Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử xã hội, mỗi chế độ xã hội đều quy định một chế độ tài sản giữa vợ chồng cho phù hợp với phong tục tập quán và hoàn cảnh kinh tế xã hội. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, mà cụ thể là các bộ luật: Hôn nhân và gia đình 1959, Hôn nhân và gia đình 1986, Hôn nhân và gia đình 2000. Vậy chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong các văn bản nêu trên có điều gì khác nhau và vì sao lại có sự khác nhau đó? Em xin được trình bày trong đề tài nghiên cứu của mình đó là: “Nêu và lý giải điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, luật Hôn nhân và gia đình 1986 và luật Hôn nhân và gia đình 2000”,
12 trang |
Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2041 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Nêu và lý giải điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, luật Hôn nhân và gia đình 1986 và luật Hôn nhân và gia đình 2000, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Trang
A. ĐẶT VẤN ĐỀ……………………………………………………………………1
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ………………………………………………………….1
I. Cơ sở lý luận…………………………………………………………………1
1. Khái niệm về chế độ tài sản của vợ chồng………………………………….1
2. Chế độ tài sản của vợ chồng trong hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình của nước ta từ năm 1945 đến nay……………………………………………..2
a. Chế độ cộng đồng toàn sản (chế độ tài sản của vợ chồng theo tiêu chuẩn cộng đồng)……………………………………………………………………………3
b. Chế độ cộng đồng tạo sản…………………………………………………….3
II. Những điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và lý giải những điểm khác nhau này………………4
Tài sản chung của vợ chồng………………………………………………..4
Tài sản riêng của vợ, chồng………………………………………………...8
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn…………………………………………8
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ…………………………………………………………..10
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………………11
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử xã hội, mỗi chế độ xã hội đều quy định một chế độ tài sản giữa vợ chồng cho phù hợp với phong tục tập quán và hoàn cảnh kinh tế xã hội. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, mà cụ thể là các bộ luật: Hôn nhân và gia đình 1959, Hôn nhân và gia đình 1986, Hôn nhân và gia đình 2000. Vậy chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong các văn bản nêu trên có điều gì khác nhau và vì sao lại có sự khác nhau đó? Em xin được trình bày trong đề tài nghiên cứu của mình đó là: “Nêu và lý giải điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, luật Hôn nhân và gia đình 1986 và luật Hôn nhân và gia đình 2000”,
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lý luận.
1. Khái niệm về chế độ tài sản của vợ chồng.
Kết hôn là sự kiện làm phát sinh một gia đình mà ở đó phản ánh sự chung sống của hai vợ chồng và con cái (nếu có). Như là một tất yếu của cuộc sống chung, vợ và chồng thực hiện những quan hệ về tài sản nhằm đáp ứng những nhu cầu tồn tại và phát triển của gia đình. Đây là những quan hệ xảy ra phổ biến trong xã hội và chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật về hôn nhân và gia đình, trong một quy chế được gọi là “Chế độ tài sản của vợ chồng”.
Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về (sở hữu) tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng theo luật định.
2. Chế độ tài sản của vợ chồng trong hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình của nước ta từ năm 1945 đến nay.
Hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay, không quy định chế độ tài sản ước định của vợ chồng mà quy định chế độ tài sản pháp định tức là chế độ tài sản của vợ chồng theo các căn cứ quy định của pháp luật. Chế độ tài sản pháp định là chế độ tài sản mà ở đó pháp luật đã dự liệu từ trước về căn cứ, nguồn gốc, thành phần các loại tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng (nếu có); quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với từng loại tài sản đó; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng; phương thức thanh toán liên quan đến các khoản nợ chung hay nợ riêng của vợ, chồng.
Để thiết lập một chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống, tập quán và thực tế cuộc sống trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, các nhà làm luật thường dựa trên hai quan niệm để chia chế độ tài sản pháp định thành hai loại:
- Đời sống chung của vợ chồng đòi hỏi cần thiết phải có khối tài sản cộng đồng (tài sản chung của vợ chồng). Theo quan niệm này, thì chế độ tài sản của vợ chồng được thiết lập theo tiêu chuẩn cộng đồng.
- Trong quan hệ vợ chồng không bắt buộc và không cần thiết phải có một khối tài sản chung. Cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu riêng của vợ, chồng; tài sản của bên này phải được độc lập với bên kia. Theo quan niệm này thì chế độ tài sản của vợ chồng được dự liệu theo tiêu chuẩn phân sản (không có tài sản chung của vợ chồng).
