Đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố Hồ Chí Minh
Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng của cải vật chất, con người luôn đào thải ra các chất vào môi trường. Ngày nay, với dân số ngày càng đông, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội đô thị hoá nhanh, lượng chất thải rắn phát sinh ngày một nhiều. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố dẫn đầu cả nước về lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Với tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm công nghiệp, giữ vai trò trọng điểm của vùng kinh tế phía Nam và của cả nước. Tp.HCM với hơn 7 triệu dân ( 4/2006) tập trung tại 24 quận huyện với diện tích 2.093,7 Km, là nơi tập trung hàng trăm nhà hàng, khách sạn, khu thương mại, văn phòng, công sở, trường học, chợ, siêu thị, bệnh viện, các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, và hơn 12.000 cơ sở công nghiệp ( lớn, vừa và nhỏ), hơn 800 công ty nằm trong và ngoài 12 khu công nghiệp, 03 khu chế xuất và 01 khu công nghệ cao, hàng ngàn công trình đang xây dựng và cải tạo Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá tại Tp.HCM đã gia tăng mạnh mẽ và đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm tới, gây nhiều áp lực nặng nề đối với môi trường và cộng đồng. Nhiều vấn đề nan giải, những thách thức lớn được đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường nhằm phát triển ổn định và bền vững thành phố. Bên cạnh nhiều khó khăn, tồn tại trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nước thải và ô nhiễm không khí, vấn đề chất thải rắn đang thật sự là một thách thức lớn, một mối đe doạ khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Giải quyết vấn đề chất thải rắn đô thị tại Tp.HCM là một bài toán phức tạp, từ khâu thu gom, phân loại rác tại nguồn, đến việc vận chuyển xử lý chất thải rắn. Mỗi ngày Tp.HCM đổ ra khoảng 6.000 tấn chất thải rắn đô thị, với thành phần chủ yếu là thực phẩm thừa chiếm khoảng 50-90% (khối lượng ướt), các chất thải rắn có khả năng tái chế chiếm khoảng 30% và một phần nhỏ các loại chất thải không có khả năng tái sử dụng, tái chế chiếm khoảng 5-10% ( khối lượng ướt). Bên cạnh đó, còn có khoảng 700-1.200 tấn chất thải rắn xây dựng ( xà bần) và 1.000-1.500 tấn chất thải rắn công nghiệp, trong đó có khoảng 150-200 tấn chất thải nguy hại, 7-9 tấn chất thải rắn y tế. Chất thải rắn và việc xử lý chúng hiện nay là vấn đề bức xúc của nước ta nói chung và của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Lượng chất thải rắn thu gom tại các đô thị Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 70% yêu cầu so với thực tế và chủ yếu tập trung tại các khu vực nội thành. Bên cạnh đó, các loại chất thải rắn nguy hại không đuợc phân loại riêng mà trộn lẫn với chất thải rắn sinh hoạt, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn đến suy thoái môi trường đất, nước, không khí Chất thải rắn đô thị hiện đang thực sự là một mối đe dọa lớn đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng