Đề tài Một số biện pháp dạy trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi kể lại chuyện diễn cảm
Là loại hình nghệ thuật , văn học giữ vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ. Dẫn dắt trẻ vào thế giới văn học là nhiệm vụ quan trọng của trường mầm non . Đó là sự mở cửa cho trẻ những bước đi chập chững đầu tiên vào thế giới những giá trị phong phú chứa đựng trong tác phẩm văn học . Sự tiếp xúc đầu tiên của trẻ mẫu giáo với tác phẩm văn học được chọn lọc, nhất là những câu chuyện kể sẽ kích thích ở trẻ sự nhạy cảm thẩm mỹ , sự phát triển ngôn ngữ , trí tuệ. Văn học góp phần hình thành tình cảm đạo đức cho trẻ. ở lứa tuổi mẫu giáo việc hình thành và phát triển hoạt động văn học là một hình thức quan trọng để phát triển tính tích cực cá nhân, tính độc lập, sáng tạo của trẻ. Trẻ thơ lứa tuổi bắt đầu của sự nhận thức và những tình cảm mãnh liệt, giữa các em và những câu chuyện, các nhân vật trong truyện có sự đồng điệu về tâm hồn về tính cách, các em thích nghe kể chuyện và thích kể lại chuyện. Các em đến với những câu chuyện, những nhân vật trong truyện với tất cả những tình cảm, những rung động ngọt ngào nhất, say mê nhất, đồng cảm nhất. Chính vì thế những câu chuyện có vai trò rất lớn góp phần hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Những câu chuyện là một phần của cuộc sống gợi lên cho trẻ những xúc cảm lành mạnh, giúp trẻ nhận biết thế giới xung quanh, những mối quan hệ giữa con người với con người góp phần giáo dục thẩm mỹ và phát triển ngôn ngữ nghệ thuật cho trẻ. Nhờ đó trẻ này sinh năng lực tự hoạt động nghệ thuật khi tiếp xúc với những câu chuyện. Dạy trẻ kể lại chuyện là một dạng thức tiết học tổ chức cho trẻ tự hoạt động văn học nghệ thuật. Tổ chức cho trẻ hoạt động trong đó có tự hoạt động văn học nghệ thuật sẽ làm giàu nhân cách trẻ. Chỉ có để trẻ hoạt động thì mới phát triển được tính tích cực của cá nhân, giúp trẻ cảm thụ văn học đặc biệt là những câu chuyện một cách rõ nét và có cảm xúc. Thực tế việc dạy trẻ mẫu giáo kể lại truyện diễn cảm hiện nay, do chưa hiểu thật đầy đủ cơ sở khoa học của môn học, do chương trình còn chưa hướng dẫn một cách cụ thể nên giáo viên thực hiện dạng thức tiết học này còn tùy tiện, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Chưa đáp ứng được yêu cầu và mục đích giáo dục . Vấn đề nắm vững phương pháp , biện pháp thực hiện có cơ sở khoa học trở nên là một vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục . Không có gì tham vọng lớn ở đề tài này, dựa trên thành tựu của những người đi trước, người viết đưa ra và hệ thống hóa một số biện pháp xây dựng cơ sở lý luận cho dạng thức tiết học này ( cụ thể là tiết dạy trẻ kể lại chuyện) và ứng dụng vào một vài tiết cụ thể, hy vọng góp một vài ý kiến nhỏ vào hệ thống lý luận và trực tiễn vào phương pháp dạy học mới “ cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục .