Luận án Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai

2.1.2. Đặc trưng của cơ cấu kinh tế nông nghiệp và biểu hiện của cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiến bộ, hợp lý 2.1.2.1. Đặc trưng của cơ cấu kinh tế nông nghiệp Thứ nhất, CCKTNN mang tính khách quan nhưng chịu sự tác động chủ quan của con người Cũng như CCKT nói chung, CCKTNN được hình thành, vận động, chuyển dịch mang tính khách quan dưới sự tác động của các yếu tố như trình độ phát triển của LLSX, sự phân công lao động xã hội và các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc địa phương tương ứng. Ứng với mỗi một trình độ nhất định của LLSX và phân công lao động xã hội trong những giai đoạn nhất định; với những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của mỗi quốc gia, khu vực, địa phương sẽ có một CCKTNN tương ứng. Khi trình độ LLSX còn thấp kém, phân công lao động chưa phát triển trong thời kỳ công xã nguyên thủy, CCKTNN khá thuần nhất, chưa có sự tách biệt thành các chuyên ngành cụ thể. Theo sự phát triển của lịch sử nhân loại, LLSX phát triển, có sự phân công lao động giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa trồng trọt, chăn nuôi với khai thác lâm, thủy sản… làm cho CCKTNN từng bước chuyển dịch từ đơn ngành thành đa ngành. Mặt khác, chính sự phát triển của xã hội, với nhu cầu ngày càng cao về đời sống vật chất và sự phát triển của kinh tế hàng hóa, dưới tác động của quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, cung - cầu để khai thác lợi thế cạnh tranh, mỗi quốc gia, vùng, địa phương căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, với những ưu đãi về điều kiện khí hậu thổ nhưỡng khác nhau cho phép tập trung sản xuất một số mặt hàng nông sản có lợi thế, điều đó làm cho CCKTNN ở các quốc gia, các vùng, địa phương có sự chuyển dịch khác nhau. Mặc dù CCKTNN mang tính khách quan, hình thành, tồn tại, vận động phụ thuộc vào các điều kiện khách quan. Tuy nhiên, những vấn đề kinh tế khách quan và các quy luật kinh tế lại được biểu hiện và vận động thông qua hoạt động của con người. Vì vậy, quá trình nhận thức, vận dụng các quy luật kinh tế của con người, nhất là trong hoạch định, thực thi cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ nguồn lực của các quốc gia sẽ tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm đến việc hình thành, biến đổi CCKTNN theo những mục tiêu khác nhau trong từng giai đoạn nhất định.

doc219 trang | Chia sẻ: Đào Thiềm | Ngày: 28/03/2025 | Lượt xem: 59 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được trích dẫn theo đúng quy định. Tác giả luận án Hoàng Minh Đẹp 2 MỤC LỤC Trang TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT DANH MỤC CÁC BẢNG DANH MỤC CÁC HÌNH MỞ ĐẦU 5 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 11 1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài, trong nước liên quan đến đề tài luận án 11 1.2. Giá trị của các công trình khoa học đã tổng quan và những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu 28 Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP, CƠ CẤU LẠI KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN 33 2.1. Một số vấn đề chung về cơ cấu kinh tế nông nghiệp 33 2.2. Quan niệm, nội dung, tiêu chí đánh giá và các yếu tố tác động đến cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai 45 2.3. Quan niệm cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai và kinh nghiệm thực tiễn 61 Chương 3: THỰC TRẠNG CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI 80 3.1. Ưu điểm, hạn chế của cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai 80 3.2. Nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần giải quyết từ thực trạng cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai 107 Chương 4: QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI KINH TẾ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2035 127 4.1. Quan điểm cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2035 127 4.2. Giải pháp cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2035 137 KẾT LUẬN 172 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 174 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 175 PHỤ LỤC 195 3 DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT TT Chữ viết đầy đủ Chữ viết tắt 1 Công nghệ cao CNC 2 Cơ cấu kinh tế CCKT 3 Cơ cấu kinh tế nông nghiệp CCKTNN 4 Cơ cấu lại CCL 5 Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp CCLKTNN 6 Hợp tác xã HTX 7 Kinh tế nông nghiệp KTNN 8 Khoa học, công nghệ KHCN 9 Lực lượng sản xuất LLSX 10 Nông, lâm, thủy sản NLTS 4 DANH MỤC CÁC BẢNG STT Tên bảng Trang 01 Bảng 3.1: Cơ cấu giá trị sản lượng nội ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2023, (theo giá so sánh năm 2010) 80 02 Bảng 3.2: Cơ cấu giá trị sản lượng thủy sản của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2023 (theo giá so sánh năm 2010) 82 DANH MỤC CÁC HÌNH STT Tên hình Trang 01 Hình 3.1: Cơ cấu giá trị sản lượng chuyên ngành nông nghiệp thuần của tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2023 (theo giá so sánh năm 2020) 81 02 Hình 3.2 Diện tích các loại đất theo vùng KTNN của tỉnh Lào Cai 88 03 Hình 3.3: Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh Lào Cai theo vùng, giai đoạn 2016 - 2023 88 04 Hình 3.4: Cơ cấu sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu trong nông nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2023 theo vùng kinh tế 89 05 Hình 3.5: Cơ cấu vốn và giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh Lào Cai theo vùng kinh tế, giai đoạn 2016 - 2023 91 06 Hình 3.6: Cơ cấu lao động và giá trị sản xuất nông nghiệp tỉnh Lào Cai theo vùng kinh tế, giai đoạn 2016 - 2023 92 07 Hình 3.7: Cơ cấu diện tích một số loại cây trồng chủ yếu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2023 97 5 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài luận án Cơ cấu kinh tế có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bởi vậy mỗi quốc gia đều chú trọng xây dựng CCKT tiến bộ, hợp lý, nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế ổn định, bền vững. Trong nông nghiệp, xây dựng một CCKT phù hợp cho phép khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo cho KTNN tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là mục tiêu nhiều quốc gia hướng đến. Ở Việt Nam, nông nghiệp luôn phát huy vai trò là “lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế” [5, tr.3]. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự thay đổi nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp, những thách thức của an ninh lương thực, biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao phải đổi mới mô hình tăng trưởng, CCLKTNN theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp cả nước và từng địa phương. Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp... Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”[39, tr.107]. Lào Cai là tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên là 636.425 ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 86,69% tổng diện tích tự nhiên của Tỉnh; có sự đa dạng và đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng, với nhiều tiềm năng để phát triển KTNN. Theo đó, KTNN được xác định là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của Tỉnh [130, tr.7]. Những năm qua, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp CCLKTNN. Chính vì vậy, CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những hợp lý nhất định; số lượng, tỷ trọng đóng góp vào giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Tỉnh của các chuyên ngành, vùng, thành 6 phần kinh tế tương đối phù hợp với tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của Tỉnh và đúng xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp; số lượng, tỷ lệ nguồn vốn, lao động được phân bố giữa các chuyên ngành, vùng, thành phần kinh tế bước đầu đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp của các chuyên ngành, vùng, vị trí vai trò của các thành phần kinh tế. Nhờ đó, KTNN có tốc độ tăng trưởng khá tốt, giai đoạn 2016 - 2023 đạt 6,1% [27, tr.41]; năm 2023 nông nghiệp vẫn đóng góp 14,17% GRDP của Tỉnh [26, tr.3], góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập như: tỷ trọng đóng góp vào giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Tỉnh của một số chuyên ngành, vùng, thành phần kinh tế còn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng; số lượng, tỷ trọng vốn, lao động ở một số chuyên ngành, vùng, thành phần kinh tế còn chưa thật phù hợp, thiếu hài hòa giữa nguồn lực về vốn, lao động với tiềm năng, định hướng phát triển. Những hạn chế, bất cập trong CCKTNN không chỉ làm cho KTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, mà còn khó đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại,“hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh” [5, tr. 3], mà Đảng ta xác định. Điều đó đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh CCLKTNN trên địa bàn Tỉnh. Mặt khác, vấn đề CCKTNN và CCLKTNN thời gian qua mặc dù đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước quan tâm, theo đó đã có không ít công trình nghiên cứu về CCKTNN, CCLKTNN dưới các góc độ, phạm vi khác nhau. Trong đó, đã có một số công trình nghiên cứu về CCKTNN, CCLKTNN ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, vùng Duyên hải miền Trung, tập trung vào hoạt động CCLKTNN của các chủ thể hoặc quá trình chuyển dịch CCKTNN. Tuy nhiên, xét về phạm vi không gian nghiên cứu là các tỉnh miền núi phía Bắc với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội có những khác biệt khu vực Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, vùng Duyên hải miền Trung thì đến nay mới chỉ có 7 các bài viết đề cập một số khía cạnh, lát cắt đơn lẻ, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống. Điều đó cho thấy, nghiên cứu về CCKTNN từ đó đề xuất quan điểm, giải pháp CCLKTNN ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc một cách hệ thống là vấn đề có ý nghĩa lý luận, thực tiễn. Vì vậy, tác giả lựa chọn đề tài “Cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai” làm luận án tiến sĩ ngành Kinh tế chính trị. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về CCKTNN, CCLKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai; trên cơ sở đó đề xuất quan điểm, giải pháp CCLKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2035. Nhiệm vụ nghiên cứu Tổng quan các công trình nghiên cứu ở nước ngoài, trong nước liên quan đến đề tài luận án; rút ra giá trị của các công trình đã tổng quan đối với đề tài luận án và những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu. Làm rõ những vấn đề lý luận về CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai, bao gồm: quan niệm, nội dung, tiêu chí đánh giá và chỉ ra các yếu tố tác động đến CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai; xây dựng quan niệm CCLKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai; khảo cứu kinh nghiệm CCLKTNN của một số địa phương trong nước và rút ra bài học cho tỉnh Lào Cai. Đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế và những vấn đề đặt ra cần giải quyết từ thực trạng CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đề xuất quan điểm, giải pháp CCLKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2035. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Luận án nghiên cứu CCKTNN theo nghĩa rộng, trên các khía cạnh: CCKTNN theo ngành (nông nghiệp thuần, lâm nghiệp, thủy 8 sản); CCKTNN theo vùng (Vùng kinh tế động lực Trung tâm, Vùng sinh thái phía Tây, Vùng núi cao Đông Bắc, Vùng kinh tế phía Nam) và CCKTNN theo thành phần kinh tế (Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài). - Về không gian: Nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Lào Cai. - Về thời gian: Số liệu đánh giá thực trạng từ năm 2016 đến năm 2023; quan điểm, giải pháp đến năm 2035. 4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận Luận án nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về CCKT, CCKTNN và CCLKTNN. Cơ sở thực tiễn Luận án dựa vào các nghị quyết, báo cáo tổng kết, thống kê của một số cơ quan Trung ương và tỉnh Lào Cai; số liệu, tư liệu của các công trình nghiên cứu có liên quan đã công bố và tính toán của nghiên cứu sinh từ nguồn số liệu thứ cấp. Phương pháp nghiên cứu Để xây dựng luận án, nghiên cứu sinh sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: Phương pháp biện chứng duy vật: Đây là phương pháp được sử dụng xuyên suốt luận án, nhất là ở Chương 2, 3, 4; nhằm xây dựng căn cứ lý luận, phân tích, làm rõ thực trạng CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của thực trạng đó, đề xuất quan điểm, giải pháp CCLKTNN. Nghiên cứu CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong sự vận động và liên hệ, tác động qua lại giữa các bộ phận cấu thành CCKTNN và trong từng bộ phận trong cơ cấu; đặt CCKTNN của Tỉnh trong mối liên hệ với các yến tố kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Lào Cai. Phương pháp trừu tượng hóa khoa học: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở các chương 2, 3 trong xây dựng tiêu chí, yếu tố tác động đến 9 CCKTNN, nghiên cứu kinh nghiệm CCLKTNN ở một số địa phương trong nước; đánh giá thực trạng, rút ra nguyên nhân ưu điểm, hạn chế của CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, khi xây dựng tiêu chí đánh giá về CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai, luận án tập trung so sánh với một số yếu tố chủ yếu như tiềm năng, lợi thế, định hướng, mục tiêu phát triển để đánh giá sự tiến bộ, hợp lý hay lạc hậu, thiếu hợp lý của CCKTNN; khi nghiên cứu những yếu tố tác động đến CCKTNN và nguyên nhân ưu điểm, hạn chế, luận án tập trung xác định, luận giải các yếu tố, nguyên nhân chủ yếu nhất, các yếu tố, nguyên nhân khác, luận án trừu tượng hóa là không tác động, hoặc tác động cân bằng; khi đánh giá thực trạng, chỉ khảo sát, đánh giá các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu, không nghiên cứu tất cả các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Tỉnh Phương pháp phân tích và tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng ở cả 4 chương của luận án. Ở chương 1, tác giả khảo cứu các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước có liên quan, phân tích, rút ra giá trị của các công trình và khoảng trống khoa học mà luận án tập trung nghiên cứu. Trong chương 2, trên cơ sở các dữ liệu thu thập được thông qua các văn bản, tài liệu có liên quan, tác giả tiến hành phân tích, tổng hợp để xây dựng khung lý luận về CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong chương 3, trên cơ sở các tư liệu, số liệu tổng hợp từ các báo cáo, thống kê của các cơ quan Trung ương, địa phương có liên quan, từ quá trình khảo sát thực tế CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tác giả phân tích và tổng hợp để minh chứng, làm rõ những nhận định, đánh giá ưu điểm, hạn chế của CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai được đưa ra trong luận án. Ở chương 4, tác giả sử dụng phương pháp này để làm rõ quan điểm và luận giải các giải pháp CCLKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2035. Phương