Đề tài Phân tích thống kê thực trạng và hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ 1992-2004
Nền kinh tế thế giới đang phát triển ở giai đoạn thứ ba, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Giai đoạn này được mệnh danh là giai đoạn toàn cầu hoá, khu vực hoá với đặc trưng nổi bật là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI – Foreign Direct Investment ). FDI đang là làn sóng mở đường cho xu hướng phát triển kinh tế của thế giới, nhiều nền kinh tế trước đây đã từng đóng cửa thì nay thực sự đã mở rộng để đón chào các nhà đầu tư. Đối với nước ta, FDI là một thành tố quan trọng trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời nó cũng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới của nước ta diễn ra một cách nhanh chóng thuận lợi hơn. Trong tình trạng đói vốn, khát công nghệ hiện nay của nước ta, công tác bức xúc là phải kêu gọi càng nhiều càng nhanh FDI ( Nguồn tài chính không phải nợ vay-Non debt sorce of finance ) càng tốt. Hơn 13 năm qua, kể từ khi luật đầu tư nước ngoài ra đời tại Việt Nam (29/12/1987) tới nay, việc thực hiện chủ trương thu hút vốn FDI đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hơn 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng nặng nề của cuộc tài chính xảy ra ở một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, cộng mức độ cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thu hút FDI của các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan FDI tại Việt Nam có phần chững lại, giảm thiểu cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải có những tổng kết và đánh giá đúng đắn về FDI trong những năm qua, phân tích được những lợi thế và bất lợi của đất nước để nhanh chóng có những giải pháp đồng bộ toàn diện nhằm tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, có thể cạnh tranh với các nước trên khu vực. Hơn nữa, một khi đã thu hút được FDI thì vấn đề là làm sao sử dụng FDI một cách có hiệu quả nhất, đảm bảo kết hợp một cách hài hoà hiệu quả tài chính (góc độ nhà đầu tư) và hiệu quả kinh tế xã hội (góc độ nền kinh tế xã hội). Có như vậy, Việt Nam mới ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư, đồng thời giảm thiểu chi phí mà xã hội phải gánh chịu nâng cao lợi ích kinh tế xã hội khi đầu tư. Với mong muốn góp một phần nhỏ bé vào việc giải quyết các vấn đề trên, em đã chọn đề tài “ Phân tích thống kê thực trạng và hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ 1992-2004”. Chuyên đề thực tập tốt nghiệp được chia làm ba phần chính: Chương I: Những vấn đề về FDI và hiệu quả FDI. Chương II: Hệ thống chỉ tiêu thống kê về FDI và hiệu quả FDI. Chương III: Phân tích thống kê thực trạng và hiệu quả FDI.