Tuy nhiên, để pháp luật được đảm bảo thực hiện, áp dụng thuận lợi trong cuộc sống (có tính khả thi), nhà làm luật vẫn có thể dung hòa hai quan điểm trên để thiết lập một chế độ tài sản cho phù hợp. Tức là chế độ tài sản của vợ chồng theo hai quan niệm trên không có tính cách tương phản nhau một cách tuyệt đối, các nhà làm luật vẫn dự liệu có những chế độ tài sản của vợ chồng có tính cách cộng đồng nhiều hay ít; có tính cách phân sản nhiều hay ít; chế độ tài sản này có thể kết hợp cùng với chế độ tài sản kia. Ta có thể thấy rõ việc kết hợp này trong quy định về chế độ tài sản của vợ chồng trong luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và luật Hôn nhân và gia đình 2000 của nước ta.
a. Chế độ cộng đồng toàn sản (chế độ tài sản của vợ chồng theo tiêu chuẩn cộng đồng)
Theo chế độ tài sản này thì tất cả các tài sản mà vợ, chồng có được đều thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Luật không thừa nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Đối với những mà một bên vợ, chồng có từ trước khi kết hôn do công sức của vợ, chồng tạo dựng hoặc được tặng cho riêng, thừa kế riêng; những tài sản mà vợ chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân, không kể nguồn gốc, công sức đóng góp của vợ, chồng; những tài sản mà vợ chồng được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân đều được gọi là tài sản chung của vợ chồng.
Chế độ tài sản này thường không được phổ thông, không được các cặp vợ chồng lựa chọn theo hôn ước hoặc không được các nhà làm luật “thiết kế” thành chế độ tài sản pháp định do có một số hạn chế như dẫn tới sự bất công khi một bên vợ hoặc chồng không có tài sản, không có công sức đóng góp tạo ra tài sản chung của vợ chồng nhưng vẫn được hưởng quyền lợi từ khối tài sản này; không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mỗi bên vợ, chồng khi họ có tài sản riêng từ trước khi kết hôn;… Văn bản Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 của Nhà nước ta đã lựa chọn chế độ cộng đồng toàn sản này để áp dụng cho các cặp vợ chồng.
b. Chế độ cộng đồng tạo sản.
Dưới chế độ tài sản này, tài sản chung của vợ chồng chỉ bao gồm những tài sản mà vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, cùng với các hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản của hai vợ chồng. Đối với những tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có được từ trước khi kết hôn, được tặng cho riêng, được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân (không kể là động sản hay bất động sản) sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của vợ, chồng. Chế độ cộng đồng tạo sản là chế độ mà các cặp vợ chồng khi lập hôn ước lựa chọn nhiều nhất bởi những ưu điểm của nnó, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, khoa học, kỹ thuật phát triển, cùng những tính chất linh hoạt cho vợ, chồng định đoạt tài sản của mình khi thực hiện theo chế độ tài sản này. Hai văn bản Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng lựa chọn chế độ cộng đồng tạo sản này để áp dụng cho các cặp vợ chồng từ khi xác lập quan hệ hôn nhân.
II. Những điểm khác nhau giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và lý giải những điểm khác nhau này.
Tài sản chung của vợ chồng
Về chế độ tài sản của vợ chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 của Nhà nước ta dự liệu chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn sản. Điều 15 quy định: “Vợ chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Theo đó, ta thấy Luật không thừa nhận vợ chồng có tài sản riêng, tất cả tài sản của vợ chồng dù có trước khi kết hôn hay được tạo ra trong thời kỳ kết hôn; dù vợ,chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng hay vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung, không phân biệt nguồn gốc, công sức đóng góp, đều thuộc khối tài sản chung của hai vợ chồng. Vợ, chồng có quyền bình đẳng ngang nhau khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản chung và luôn có kỷ phần bằng nhau trong khối tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất đó.
Khác với quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình 1959, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định đó là chế độ cộng đồng tạo sản, với phạm vi thành phần khối tài sản chung của vợ chồng hẹp hơn rất nhiều so với chế độ cộng đồng toàn sản mà Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 áp dụng. Điều 14 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung”. Như vậy, không phải tất cả tài sản đều là tài sản chung của vợ chồng. Bên cạnh khối tài sản chung của vợ chồng, Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 cũng đã ghi nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng (Điều 16).
Việc quy định chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng toàn của Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 là phù hợp với điều kiện phát triển về kinh tế xã hội thời bấy giờ; đáp ứng với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, bảo vệ quyền lợi của người vợ trong gia đình.
- Điều kiện kinh tế xã hội ở miền Bắc nước ta thời kỳ này chưa phát triển, dẫn đến tình trạng tài sản riêng của các gia đình, công nhân còn hạn chế về số lượng và giá trị tài sản. Khi kết hôn, thường cả hai bên nam, nữ không có nhiều tài sản. Việc luật quy định tài sản chung của vợ chồng bao gồm tất cả các loại tài sản của vợ chồng có trước và sau khi hôn nhân là phù hợp với tình hình thực tế này.
- Quan hệ hôn nhân được xác lập dưới chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở tình cảm, yêu thương, gắn bó suốt đời giữa vợ, chồng. Không để vấn đề tài sản chi phối việc xác lập quan hệ vợ chồng, gạt bỏ trường hợp nam nữ lấy nhau không vì mục đích xây dựng gia đình mà chỉ nhằm vào tài sản.
- Chế độ cộng đồng toàn sản mà Luật hôn nhân và gia đình 1959 dự liệu đã thực sự đảm bảo được quyền lợi của người vợ trong gia đình về tài sản. Luật quy định như vậy nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến coi rẻ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm đảm bảo cho người vợ thực hiện các quyền nhân thân của mình ngang bằng với người chồng mà trước hết cần phải đảm bảo quyền lợi về tài sản của vợ chồng trong gia đình.
Chế độ cộng đồng tạo sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình 1986 quy định với phạm vi thành phần khối tài sản chung hẹp hơn rất nhiều so với chế độ cộng đồng toàn sản của Luật hôn nhân và gia đình 1959. Luật hôn nhân và gia đình 1986 đã cụ thể hóa trong một chừng mực nhất định các loại tài sản thuộc khối tài sản chung của vợ, chồng; mục đích sử dụng tài sản chung vào nhu cầu đời sống chung của gia đình; quyền bình đẳng của vợ, chồng trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng… Đặc biệt, Luật hôn nhân và gia đình 1986 đã ghi nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Sở dĩ có sự khác nhau này là do:
- Với sự phát triển nền kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay, tài sản của công dân trở nên phong phú, đa dạng cả về giá trị sự dụng thực tế và giá trị tài sản. Vợ chồng trước hết với tư cách là công dân, có quyền sở hữu tài sản riêng của mình (Điều 27 Hiến pháp năm 1980). Trước khi kết hôn, vợ, chồng có thể đã có tài sản riêng có giá trị lớn, tài sản này không phải do vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân vì vậy việc ghi nhận vợ, chồng có quyền có tài sản riêng là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, chồng. Mặt khác, tạo điều kiện cho vợ, chồng được tự định đoạt tài sản riêng của mình mà không phụ thuộc vào ý chí của bên kia.
- Đảm bảo tính thống nhất của các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng trong luật hôn nhân và gia đình với các quy định về sở hữu trong phát luật dân sự, thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước.
- Việc ghi nhận cho vợ, chồng có tài riêng còn đảm bảo quyền tự định đoạt và các mối quan hệ linh hoạt trong quan hệ vợ chồng và giữa các thành viên trong gia đình.
Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định về tài sản chung của vợ chồng trên cơ sở thừa kế quy định của Luật hôn nhân và gia đình 1986 nhưng xác định cụ thể hơn các loại tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Trong đoạn 2 khoản 1 và khoản 2 Điều 27, Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã có quy định bổ sung so với Luật hôn nhân và gia đình 1986 về tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất và các tài sản chung của vợ chồng mà phải đăng ký quyền sở hữu. Việc quy định một cách rõ ràng quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung, hoặc có được trước khi kết hôn mà vợ, chồng thỏa thuận là tài sản chung và phải ghi tên của cả vợ chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng mà phải đăng ký quyền sở hữu, là cơ sở pháp lý cần thiết cho vấn đề giải quyết tranh chấp về đất đai và nhà ở khi chia tài sản chung của vợ chồng.
Về vấn đề quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, Luật hôn nhân và gia đình 1959 và Luật hôn nhân và gia đình 1986 đều quy định quyền và nghĩa vụ ngang nhau của vợ chồng đối với tài sản chung. Luật hôn nhân và gia đình 2000 cũng kế thừa quy định trên, tuy nhiên để phù hợp với điều kiện mới và phù hợp với các quy định của BLDS 1995 thì Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã cụ thể hóa quy định này tại điều 28. Vấn đề bình đẳng trong quyền sở hữu đối với tài sản chung được Luật hôn nhân và gia đình 2000 thể hiện cụ thể ở 3 quyền năng: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt phù hợp với quy định của BLDS.
Về vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, Luật hôn nhân và gia đình 1959 do điều kiện và nhiều nguyên nhân nên không đặt ra vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, mà nó chỉ được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình 1986 và Luật hôn nhân và gia đình 2000. Tuy nhiên, theo Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình 1986, trong các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân đang tồn tại đều phải do Tòa án quyết định và nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng trong trường hợp này giống trường hợp vợ chồng ly hôn (áp dụng các nguyên tắc tại điều 42 Luật hôn nhân và gia đình 1986 để chia công bằng và hợp lý), Luật không dự liệu về hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định rõ hơn về điều kiện để vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân ( Điều 29), quy định cho phép 2 vợ chồng tự thỏa thuận chia tài sản chung bằng văn bản hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết và quy định hậu quả pháp lý sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (Điều 30).
