Giáo dục và Đào tạo được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, có vai trò quan trọng trong bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong Giáo dục và Đào tạo hiện nay, cùng với quá trình đổi mới nội dung, chương trình, hiện đại hoá và chuẩn hoá điều kiện dạy và học, đổi mới phương pháp dạy học có ý nghĩa chiến lược, trở thành một mục tiêu dạy học.
Trường CĐSP Ninh Bình (nay là trường Đại học Hoa Lư) trong những năm qua đã coi trọng đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các bậc học, ngành học, môn học. Những nỗ lực đó của nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy vậy, chất lượng đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là quá trình đổi mới phương pháp dạy học môn học còn mang tính tự phát, giải pháp thực hiện chưa sát, chưa cụ thể, thiết thực. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng thực hiện quá trình đó.
4 trang |
Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 2806 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở trường đại học Hoa Lư, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC CÁC MÔN KHOA HỌC MÁC LÊNIN, TƯ TƯỞNG
HỒ CHÍ MINH Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC HOA LƯ
Th.s: Đoàn Sĩ Tuấn
Cử nhân: Phạm Thành Trung
Cử nhân: Vũ Thị Hương Giang
Tổ Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Giáo dục và Đào tạo được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, có vai trò quan trọng trong bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong Giáo dục và Đào tạo hiện nay, cùng với quá trình đổi mới nội dung, chương trình, hiện đại hoá và chuẩn hoá điều kiện dạy và học, đổi mới phương pháp dạy học có ý nghĩa chiến lược, trở thành một mục tiêu dạy học.
Trường CĐSP Ninh Bình (nay là trường Đại học Hoa Lư) trong những năm qua đã coi trọng đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các bậc học, ngành học, môn học. Những nỗ lực đó của nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy vậy, chất lượng đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa cao. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là quá trình đổi mới phương pháp dạy học môn học còn mang tính tự phát, giải pháp thực hiện chưa sát, chưa cụ thể, thiết thực. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng thực hiện quá trình đó.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Để nâng cao chất lượng quá trình đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều và cần thiết áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước hết cần tập trung vào các giải pháp cơ bản nền tảng dưới đây:
1. Nghiên cứu, nhận thức về phương pháp dạy học hiện có và lí luận về đổi mới phương pháp dạy học.
Mọi sự đổi mới phải xuất phát từ thực tiễn. Đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tiễn phương pháp dạy học. Nghiên cứu, đánh giá, thẩm định hiệu quả và hạn chế của phương pháp dạy học hiện có có ý nghĩa quan trọng. Đó là cơ sở để xác định tính ưu việt và những khía cạnh cần xem xét lại trong hệ thống phương pháp dạy học hiện hành, khẳng định tính cấp thiết và khả năng có thể của đổi mới. Sẽ là vô lí nếu tiến hành đổi mới phương pháp dạy học mà không nắm được thực trạng của phương pháp dạy học bộ môn trước khi đổi mới. Do đó, để đổi mới phương pháp dạy học thực sự có hiệu quả cần phải thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, các hội thảo chuyên đề, các ý kiến của sinh viên. để đánh giá đúng đắn, nghiêm túc, chính xác phương pháp dạy học môn học hiện có.
Hiệu quả của quá trình đổi mới phương pháp dạy học không chỉ phụ thuộc vào nhận thức phương pháp dạy học hiện có mà còn phụ thuộc rất lớn vào nhận thức lý luận đổi mới phương pháp dạy học. Vì thế trên cơ sở nắm vững thực tiễn phương pháp dạy học bộ môn cần nghiên cứu lý luận về đổi mới phương pháp dạy học. Chỉ có nắm vững lý luận đổi mới phương pháp dạy học với các biện pháp sát thực, quá trình đổi mới phương pháp dạy học mới diễn ra một cách tích cực, chủ động. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải nghiên cứu và đề xuất những biện pháp đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả. Do vậy cần phải nghiên cứu kỹ, tìm hiểu sâu những tài liệu về đổi mới phương pháp dạy học ở trong và ngoài nước, trong và ngoài chuyên môn môn học.
2. Xây dựng nội dung đổi mới phương pháp dạy học
Trên cơ sở thực tiễn phương pháp dạy học hiện có và lý luận về đổi mới phương pháp dạy học, nghiên cứu phát hiện, đề xuất và xây dựng nội dung đổi mới phương pháp dạy học bộ môn. Tinh thần cơ bản trong quá trình xây dựng nội dung đổi mới phương pháp dạy học là không gạt bỏ, loại trừ, thay thế hoàn toàn phương pháp dạy học truyền thống hay phải nhập ngoại một số phương pháp xa lạ vào quá trình dạy học. Vấn đề là ở chỗ cần kế thừa và phát triển mặt tích cực của phương pháp dạy học hiện có, đồng thời phải học hỏi, vận dụng một số phương pháp dạy học mới một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện dạy học cụ thể.
