Luận án Chức năng xã hội của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài Chức năng xã hội là một chức năng cơ bản của Nhà nước, tồn tại khách quan trong tất cả các kiểu nhà nước, là chức năng xuất phát từ nhu cầu chung, lợi ích chung của toàn bộ xã hội, nhằm tổ chức và quản lý đời sống cộng đồng, duy trì một trật tự chung đảm bảo cho xã hội tồn tại và phát triển. Trong lịch sử các tư tưởng và học thuyết pháp lý đã từng xuất hiện những quan điểm về chức năng xã hội của Nhà nước. Dưới nhiều cấp độ và cách thể hiện khác nhau, nhiều nhà tư tưởng trong các thời kỳ phát triển của xã hội đã thừa nhận Nhà nước có chức năng xã hội nhưng những quan điểm đó có sự khác nhau do bị chi phối bởi lợi ích giai cấp và điều kiện lịch sử. Trong những năm gần đây, trước những đổi thay lớn lao của đời sống quốc tế và sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, đòi hỏi chúng ta phải có sự nhận thức lại đúng đắn các quan điểm của học thuyết Mác - Lênin, trong đó có việc nhận thức lại một số vấn đề lý luận về Nhà nước và pháp luật. Trong thời đại ngày nay, khi mà những tiến bộ, những thành tựu của khoa học kỹ thuật đã làm cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân trở thành một tất yếu như Mác đã từng tiên đoán thì xu hướng chung của các Nhà nước trên thế giới là xác định lại vai trò của mình trong xã hội, từ đó Nhà nước hướng các hoạt động vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì sự phát triển toàn diện của con người. Do đó, vấn đề chức năng xã hội của Nhà nước đang trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học (chính trị, pháp lý.), trở thành mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong các chế độ Nhà nước khác nhau. Từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, trong tất cả các giai đoạn phát triển của mình, với tính cách là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể, Nhà nước ta đã thực hiện chức năng xã hội ở những mức độ và hình thức nhất định. Con người luôn được coi là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội: "Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động" [56, tr. 22]. "Nhân tố con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hóa, mọi nền văn minh. Chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh" [28, tr. 5]. Tinh thần này đã được thể hiện nhất quán trong tất cả các giai đoạn phát triển của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp 1992 càng khẳng định rõ vai trò, chức năng xã hội của Nhà nước. Điều 3 Hiến pháp 1992 ghi nhận: "Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân., xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện". Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng ta cũng đã xác định: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa" [28, tr. 56]. Một trong những nội dung cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phải củng cố và phát huy bản chất dân chủ, phát huy vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, nhân dân là chủ nhân của xã hội và Nhà nước là tổ chức công quyền phục vụ nhân dân. Đồng chí Đỗ Mười, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) khi nói về Nhà nước trong sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước đã khẳng định: "Cần tập trung nghiên cứu xác định đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong cơ chế mới". Do đó, việc quan tâm, chú trọng đến chức năng nhà nước nói chung, chức năng xã hội của Nhà nước nói riêng là một yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở nước ta hiện nay, trên phương diện lý luận, đã xuất hiện một số quan điểm khác nhau về vai trò, phạm vi, nội dung, phương thức thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước. Những quan điểm đó có ý nghĩa chi phối, ảnh hưởng lớn đến việc củng cố và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên đây vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ. Điều đó chứng tỏ trên phương diện nhận thức, lý luận, chức năng của Nhà nước nói chung, chức năng xã hội của Nhà nước nói riêng là những vấn đề quan trọng cần được quan tâm đúng mức. Những năm qua, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục giải quyết với tư cách là chủ thể tổ chức và quản lý xã hội. Từ thực trạng đó, đặt ra yêu cầu là vấn đề chức năng xã hội của Nhà nước cần được tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống, góp phần bổ sung lý luận khoa học cho công cuộc củng cố và hoàn thiện Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Vì vậy, việc tác giả chọn đề tài "Chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. 2. Tình hình nghiên cứu Trước thời kỳ đổi mới, ở nước ta, trên giác độ khoa học pháp lý, vấn đề chức năng xã hội của Nhà nước hầu như không được đề cập tới, thậm chí còn như là một "điều cấm kỵ" [41, tr. 13]. Điều đó xuất phát từ quan điểm nhận thức thiếu khách quan, toàn diện về nguồn gốc, bản chất, chức năng nhà nước, nhấn mạnh một chiều chức năng chuyên chính giai cấp hoặc chỉ quan tâm đến chức năng kinh tế, một trong những điểm cơ bản mà các học giả muốn khai thác để làm rõ sự khác biệt và tính ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa so với các Nhà nước khác, đặc biệt là Nhà nước tư sản và bỏ qua nhận thức về vai trò, giá trị xã hội của Nhà nước. Từ Đại hội VI đến nay, cùng với những thay đổi trong nhận thức lý luận, chức năng xã hội của Nhà nước đã được quan tâm hơn trước nhưng nhìn chung mới chỉ ở mức độ nhất định, chủ yếu thể hiện qua các bài viết của một số tác giả trên các báo, tạp chí, tập san, qua bài giảng của giảng viên ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật. chứ chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống vấn đề này. Trong đề tài KX.04.16 "Hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước nhằm tăng cường hiệu lực quản lý các vấn đề thuộc chính sách xã hội" (1995) do cố PGS.PTS Trần Trọng Hựu chủ nhiệm có đề cập đến chức năng xã hội của Nhà nước nhưng chỉ với tính cách là một vấn