Đề tài Quyền chọn chứng khoán: điều kiện, khả năng và giải pháp để áp dụng quyền chọn chứng khoán vào TTCK Việt Nam

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ra đời vào tháng 07/2000 đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính (TTTC) trong nước, qua mười năm hoạt động đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian gần đây TTCK Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng góp phần không nhỏ trong việc huy động vốn cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên quy mô TTCK còn nhỏ bé, chính sách quản lý, điều hành, giám sát còn nhiều yếu kém đã và đang mang lại nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư (NĐT) khi tham gia kinh doanh chứng khoán. Hơn nữa hàng hóa trên TTCK còn quá đơn điệu, ngoài cổ phiếu và trái phiếu thì vẫn chưa có nhiều sản phẩm khác. Tại các nước có TTTC phát triển thì việc giảm thiểu rủi ro thông qua các công cụ chứng khoán phái sinh như: hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, bán khống……ngày càng được sử dụng rộng rãi như là những công cụ chủ yếu và không thể thiếu được trong việc quản lý rủi ro. Trong thời gian gần đây TTCK Việt Nam đã có những biến động bất thường khó dự đoán, thị trường liên tục mất điểm khiến đa số các NĐT đều thua lỗ. Khi TTCK trong giai đoạn suy thoái những NĐT nhỏ lẻ không thể trụ vững trên thị trường, họ ồ ạt bán chứng khoán để bảo toàn vốn làm cho thị trường càng trở nên trầm trọng hơn dễ dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ. Vì vậy việc áp dụng các công cụ chứng khoán phái sinh đặc biệt là quyền chọn chứng khoán vào TTCK Việt Nam giúp các NĐT có thêm công cụ để hạn chế rủi ro cho các NĐT là vô cùng cần thiết. Đó là lý do tôi chọn đê tài “Quyền chọn chứng khoán: điều kiện, khả năng và giải pháp để áp dụng quyền chọn chứng khoán vào TTCK Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn thạc sỹ của mình.

doc117 trang | Chia sẻ: ducpro | Lượt xem: 3809 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Quyền chọn chứng khoán: điều kiện, khả năng và giải pháp để áp dụng quyền chọn chứng khoán vào TTCK Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ra đời vào tháng 07/2000 đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính (TTTC) trong nước, qua mười năm hoạt động đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian gần đây TTCK Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng góp phần không nhỏ trong việc huy động vốn cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên quy mô TTCK còn nhỏ bé, chính sách quản lý, điều hành, giám sát còn nhiều yếu kém đã và đang mang lại nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư (NĐT) khi tham gia kinh doanh chứng khoán. Hơn nữa hàng hóa trên TTCK còn quá đơn điệu, ngoài cổ phiếu và trái phiếu thì vẫn chưa có nhiều sản phẩm khác. Tại các nước có TTTC phát triển thì việc giảm thiểu rủi ro thông qua các công cụ chứng khoán phái sinh như: hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, bán khống……ngày càng được sử dụng rộng rãi như là những công cụ chủ yếu và không thể thiếu được trong việc quản lý rủi ro. Trong thời gian gần đây TTCK Việt Nam đã có những biến động bất thường khó dự đoán, thị trường liên tục mất điểm