Khóa luận Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Nhật Bản và giải pháp vượt qua của hàng xuất khẩu Việt Nam
Trong những bước đi đầu tiên của qúa trình mở cửa và hội nhập của Việt nam, Chính phủ Nhật Bản đã dành cho Việt nam sự giúp đỡ qúi báu trên phương diện tài chính và kỹ thuật. Các Doanh nhân Nhật Bản đã là những người đi tiên phong hợp tác đầu tư và kinh doanh với các đối tác Việt nam. Với dân số trên 120 triệu người và là nước có thu nhập bình quân đầu người cao trên thế giới-Nhật Bản được xem như một thị trường mơ ước đối với các Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với Nhật Bản đã tăng đều hàng năm với mức bình quân khá cao là trên 20% kể từ năm 1990 đến nay, trong đó tăng cao nhất là 25% trong năm 1999 (đạt 1,8 tỷ USD). Song đến nay Việt Nam vẫn là một bạn hàng xuất khẩu nhỏ bé của Nhật Bản. Tỷ trọng của Việt Nam trong kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản năm 1998 mới khoảng 0,5%; trong khi tỷ trọng của Trung Quốc là 13,2%; của Singapo là 2,9%; Malaysia là 2,7%; Thái Lan là 2,6%; Indonesia là 2,3% và thấp nhất là Philippin cũng đạt tới 1,7%, còn cao hơn Việt nam 3,4 lần. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời kỳ suy thoái kinh tế, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, do Nhật Bản vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam và các vấn đề bất cập khác từ phía chính phủ Việt Nam thì một nguyên nhân cơ bản là các doanh nghiệp Việt nam chưa nắm vững thị trường Nhật Bản từ thị hiếu, nhu cầu, các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, phong cách kinh doanh, v.v. Đây chính là hàng rào kỹ thuật trong thương mại, chúng luôn là những thách thức đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn đầu tư nghiên cứu, cập nhật thông tin, hiểu rõ thị trường Nhật để từ đó tìm ra các biện pháp, cách thức tối ưu nhằm vượt qua rào cản, đưa các sản phẩm Made in Viet nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này. Góp phần luận giải vấn đề nêu trên, em quyết định chọn đề tài: “Hàng rào kỹ thuật trong Thương mại của Nhật Bản và giải pháp vượt qua của hàng xuất khẩu Việt nam” làm trọng tâm nghiên cứu trong Khoá luận tốt nghiệp của mình. Bài viết được hoàn thành trên cơ sở tổng hợp các thông tin, phân tích, so sánh và đánh giá; có tham khảo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học ở lĩnh vực có liên quan. Nội dung nghiên cứu được chia làm 3 phần như sau: Chương I: Khái quát về quan hệ Thương mại Việt Nam - Nhật Bản Chương II: Các rào cản kỹ thuật trong Thương mại của Nhật Bản Chương III: Các giải pháp nâng cao khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật trong Thương mại của Nhật Bản của hàng xuất khẩu Việt nam