ngang xóm Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay. (Nguyễn Bính) Những "Thôn Đoài" và "Làng Đặng" mở Hội Chèo, và mặc dầu còn lâu có thể mới đến một hội như thế (Xuân Thu nhị kỳ - Đ.T.T) nhưng các hồi ức làng Chèo vẫn kể lại rằng trong mỗi gia đình nông dân thuở ấy đều đã có sự chuẩn bị tham gia kỳ Hội với không khí hội hè ngang trong chính ngôi nhà mình với những vai chèo yêu thích. Vì thế, có thể khẳng định dứt khoát: Chèo là một thể tài sân khấu dân gian. Chèo đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học dân gian (VHDG) ở trường phổ thông. Chèo còn được biên soạn trong giáo trình Đại học ngữ văn với tư cách một thể tài chủ thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, hợp thành chỉnh thể VHDG Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình nghiên cứu nghệ thuật Chèo cho đến nay, chúng tôi cho rằng giới học thuật chuyên cần và năng nổ nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ, nâng cao và phổ biến, quảng bá Chèo mới thật sự khởi đầu một thế kỷ (thế kỷ XX). Từ cái nôi chèo là những làng chèo Bắc, nghệ thuật Chèo truyền thống mở rộng địa bàn từ "kẻ quê" lên "kẻ chợ" để được cải lương và chuyển vào Nam theo những cuộc di dân. trải qua những bước thăng trầm biến đổi hợp quy luật của đời sống văn hóa đất nước và dân tộc. Trong đó, hiện nay đang có một vấn đề nóng hổi đã đặt ra đối với chúng ta: Xu hướng văn minh nhất thể hóa đang diễn ra khốc liệt trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện đại của cái gọi là "làng toàn cầu", nếu văn hóa cũng như thế thì vấn đề bản sắc dân tộc sẽ đứng trước nguy cơ bị mai một. Khoa học văn hóa hiện đại ở mọi quốc gia dân tộc, vì thế, đều đặt ra vấn đề bảo vệ những giá trị đó.