Gia đình là tế bào của xã hội. Chức năng tái sản xuất ra con người là chức năng quan trọng nhất của gia đình để xã hội con người tiếp tục tồn tại và phát triển. Khởi nguồn để hình thành nên một gia đình là việc xác lập mối quan hệ hôn nhân giữa hai người nam và nữ. Khi Nhà nước quản lý và điều chỉnh quan hệ hôn nhân thì việc nam nữ tạo lập gia đình trở thành sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ vợ chồng, sự kiện này thể hiện dưới một khái niệm gọi là kết hôn.
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của gia đình, trong mỗi giai đoạn Cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lớn đối với vấn đề gia đình và có chủ trương để thể chế hóa bằng pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng. Trong từng thời kì phát triển của lịch sử, pháp luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Kế thừa và phát triển Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định tương đối đầy đủ các vấn đề về hôn nhân và gia đình. Các quy định trong Luật hôn nhân và gia đình đã phần nào phản ánh được thực trạng quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, góp phần tích cực trong việc xây dựng, củng cố gia đình Việt Nam.Tuy nhiên, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự đổi mới tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội đã làm cho các quan hệ hôn nhân và gia đình có những thay đổi sâu sắc, chịu nhiều tác động tiêu cực lẫn tích cực.
10 trang |
Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 3546 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoàn thiện quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Hoàn thiện quy định của Luật HN&GĐ về điều kiện kết hôn
BÀI LÀM
I. Mở đầu
Gia đình là tế bào của xã hội. Chức năng tái sản xuất ra con người là chức năng quan trọng nhất của gia đình để xã hội con người tiếp tục tồn tại và phát triển. Khởi nguồn để hình thành nên một gia đình là việc xác lập mối quan hệ hôn nhân giữa hai người nam và nữ. Khi Nhà nước quản lý và điều chỉnh quan hệ hôn nhân thì việc nam nữ tạo lập gia đình trở thành sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ vợ chồng, sự kiện này thể hiện dưới một khái niệm gọi là kết hôn.
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của gia đình, trong mỗi giai đoạn Cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lớn đối với vấn đề gia đình và có chủ trương để thể chế hóa bằng pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng. Trong từng thời kì phát triển của lịch sử, pháp luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Kế thừa và phát triển Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định tương đối đầy đủ các vấn đề về hôn nhân và gia đình. Các quy định trong Luật hôn nhân và gia đình đã phần nào phản ánh được thực trạng quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, góp phần tích cực trong việc xây dựng, củng cố gia đình Việt Nam.Tuy nhiên, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự đổi mới tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội đã làm cho các quan hệ hôn nhân và gia đình có những thay đổi sâu sắc, chịu nhiều tác động tiêu cực lẫn tích cực.
Xét về mặt lý luận, nếu xem gia đình là nền tảng của xã hội, thì điều kiện kết hôn chính là yếu tố pháp lý cơ sở để xây dựng nền tảng này. Điều kiện kết hôn được quy định trong pháp luật, và nó cũng chịu tác động bởi sự chuyển mình của nền kinh tế. Do đó, khi xã hội có sự biến đổi, và khi pháp luật đã bộc lộ những thiếu sót nhất định thì việc điều chỉnh pháp luật về điều kiện kết hôn là điều vô cùng cần thiết. Có điều chỉnh kịp thời, chủ động, phù hợp với thực tiễn khách quan, thì những quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và Luật hôn nhân và gia đình nói chung mới có tính khả thi, mới có giá trị thực tế, giúp cho việc quản lý xã hội của Nhà nước bằng pháp luật được thực hiện.
II. Hoàn thiện quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn
1. Những quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn
Điều kiện kết hôn theo pháp luật quy định được ghi nhận ở Điều 7 và Điều 10 của Luật hôn nhân và gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2000
Điều 9 Luật hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định về các điều kiện kết hôn như sau :
“ Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này.”
Các trường hợp bị cấm kết hôn theo Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình là các trường hợp sau :
“1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
2. Người mất năng lực hành vi dân sự;
3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
5. Giữa những người cùng giới tính.”
2. Những hạn chế của pháp luật về điều kiện kết hôn
a. Điều kiện kết hôn được quy định trong Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình
Điều kiện về tuổi kết hôn : Theo quy định về khoản 1 Điều 9 luật HN&GĐ năm 2000, tuổi kết hôn là “nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”. Theo quy định này thì “không bắt buộc nam phải đủ từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổI trở lên mới được kết hôn; do đó nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về độ tuổi kết hôn” (mục 1 điểm a Nghị quyết số 02/2000/NQ-HDTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000). Ví dụ: chị Nguyễn Thị A sinh ngày 26/3/1983 thì đến ngày 26/3/2000 chị A tròn 17 tuổI. Từ sau ngày 26/3/2000 coi như chị A bước sang tuổi mười tám và được phép kết hôn.
Luật HN&GĐ quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu như vậy là phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của con người, phù hợp với thực tiễn đời sống HN&GĐ của xã hội Việt Nam. Quy định này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với sức khỏe của nam và nữ, đảm bảo cho nam nữ có thể đảm đương được trách nhiệm của mình đối với gia đình, đồng thời còn đảm bảo cho con cái sinh ra được khỏe mạnh về thể lực lẫn trí tuệ.Tuy nhiên, cách quy định độ tuổi kết hôn như hiện nay đã dẫn tới những cách tính tuổi không thống nhất trong thực tiễn xét xử. Trên thực tế có hai cách tính tuổi:
+ Một là tính theo tuổi tròn: nghĩa là khi đủ 12 tháng mới được tính là một tuổi, căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh ghi trong giấy tờ hộ tịch để tính.
+ Hai là tính tuổi theo ngày đầu năm dương lịch: nghĩa là chỉ căn cứ vào năm sinh, cứ qua ngày 1 tháng 1 đầu năm dương lịch được tính thêm một tuổi.
Lâu nay các cơ quan hộ tịch ở nước ta thường hiểu theo cách thứ nhất. Trong khi đó, Nghị quyết số 02/2000NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 quy định như sau “ nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên không bắt buộc nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn”. Bên cạnh đó, theo quy định tại Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005, nếu nữ chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (Điều 20). Người vợ 17 tuổi 1 ngày theo Luật HN&GĐ có các quyền và nghĩa vụ về tài sản như quyền có tài sản riêng, quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng...Nhưng theo BLDS thì người vợ này vẫn là chưa thành niên khi thực hiện các quyền về tài sản của mình. Khi họ xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của cha mẹ là người đại diện theo pháp luật (Điều 22 BLDS 2005). Pháp luật mới chỉ đề cập đến năng lực pháp luật mà chưa đề cập đến năng lực hành vi của người vợ 17 tuổi 1 ngày này. Mặt khác, quy định về tuổi trong Luật HN&GĐ sẽ mâu thuẫn với với Bộ luật hình sự năm 1999 về tội tảo hôn ( Điều 148 ). Vì vậy, luật HN&GĐ cần xem xét lại việc quy định độ tuổi kết hôn này cho phù hợp, tránh những vấn đề phức tạp xảy ra trong việc sở hữu và quản lý tài sản trong hôn nhân.
Điều kiện về sự tự nguyện của các bên: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ. Thực hiện hôn nhân tự nguyện Luật HN&GĐ năm 2000 cấm “lừa dối để kết hôn”. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP cũng đã hướng dẫn về những trường hợp được coi là “một bên lừa dối”. Nhưng khi hướng dẫn về vấn đề này, Hội đồng thẩm phán chỉ liệt kê một số hành vi thể hiện sự lừa dối: “ví dụ: lừa dối là nếu kết hôn sẽ xin việc làm phù hợp, hoặc nếu kết hôn sẽ bảo lãnh ra nước ngoài..” mà không đưa ra những tiêu chí để xác định như thế nào là “lừa dối”. Việc hướng dẫn như vậy không khái quát hết được những hành vi lừa dối để kết hôn xảy ra trong thực tiễn, trong khi các mối quan hệ trong thực tế đời sống rất đa dạng. Đồng thời, cũng theo hướng dẫn này, ngoài những trường hợp đã được nêu ví dụ, nhiều trường hợp khác tương tự cũng được coi là hành vi lừa dối vi phạm nguyên tắc tự nguyện trong việc kết hôn. Điều này sẽ dẫn đến những cách hiểu không thống nhất khi đánh giá những hành vi có tính chất tương tự, hành vi nào là lừa dối hay không phải là lừa dối. Vì vậy, Luật HN&GĐ cần quy định rõ vấn đề này.
b. Những trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định của Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình
Luật hôn nhân và gia đình cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn. Nếu vào thời điểm đăng kí kết hôn, quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của tòa án có hiệu lực pháp luật thì việc kết hôn của họ là trái pháp luật. Việc quy định như vậy là cần thiết bởi trong trường hợp này, người mất năng lực hành vi dân sự không thể nhận thức và thực hiện được các nghĩa vụ của mình, không có khả năng gánh vác những nghĩa vụ chung trong đời sống gia đình. Quy định này nhằm đảm bảo hạnh phúc của vợ chồng, con cái trong quan hệ gia đình. Song thực tiễn ở nước ta hiện nay, với truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt, có những người vì tình yêu thương chân thành và trách nhiệm sẵn sàng chia sẻ cuộc sống với những người mất khả năng nhận thức, tự nguyện gắn bó với họ để bù đắp phần nào những tổn thất cho họ. Trong hoàn cảnh này, người bị mất năng lực hành vi dân sự cũng rất cần có người yêu thương, chăm sóc, ở bên và giúp đỡ trong cuộc sống. Đây là một vấn đề nhân đạo mà thực tiễn đặt ra, đòi hỏi pháp luật cần giải quyết sao cho hợp với đạo lý.
Một vấn đề gây tranh cãi và đang có nhiều cách giải quyết khác nhau trên thế giới đó là việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Ở nước ta, quan hệ đồng giới tính không còn là hiện tượng mới mẻ, đã xuất hiện những trường hợp các cặp nam nữ đồng giới tính chung sống như vợ chồng một cách công khai. Đây là hiện tượng trái với thuần phong mỹ tục của nước ta, hơn nữa, xét về mặt khoa học nó không đảm bảo được chức năng gia đình là tái sản xuất ra con người để duy trì nòi giống. Trong trường hợp họ đã được đăng kí kết hôn, sau đó mới có chứng cứ cho rằng họ cùng giới tính thì có thể hủy việc kết hôn trái pháp luật của họ theo yêu cầu của các cá nhân hoặc các cơ quan nhà nước. Trên thực tế, có người ngay từ lúc sinh ra đã bị xác định nhầm giới tính. Thông thường, khi mới sinh ra, việc ghi nhận giới tính được xác định theo cảm quan của viên chức hộ tịch (bằng quan sát). Bên cạnh đó, y học hiện đại cũng có thể phẫu thuật chuyển đổi giởi tính. Vậy, Nhà nước sẽ công nhận hay không công nhận giới tính mới của họ và việc kết hôn đổng giới tính? Vấn đề này cần được hoàn thiện trong Luật hôn nhân và gia đình.
3. Phương hướng hoàn thiện quy định của Luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn
a. Về điều kiện kết hôn
- Quy định về tuổi kết hôn có thể được hoàn thiện theo hai cách sau: + Cách 1: Quy định tuổi kết hôn tối thiểu là “nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” thì mới được kết hôn
+ Cách 2: Quy định tuổi kết hôn đối với nam và nữ là như nhau, đều “từ đủ 18 tuổi trở lên”. Điều này đảm bảo cho sự bình đẳng giữa nam và nữ.
Việc quy định độ tuổi kết hôn theo một trong hai cách trên đều phủ hợp với quy định trong Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 về người thành niên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ ( Điều 18, Điều 19 BLDS 2005). Ngoài ra, pháp luật HN&GĐ cần có sự xem xét điều chỉnh về vấn đề này sao cho phù hợp với các điều kiện địa lý, đặc điểm và trình độ dân cư, quan tâm đến các phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương để có thể giảm độ tuổi kết hôn tối thiểu đối với các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa
- Điều kiện về sự tự nguyện của các bên:
Trong thực tiễn, có những việc kết hôn được xem như là trái pháp luật, trái đạo đức xã hội nhưng lại không thuộc diện kết hôn trái pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật HN&GĐ năm 2000. Vì vậy, ngoài việc quy định rõ về việc “lừa dối để kết hôn”, Luật HN&GĐ cần xem xét trường hợp khác đó là “kết hôn giả tạo”. Đó là việc kết hôn không vi phạm pháp luật, cả hai có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật HN&GĐ, nhưng thực chất, việc kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình và chung sống lâu dài mà vì những mục đích khác như để có nơi cư trú, được nhập hộ khẩu, được thừa hưởng gia tài... Luật cũng không đưa ra đường lối giải quyết việc kết hôn giả tạo có bị xử lý hay không. Cho nên, Luật HN&GĐ cần hoàn thiện vấn đề này, coi hôn nhân “giả tạo” là vi phạm về sự tự nguyện của các bên và cần phải bị hủy bỏ.