khiến đa số các NĐT đều thua lỗ. Khi TTCK trong giai đoạn suy thoái những NĐT nhỏ lẻ không thể trụ vững trên thị trường, họ ồ ạt bán chứng khoán để bảo toàn vốn làm cho thị trường càng trở nên trầm trọng hơn dễ dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ. Vì vậy việc áp dụng các công cụ chứng khoán phái sinh đặc biệt là quyền chọn chứng khoán vào TTCK Việt Nam giúp các NĐT có thêm công cụ để hạn chế rủi ro cho các NĐT là vô cùng cần thiết. Đó là lý do tôi chọn đê tài “Quyền chọn chứng khoán: điều kiện, khả năng và giải pháp để áp dụng quyền chọn chứng khoán vào TTCK Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn thạc sỹ của mình. 2. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu làm rõ một số vấn đề cơ bản về quyền chọn, thị trường quyền chọn, nghiên cứu một số mô hình tổ chức giao dịch quyền chọn chứng khoán tiêu biểu trên thế giới. Nghiên cứu các điều kiện để áp dụng quyền chọn trên TTCK. Nghiên cứu lịch sử hình thành phát triển của TTCK Việt Nam, thực trạng TTCK Việt Nam hiện nay từ đó đánh giá các điều kiện để phát triển giao dịch quyền chọn chứng khoán tại Việt Nam. Đề xuất một số giải pháp để áp dụng giao dịch quyền chọn vào TTCK Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài Đối tượng nghiên cứu của luận văn là nghiên cứu các lý luận cơ bản về quyền chọn chứng khoán, các điều kiện để áp dụng quyền chọn chứng khoán và khả năng áp dụng quền chọn chứng khoán vào TTCK Việt Nam Phạm vi nghiên cứu: các lý luận về quyền chọn chứng khoán, TTCK Việt Nam, thị trường quyền chọn Mỹ, thị trường quyền chọn Châu Âu. 4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài Sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu như phân tích-tổng hợp, thống kê-mô tả, so sánh-đối chiếu, phương pháp quan sát thực tế để khái quát vấn đề cần nghiên cứu. 5. Kết cấu của đề tài Đề tài với tên gọi: “Quyền chọn chứng khoán: điều kiện, khả năng và giải pháp để áp dụng quyền chọn chứng khoán vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, được kết cấu thành 3 chương : Chương 1: Những vấn đề lý luận cơ bản về quyền chọn và điều kiện để áp dụng quyền chọn chứng khoán vào TTCK Chương 2: Điều kiện để phát triển giao dịch quyền chọn chứng khoán: thực trạng tại Việt Nam Chương 3: Một số giải pháp để áp dụng quyền chọn chứng khoán vào TTCK Việt Nam CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ QUYỀN CHỌN VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ÁP DỤNG QUYỀN CHỌN VÀO THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 1.1. Giới thiệu về quyền chọn 1.1.1 Định nghĩa 1.1.1.1 Quyền chọn Quyền chọn là quyền được ghi trong hợp đồng cho phép người mua lựa chọn quyền mua hoặc quyền bán một số lượng chứng khoán xác định trước trong khoảng thời gian nhất định với mức giá được xác định trước. Như vậy việc yêu cầu thực hiện quyền chọn là quyền mà không phải nghĩa vụ của người mua quyền chọn trong khi người bán phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi người mua yêu cầu. Do đó, người mua quyền chọn có thể yêu cầu thực hiện quyền chọn, để quyền chọn hết hạn, hoặc bán lại quyền chọn trên thị trường. Chính vì vậy người mua quyền chọn được xem là NĐT có vị thế dài hạn và người bán ở vị thế ngắn hạn trên hợp