Đề tài Vai trò của Tổng công ty nhà nước và một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổng công ty Nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước trong đó các Tổng công ty nhà nước có vai trò hết sức to lớn trong nền kinh tế nước ta ,đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trưòng ,định hướng xã hội chủ nghĩa. Các Tổng công ty nhà nước giữ những vị trí then chốt nhất, những tượng đài chỉ huy, bánh lái của nền kinh tế, đảm bảo những điều kiện phát triển ,những cân đối lớn cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân và đảm nhận những trách nhiệm, những nhiệm vụ xã hội quan trọng đồng thời còn có sứ mệnh rất lớn là tạo điều kiện và thúc đẩy toàn bộ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong điều kiện phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần ở nước ta hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước còn là công cụ trong tay nhà nước, lôi cuốn các thành phần kinh tế khác vào quỹ đạo phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), nghị quyết Trung ương 7 (khoá VII), nghị quyết số 10/ NQTW của Bộ chính trị (khoá VII), ngày 7 tháng 3 năm 1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/TTg và Quyết định số 91/TTg, tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập các Tổng công ty Nhà nước. Trong hơn 10 năm qua Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp tích cực nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và đặc biệt coi trọng vai trò chủ đạo của các Tổng công ty Nhà nước. Các Tổng công ty Nhà nước cùng với các doanh nghiệp Nhà nước đã chi phối được các ngành, lĩnh vực then chốt và sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định kinh tế xã hội, tăng thế và lực của đất nước. Trong những năm qua, nhìn chung các Tổng công ty hoạt động có hiệu quả, tăng trưởng liên tục, đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động. Tuy nhiên các Tổng công ty nhà nước còn bộc lộ nhiều yếu kém, nhược điểm. Hệ thống tổ chức được hình thành chủ yếu bằng phương pháp hành chính nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, nhiều vấn đề thuộc về cơ chế chính sách không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi kịp thời. Chức năng quản lý của Hội đồng quản trị, quyền điều hành của Tổng giám đốc Tổng công ty, quan hệ quản lý giữa Tổng công ty với các công ty thành viên, quan hệ kinh doanh giữa các công ty thành viên với nhau chưa rõ ràng, còn ràng buộc mang tính mệnh lệnh hành chính, chưa thực sự gắn kết trong hệ thống Tổng công ty, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các Tổng công ty Nhà nước. Để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện nghị quyết Đại hội IX của Đảng, nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng là: Kinh tế Nhà nước giữ vai trò quyết định trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước; các Tổng công ty Nhà nước phải không ngừng được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vững vị trí then chốt, dẫn dắt nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế Quốc tế. Tập trung hơn nữa nguồn lực để chi phối nền kinh tế, làm lực lượng chủ lực trong việc bảo đảm các cân đối lớn ổn định kinh tế vĩ mô, cung ứng những sản phẩm trọng yếu cho nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu, đóng góp lớn cho ngân sách.