Ngoài ra, Luật HN&GĐ cũng cần phải có những quy định cụ thể về điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài.
b. Về trường hợp cấm kết hôn
- Năng lực hành vi:
Pháp luật nên thừa nhận người mất năng lực hành vi dân sự được kết hôn trong trường hợp nếu có người có đủ năng lực hành vi dân sự hoàn toàn tự nguyện kết hôn với người mất năng lực hành vi đó với mục đích yêu thương, chăm sóc. Điều đó phù hợp với truyền thống đạo đức của nhân dân ta, đồng thời cũng đảm bảo sự tôn trọng quyền tự do cam kết của con người.
- Đối với vấn đề kết hôn cùng giới tính:
Nghị định số 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/8/2008 về xác định lại giới tính cho phép những người bị khiếm khuyết về giới tính được xác định lại giới tính, kèm theo đó họ sẽ được chuyển đổi hộ tịch và các giấy tờ tùy thân theo giới tính mới. Những người chuyển đổi giới tính phải là những người khiếm khuyết về bộ phận sinh dục, về nhiễm sắc thể mà có thể xác định được bằng phương pháp y học tiên tiến. Sau khi xác định lại giới tính bằng phương pháp y học, họ được phép đăng kí lại hộ tịch. Các quyền dân sự khác liên quan đến hộ tịch, trong đó có quyền kết hôn, phải được thực hiện. Điều này thể hiện sự tôn trọng quyền của con người được sống với đúng giới tính của mình, đồng thời xóa bỏ những kì thị, xa lánh đối với họ.
Những người vẫn được coi là đồng tính về tâm lý mà không có các khuyết tật về giới tính bẩm sinh thì không được xác định lại giới tính. Bởi đây là những người đã hoàn thiện về giới nhưng có sự lệch lạc về tâm lý theo sở thích của mình, mong muốn cảm tính của cá nhân, hoặc vì nhu cầu thương mại, hoặc gian dối trong thi đấu thể thao...
Trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia công nhận việc kết hôn đồng giới như Tây Ban Nha, Hà Lan, Canada... Vì vậy, Nếu Luật HN&GĐ chỉ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính một cách chung chung thì chưa có tính thuyết phục, chưa đầy đủ. Do đó, các nhà làm luật cần đưa ra những quy định phù hợp. Cụ thể là đối với những người khiếm khuyết về bộ phận sinh dục, về nhiễm sắc thể mà điều đó được chứng minh bằng phương pháp y học thì được phép kết hôn. Còn những người không có khiếm khuyết đó, mà chuyển đổi giới tình vì lí do khác thì không được kết hôn. Điều này hoàn toàn hợp lý dựa trên nền tảng đạo đức gia đình Việt Nam.
III. Kết luận
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, việc sửa đổi bổ sung Luật HN&GĐ năm 2000 là điều cần thiết và hoàn toàn phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng trong việc xúc tiến xây dựng chiến lược phát triển pháp luật đến năm 2020 để tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc sửa đổi bổ sung này góp phần cho sự hoàn thiện của cả hệ thống pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho qua trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trường Đại học Luật Hà Nội “giáo trình Luật hôn nhân và gia đình”,2009, Nxb Công an nhân dân
- Bộ tư pháp – Viện khoa học pháp lý “Bình luận khoa học Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000”
- Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000
- Bộ luật Dân sự 2005
- Bộ luật Hình sự 1999
- Nghị quyết số 02/2000/NQ-HDTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000
- Nghị định số 88/2008/NĐ-CP của Chính phủ