Giấy phép và điều kiện kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và con đường phía trước
Sau gần hai thập kỉ cải cách, hệ thống giấy phép, điều kiện kinh doanh hiện hành ở Việt Nam đã được thay đổi đáng kể nhằm bảo hộ một cách có hiệu quả hơn quyền tự do kinh doanh của người dân. Mặc dù vậy, muốn đạt được chỉ tiêu nửa triệu doanh nghiệp vào năm 2010 và trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, dễ tiên liệu và đáng tin cậy hơn nữa đối với doanh nhân. Báo cáo dưới đây góp phần nhận diện các giấy phép và điều kiện kinh doanh hiện hành, từng bước đánh giá những bất cập của hệ thống giấy phép kinh doanh trước yêu cầu cải cách quy chế hành chính. Hơn 300 loại giấy phép thống kê được chỉ là một sự minh họa cho vô số loại giấy phép đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng được ban hành bởi nhiều cơ quan nhà nước, lí do và các tiêu chí cấp phép đôi khi còn chưa rõ ràng. Trong khi đó, các thiết chế giám sát quy phạm lại chưa đủ mạnh. Tố quyền của người dân yêu cầu hủy bỏ các quy chế hành chính vi hiến, vi pháp hoặc xâm phạm quyền tự do kinh doanh của họ một cách bất hợp lí chưa được thực hiện có hiệu quả. Những điều đó góp phần làm xấu đi môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng chi phí cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho tham nhũng phát triển. Sau khi chỉ rõ các bất cập của hệ thống giấy phép/điều kiện kinh doanh hiện hành, báo cáo nghiên cứu các xung đột lợi ích và cơ chế xây dựng đồng thuận làm tiền đề cho các kiến nghị cải cách. Báo cáo cho rằng việc tổng rà soát các giấy phép và điều kiện kinh doanh hiện hành là một bước xúc tiến ban đầu thích hợp. Tiếp theo đó cần tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm thay đổi nhận thức và xây dựng các khung khổ thể chế nhằm thẩm định lại các giấy phép và điều kiện kinh doanh hiện hành, hủy bỏ chúng khi cần thiết cũng như giám sát việc ban hành các giấy phép kinh doanh mới.