đề liên quan đến nội dung chính của đề tài. Năm 1997, có luận văn thạc sĩ luật học của Cao Thị Thanh Thảo nghiên cứu vấn đề này nhưng khác về mức độ, phạm vi nghiên cứu. Trong hệ thống lý luận của các Nhà nước xã hội chủ nghĩa trước đây hầu như không đề cập đến vấn đề này. Trong "Những nguyên lý xây dựng Nhà nước Xô-viết và pháp quyền" của Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô có bàn đến chức năng xã hội nhưng chỉ với tính cách là một bộ phận trong hệ thống các chức năng của Nhà nước Xô-viết nói riêng và phạm vi chức năng theo quan điểm này cũng hạn hẹp. Ở các nước tư bản phát triển, trong những năm gần đây, chức năng xã hội của Nhà nước thường được xem xét gắn với việc nghiên cứu vai trò của Nhà nước trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, với ý nghĩa là sự can thiệp của Nhà nước vào việc giải quyết các vấn đề xã hội - những vấn đề được coi là hậu quả do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đối với con người và xã hội. Vấn đề này được thể hiện trong "Tạo dựng một nền văn minh mới - chính trị của làn sóng thứ ba" của các học giả Alvin Toffler và Heidi Tolleler, trong quan điểm của các nhà khoa học và chính trị gia Nga tại Hội nghị khoa học "Vai trò của Nhà nước trong sự hình thành và điều tiết kinh tế thị trường" tại Matxcơva tháng 4/1997, trong "Nhà nước, thị trường và viện trợ - những vai trò mới định lại" của nhóm chuyên gia tổ chức SIDA Thụy Điển, trong "Đổi mới hoạt động của Chính phủ" của Đêvít Âubớt và Tét Gheblơ, trong "Nhà nước trong một thế giới chuyển đổi" của Ngân hàng thế giới năm 1997. 3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu * Mục đích nghiên cứu Tác giả lựa chọn nghiên cứu vấn đề lý luận và thực tiễn về chức năng xã hội của Nhà nước ta nhằm: - Góp phần hoàn thiện lý luận về chức năng của Nhà nước ta mà trọng tâm là chức năng xã hội theo giác độ pháp lý. - Đánh giá thực trạng thực hiện chức năng trong thời gian qua, để trên cơ sở đó đề xuất một số phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện chức năng xã hội của Nhà nước ta trong điều kiện hiện nay. * Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu trên đây, luận án có các nhiệm vụ như sau: - Nhận thức lại tính chất, nội dung chức năng xã hội của Nhà nước trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta. - Làm sáng tỏ những nội dung của chức năng xã hội của Nhà nước ta. - Phân tích những hình thức, biện pháp thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu được đặt ra bởi chức năng này trong thời gian qua. - Đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường chức năng xã hội của Nhà nước ta trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, trong điều kiện kinh tế mới, thế giới mới - phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa đời sống quốc tế. * Phạm vi nghiên cứu Chức năng xã hội của Nhà nước là một vấn đề phức tạp, đã và đang được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau (chính trị, kinh tế, pháp luật.) với nhiều quan điểm không thống nhất. Dưới góc độ pháp lý, luận án chỉ tập trung nghiên cứu vấn đề những vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn thực hiện chức năng xã hội trong điều kiện của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà trọng tâm là nội dung, phương thức thực hiện chức năng trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Cơ sở phương pháp luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về Nhà nước và pháp luật, các nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và pháp luật trong thời kỳ đổi mới. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã tham khảo và sử dụng một số tài liệu trong và ngoài nước. Phương pháp nghiên cứu: đi từ cái chung đến cái riêng, cái cụ thể; lịch sử, hệ thống; tổng hợp, phân tích, so sánh. 5. Những đóng góp mới của luận án - Đây là luận án tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách có hệ thống về lý luận và thực tiễn thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Luận án đã hệ thống hóa được những quan điểm, những cách tiếp cận về chức năng nhà nước nói chung, chức năng xã hội của Nhà nước nói riêng đã được thể hiện trong các tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học pháp lý. - Nghiên cứu chức năng xã hội của Nhà nước trong mối quan hệ với những vấn đề cơ bản của Nhà nước như: điều kiện xuất hiện, bản chất nhà nước. để chỉ rõ chức năng xã hội của Nhà nước xuất hiện rất sớm - ngay khi Nhà nước xuất hiện với tư cách là một tổ chức công quyền và sự tồn tại của chức năng xã hội của Nhà nước là một tất yếu khách quan. - Bước đầu vạch ra được sự phát triển của chức năng xã hội trong lịch sử phát triển của Nhà nước nói chung, lịch sử phát triển của Nhà nước ta nói riêng. - Khái quát được những nội dung cơ bản của chức năng xã hội của Nhà nước ta trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. - Từ sự phân tích, đánh giá về lý luận và thực tiễn việc thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước ta trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong 16 năm thực hiện công cuộc đổi mới, luận án đã khái quát được một cách hệ thống những hình thức, biện pháp thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước trong điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời khẳng định rằng, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay phải tăng cường chức năng xã hội của Nhà nước, coi chức năng xã hội là một bộ phận quan trọng của chức năng nhà nước. - Bước đầu luận án đã đưa ra những định hướng, giải pháp về nâng cao hiệu quả việc thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước ta trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay. 6. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương, được chia thành 8 mục.

doc192 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 11213 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Chức năng xã hội của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan