Điều tra tình hình dịch bệnh và khảo sát đáp ứng miễn dịch của cá rô phi đỏ đối với Streptococcus sp
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản đã không ngừng phát triển và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ngành thủy sản nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2002 là 2,023 tỷ USD, năm 2003 là 2,20 tỷ USD và năm 2004 là 2,40 tỷ USD. Trong đó, nghề nuôi thủy sản nước ngọt mà đặt biệt là đối tượng cá rô phi đã được Bộ Thủy sản xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ yếu trong chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 1999 – 2010. Nghề nuôi cá rô phi ao, bè được phổ biến nhanh chóng mang nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên do phát triển ao, bè nuôi nhiều trong cùng diện tích cũng như nuôi với mật độ cao làm cho nghề nuôi bị thiệt hại nhiều do dịch bệnh xảy ra. Tác nhân gây bệnh quan trọng trên cá rô phi nói chung và rô phi đỏ nói riêng thường là vi khuẩn, virus hoặc protozoa trong đó đáng chú ý nhất là bệnh do vi khuẩn mà đặc biệt là Streptococcussp. Có rất nhiều báo cáo khoa học đề cập đến bệnh do Streptococcus iniaetrên cá rô phi nuôi công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vi khuẩn này gây rất nhiều dịch bệnh và tỷ lệ cá chết cao. Gần đây cũng đã có thông tin S. iniaeđược phân lập từ cá rô phi nuôi (Oreochromis spp) ở Việt Nam (Tan và Enright, 2003). Việc định danh loài vi khuẩn gây bệnh đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm cũng như các phương pháp phân tích sinh lý – sinh hóa phức tạp. Do vậy, trong các nghiên cứu trước đây của Nguyễn Tri Cơ (2004), Võ Văn Tuấn (2005), Nguyễn Thị Ngọc Bích (2005), Dương Phượng Uyên (2005) chỉ xác định được đến loài Streptococcus sp. khi phân lập liên cầu khuẩn từ cá bệnh. Tuy nhiên, việc tìm hiểu ảnh hưởng của bệnh do Streptococcussp. trên cá rô phi nuôi và tiến hành các nghiên cứu nhằm phòng bệnh hiệu quả là yêu cầu cấp thiết. Trước nhu cầu thực tiễn đó, được sự phân công của Khoa Thủy Sản Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “ĐIỀU TRA TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VÀ KHẢO SÁT ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH CỦA CÁ RÔ PHI ĐỎ ĐỐI VỚI Streptococcussp.”.