Quá trình xây dựng nội dung đổi mới phương pháp dạy học bộ môn là quá trình lao động sư phạm hết sức công phu đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tìm tòi và đề xuất những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong từng phương pháp dạy học đối với từng môn học. Thực tiễn cho thấy, đổi mới phương pháp dạy học sẽ không đạt mục tiêu nếu biện pháp đưa ra chung chung, trừu tượng, hời hợt, công thức. Do vậy cần quan tâm sâu sắc hơn đến việc đề xuất những biện pháp, kĩ năng dạy học thực sự có hiệu quả sư phạm đối với từng phương pháp dạy học ở các môn học cụ thể. Vì biện pháp là sự hiện thực hoá sức mạnh của phương pháp, là cơ cấu kỹ thuật của phương pháp, không có biện pháp thì phương pháp trở lên trống rỗng, có biện pháp tốt, hiệu quả phương pháp sẽ cao và ngược lại. Chẳng hạn, đối với phương pháp nêu vấn đề trong kinh tế chính trị Mác Lênin theo tinh thần đổi mới cần vạch rõ các biện pháp: xây dựng bài toán nhận thức, đặt câu hỏi nêu vấn đề, tạo tình huống có vấn đề cũng như các kiểu, các bước của dạy học nêu vấn đề… trong môn học đó.
3. Phát hiện những trở lực của quá trình ĐMPPDH
Căn cứ vào nội dung đổi mới phương pháp dạy học, nghiên cứu, xác định những trở lực của quá trình thực hiện đổi mới. Đó là điều hết sức cần thiết nhằm tìm ra các biện pháp khắc phục nâng cao hiệu quả quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Những trở lực của quá trình đó thì nhiều nhưng cơ bản và trung tâm là năng lực đổi mới của những người có liên quan mà then chốt là của giảng viên bộ môn. Giảng viên là lực lượng hiện thực hoá và quyết định sự thành bại quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Vì vậy, trọng tâm là phải xác định và tìm cách tháo gỡ những thể trở lực đổi mới phương pháp dạy học ở chính đội ngũ giảng viên.
Những trở lực của quá trình đổi mới phương pháp dạy học còn được tạo ra ở đội ngũ giảng viên và sinh viên không chỉ từ trước mà còn cả trong chính quá trình thực hiện đổi mới, chẳng hạn những nhận thức lệch lạc, những khuynh hướng sai lầm, lạm dụng … trong đổi mới. Do đó cần có sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đổi mới phương pháp dạy học trong thực tiễn với quá trình nghiên cứu khoa học về đổi mới nhằm đánh giá, tổng kết thực tiễn đổi mới.
4. Xúc tiến quá trình ĐMPPDH trên nhiều “mặt trận”
Sau khi xây dựng nội dung và xác định những trở lực của quá trình đổi mới phương pháp dạy học cần xúc tiến quá trình đổi mới trên nhiều “mặt trận”. Trước hết, cần làm cho đội ngũ giảng viên bộ môn nhận thức về tính cấp thiết của đổi mới phương pháp dạy học: Đó là yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, là điều kiện trực tiếp để nâng cao chất lượng dạy học, là thách thức cần phải giải quyết nhưng cũng là cơ hội phát triển của mỗi giảng viên. Từ đó cung cấp những luận chứng đủ sức thuyết phục về sự cần thiết và có thể của đổi mới; tạo ra sự nhất trí, đồng lòng đối với việc thực hiện đổi mới; tạo dư luận và bầu không khí trong đổi mới. Thứ hai, cần đa dạng hoá các hình thức bồi dưỡng giảng viên về đổi mới phương pháp dạy học, bố trí giảng viên đi dự các lớp tập huấn do Bộ tổ chức; tăng cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và giải quyết từng vấn đề của từng phương pháp theo yêu cầu đổi mới. Thứ ba, chỉ đạo giảng viên thực hiện tất cả các khâu trong quá trình đổi mới. Đổi mới cách xác định mục tiêu bài học, cách soạn giáo án theo tinh thần đổi mới, lập kế hoạch thực hành đổi mới phương pháp trên cơ sở kế hoạch chuyên môn. Thứ tư, tập trung xây dựng những điển hình tiên tiến về đổi mới phương pháp dạy học, có những động viên hợp lý nhằm tạo động lực cho quá trình đổi mới từ phía giảng viên.
5. Kiểm tra, đánh giá quá trình ĐMPPDH.
Quá trình đổi mới phương pháp dạy học khoa học Mác Lênin,tư tưởng Hồ CHí MINH sẽ bộc lộ những ưu điểm cần phát huy đồng thời, cũng bộc lộ những hạn chế, khuyết tật cần phải khắc phục. Kiểm tra, đánh giá qúa trình đổi mới phương pháp dạy học vừa có tác dụng điều chỉnh vừa có ý nghĩa thúc đẩy tạo động lực cho quá trình này. Công tác kiểm tra, đánh giá cần được tiến hành với sự đa dạng về hình thức, cần được tiến hành theo hướng phòng ngừa, điều chỉnh, tư vấn cho giảng viên hơn là tập trung truy tìm sai xót.
Những giải pháp đổi mới phương pháp dạy học trên đây có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có thể mô phỏng bằng sơ đồ sau:
III. KẾT LUẬN
Có nhiều vấn đề khác về đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở trường Đại Học Hoa Lư mà chúng tôi muốn trao đổi. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này không cho phép chúng tôi trình bày chi tiết và trọn vẹn toàn bộ các vấn đề đó. Hy vọng rằng những giải pháp trên được thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng quá trình đổi mới phương pháp dạy học ở nhà trường.
NHÓM TÁC GIẢ