Đề tài Phân tích sự kế thừa và phát triển các quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lịch sử lập hiến Việt Nam

Chế định về nghĩa vụ của công dân là chế định cơ bản trong hầu hết các bản hiến pháp của các quốc gia trên thế giới. Cùng với chế định quyền trong Hiến pháp, ta có thể xác định được mức độ dân chủ nhân đạo, tiến bộ của một nhà nước, một xã hội. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là cơ sở để xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ sở cho mọi quyền và nghĩa vụ khác. Trong lịch sử lập Hiến nước ta, nội dung chế định về nghĩa vụ cơ bản của công dân hết sức phong phú, ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. So với Hiến pháp trước, Hiến pháp sau đã có những sửa đổi bổ sung điều khoản mới phản ánh những thay đổi cơ bản về mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển. Do đó, nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp nước ta thể hiện tính kế thừa, phát triển cả về hình thức và nội dung. Điều đó phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, phản ánh nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và địa vị xã hội ngày càng tăng của các cá nhân con người. Với tầm quan trọng như trên, chúng em xin chọn đề tài “Phân tích sự kế thừa và phát triển các quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lịch sử lập hiến Việt Nam”. Thông qua lịch sử lập hiến của bốn bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980 và 1992), việc nghiên cứu, phân tích chế định này giúp ta có cái nhìn tổng thể và ngày càng hoàn thiện hơn nhằm trực tiếp góp phần nâng cao đời sống của người dân, đồng thời cho phép chúng ta nhận thức rõ hơn trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật về nghĩa vụ của công dân trong thực tế. Bài làm có thể còn nhiều thiếu sót nên chúng em kính mong thầy cô và các bạn đóng góp những ý kiến bổ sung để chúng em có thể hoàn thiện kiến thức của mình một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn.

doc11 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 2526 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Phân tích sự kế thừa và phát triển các quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lịch sử lập hiến Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU *** Chế định về nghĩa vụ của công dân là chế  định cơ bản trong hầu hết các bản hiến pháp của các quốc gia trên thế giới. Cùng với chế định quyền trong Hiến pháp, ta có thể xác định được mức độ dân chủ nhân đạo, tiến bộ của một nhà nước, một xã hội. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là cơ sở để xác định địa vị pháp lý của công dân, là cơ  sở cho mọi quyền và nghĩa vụ khác. Trong lịch sử lập Hiến nước ta, nội dung chế định về nghĩa vụ cơ bản của công dân hết sức phong phú, ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn. So với Hiến pháp trước, Hiến pháp sau đã có những sửa đổi bổ sung điều khoản mới phản ánh những thay đổi cơ bản về mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển. Do đó, nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp nước ta thể hiện tính kế thừa, phát triển cả về hình thức và nội dung. Điều đó phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, phản ánh nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và địa vị xã hội ngày càng tăng của các cá nhân con người. Với tầm quan trọng như trên, chúng em xin chọn đề tài “Phân tích sự kế thừa và phát triển các quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lịch sử lập hiến Việt Nam”. Thông qua lịch sử lập hiến của bốn bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980 và 1992), việc nghiên cứu, phân tích chế định này giúp ta có cái nhìn tổng thể và ngày càng hoàn thiện hơn nhằm trực tiếp góp phần nâng cao đời sống của người dân, đồng thời cho phép chúng ta nhận thức rõ hơn trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật về nghĩa vụ của công dân trong thực tế. Bài làm có thể còn nhiều thiếu sót nên chúng em kính mong thầy cô và các bạn đóng góp những ý kiến bổ sung để chúng em có thể hoàn thiện kiến thức của mình một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn. B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CÁC KHÁI NIỆM. Khái niệm kế thừa và phát triển. Kế thừa là sự thừa hưởng, giữ gìn và tiếp tục phát huy những nhân tố hợp quy luật, đồng thời loại bỏ những nhân tố trái quy luật (1). Phát triển là quá trình vận động của sự vật theo khuynh hướng đi lên, từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ kém hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh hơn (2). Sự kế thừa và phát triển là quá trình vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong nền lập hiến của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam. Một bản hiến pháp được coi là hoàn thiện phải là bản hiến pháp dựa trên những điều mà các bản hiến pháp trước đã quy định, đồng thời các điều luật đó phải có sự sửa đổi, bổ sung và mở rộng cho phù hợp với bối cảnh và tình hình đất nước vào những thời điểm nhất định. Do đó, các bản hiến pháp sau này của nước ta đều có sự kế thừa và phát triển so với các bản hiến pháp trước đã ra đời, đánh dấu bốn giai đoạn phát triển của Nhà nước Việt Nam. Khái niệm công dân. Công dân là sự xác định về mặt pháp lý một thể nhân thuộc về một nhà nước nhất định. Do vậy con người được hưởng chủ quyền của nhà nước, được nhà nước bảo hộ quyền lợi khi ở trong nước cũng như nước ngoài, đồng thời phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định với nhà nước. Khái niệm công dân gắn với khái niệm quốc tịch. Quốc tịch là mối liên hệ bền vững về mặt pháp lý của một thể nhân với nhà nước nhất định. Quốc tịch Việt Nam là căn cứ duy nhất để xác định một người là công dân Việt Nam. Khái niệm nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nghĩa vụ cơ bản của công dân là các nghĩa vụ tối thiểu mà công dân phải −−−−−−−−−−−−−−−−−−− (1), (2): Giáo trình triết học Mác Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 75, 102. thực hiện đối với nhà nước và là tiền đề đảm bảo cho các quyền cơ bản công dân được thực hiện. Con người sinh ra trong thời đại có nhà nước, luôn có mối quan hệ với nhà nước. Cơ sở đó được thiết lập trên cơ sở pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong quan hệ. Khi công dân được nhà nước trao cho những quyền và được nhà nước bảo đảm thực hiện thì Nhà nước cũng có quyền yêu cầu công dân thực hiện những nghĩa vụ bắt buộc đối với nhà nước. Như vậy, quyền công dân trở thành cơ sở nghĩa vụ của công dân.  SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN CÁC QUY ĐỊNH CỦA NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN QUA CÁC BẢN HIẾN PHÁP. Hiến pháp 1946. Hoàn cảnh ra đời. Hiến pháp 1946 ra đời trong bối cảnh đất nước vừa được giải phóng, nhân dân Việt Nam chính thức làm chủ đất nước mình. Hiến pháp 1946 được thông qua ngày 9/11/1946, bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Chương “nghĩa vụ và quyền lợi cơ bản của công dân” là chương thứ 2 bao gồm 18 điều. Trong hoàn cảnh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ vừa ra đời, các thế lực thù địch bên ngoài luôn rình rập chống phá nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “nếu nước được độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chắng có ý nghĩa gì” (1). Xuất phát từ đó, Hiến pháp 1946 đề ra “nghĩa vụ và quyền lợi của công dân”, ghi nhận những giá trị quyền, nghĩa vụ của công dân mà nhân dân ta đã giành được, coi đó là nội dung cơ bản của hiến pháp dân chủ. Các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo Hiến pháp 1946, có 2 điều quy định nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đó −−−−−−−−−−−−−−−−−−− (1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, trang 554 là điều 4: Mỗi công dân Việt Nam phải bảo vệ tổ quốc, tôn trọng hiến pháp và tuân theo pháp luật và điều 5: Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính. Điều đáng chú ý hơn cả ở Hiến pháp 1946 khác với các Hiến pháp sau này là nghĩa vụ được đặt lên trước quyền lợi. Điều này rất có ý nghĩa vì nhân dân ta khi vừa giành được chính quyền, vừa có địa vị công dân đã bị nhiều kẻ thù uy hiếp và xâm lược. Vậy nên để giành được độc lập ta phải đặt nghĩa vụ lên trên mà trước hết đó là nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra, Hiến pháp còn quy định tôn trọng pháp luật, chưa có nghĩa vụ đóng thuế vì hoàn cảnh cả nước vừa thoát khỏi sưu cao thuế nặng trong tay thực dân nay đang rơi vào nạn đói khủng khiếp, người dân không thể thực hiện được nghĩa vụ này. Hiến pháp 1959. Hoàn cảnh ra đời. Hiến pháp này đánh dấu bước phát triển thứ hai trong