Khóa luận Xuất khẩu lao động của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Trong điều kiện quốc tế hoá sản xuất và đầu tư bùng nổ vào những thập kỉ gần đây, xuất khẩu lao động đã dần trở thành một phần không thể tách khỏi của hệ thống kinh tế thế giới. Nó là một lĩnh vực hoạt động kinh tế quan trọng của các quốc gia, đã và đang đem lại những lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể. Đối với nước ta, sự phát triển dân số và lao động (với số dân gần 80 triệu người, trong đó lực lượng lao động chiếm khoảng 60%) đã gây ra những vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp và gay gắt không chỉ hiện nay mà còn trong nhiều năm tới. Để có thể tạo được sự cân bằng giữa khả năng về cơ sở vật chất có hạn và mức tăng dân số, nguồn lao động ở mức chênh lệch khá cao như hiện nay thì sẽ phải tạo ra thêm hàng triệu công ăn việc làm nữa cho người lao động. Trước tình hình đó, xuất khẩu lao động đóng vai trò rất quan trọng, vì nó có thể góp phần giải quyết được hai mục tiêu quan trọng của đất nước. Thứ nhất là: Mục tiêu kinh tế - xuất khẩu lao động góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia, tăng thu nhập cho người lao động và gia đình họ. Thứ hai là: Mục tiêu xã hội - nó góp phần giải quyết được việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động trong nước, tạo sự ổn định cho xã hội. Việc nước ta tham gia vào thị trường lao động quốc tế, mặc dù đã đem lại những kết quả bước đầu, song hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lao động còn thấp do rất nhiều các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Những năm gần đây, được sự chỉ đạo Đảng và Nhà nước, vấn đề xuất khẩu lao động đang dần được cải cách và hoàn thiện. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng và đề ra những giải pháp nhằm đổi mới và tăng cường công tác quản lý, tổ chức xuất khẩu lao động là một vấn đề vừa có tính trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đó chính là lý do mà tôi chọn đề tài này để làm khoá luận tốt nghiệp. Tên đề tài: “Xuất khẩu lao động của Việt Nam. Thực trạng và giải pháp”. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: Với mục tiêu nghiên cứu và phân tích tình hình xuất khẩu lao động Việt Nam, khoá luận chủ yếu tập trung đi sâu vào nghiên cứu thực trạng và từ đó đề ra các giải pháp cho hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam trong giai đoạn 1992 - 2002. Phương pháp nghiên cứu của khoá luận là: tổng hợp từ nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau như: phương pháp tổng hợp và phân tích; phương pháp thống kê, liệt kê, so sánh; kết hợp nghiên cứu lý luận với phân tích thực tiễn; tiếp cận hệ thống trên cơ sở tham khảo các tài liệu tham khảo có liên quan tới đề tài nghiên cứu. Khoá luận trình bày từ lý thuyết xuất khẩu lao động và tình hình xuất khẩu lao động chung của thế giới tới việc phân tích thực tiễn hoạt động này ở Việt Nam đồng thời nêu ra một số giải pháp cho xuất khẩu lao động nước ta. Nội dung của bài khoá luận: Ngoài lời mở đầu, kết luận, các phụ lục, tài liệu tham khảo, khoá luận gồm các phần sau: Chương 1. Một số vấn đề lý luận chung và đặc điểm của hoạt động xuất khẩu lao động thế giới. Chương 2. Thực trạng xuất khẩu lao động Việt Nam Chương 3. Định hướng và giải pháp nhằm nâng cao khả năng xuất khẩu lao động của Việt Nam ra nước ngoài trong những năm tới.