Tài sản riêng của vợ, chồng
Quy định về tài sản riêng của vợ, chồng trong Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã được cụ thể và bổ sung so với Luật hôn nhân và gia đình 1986. Khoản 2 và khoản 3 điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã làm rõ quyền của vợ chồng đối với tài sản riêng, quyền đó không chỉ là quyền nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung mà còn là quyền quản lý, quyền sử dụng tài sản để thanh toán cho nghĩa vụ riêng của mình. Chính vì tài sản thuộc sở hữu của riêng nên việc quản lý tài sản là quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
Luật hôn nhân và gia đình 1959 dự liệu nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình. Luật hôn nhân và gia đình 1986 dự liệu “nguyên tắc chia đôi tài sản chung” của vợ chồng, song nguyên tắc này cũng chỉ mang tính ước lệ. Khi chia, Tòa án vẫn phải dựa vào công sức đóng góp trong việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung của vợ chồng. Còn về tài sản riêng của vợ, chồng thì của bên nào vẫn thuộc sở hữu của bên đó.
Điều 42 Luật hôn nhân và gia đình 1986 đã quy định các nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các loại việc và các quan hệ xã hội vốn có nhiều biến động, nên việc áp dụng quy định có tính nguyên tắc chung này bộc lộ nhiều khó khăn và vướng mắc. Để khắc phục những hạn chế này cũng như nhằm đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của các bên khi ly hôn, Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã dự liệu cụ thể hơn về các nguyên tắc chung khi xác định và chia tài sản riêng, tài sản chung của vợ chồng; đặc biệt đối với các tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất của vợ chồng (Điều 95, 96, 97, 98, 99 - Luật hôn nhân và gia đình 2000). So với Điều 42 Luật hôn nhân và gia đình 1986 “việc chia tài sản do hai bên thỏa thuận và phải được Tòa án nhân dân công nhận”, Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2000 đề cao hơn ý chí của các bên khi bỏ cụm từ “phải được Tòa án nhân dân công nhận”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả vợ chồng.
Trước hết, để đảm bảo chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn được công bằng, hợp lý, cần xác định đâu là tài sản chung, tài sản riêng, công sức đóng góp,…sau đó áp dụng các nguyên tắc được quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2000 để chia. Đối với tài sản riêng của vợ chồng thì tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó. Tài sản nếu không chứng minh được là tài sản riêng thì xác định là tài sản chung của vợ chồng để chia. Đối với tài sản chung của vợ chồng thì pháp luật dự liệu sẽ được chia đôi, trừ một số trường hợp đặc biệt Tòa án sẽ dựa vào công sức đóng góp của mỗi bên để chia.
Điều 97 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định về việc chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng khi ly hôn là một trong số những quy định mới so với Luật hôn nhân và gia đình 1959 và Luật hôn nhân và gia đình 1986. Do quyền sử dụng đất là loại tài sản mang tính chất đặc biệt, thường có giá trị thực tế và giá trị sử dụng lớn nhất, có ý nghĩa nhất trong khối tài sản chung của vợ chồng nên tranh chấp khi chia tài sản của vợ, chồng xảy ra rất phổ biến về số lượng và phức tạp về nội dung, việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã quy định nguyên tắc chia quyền sử dụng đất của vợ chồng trong 1 điều luật riêng.
Chia nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng là quy định mới của Luật hôn nhân và gia đình 2000 (Điều 98). Quy định này nhằm đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của vợ, chồng cũng như tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho Tòa án khi giải quyết các tranh chấp về chia tài sản là nhà, quyền sử dụng đất. Cũng giống như quyền sử dụng đất, nhà ở cũng là tài sản có giá trị lớn và thực tế giải quyết các tranh chấp về vấn đề này rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tòa án cần phải xem xét đến nhu cầu thiết yếu về chỗ ở của các bên để tiến hành chia nhà ở.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản giữa chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hôn nhân và gia đình 1959, Luật hôn nhân và gia đình 1986 và Luật hôn nhân và gia đình 2000. Có sự khác nhau này chủ yếu là do điều kiện kinh tế xã hội, kỹ thuật lập pháp ở mỗi thời kỳ, qua đó ta thấy được những ưu, nhược điểm của quy định về chế độ tài sản của vợ chồng trong mỗi bộ luật và những biện pháp để hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề này.
Do đây là một đề tài cần sự hiểu biết sâu rộng và vốn kiến thức phong phú, nên trong bài tập của chúng em không thể tránh khỏi những sai sót, mong thầy cô và các bạn thông cảm, góp ý để bài tập cũng như kiến thức của chúng em được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB.Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1959
Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Cừ, NXB.Tư pháp, Hà Nội, 2008.
Bình luận Khoa học Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Viện khoa học pháp lý – Bộ tư pháp, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.