Đề tài Những thành tựu và hạn chế của chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng trong triết học Hy Lạp cổ đại
Triết học ra đời vào khoảng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VI trước công nguyên (CN)Những học thuyết triết học đầu tiên trong lịch sử xuất hiện và phát triển rực rỡ ở Ấn Độ cổ đại, Trung Quốc cổ đại, Hy Lạp và La Mã cổ đại và ở các nước khác. Đối với sự phát triển tư tưởng triết học ở Tây âu, kể cả đối với triết học Mác, triết học Hy lạp có ảnh hưởng rất lớn. Ph. Angghen đã nhận xét :” từ các hình thức muôn hình muôn vẻ của triết học Hy lạp, đã có mầm mống và đang nảy nở hầu hết tất cả các loại thế giới quan sau này” Hy Lạp cổ đại là một vùng đất rộng lớn bao gồm miền Nam bán đảo Ban -Căng thuộc Châu Âu, nhiều hòn đảo ở biển Êgiê và cả miền ven biển bán đảo Tiểu á. Điều kiện địa lý thuận lợi cho nên từ rất sớm ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp Hy Lạp cổ đại đã phát triển. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ IX trước công nguyên, chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Hy Lạp cổ đại tan rã và hình thành chế độ chiếm hữu nô lệ. Thời kỳ này xảy ra biến động lớn về kinh tế và thiết chế trong xã hội. Quá trình lịch sử đó gắn liền với sự hình thành và phát triển kinh tế xã hội (KT – XH) và tư tưởng triết học của Hy Lạp thời kỳ cổ đại. Sự phát triển của sản xuất đã dẫn đến các quan hệ và tổ chức xã hội cũ bị đảo lộn. Nếu như trước đây các tổ chức xã hội cũ như bộ tộc, bộ lạc.mang tính cộng đồng cao. Triết học Hy lạp cổ đại phát triển vào thế kỷ thứ VI trước CN. Cơ sở kinh tế của triết học đó là quyền sở hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất và người nô lệ. Nếu như trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, cuộc sống của mỗi người "hoà tan" vào cuộc sống cộng đồng, thì giờ đây khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu của cải, buộc mỗi người cần phải ý thức về bản thân mình, cần phải có một quan điểm sống phù hợp với hoàn cảnh mới. Nhu cầu đó đòi hỏi triết học ra đời. Xô-crát đã nhận thấy điều đó khi ông coi triết học là sự tự ý thức của con người về chính bản thân mình. Xã hội phân chia thành giai cấp, có sự phân công giữa lao động trí thức và lao động chân tay, dẫn tới sự hình thành một bộ phận các nhà trí thức chuyên nghiên cứu triết học khoa học, làm phá vỡ ý thức hệ thần thoại và tôn giáo nguyên thuỷ thống trị thời đó vì thế ngay từ khi ra đời các tư tưởng triết học đã mang tính giai cấp sâu sắc. Các thế giới quan của giai cấp chủ nô, các trí thức triết học dần dần trở thành các nhà tư tưởng thống trị trong xã hội nô lệ. Tuy nhiên tất cả những điều đó được thể hiện ở các tư tưởng triết học thời cổ một cách tự phát, chúng không được các nhà triết học cổ đại ý thức một cách tự giác. Dưới con mắt của họ triết học ra đời từ nhu cầu hiểu biết của con người. Quan niệm đó được Arixtôt viết: chính sự ngạc nhiên đã thức tỉnh mọi người triết lý. Lúc đầu họ ngạc nhiên bởi những điều trực tiếp làm họ băn khoăn, sau đó họ dần dần đặt ra những vấn đề cơ bản hơn, chẳng hạn như về sự thay đổi vị trí của mặt trăng, mặt trời và các vì sao và cả nguồn gốc vũ trụ”. Quan niệm trên mặc dù thể hiện dưới hình thức ngây thơ, phù hợp với nhận thức con người thời cổ, nhưng nó đề cập một khía cạnh sâu sắc về cơ sở nhận thức luận của việc hình thành triết học cổ đaị Hy Lạp. Nhu cầu thực tiễn của nền sản xuất thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp và hàng hải ở Hy lạp cổ đại quyết định sự phát sinh và phát triển của những tri thức về thiên văn, khí tượng, toán học và vật lý học. Chính sự xuất hiện các tri thức khoa học sơ khai (phát hiện ra lịch, những phát kiến về toán học của Talet, Pitago. Hình học của Ơclit; vật lý học của Acsimet.) đã tạo điều kiện rất lớn hình thành triết học - tự nhiên. Khoa học lúc đó chưa phân nghành, các nhà triết học đồng thời là các nhà toán học, vật lý học, thiên văn học. Như vậy từ khi ra đời triết học Hy lạp cổ đại đã gắn với nhu cầu thực tiễn và gắn liền với khoa học. Chúng làm cho quan niệm thần thoại truyền thống và các tôn giáo nguyên thuỷ vào thế kỷ VI-V trước CN đã không còn đáp ứng và lý giải được các vấn đề thuộc thế giới quan. Những khám phá khoa học đầu tiên của người cổ đại đã cho thấy sự giả dối của bức tranh vũ trụ và nhân sinh quan của các tôn giáo và thần thoại, đòi hỏi con người phải có cách lý giải về thế giới xung quanh và cuộc sống của mình, sự quan sát các hiện tượng tự nhiên một cách trực tiếp như một khối duy nhất và lòng mong muốn giải thích chúng một cách khoa học đã góp phần quy định và làm phát triển thế giới quan duy vật tự phát và biện chứng sơ khai của triết học Hy lạp cổ đại.