lịch sử lập hiến nước ta. Đây là Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Việt Nam, Hiến pháp của thời kỳ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1959 ra đời trong hoàn cảnh ở  nước ta đều có những thay đổi căn bản, cách mạng Việt Nam đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ mới. Hiến pháp 1959 đã được Quốc hội khóa I nhất trí thông qua ngày 31 tháng 12 năm 1959. Hiến pháp gồm “lời nói đầu” và 10 chương. Lời nói đầu bản Hiến pháp rất coi trọng địa vị pháp lý của công dân. Chương “quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân” gồm 21 điều trong đó có 19 điều trực tiếp quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân và là chương III của bản Hiến pháp. Sự kế thừa và phát triển các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chương III có 4 điều quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đó là các điều 39, 40, 41, 42. Kế tục và phát triển Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 một mặt ghi nhận các nghĩa vụ cơ bản của công dân như: Tuân theo Hiến pháp (Điều 39), bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quân sự (Điều 42); mặt khác bổ sung thêm những nghĩa vụ mới mà trong Hiến pháp 1946 chưa được ghi nhận. Ví dụ: Nghĩa vụ phải đóng thuế (Điều 41), nghĩa vụ bảo vệ tôn trọng pháp luật (Điều 40). Hiến pháp 1959 đã làm rõ hơn ý nghĩa, tính chất của nghĩa vụ phải tuân theo đó. Đầu tiên, Hiến pháp 1959 có sự thay đổi về tiêu đề so với Hiến pháp 1946: Đặt quyền lợi trước nghĩa vụ và có thêm cụm từ “cơ bản” ở sau. Trong điều kiện mới hiện nay cách đặt tiêu đề này làm cho tiêu đề thêm chuẩn xác. Ngoài ra, Hiến pháp 1946 chỉ dừng lại ở việc: “công dân Việt Nam phải tôn trọng” thì tới 1959 đã quy định là “có nghĩa vụ tuân theo” Hiến pháp và pháp luật. “Tôn trọng” và “tuân theo” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tôn trọng thì có thể thực hiện có thể không còn tuân theo nghĩa là phải thực hiện theo. Điều này nhỏ nhưng đã nâng cao vị thế của Hiến pháp và pháp luật. Mặt khác, chúng ta cũng thấy được sự phát triển, kế thừa và phát triển không chỉ dừng lại ở việc nêu ngắn gọn các nghĩa vụ của công dân như: “bảo vệ tổ quốc, tuân theo pháp luật, tôn trọng Hiến pháp…” mà ở Hiến pháp 1959 đã bổ sung làm rõ hơn về mặt ý nghĩa, tính chất và nghĩa vụ của công dân phải tuân theo. Chẳng hạn như Hiến pháp 1959 có ghi: “Bảo vệ tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao quý của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” hay “công dân có nghĩa vụ phải tuân theo kỷ luật lao động, trật tự công cộng, và những quy tắc sinh hoạt xã hội”. Đây đồng thời cũng là một điểm mới trong Hiến pháp 1959. Nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Hiến pháp 1959 còn được mở rộng hơn so với Hiến pháp 1946. Ví dụ: Hiến pháp 1959 quy định về nghĩa vụ phải đóng thuế là điều mới so với Hiến pháp 1946, nó phản ánh được phần nào tình hình đất nước. Năm 1945, mặc dù ta đã giành được độc lập, nhưng khắp cả nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau đều rơi vào nạn đói khủng khiếp. Người dân chết đói như ngả rạ, thù trong giặc ngoài làm nước ta rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi vậy Hiến pháp của chúng ta chưa quy định nghĩa vụ đóng thuế bắt buộc đối với công dân. Năm 1959, miền Bắc vừa tiến hành xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa là hậu phương vững chắc cho miền Nam, chính vì vậy việc đóng thuế trở nên rất cần thiết và cấp bách. Do đó sự xuất hiện của điều 42 Hiến pháp 1959 là tất yếu. Hiến pháp 1980. Hoàn cảnh ra đời. Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành trong phạm vi cả nước. Nước nhà đã hoàn toàn độc lập, tự do là điều kiện thuận lợi để thống nhất hai miền Nam, Bắc đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong hoàn cảnh đó, tại kì họp thứ 7 của Quốc hội khóa 6, Hiến pháp 1980 được nhất trí thông qua. Chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” là chương V của bản Hiến pháp. Sự kế thừa và phát triển các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chương V: “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có 32 điều (từ Điều 53 đến Điều 81). Kế thừa và phát triển hai bản Hiến pháp 1946, 1959, Hiến pháp 1980 một mặt ghi nhận lại nghĩa vụ công dân đã quy định trong hai Hiến pháp