Đề tài Vai trò người phụ nữ trong gia đình ở nông thôn hiện nay
Thời kỳ chuyển đổi kinh tế của Việt Nam từ kinh tế quản lý tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần là giai đoạn đất nước có những chuyển biến quan trọng trên tất cả các bình diện kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể: Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, liên tục và có dấu hiệu ổn định. Điều này là tiền đề cho những cải thiện thêm nhiều mặt về đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đem lại lợi ích cho hầu hết các tầng lớp dân cư ở thành thị cũng như nông thôn, ở miền xuôi cũng như miền ngược. Trong bối cảnh đời sống của ngày hôm nay, vai trò gia đình càng nổi bật lên môi trường giáo dục cá biệt, toàn diện có hiệu ích nhất. Gia đình là hình ảnh một mái nhà chở che, nơi con người trú ngụ, chống trả mọi phong ba bão táp,chống lại nỗi cô đơn căn bệnh phổ biến của thế giới hiện đại; nơi cân bằng lại mọi xô lệch của đời sống con người. Gia đình là sáng tạo tự nhiên kỳ diệu của con người. Gia đình một tổ hẹp, xinh xắn hài hoà và mạnh mẽ. Nói đến gia đình chúng ta phải nhắc đến vai trò của người phụ nữ, nếu không có người phụ nữ thì chưa thật sự là gia đình. Phụ nữ là một nửa của nhân loại. Theo tổng kết của Liên Hiệp Quốc năm 1980, phụ nữ chiếm ½ dân số thế giới, thực hiện gần 2/3 tổng số giờ lao động của thế giới, sản xuất ½ sản lượng nông nghiệp của thế giới. Nhưng lại chiếm 2/3 dân số mù chữ trên thế giới và chỉ nhận được 1/10 tổng thu nhập, sở hữu 1/100 tổng số của cải trên thế giới. Theo ý kiến của bà Minôli. D. Presser trợ lý trưởng của UBDP trong cuộc hội thảo “Giới và phát triển: Quan điểm và cách tiếp cận” tại học viện chính trị quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/10/1996 thì trong số 16.000 tỷ đô la mà phụ nữ trên toàn thế giới tạo ra trong mỗi năm (bao gồm cả lao động kiếm tiền lẫn công việc nội trợ và tạp dịch khác) đã có tới 11.000 tỷ đô la họ không được trả công. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều vấn đề đặc biệt là vấn đề xã hội cần phải được xem xét và tìm ra hướng khắc phục đó là quyền bình đẳng của phụ nữ. Trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta, phụ nữ đã đóng một vai trò rất quan trong. Tuy nhiên, thực tế ấy chưa được nghiên cứu và trình bày một cách đầy đủ, do đó vai trò của người phụ nữ cũng chưa được đánh giá một cách đúng mức.