Đề tài Tìm hiểu và phân tích tính công khai của phiên toà giám đốc thẩm dân sự

Nguyên tắc toà án xét xử công khai được quy định tại Điều 131 của Hiến pháp năm 1992 và được cụ thể hoá trong Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002. Điều 7 của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002 quy định: “Toà án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ”. Nguyên tắc này bảo đảm cho nhân dân giám sát được hoạt động xét xử của toà án, đồng thời tạo điều kiện cho toà án thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử . Tuy nhiên hiện nay, trong phiên toà giám đốc thẩm dân sự, nguyên tắc xét xử công khai chưa hoàn toàn được áp dụng, sự tham gia của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bào chữa còn hạn chế.

doc4 trang | Chia sẻ: ngtr9097 | Lượt xem: 1955 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Tìm hiểu và phân tích tính công khai của phiên toà giám đốc thẩm dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tính công khai của phiên toà giám đốc thẩm dân sự Nguyên tắc toà án xét xử công khai được quy định tại Điều 131 của Hiến pháp năm 1992 và được cụ thể hoá trong Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002. Điều 7 của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002 quy định: “Toà án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ”. Nguyên tắc này bảo đảm cho nhân dân giám sát được hoạt động xét xử của toà án, đồng thời tạo điều kiện cho toà án thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử . Tuy nhiên hiện nay, trong phiên toà giám đốc thẩm dân sự, nguyên tắc xét xử công khai chưa hoàn toàn được áp dụng, sự tham gia của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bào chữa còn hạn chế.  1. Thủ tục của phiên toà giám đốc thẩm không như một phiên toà Phiên toà giám đốc thẩm dân sự là phiên toà do Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà dân sự (hoặc Toà kinh tế, Toà lao động) Toà án nhân dân tối cao và Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tiến hành để xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Theo quy định tại Điều 295 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS), thì phiên toà giám đốc thẩm diễn ra theo thủ tục sau: - Sau khi chủ tọa khai mạc phiên toà, một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. - Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện về quyết định kháng nghị. - Trong trường hợp có người tham gia tố tụng hoặc người khác được Toà án triệu tập tham gia phiên toà giám đốc thẩm thì họ được trình bày ý kiến của mình về quyết định kháng nghị. - Các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. - Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. - Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án. Quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thẩm phán hoặc Hội đồng thẩm phán biểu quyết tán thành. Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao biểu quyết theo trình tự tán thành, không tán thành với kháng nghị và các ý kiến khác; nếu không có trường hợp nào được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành thì phải hoãn phiên toà. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà, Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán phải tiến hành xét xử lại với sự tham gia của toàn thể các thành viên. Như vậy, phiên toà giám đốc thẩm được tiến hành với hình thức như một cuộc họp. Nhiều khi khó phân biệt phiên toà giám đốc thẩm với một cuộc họp bình thường. Nếu người tham gia tố tụng đã được Toà án triệu tập nhưng vắng mặt, phiên toà vẫn được tiến hành. Hầu hết các phiên toà giám đốc thẩm không có mặt những người tham gia tố tụng như: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bào chữa, người làm chứng. Sắp xếp trong phòng xử án không theo quy định bắt buộc như phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm. Đại diện Viện kiểm sát và thư ký Toà án ngồi chung với Hội đồng xét xử. Điều này làm mất tính trang nghiêm của hoạt động xét xử nhân danh Nhà nước. Hơn nữa, với thủ tục một phiên toà như vậy, nguyên tắc xét xử công khai dường như chưa được bảo đảm bởi có quá ít người được biết phiên toà đã diễn ra như thế nào. 2. Sự tham gia của nguyên đơn, bị đơn dân sự trong giám đốc thẩm còn hạn chế Trong thủ tục sơ thẩm, sự có mặt của nguyên đơn dân sự là bắt buộc. Điều 199 của BLTTDS quy định nguyên đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án, nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà. Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Đối với bị đơn, việc có mặt của họ tại phiên toà cũng được coi trọng. Bị đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà. Bị đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ (Điều 200 của BLTTDS). Trong thủ tục phúc thẩm, sự tham gia của nguyên đơn, bị đơn cũng là nguyên tắc được đề cao nhưng mức độ đã giảm so với thủ tục sơ thẩm. Theo quy định tại Điều 264 của BLTTDS, thì người kháng cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải được triệu tập tham gia phiên toà. Toà án có thể triệu tập những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên toà nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị. Trong thủ tục giám đốc thẩm, sự tham gia của nguyên đơn, bị đơn dân sự rất hạn chế. Thông thường, họ chỉ gửi đơn khiếu nại, tài liệu bổ sung qua đường bưu điện cho Toà án. Trong trường hợp thật đặc biệt thì họ mới được đại diện Toà án, Viện kiểm sát gặp gỡ để trình bày trực tiếp. Tại phiên toà giám đốc thẩm, sự có mặt của nguyên đơn, bị đơn dân sự không mang tính bắt buộc. Tại Khoản 2, Điều 292 của BLTTDS có quy định: khi xét thấy cần thiết, Toà án triệu tập những người tham gia tố tụng và những người khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm. Nhưng trong thực tiễn xét xử giám đốc thẩm dân sự, sự có mặt của nguyên đơn, bị đơn dân sự tại phiên toà giám đốc thẩm là rất hãn hữu. Có ý kiến cho rằng, việc pháp luật tố tụng không đề cao vai trò của nguyên đơn, bị đơn dân sự do đặc thù của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chứ không phải xét xử vụ án. Mặt khác, các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật đã được xét xử qua ít nhất là một lần, nhiều là 2 - 3 lần, cho nên về mặt chứng cứ, tài liệu đã có điều kiện để tập hợp, phân tích đầy đủ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc nguyên đơn, bị đơn dân sự không có mặt tại phiên toà giám đốc thẩm cũng có thể là một hạn chế của pháp luật tố tụng dân sự nước ta vì giám đốc thẩm xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án như: kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, vì vậy, tuy các chứng cứ, tài liệu chứng minh về mặt nguyên tắc đã được tập hợp, phân tích đầy đủ, nhưng trong thực tế có nhiều vụ hồ sơ vụ án rất sơ sài, hoặc bị làm sai lệch, nếu các đương sự không được trình bày; Hội đồng giám đốc thẩm chỉ dựa vào hồ sơ vụ án để phán quyết thì vẫn có thể bị mắc sai lầm. Nếu đương sự vắng mặt thì tính trách nhiệm của thành viên Hội đồng giám đốc thẩm có thể không cao do “sức ép” của các bên không cao như khi họ có mặt, tính tranh luận của phiên toà cũng bị giảm đi. Hơn nữa, có lẽ là không hợp lý nếu đương sự không được tham gia vào quá trình Toà án xem xét lại bản án đối với vụ việc của chính mình - nghĩa là phiên toà giám đốc thẩm diễn ra không công khai đối với ngay cả đương sự - chứ chưa nói gì đến người dân nói chung.  3. Sự tham gia của người bào chữa trong giám đốc thẩm dân sự còn hạn chế Trong thủ tục giám đốc thẩm dân sự, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa nói chung không được xác lập, đề cao như ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm. Hoạt động của luật sư ở giai đoạn giám đốc thẩm không được coi trọng. Trong khi đó, nhiều trường hợp sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự mới mời luật sư bào chữa nên hồ sơ vụ án luật sư cũng không nắm chắc, việc tiếp cận hồ sơ vụ án trong giai đoạn giám đốc thẩm thường khá khó khăn và nhiều khi không thể thực hiện được. Việc tiếp xúc, đối thoại giữa luật sư với các bên đương sự đối lập, với người tiến hành tố tụng hầu như ít khi được thực hiện. BLTTDS không có điều khoản nào quy định trực tiếp quyền tham gia phiên toà giám đốc thẩm của luật sư. Vai trò của luật sư trong giám đốc thẩm còn mờ nhạt và mang tính gián tiếp. Luật sư thuộc nhóm “những người tham gia tố tụng” - nhóm những người mà khi xét thấy cần thiết thì toà án mới triệu tập - theo Khoản 2, Điều 292 của BLTTDS. Trong trường hợp có người tham gia tố tụng hoặc người khác được toà án triệu tập tham gia phiên toà giám đốc thẩm thì họ được trình bày ý kiến của mình về quyết định kháng nghị (Khoản 2, Điều 295). Việc hạn chế quyền tham gia phiên toà giám đốc thẩm dân sự của luật sư vô tình đã vi phạm nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự được quy định tại Điều 9 của BLTTDS. Khi luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự muốn tham gia phiên toà cũng không được, thì họ rất khó có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước các thẩm phán toà giám đốc thẩm. 4. Đề xuất cho hình thức phiên toà giám đốc thẩm Như trên đã phân tích, việc phiên toà giám đốc thẩm mở không công khai có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động xét xử giám đốc thẩm cũng như việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Vì vậy, theo chúng tôi, cần phải cải tiến phiên toà giám đốc thẩm theo hướng mở công khai với sự tham gia của các bên đương sự, người bào chữa nhằm thúc đẩy tranh tụng, tăng cường sự giám sát của nhân dân, phản biện của xã hội với mục tiêu làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án để các quyết định giám đốc thẩm thật sự chính xác, làm chuẩn mực cho việc giải quyết các vụ việc của hệ thống toà án. Thực tiễn pháp luật các nước như Cộng hoà Pháp, Hoa Kỳ... cũng cho thấy, khi phiên toà giám đốc thẩm được mở công khai, tính chất tranh tụng rất cao. Từ phân tích trên, chúng tôi đề nghị bổ sung vào BLTTDS quy định về hình thức của phiên toà giám đốc thẩm như sau:  “Phiên toà giám đốc thẩm được mở công khai với sự tham gia của các bên đương sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người bào chữa”.
Luận văn liên quan