trước, mặt khác xác định thêm một số quyền và nghĩa vụ mới phù hợp với giai đoạn mới của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. So với Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 đã xác định thêm một số nghĩa vụ mới của công dân: “Công dân phải trung thành với Tổ quốc. Phản bội tổ quốc là tội nặng nhất đối với dân tộc” (Điều 76). Ghi nhận này khẳng định bổn phận của công dân đối với dân tộc. Ngoài ra, một số nghĩa vụ mới được quy định gắn liền với quyền lợi của công dân, như: Điều 60 quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”; Điều 64 nêu rõ nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, phù hợp với truyền thống đạo lý dân tộc: “Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái thành những công dân có ích cho xã hội. Con cái có nghĩa vụ kính trọng và chăm sóc cha mẹ”; hoặc điều 66: “Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá”. Lần đầu tiên, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình cũng như nghĩa vụ của lực lượng thanh niên xung kích được quy định trong Hiếp pháp Việt Nam. Hiến pháp 1980 đã mở rộng và sửa đổi một số điều luật về nghĩa vụ của công dân. Ví dụ như: Ngoài bổn phận làm nghĩa vụ quân sự, công dân còn phải tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân (Điều 77: “Bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân”); Ngoài nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, tôn trọng những quy tắc sinh hoạt xã hội, công dân còn phải bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bí mật Nhà nước (Điều 78:”Công dân có nghĩa vụ tuân theo hiến pháp, pháp luật, kỉ luật lao động, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bí mật nhà nước, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa”); ngoài nghĩa vụ đóng thuế, công dân còn phải tham gia lao động công, nghĩa vụ lao động công ích (Điều 80: “Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và tham gia lao động công ích theo quy định của pháp luật”). Chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1980 là một bước phát triển mới, phong phú hơn, cụ thể hơn, rõ nét hơn so với các bản Hiến pháp trước đó. Hiến pháp 1992. Hoàn cảnh ra đời. Sau một thời gian dài phát huy hiệu lực, trước đòi hỏi của tình hình đất nước, Hiến pháp 1980 đã tỏ ra không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Đại hội Đảng lần VI đã mở ra một thời kì đổi mới ở nước ta. Sau đó, ngày 15 tháng 4 năm 1992, bản Hiến pháp mới chính thức được thông qua và ban hành. Hiến pháp 1992 gồm 11 chương, trong đó “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được quy định ở chương V của bản Hiến pháp. Sự kế thừa và phát triển các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chương V: “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có 34 điều (từ Điều 49 đến Điều 82). So với Hiến pháp 1980 thì Chương này trong Hiến pháp 1992 có nhiều điều hơn, trong đó, nhiều nghĩa vụ được sửa đổi, bổ sung và mở rộng. So với các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp 1992 đã tiến một bước dài trên con đường phát triển và hoàn thiện. Hiến pháp 1992 đã ghi nhận toàn bộ các nghĩa vụ cơ bản của công dân mà Hiến pháp 1980 đã xác định và có sự sắp xếp lại một số điều cho hợp lý hơn. Hiến pháp 1992 quy định nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Quy định này xuất phát từ sự an toàn của an ninh quốc gia, dân tộc. Bản Hiến pháp tiếp tục nhấn mạnh nghĩa vụ trên là quyền cao quý nhất của công dân, đồng thời cũng quy định rõ: “Công dân phải trung thành với tổ quốc, Phản bội tổ quốc là tội nặng nhất” (Điều 76). Sự ghi nhận này tiếp tục khẳng định bổn phận của công dân đối với quốc gia dân tộc đã được ghi nhận ở Hiến pháp 1980, thể hiện thái độ nghiêm khắc nhất của nhà nước đối với những người không làm tròn bổn phận với tổ quốc, đi ngược lại với lơi ích của dân tộc. Hơn nữa, Hiến pháp 1992 còn nhấn mạnh thêm đây là “nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân” để tăng thêm trách nhiệm và vinh dự của công dân và ý nghĩa của nhiệm vụ này. Hiến pháp 1992 còn tiếp tục ghi nhận lại tất cả các nghĩa vụ cơ bản khác của công dân mà Hiến pháp 1980 đã quy định như: Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bí mật quốc gia, chấp hành những quy tắc công cộng (điều 79), nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật (Điều 80). Cũng như các Hiến pháp trước nó, Hiến pháp 1992 không chỉ là sự kế thừa mà nó có sự điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Như trong điều 40 Hiến pháp 1959 quy định “công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng” và Điều 79 Hiến pháp 1980 tiếp tục ghi nhận nhưng thay đổi từ ngữ thành “tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sự quy định như vậy có phẩn chưa hợp lý vì khái niệm tài sản công cộng và tài sản xã hội chủ nghĩa là khái niệm chưa thực sự định hình, vì thế mỗi người có thể hiểu theo một cách khác nhau. Khắc phục nhược điểm ấy, Hiến pháp 1992 đã có sự sửa đổi về từ ngữ một cách chính xác hơn thành “tài sản của nhà nước vì lợi ích cộng đồng”. Nếu nói như vậy, cách hiểu sẽ có sự thống nhất tài sản đó thuộc sở hữu của nhà nước, do nhà nước quản lý và có quyền định đoạt.  Ngoài những nghĩa vụ đã được ghi nhận thì Hiến pháp 1992 có một số nghĩa vụ mới. Đầu tiên là: “nghĩa vụ thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình bảo vệ và chăm sóc bà mẹ trẻ em” (Điều 40). Tuy nghĩa vụ trên không nằm trong chế định quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng đây cũng là nghĩa vụ của công dân. Do thực tiễn từ những năm 1990 dân số nước ta tăng nhanh một cách chóng mặt nên Hiến Pháp 1992 đã thêm nghĩa vụ trên nhằm giảm thiểu việc gia tăng dân số. Thứ  hai, Nhà nước không chỉ quy định lao động là quyền mà còn là nghĩa vụ cơ bản của công dân (Điều 55), bởi công dân có lao động mới tạo ra sự phát triển bền vững cho kinh tế đất nước. Thứ ba là “nghĩa vụ vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng” (Điều 61). Nhà  nước quán triệt, định hướng xây dựng một môi trường lành mạnh, nâng cao đời sống xã hội và  trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình, cộng đồng, phát triển đất nước văn minh, sạch đẹp.  Thứ  tư là “nghĩa vụ của người nước ngoài sinh sống trên Việt Nam” (Điều 81). Điều này quy định người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải tuân theo Hiến Pháp và pháp luật Việt Nam. Đồng thời với nghĩa vụ này, họ có quyền được nhà nước Việt Nam bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi ích chính đáng. Đây là một bước phát triển mới, phù hợp với tinh thần của pháp luật quốc tế về quyền con người, đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc Hiến pháp của chế định Quyền và nghĩa vụ công dân là tôn trọng các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến Việt Nam phục vụ việc mở rộng, hợp tác kinh tế, khoa học kĩ thuật và giao lưu với thị trường thế giới. Nói tóm lại, cho đến nay thì Hiến pháp 1992 là bản Hiến pháp hoàn thiện nhất trong lịch sử lập Hiến nước ta. C. KẾT LUẬN Nghĩa vụ công dân ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu. Do đó, chế định nghĩa vụ cơ bản của công dân được nhiều nước quan tâm. Riêng ở Việt Nam vấn đề này trở thành một trong những chế định pháp lý quan trọng, được ghi nhận trong Hiến pháp. Các nghĩa vụ của công dân luôn luôn có sự điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra trong mỗi thời kì. Như vậy bên cạnh các chế định về tổ chức bộ máy nhà nước và các chế định chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chế định về quyền và nghĩa vụ công dân, đặc biệt chế định nghĩa vụ công dân luôn được nhà nước ta coi trọng, thể hiện ngay từ Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp 1946. Các chế định về nghĩa vụ công dân luôn phải được sửa đổi, bổ sung, mở rộng sao cho phù hợp với tình hình đất nước lúc bấy giờ, phải có tính kế thừa và phát triển để luôn đảm bảo các nghĩa vụ cơ bản của công dân, góp phần xây dựng và phát triển đất nước một cách toàn diện. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO *** Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Đại học Mở Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009. Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sách giáo khoa lịch sử lớp 12 – Nâng cao, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008. Đoàn Thị Bạch Liên, Sự phát triển của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lịch sử lập hiến Việt Nam: Luận án thạc sĩ luật học, Trường đại học Luật Hà Nội, 1998. Trang web mục Nội dung và y nghĩa của các bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luận văn liên quan