pháp thống kê, so sánh: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 3 của luận án. Trên cơ sở thống kê các số liệu theo nội dung CCKTNN, tác giả sử dụng phương pháp so sánh để đánh giá CCKTNN của tỉnh Lào Cai so với mục tiêu định hướng, xu thế phát triển KTNN và CCKTNN của Tỉnh và cả nước; so sánh quy mô, tỷ trọng của các bộ phận trong CCKTNN, từ đó làm rõ ưu điểm, hạn chế trong CCKTNN tỉnh Lào Cai. 10 Phương pháp kết hợp lô gic và lịch sử: Được sử dụng trong toàn bộ luận án. Ở chương 1, luận án sử dụng phương pháp kết hợp lôgic và lịch sử để tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài theo từng nhóm nội dung và tiến trình thời gian công bố. Trong chương 2, chương 3 và chương 4, sử dụng phương pháp này để khái quát các kinh nghiệm, ưu điểm, hạn chế, quan điểm, giải pháp thành các luận điểm, sau đó minh chứng, luận giải, làm rõ các luận điểm đó. 5. Những đóng góp mới của luận án Luận án có những đóng góp mới về khoa học đó là: Xây dựng được quan niệm, tiêu chí đánh giá CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai và quan niệm CCLKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Khái quát được những vấn đề cần giải quyết từ thực trạng CCKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đề xuất giải pháp CCLKTNN trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2035 có tính hệ thống, khả thi, sát với thực tiễn tỉnh Lào Cai. 6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm sâu sắc, phong phú thêm một số vấn đề lý luận, thực tiễn về CCKTNN cấp tỉnh. Luận án góp phần cung cấp thêm luận cứ khoa học giúp các nhà quản lý tham khảo trong lãnh đạo, chỉ đạo CCLKTNN của địa phương. Đồng thời, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn Kinh tế chính trị ở các nhà trường trong và ngoài Quân đội. 7. Kết cấu của luận án Kết cấu của luận án gồm: Mở đầu; 4 chương (9 tiết); kết luận; danh mục các công trình khoa học của tác giả đã công bố có liên quan đến đề tài luận án; danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục. 11 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài, trong nước liên quan đến đề tài luận án 1.1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài liên quan đến đề tài luận án 1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về cơ cấu nông nghiệp và cơ cấu kinh tế nông nghiệp * Các công trình nghiên cứu về cơ cấu nông nghiệp Stefan Mann (Editor) (2006), Causes and Impacts of Agricultural Structures (Nguyên nhân và tác động của cơ cấu nông nghiệp) [207]. Trong cuốn sách các tác giả phân tích các yếu tố tác động đến cơ cấu nông nghiệp và cho rằng: cơ cấu nông nghiệp được xác định và chịu tác động của các yếu tố: kinh tế, văn hóa, lịch sử, chính trị, công nghệ và địa lý. Trong các bối cảnh phát triển khác nhau và những thay đổi trong các yếu tố nói trên thường tạo ra sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp. Sự tác động của thị trường và các chính sách nông nghiệp đã thúc đẩy hoặc cản trở, nhưng chủ yếu là thúc đẩy tốc độ điều chỉnh cơ cấu trong nông nghiệp. Mặt khác, các tác giả khẳng định, khi cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch, chúng có thể tác động đến lợi nhuận và tính bền vững của nông nghiệp, đến phúc lợi, phát triển dân số, thất nghiệp hoặc tình hình giới. Gertrud Buchenrieder (2007), Conceptual framework for analysing structural change in agriculture and rural livelihoods (Khung lý thuyết phân tích sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp và sinh kế ở nông thôn) [ 193]. Bài viết phân tích các quan niệm về chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp và sinh kế nông thôn. Trong đó khẳng định, cơ cấu ngành nông nghiệp là kết quả của những thay đổi liên tục về kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, chính trị, công nghệ và địa lý, môi trường. Sự thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp (hoặc bất kỳ ngành nào) được đặc trưng bởi những thay đổi liên tục trong việc triển khai các yếu tố sản xuất như lao động, đất đai và vốn tài chính. Chuyển đổi cơ cấu trong nông 12 nghiệp, chưa nói đến kinh tế nông thôn, là một hiện tượng phức tạp. Thay đổi cơ cấu ảnh hưởng đến sinh kế nông thôn thông qua những thay đổi trong năng suất nông nghiệp, lợi nhuận và thị trường lao động nông thôn. Judith Mollers, Gertrud Buchenrieder, and Csaba Csáki (2011), Structural Change in Agriculture and Rural Livelihoods (Thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp và Sinh kế nông thôn) [197]. Trong cuốn sách, các tác giả chỉ ra cơ cấu nông nghiệp chịu sự chi phối của các yếu tố: Điều kiện kinh tế, xã hội chung; thị trường các yếu tố sản xuất (đặc biệt là lao động); đầu ra, thị trường và chính sách nông nghiệp; đặc điểm cá nhân của các thành viên hộ nông nghiệp; cơ cấu hộ gia đình; đặc điểm của cổ phần nông nghiệp. Đồng thời cho rằng cơ cấu nông nghiệp của các nước thành viên mới của Liên minh Châu Âu có đặc điểm chung là: phân bổ trang trại chưa hợp lý, quy mô sở