đồng. Một hợp đồng quyền chọn bao giờ cũng phải có đầy đủ ít nhất 5 nội dung chính: chứng khoán cơ sở, quy mô hợp đồng, thời gian đáo hạn, giá thực hiện và giá phí quyền chọn. Riêng giá phí quyền chọn là nội dung có thể thương lượng giữa các bên tham gia. Giá phí quyền chọn chính là mức giá của quyền chọn mà bên mua quyền chọn phải trả cho bên bán. 1.1.1.2 Quyền chọn mua: Quyền chọn mua là một loại quyền chọn cho phép người sở hữu quyền chọn được quyền mua một số lượng chứng khoán của một loại chứng khoán nhất định với giá xác định trước trong một thời hạn ấn định. Thời gian có hiệu lực của hợp đồng quyền chọn được xác định đến ngày đáo hạn. Giá thực thi quyền chọn được gọi là giá thực hiện. 1.1.1.3 Quyền chọn bán: Quyền chọn bán là một loại quyền chọn cho phép người sở hữu quyền chọn được quyền bán một số lượng chứng khoán của một loại chứng khoán nhất định với giá xác định trước trong một thời hạn ấn định. 1.1.2 Phân loại hợp đồng quyền chọn 1.1.2.1 Theo quyền của người mua - Hợp đồng quyền chọn mua (Call options): Là một thỏa thuận giao dịch một lượng tài sản cơ sở nhất định, trong đó người mua call options (A) sẽ trả cho người bán call options (B) một khoản tiền, gọi là giá trị quyền chọn hay phí quyền chọn (options premium) và A sẽ có quyền được mua nhưng không bắt buộc phải mua một lượng tài sản cơ sở đó theo một mức giá đã được thoả thuận trước vào một ngày hoặc một khoảng thời gian xác định trong tương lai. B nhận được tiền từ A nên B có trách nhiệm phải bán lượng tài sản cơ sở đó với giá thực hiện đã thỏa thuận vào ngày đáo hạn (nếu là quyền chọn kiểu Châu Âu) hoặc bất kì ngày nào trong khoảng thời gian từ ngày ký hợp đồng đến ngày đáo hạn (nếu là quyền chọn kiểu Mỹ), khi A muốn thực hiện quyền mua của mình. Vào ngày thực hiện quyền (thường cũng là ngày kết thúc hợp đồng), sau khi xem xét với mức giá giao ngay của tài sản cơ sở ở ngày này, nếu thấy có lợi cho mình, tức giá tài sản cơ sở lớn hơn giá thực hiện, A có thể thực hiện quyền của mình để được mua lượng tài sản cơ sở đó ở mức giá thực hiện, rồi ra thị trường bán lại với giá cao hơn để thu một khoản lợi nhuận. Nếu thấy giá của tài sản cơ sở dưới giá thực hiện, A có thể không cần phải thực hiện quyền mua của mình, và chịu lỗ tiền phí quyền chọn. - Hợp đồng quyền chọn bán (Put options): Là một thỏa thuận giao dịch một lượng tài sản cơ sở nhất định, theo đó người mua Put options (C) sẽ trả cho người bán Put options (D) một khoản tiền, gọi là giá trị quyền chọn bán hay phí Put options và C sẽ có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ phải bán lượng tài sản cơ sở đó theo một mức giá đã thỏa thuận trước (giá thực hiện) vào một ngày hoặc một khoảng thời gian xác định trong tương lai. D nhận được tiền từ C, nên có nghĩa vụ phải mua lượng tài sản cơ sở đó ở mức giá thực hiện vào ngày đáo hạn (nếu là quyền chọn kiểu Châu Âu) hoặc bất kì ngày nào trong khoảng thời gian từ ngày ký hợp đồng đến ngày đáo hạn (nếu là quyền chọn kiểu Mỹ), khi C muốn thực hiện quyền được bán của mình. Vào ngày thực hiện quyền (thường cũng là ngày kết thúc hợp đồng), sau khi xem xét giá giao ngay của tài sản cơ sở trên thị trường, nếu thấy có lợi cho mình, tức mức giá này nhỏ hơn giá thực hiện, C có thể thực hiện quyền của mình để được bán lượng tài sản cơ sở đó với giá thực hiện sau khi đã mua được ở ngoài thị trường với giá thấp hơn để thu một khoảng lợi nhuận. Nếu thấy giá giao ngay cao hơn giá thực hiện, C có thể không cần phải thực hiện quyền chọn bán của mình, và chịu lỗ tiền phí quyền chọn. 1.1.2.2 Theo thời gian thực hiện: - Quyền chọn kiểu Mỹ (American style option) Là quyền chọn cho phép người nắm giữ thực hiện quyền mua hoặc bán của mình vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, kể từ khi ký kết hợp đồng cho đến hết ngày đáo hạn của hợp đồng. Việc thanh toán sẽ thực sự xảy ra trong vòng hai ngày làm việc sau khi việc thực hiện quyền chọn được người nắm giữ xác nhận (trong thời gian hiệu lực của hợp đồng). - Quyền chọn kiểu châu Âu (European style option) là quyền chọn chỉ cho phép người nắm giữ thực hiện quyền mua hoặc bán của mình vào ngày đáo hạn của hợp đồng. Việc thanh toán thực sự xảy ra trong vòng hai ngày làm việc sau khi việc thực hiện quyền chọn được người nắm giữ xác nhận vào ngày đáo hạn. Sự phân biệt giữa hai loại quyền chọn kiểu châu Âu và quyền chọn kiểu Mỹ không liên quan đến vị trí địa lý. Ða số hợp đồng quyền chọn được trao đổi chính yếu trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, quyền chọn kiểu châu Âu có đặc điểm dễ phân tích hơn quyền chọn kiểu Mỹ và một số thuộc tính trong quyền chọn kiểu Mỹ thường được suy ra từ quyền chọn kiểu châu Âu. 1.1.2.3 Theo thị trường giao dịch: - Hợp đồng quyền chọn giao dịch trên thị trường tập trung: Là quyền chọn được tiêu chuẩn hóa về quy mô, số lượng, giá thực hiện và ngày đáo hạn, được giao dịch trên các thị trường tập trung như Chicago Board of Trade, TTCK New York…Do đó, tính minh bạch của thị trường rất cao, thể hiện ở chỗ giá cả, số lượng của hợp đồng giao dịch được công bố chi tiết vào cuối ngày giao dịch, làm dữ liệu tham khảo cho các ngày giao dịch tiếp theo hoặc cho nhiều mục đích khác. Đặc biệt, các hợp đồng quyền chọn này có thể được dễ dàng chuyển nhượng giữa các NĐT, điều này cho thấy tính thanh khoản cao của các hợp đồng quyền chọn được giao dịch trên các thị trường tập trung kiểu này. Trên thế giới, thị trường giao dịch quyền chọn theo kiểu này chiếm tỉ trọng rất lớn, khoảng 98% tổng giá trị giao dịch quyền chọn của thế giới. - Hợp đồng quyền chọn giao dịch trên thị trường phi tập trung : Là thỏa thuận mua bán giữa hai bên, theo đó quyền chọn được người bán đưa ra theo thỏa thuận với người mua nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của một người mua, chúng không được giao dịch trên các sở giao dịch tập trung. Hợp đồng thường được giao dịch giữa các đối tác liên ngân hàng, hoặc giữa ngân hàng với khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp(DN). Do các hợp đồng quyền chọn không được chuẩn hóa, chi tiết của hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên, nên tính linh hoạt đối với các hợp đồng này là rất cao, đáp ứng được các nhu cầu cá biệt của các khách hàng. Dù vậy, các giao dịch quyền chọn phi tập trung kiểu này chỉ chiếm khoảng 2% giá trị giao dịch quyền chọn trên thế giới. 1.1.3 Các chủ thể tham gia thị trường quyền chọn Các chủ thể tham gia thị trường giao dịch quyền chọn rất đa dạng, bao gồm các DN, các cá nhân, các tổ chức hoạt động tài chính như ngân hàng thương mại (NHTM), ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán (CTCK)…Dựa vào các mục đích tham gia thị trường của mỗi đối tượng, ta có thể phân ra thành các nhóm sau: Những người phòng ngừa rủi ro: Là những tổ chức tài chính và phi tài chính hay những cá nhân, tham gia thị trường quyền chọn do có nhu cầu giao dịch các loại tài sản cơ sở như ngoại tệ, chứng khoán, vàng, lãi suất…và có những lo ngại về sự biến động của giá cả hàng hóa, tỉ giá, lãi suất…làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh, lợi ích của họ. Thông thường, họ tham gia thị trường với tư cách là những người mua các quyền chọn để bảo hiểm các rủi ro về sự biền động của giá cả, tỉ giá, lãi suất…Họ sẵn sàng bỏ ra một khoản phí cho hợp đồng quyền chọn để đổi lấy một mức tỉ giá, giá cả, lãi suất cố định. Các NĐT, đầu cơ: Là các cá nhân, các tổ chức tài chính và phi tài chính, tham gia vào thị trường với mục đích đầu cơ vào sự chênh lệch tỉ giá, giá cả, lãi suất … họ thường dựa vào các công cụ phân tích kỹ thuật để đưa ra các dự đoán về xu hướng tỉ giá, giá cả, lãi suất …Từ đó, thực hiện mua bán các quyền chọn thích hợp để thu lợi nhuận. Các tổ chức tài chính trung gian: Bao gồm các NHTM, ngân hàng đầu tư, CTCK…Ngoài mục đích tham gia vào thị trường cũng với tư cách là các NĐT hoặc những người có nhu cầu về bảo hiểm rủi ro. Ở các nước phát triển, nơi mà các giao dịch quyền chọn hầu như chỉ diễn ra trên các sàn giao dịch tập trung, với tư cách là các thành viên của sở giao dịch quyền chọn, họ đóng vai trò như một nhà môi giới các giao dịch quyền chọn trên thị trường, chỉ một số ít các tổ chức tài chính lớn như các tập đoàn tài chính khổng lồ mới có khả năng tự đứng ra phát hành quyền chọn cho thị trường. 1.1.4 Cơ chế hoạt động của quyền chọn Đối với quyền chọn cổ phiếu được giao dịch trên Sở giao dịch, các chi tiết của hợp đồng – thời gian đáo hạn, giá thực hiện, ảnh hưởng của việc thanh toán cổ tức, quy mô nắm giữ của NĐT – sẽ do Sở giao dịch quy đinh. Về thời gian đáo hạn: mỗi Sở giao dịch tại mỗi quốc gia có thể có quy định riêng. Tại Hoa Kỳ, một khoản mục được xác định trong quyền chọn cổ phiếu là tháng mà có ngày đáo hạn. Ngày đáo hạn chính xác là vào thứ 7 kế tiếp sau ngày thứ sáu tuần thứ ba của tháng. Ngày cuối cùng giao dịch quyền chọn là ngày thứ 6 tuần thứ 3 của tháng. NĐT có vị thế mua quyền chọn chỉ dẫn nhà môi giới thực thi quyền chọn với thời hạn cuối cùng là 4h 30 ngày thứ sáu. Nhà môi giới sẽ có cả ngày hôm sau để hoàn tất thủ tục thực thi quyền chọn. Quyền chọn có thể được xem xét một trong ba trạng thái: đang có lời (in the money), hoà vốn (at the money), và đang lỗ (out of the money). Nếu K là giá thực hiện , S là giá của chứng khoán cơ sở. Một quyền chọn mua trong trạng thái đang có lời khi S>K, trong trạng thái hoà vốn khi S=K, trong trạng thái đang lỗ khi S<K. Như vậy, rõ ràng rằng một quyền chọn được thực hiện chỉ khi trong trạng thái đang có lãi. Giá trị nội tại của quyền chọn (intrinsic value): được xác định là giá trị lớn nào lớn hơn khi so sánh với 0 và giá trị của quyền chọn nếu nó được thực hiện ngay. Chẳng hạn, với quyền chọn mua giá trị nội tại sẽ là max(S-K, 0). Đối với quyền chọn bán, giá trị nội tại sẽ là max(K-S, 0). Đối với quyền chọn giao dịch trên thị trường OTC, nếu một công ty công bố chi trả cổ tức, giá thực hiện quyền chọn sẽ bị giảm trong ngày giao dịch không có cổ tức đúng bằng giá trị cổ tức chi trả. Nếu quyền chọn giao dịch trên thị trường giao dịch tập trung, việc thanh toán cổ tức thường chỉ bị điều chỉnh giá thực thi giá trị chi trả cổ tức lớn. Đối với việc chia tách cổ phiếu: sẽ có một số điều chỉnh trong giao dịch quyền chọn. Khi cổ phiếu được chia tách n từ m sẽ làm giá cổ phiếu giảm xuống m/n giá trị trước đó. Sau khi chia tách n từ m, giá thực hiện sẽ giảm xuống m/n giá trị trước đó và số lượng cổ phiếu giao dịch trong một hợp đồng sẽ tăng n/m số lượng trước đó. Nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của một hoặc một nhóm NĐT tới thị trường, các sở giao dịch quyền chọn thường có quy định giới hạn số lượng tối đa một NĐT có thể nắm giữ và có thể thực thi quyền trong một đơn vị thời gian. Sở giao dịch quyền chọn Chicago quy định mức giới hạn đối với một NĐT cho quyền chọn của cổ phiếu lớn nhất có mức giao dịch nhiều nhất là 75.000 hợp đồng. Một NĐT mua một quyền chọn có thể kết thúc vị thế của mình bằng một lệnh bán một quyền chọn có nội dung tương tự. Một NĐT bán quyền chọn có thể kết thúc vị thế của mình bằng việc mua một quyền chọn tương tự. Trong giao dịch quyền chọn, NĐT mua quyền chọn có thể trả bằng tiền mặt hoặc sử dụng tài khoản ký quỹ. Mức ký quỹ ban đầu thường là 50% giá trị của chứng khoán và phải duy trì mức ký quỹ tối thiểu là 25% giá trị của chứng khoán. Thông thường, quyền mua có thời gian đáo hạn dưới 9 tháng sẽ phải trả bằng tiền mặt mà không được sử dụng tài khoản ký quỹ. Đối với NĐT bán quyền chọn, yêu cầu phải duy trì một tài khoản ký quỹ để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Mức ký quỹ cụ thể có quy định trong từng trường hợp. Trường hợp quyền chọn không có đảm bảo (naked options): mức ký quỹ thông thường của quyền chọn mua (theo quy định của Sở giao dịch quyền chọn Chicago) sẽ là một trong 2 giá trị sau tuỳ theo giá trị nào cao hơn. + Một trăm phần trăm giá trị phí mua quyền chọn đã nhận được cộng với 20% giá trị thị trường của chứng khoán cơ sở trừ đi phần thua lỗ hiện có trong hợp đồng (nếu có). + Một trăm phần trăm giá phí quyền chọn cộng với 10% giá trị thị trường của chứng khoán cơ sở. Mức ký quỹ thông thường của quyền chọn bán sẽ là giá trị nào lớn hơn trong hai giá trị tính toán sau: + Một trăm phần trăm giá phí quyền chọn cộng với 20% giá trị thị trường của chứng khoán cơ sở trừ đi phần thua lỗ (nếu có). + Một trăm phần trăm giá phí quyền chọn cộng với 10% giá trị thực hiện quyền chọn. Trường hợp quyền chọn có đảm bảo (covered options): đối với quyền chọn mua đó là toàn bộ chứng khoán cơ sở của quyền chọn, biên bản thỏa thuận để bên thứ ba nắm giữu chứng khoán cơ sở, hoặc chứng khoán có thể hoán đổi ra chứng khoán cơ sở, hoặc một hợp đồng quyền chọn mua cùng loại chứng khoán cơ sở có thời gian đáo hạn dài hơn, giá thực hiện thấp hơn, hoặc quyền mua cổ phiếu cơ sở có giá thực hiện ngang bằng hoặc thấp hơn giá thực hiện quyền chọn. Đối với quyền chọn bán, người bán quyền chọn phải đảm bảo: số tiền mặt tương đương với giá trị thực thi hợp đồng hoặc thư đảm bảo của ngân hàng, hoặc số bán khống chứng khoán cơ sở, hoặc đã mua quyền chọn bán khác cùng loại chứng khoán có giá thực hiện cao hơn có cùng thời gian đáo hạn (hoặc thời gian đáo hạn dài hơn). Quyền chọn có thể sử dụng riêng biệt, độc lập hoặc có thể kết hợp theo nhiều cách khác nhau để tạo ra các sách lược làm biến đổi tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận. Một phương thức rất thông dụng là mua bán song hành cùng lúc các hợp đồng quyền chọn của cùng một loại chứng khoán cơ sở. Có nhiều kiểu mua bán song hành nhưng có 2 loại thông dụng là mua bán song hành chiều dọc và mua bán song hành theo lịch. Mua bán song hành theo chiều dọc là hình thức mua và bán đồng thời các quyền chọn có cùng chứng khoán cơ sở, cùng thời gian đáo hạn nhưng khác giá thực hiện. Mua bán song hành theo lịch là hình thức mua và bán đồng thời các quyền chọn có cùng giá thực hiện nhưng khác thời gian đáo hạn. 1.1.5 Ưu nhược điểm của quyền chọn 1.1.5.1 Ưu điểm: - Thứ nhất, có nhiều thời gian hơn để quyết định: Thông qua quyền chọn, mức giá mua hoặc bán đã được xác định. Tuy nhiên, từ thời điểm hiện tại đến thời điểm thực hiện NĐT vẫn còn khoảng thời gian đáng kể để cân nhắc kỹ lưỡng việc có mua hoặc có bán chứng khoán đó hay không. Việc đầu tư một khoản tiền khiêm tốn ban đầu để có thời gian cân nhắc kỹ lưỡng cho một khoản mục đầu tư lớn trong nhiều trường hợp cũng đánh giá là đáng giá. - Thứ hai, Cho phép NĐT thu được tỷ lệ % lợi tức trên vốn đầu tư cao nhất. Do NĐT chỉ bỏ ra chi phí nhỏ là giá quyền chọn và một số chi phí liên quan trong quá trình giao dịch và thanh toán như chi phí môi giới, phí thanh toán... tuy nhiên nếu giá tài sản cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu....) biến động đúng như kỳ vọng của NĐT, lúc này khoản lợi nhuận là rất lớn. - Thứ ba, Linh hoạt phòng ngừa rủi ro: đây là một trong những đặc điểm nổi bật của quyền chọn so với công cụ khác như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Dùng quyền chọn, NĐT có thể hạn chế mức tổn thất tối đa trong phạm vi giá phí quyền chọn. Đối với quyền chọn bán còn có thể dùng để tự bảo hiểm cho trường hợp giảm giá chứng khoán mà NĐT đang nắm giữ. Quyền chọn cho phép NĐT xây dựng một danh mục chứng khoán đa dạng với chi phí ban đầu thấp hơn việc mua thẳng chứng khoán đó. - Thứ tư, quyền chọn là công cụ để tìm kiếm lợi nhuận: Thông qua quyền chọn NĐT có thể có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận gia tăng từ chi phí đầu tư khiêm tốn ban đầu. Thông qua việc bán quyền chọn, một số nhầ đầu tư cũng sẽ được hưởng giá phí quyền chọn từ một số NĐT khác. - Thứ năm, tận dụng đòn bẩy tài chính: Thông qua công cụ quyền chọn NĐT có thể tận dụng đòn bẩy tài chính để kiếm lợi nhuận. Giao dịch quyền chọn giúp NĐT hưởng lợi từ sự biến động của giá chứng khoán mà không cần thanh toán toàn bộ giá trị chứng khoán đó. Thông qua việc tận dụng phối hợp các quyền chọn khác nhau, NĐT có thể thực hiện các chiến lược đầu tư phù hợp với mục tiêu và hoàn cảnh cụ thể của mình. 1.1.5.2 Nhược điểm: Bên cạnh các ưu điểm, quyền chọn cũng có những nhược điểm: Giao dich quyền chọn phụ thuộc vào giá trị tài sản cơ sở, mức giá thực thi quyền, thời gian, độ biến thiên