hữu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn; sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp. Theo đó, để xây dựng cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả các nước này cần tham khảo kinh nghiệm của các nước Liên minh Châu Âu như: việc thiết kế và thực hiện chính sách cơ cấu nông nghiệp, nông thôn phải dựa trên phương pháp tiếp cận theo lãnh thổ; tăng cường tương tác xã hội và mạng lưới ở tất cả các cấp, khuyến khích đầu tư vào vốn con người thông qua giáo dục và đào tạo; cải cách thể chế và huy động sự tham gia của các tác nhân địa phương để phát huy nội lực. Hans P. Binswanger-Mkhize and Alwin D’Souza (2015), “Structural Change and Agricultural Performance at State Level: India 1980-2010” (Thay đổi cơ cấu và hiệu quả nông nghiệp ở cấp tiểu bang: Ấn Độ 1980-2010) [194]. Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ giai đoạn 1980 - 2010, tác giả bài viết nhận thấy, trong nông nghiệp, cơ cấu có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng đa dạng hóa nông nghiệp; chuyển từ sản xuất chủ yếu lương thực và ngũ cốc đến các mặt hàng nông sản khác. Sự thay đổi cơ cấu của ngành nông nghiệp có cả xu hướng thay đổi chung và xu hướng khác nhau ở các tiểu bang, trong đó diễn ra rõ nhất ở 6 trong số 15 tiểu bang, làm cho tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp ở 6 tiểu bang đó nhanh hơn toàn ngành. Trong đó, những thay đổi về lợi thế so sánh và cơ hội thương mại là những động lực quan trọng bổ sung của sự thay đổi trong cơ cấu đầu ra của ngành. 13 Milan Markovic, Sandra Milanovic, Ivana Marjanovic (2019), “Structural adjustment and sustainability of agricultural production in Serbia” (Điều chỉnh cơ cấu và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở Serbia) [204]. Bài viết khẳng định, cơ cấu nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, vì chúng tăng khả năng cạnh tranh và cải thiện tình hình cán cân thanh toán. Thông qua khảo sát thực trạng cơ cấu nông nghiệp ở Cộng hòa Serbia từ 2007 đến 2018, tác giả nhận thấy, cơ cấu nông nghiệp ở Serbia còn bất cập, tỷ trọng trồng trọt chiếm ưu thế (khoảng 66%) là một chỉ số phản ánh nền nông nghiệp còn kém phát triển, sản xuất tự nhiên và đất đai manh mún. Từ đó, cho rằng, chính sách nông nghiệp không được coi nhẹ chăn nuôi như trước đây, cần sản xuất nhiều hơn thịt, sữa và các sản phẩm động vật khác. Trong trồng trọt, chú trọng vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Mann, S (2021), “Synthesizing Knowledge about Structural Change in Agriculture” (Tổng hợp kiến thức về thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp) [200]. Bài viết nghiên cứu sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp ở ba cấp độ: trang trại (vi mô), cấp ngành (trung bình) và cấp xã hội (vĩ mô) và cho rằng: vòng đời, quy mô của trang trại là chìa khóa để hiểu được sự thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp; không thể chỉ tập trung vào hành vi biệt lập của các trang trại đơn lẻ để giải thích các mô hình biến đổi cơ cấu, mà phải xem xét sự tương tác giữa các tác nhân trong phạm vi ngành; thuế nông nghiệp, luật đất đai là những tác nhân quan trọng đối với thay đổi cơ cấu. Ở cấp độ vĩ mô, thay đổi cơ cấu nông nghiệp liên quan đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; tiến bộ kỹ thuật và năng suất lao động trong nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp. * Các công trình nghiên cứu về cơ cấu kinh tế nông nghiệp LI Shi-peng, LUO Shuai (2012), “Empirical Analysis of the Impact of Adjustment of Agricultural economic structure on Agricultural Economic Growth in Xinjian” (Phân tích thực nghiệm về tác động của điều chỉnh CCKTNN đến tăng trưởng KTNN ở Tân Cương) [199]. Từ kết quả phân tích 14 thực nghiệm, bài viết cho rằng trồng trọt là động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng tổng sản lượng nông nghiệp tỉnh Tân Cương, tiếp theo là chăn nuôi. Vì vậy, ưu tiên phát triển trồng trọt, chăn nuôi để thúc đẩy KTNN ở Tân Cương là một lựa chọn mang tính khoa học; khi tỷ trọng trồng trọt thay đổi sẽ có tác động đối với chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản nhưng tỷ lệ lan tỏa thấp. CCKTNN thường xuyên biến đổi là một tất yếu, để giải quyết mâu thuẫn giữa thích ứng và kém thích ứng; tăng trưởng KTNN và CCKTNN có mối quan hệ chặt chẽ, CCKTNN phù hợp chắc chắn sẽ có lợi cho tăng trưởng KTNN. Theo đó, tỉnh Tân Cương cần lấy trồng trọt làm ngành chủ đạo, phát triển mạnh các loại cây trồng phù hợp với tình hình tài nguyên của địa phương; đồng thời, cải tiến các giống vật nuôi chất lượng cao, nâng cao chất lượng tổng thể các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Deng Zhi-ying,Huang Yi,Fang Wei,Xiong Xi (2021), “An empirical study on the impact of internet technology development on agricultural economic structure in China” (Nghiên cứu thực nghiệm về tác động của phát triển công nghệ internet tới CCKTNN ở Trung Quốc) [192]. Từ kết quả phân tích số liệu, bài viết chỉ rõ: năm 2018, tỷ lệ sử dụng internet trong nông nghiệp của Trung Quốc là 56,37%, gấp 14 lần so với năm 2001; tỷ trọng giá trị sản lượng lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản trong tổng giá trị sản lượng nông nghiệp chiếm 47,63%, CCKTNN ngày càng hợp lý. Thực tế cho thấy, khi tỷ lệ sử dụng internet tăng 1% thì tỷ trọng lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản tăng 0,04%, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tăng 1% thì tỷ trọng lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản tăng 0,10%, tác động đó ngày càng tăng. Vì vậy, cần đẩy mạnh phát triển internet để cung cấp các dịch vụ chính xác cho sản xuất; cải thiện khả năng tương thích giữa hạ tầng nông thôn và công nghệ internet; đầu tư vốn nhân lực vào tăng cường ứng dụng internet trong sản xuất và tiếp thị nông sản. 1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp Max Spoor (2004), Agricultural Restructuring and Trends in Rural Inequalities in Central Asia (Tái cấu trúc nông nghiệp và xu hướng bất bình đẳng nông thôn ở khu vực trung tâm Châu Á) [201]. Nội dung cuốn sách cho thấy, các nước Trung Á đã thực hiện các chiến lược cải cách khác nhau liên 15 quan đến nông nghiệp. Trong đó, tập trung cải cách sở hữu đất đai, đẩy mạnh tư nhân hóa, phá bỏ các mô hình trang trại tập thể, trang trại nhà nước, thông qua việc cho thuê đất, để lại doanh nghiệp quy mô lớn đang tồn tại, kích thích tính năng động của tư nhân. Tuy nhiên, sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp cũng liên quan đến sự bất bình đẳng và nghèo đói vì nhiều người mất việc làm, sự tan rã của các trang trại tập thể dẫn đến phá vỡ các dịch vụ xã hội mà họ cung cấp. Từ đó cho rằng, đối với chương trình chuyển đổi và phát triển trong tương lai, khu vực nông thôn phải trở thành ưu tiên; cải cách không nên chỉ dựa vào hiệu quả mà còn phải tính đến tính công bằng; xây dựng thể chế là quan trọng, cấu trúc tập thể nên được chuyển đổi thành HTX thay vì phá hủy. Mieke Meurs (2008), “Forward to the Past? Agricultural Restructuring In Bulgaria” (Trở lại câu chuyện đã qua? Tái cơ cấu nông nghiệp ở Bulgaria) [203]. Bài viết đã khảo cứu sự phát triển nông nghiệp tại Bulgaria từ năm 1989 đến năm 2005 và thấy rằng, ngành nông nghiệp Bulgaria đã trải qua những thay đổi quan trọng kể từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa năm 1989. Quyền tài sản trên đất đai đã bị thay đổi và tỷ lệ đất nông nghiệp trong các trang trại thuộc sở hữu tập thể đã giảm từ 86% xuống 47%. Điều bất hợp lý là, Bulgaria đã không tái cơ cấu đất đai thành các trang trại gia đình theo định hướng thương mại. Thay vào đó, hầu hết các hộ gia đình ở Bulgaria tiếp tục sử dụng đất của họ để sản xuất theo hướng tự cấp, tự túc. Sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc có ưu thế về đất đai rộng lớn nhưng không mở rộng sản xuất hàng hóa. Từ đó, tác giả cho rằng cần tái cơ cấu nông nghiệp của Bulgaria theo hướng sản xuất hàng hóa. Jonathan Brooks (2010), Agricultural Policy Choices in Developing countries (Lựa chọn chính sách nông nghiệp ở các nước đang phát triển) [196]. Tác giả bài viết cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình được định hướng bởi thị trường. Sự điều tiết của thị trường đã thúc đẩy quá trình tái CCKTNN cả về tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và hoàn thiện tổ chức, thể chế. Chính tín hiệu của thị trường là một yếu tố căn bản quyết định hành vi của các chủ thể tham gia thị trường bao gồm: các hộ nông dân, các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh, trang trại, người tiêu dùng...theo một chuỗi 16 sản xuất và sự hiệu quả của chuỗi là do sự liên kết ở mức độ nào. Nhà nước đóng vai trò là người cung cấp dịch vụ công nhưng không được làm thay đổi tín hiệu của thị trường. Millar, J., & Roots, J. (2012), “Changes in Australian Agriculture and Land Use: Implications for Future Food Security” (Những thay đổi trong nông nghiệp và sử dụng đất của Úc: Hàm ý cho an ninh lương thực trong tương lai) [205]. Từ phân tích tác động của những thay đổi về xã hội và môi trường đối với cơ cấu, khả năng sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực, bài viết cho rằng: Trong dài hạn an ninh lương thực của Úc và các đối tác thương mại của nước này có thể bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, thiếu quy hoạch phát triển đô thị, thiếu lao động có tay nghề cao và thiếu đầu tư vào nghiên cứu phát triển nông nghiệp. Do đó, phải thực hiện các chính sách tái cơ cấu nông nghiệp: khuyến khích phát triển thị trường, loại bỏ thuế quan đối với nông sản, giảm sự can thiệp của chính phủ; hỗ trợ, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa; kích thích đầu tư nước ngoài; hạn chế sự thất bại của trang trại, thúc đẩy nông dân, doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn. Carol Richards, Hilde Bjorkhaug, (2013), Retailer-driven agricultural restructuring - Australia, the UK and Norway in comparison (Tái cơ cấu nông nghiệp dựa vào nhà bán lẻ so sánh Úc, Vương quốc Anh và Na Uy) [190]. Bài viết tổng hợp kết quả khảo sát, so sánh hoạt động bán lẻ nông sản ở các nước Úc, Na Uy và Vương quốc Anh, từ đó đưa ra những kết luận: sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ chịu sự chi phối của hệ thống bán lẻ về tiêu thụ nông phẩm và thường không có vị thế để thương lượng với một mức giá thuận lợi từ các tác nhân theo chuỗi cung ứng để có thể bù đắp chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn riêng. Các trang trại quy mô nhỏ thường không đáp ứng được những yêu cầu của các nhà phân phối. Do đó, trong tương lai cần thay đổi quy mô của các hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối sản phẩm. Chris O. Udoka (2015), “Bank Loan and Advances: Antidote for Restructuring the Agricultural Sector in Nigeria” (Khoản vay ngân hàng và ứng trước: Liều thuốc cho tái CCKTNN ở Nigeria) [191]. Khi xem xét vai trò 17 của tài chính nông nghiệp đối với quá trình tái CCKTNN ở Nigeria, tác giả bài viết nhận thấy tác động hai chiều của lãi suất trong các khoản cho vay của ngân hàng đầu tư cho sự tăng trưởng của KTNN ở Nigeria. Sự gia tăng tài trợ thông qua quỹ bảo lãnh nông nghiệp và một chế độ lãi suất ưu đãi đối với tín dụng nông nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng năng suất nông nghiệp và ngược lại. Từ đó, tác giả đưa ra đề nghị chính phủ và các nhà chức trách nên sử dụng các biện pháp kiểm soát tín dụng để thuyết phục các ngân hàng cho vay nhiều hơn vào nông nghiệp, qua đó hỗ trợ tái CCKTNN. Lihua Li, Bill Bellotti, Adam M. Komarek (2016), “Structural change and agricultural diversification since China’s reforms” (Thay đổi cơ cấu và đa dạng hóa nông nghiệp kể từ khi cải cách ở Trung Quốc) [198]. Theo tác giả bài viết, Trung Quốc khởi xướng cải cách nông thôn vào năm 1978, một loạt chiến lược và chính sách đã được đưa ra nhằm khuyến khích nông dân và phát triển KTNN. Trong đó, việc phân bổ nguồn lực tập thể là động lực chính để cải thiện năng suất trong giai đoạn đầu cải cách; nỗ lực tái CCKTNN, nông thôn thông qua sự thay đổi thể chế đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhỏ; sự thay đổi trong cơ cấu khuyến khích tăng sản lượng nông nghiệp từ 20% đến 30% mà không có bất kỳ yêu cầu nào về nguồn lực bổ sung từ phần còn lại của nền kinh tế. Tác giả nhận thấy quá trình cải cách, việc mở cửa nền nông nghiệp làm cho giá cả thị trường thế giới trở thành yếu tố kích thích sự đa dạng hóa nông nghiệp của Trung Quốc, từ đó tác động chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, phân bổ lại quy mô diện tích canh tác cây chủ lực, rau, nghề làm vườn Jiang Changyun, DU Zhixiong (2017), “Thoughts on Promoting Supply- Side Structural Reform of Agriculture” (Những suy nghĩ về thúc đẩy cải cách cơ cấu cung trong nông nghiệp) [195]. Tác giả bài viết cho rằng, sự cân bằng giữa cơ cấu nông nghiệp và cơ cấu tiêu dùng là nền tảng phát triển bền vững KTNN đang bị xói mòn nghiêm trọng; sức cạnh tranh về giá nông sản ngày càng kém. Do đó, vấn đề cải cách cơ cấu cung - cầu trong nông nghiệp ngày càng cấp bách. Theo đó, cần thúc đẩy hình thành cơ chế giá nông sản và chuyển đổi chính sách bao cấp nông nghiệp; đẩy mạnh thị trường hóa, công nghiệp hóa, xã hội hóa, chuyên môn 18 hóa và xây dựng thương hiệu dịch vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng nền kinh doanh nông nghiệp hiện đại, hệ thống quản lý với sự chuyên môn hóa trên cơ sở cộng tác, liên kết, bổ sung lợi thế lẫn nhau; thúc đẩy sự phát triển tổng hợp của công nghiệp thứ hai và thứ ba ở khu vực nông thôn. Patrick Robert O’Keeffe (2018), Australian agricultural restructuring and the emergence of corporate power (Tái cấu trúc nông nghiệp Úc và sự xuất hiện sức mạnh của doanh nghiệp) [ 206]. Luận án đã luận giải quá trình tái cấu trúc nông nghiệp Úc dưới góc độ thị trường và các chủ thể kinh tế với nghiên cứu điển hình về việc bãi bỏ quy định thị trường xuất khẩu lúa mì. Trong đó khẳng định, nhà nước thể hiện vai trò của mình là tạo ra một môi trường cho phép các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng có năng suất và hiệu quả cao nhất cùng phát triển thịnh vượng. Thị trường tự do được xây dựng như một phần không thể thiếu cho điều này. Sự hoạt động của thị trường tự do là cơ chế hữu hiệu tạo điều kiện cho việc sử dụng hiệu quả tài nguyên của quốc gia. Do đó, việc tự do hóa thị trường và doanh nghiệp là cần thiết để nâng cao phúc lợi của những người tiêu dùng. Michele Nori, Domenica Farinella (2020), “Restructuring of Agriculture and the Rural World in Mediterranean EU Countries” (Tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn ở các nước EU vùng Địa Trung Hải) [202]. Bài viết phân tích quá trình tái cơ cấu với hai hoạt động cơ bản: Một là, hiện đại hóa nông nghiệp, thực hiện “cách mạng xanh”, thúc đẩy thâm canh sản xuất dựa trên chuyên môn hóa ngành, độc canh, tiêu chuẩn hóa; áp dụng các công nghệ phù hợp của các ngành khoa học hóa học, nông học và di truyền. Hai là, tái cơ cấu chuỗi nông nghiệp toàn cầu, phần lớn sản lượng của trang trại được dành cho việc trao đổi trên thị trường; nông nghiệp ngày càng hội nhập và phụ thuộc vào động lực thị trường; chịu sự tác động lớn của những biến động về giá cả, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu cả đầu vào và đầu ra. Từ đó, nông nghiệp của các nước thuộc Liên minh Châu Âu ở khu vực Địa Trung Hải đã chuyển từ mô hình nông nghiệp đa canh, tự tiêu dùng, lãng phí các yếu tố sản xuất nội bộ, sang mô hình chuyên môn hóa, hướng tới thị trường và hội nhập quốc tế. 19 1.1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến đề tài luận án 1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu về cơ cấu nông nghiệp và cơ cấu kinh tế nông nghiệp * Các công trình nghiên cứu về cơ cấu nông nghiệp Bùi Thị Thanh Huyền (2019), Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển nam Đồng bằng sông Hồng theo hướng phát triển bền vững [66]. Luận án quan niệm, cơ cấu ngành nông nghiệp thể hiện mối quan hệ giữa các tiểu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp với nhau, thể hiện mối quan hệ hữu cơ sự tác động qua lại giữa các tiểu ngành cả về số lượng và chất lượng. Để đánh giá chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cần dựa vào các tiêu chí phản ánh kết quả và tác động của chuyển dịch cơ cấu. Trên cơ sở khung lý luận và thực trạng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, luận án cho rằng để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển Nam đồng bằng sông Hồng theo hướng phát triển bền vững cần tập trung vào các giải pháp về: thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp CNC, tổ chức lại mô hình sản xuất, tăng cường liên kết, nâng cao trình độ lao động nông nghiệp, tăng cường ứng dụng KHCN và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Võ Thế Trường (2019), “Cơ cấu nông nghiệp tỉnh Trà Vinh: Xu thế thay đổi và hàm ý chính sách” [148]. Bài viết cho rằng, theo cách tiếp cận hệ thống thì nền sản xuất nông nghiệp với nhiều bộ phận cấu thành và các kiểu cơ cấu hợp thành khác nhau. Theo thời gian, khi nền sản xuất vận động và phát triển thì các bộ phận và các kiểu cơ cấu nông nghiệp cũng thay đổi. Cơ cấu nông nghiệp tỉnh Trà Vinh chịu ảnh hưởng rất lớn từ đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh và có xu thế thay đổi theo hướng từng bước hình thành các vùng tập trung sản xuất lớn hơn, tuy nhiên sự thay đổi còn chậm, tính phân tán còn khá cao, nhất là nguồn lực; ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng và vai trò lớn, chăn nuôi và dịch vụ chưa được phát huy. Do đó, cần tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của tỉnh; hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh; khuyến khích các thành phần kinh tế; phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. 20 Trần Thị Thu Trang (2022), “Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp Việt Nam 20 năm nhìn lại” [146]. Từ các số liệu thống kê về giá trị các ngành trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam 20 năm (2000 - 2020), tác giả bài viết cho rằng: cơ cấu nông nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để phát triển; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, bước đầu phát huy lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ chuyển dịch cơ cấu, hoạt động sản xuất nông nghiệp Việt Nam những năm qua đã đạt được những thành tựu ấn tượng, thể hiện được vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm an sinh, an dân. * Các công trình nghiên cứu về cơ cấu kinh tế nông nghiệp Lê Quốc Doanh (2006), Nghiên cứu luận cứ khoa học để chuyển dịch CCKTNN, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa [35]. Đề tài khẳng định, nông nghiệp là một bộ phận của kinh tế nông thôn và CCKTNN với tư cách là cơ cấu ngành ở nông thôn. Cơ cấu kinh tế nông thôn bao trùm cả CCKTNN. Nhưng nông nghiệp thường chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế nông thôn do vậy khái niệm CCKTNN và cơ cấu kinh tế nông thôn luôn đi cùng với nhau. Trong CCKTNN lại có thể phân ra cơ cấu các ngành nhỏ như trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản... Đặc trưng của CCKTNN, nông thôn là không cố định mà luôn vận động, biến đổi. Sự tồn tại của nó mang tính khách quan phụ thuộc vào trình độ phát triển của LLSX và phân công lao động xã hội. CCKTNN, nông thôn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thể chế ở mỗi nơi, mỗi giai đoạn cụ thể. Xu thế của CCKTNN chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng lâm nghiệp, ngư nghiệp. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2014), Cơ cấu và chuyển dịch CCKTNN Việt Nam 10 năm vừa qua [187]. Cuốn sách đã phân tích và đưa ra quan niệm về cơ cấu ngành nông nghiệp là: mối quan hệ tỷ lệ về số lượng và giá trị giữa các chuyên ngành, tiểu ngành bộ phận; chỉ rõ, cơ cấu ngành nông nghiệp thể hiện vị thế của từng chuyên ngành, tiểu ngành trong

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_co_cau_lai_kinh_te_nong_nghiep_tren_dia_ban_tinh_lao.doc
  • doc1 BÌA LUẬN ÁN.doc
  • doc2 BÌA TÓM TẮT TIẾNG VIỆT.doc
  • doc2 TÓM TẮT TIẾNG VIỆT.doc
  • doc3 BÌA TÓM TẮT TIẾNG ANH.doc
  • doc3 TÓM TẮT TIẾNG ANH.doc
  • doc4 THÔNG TIN MẠNG TIẾNG ANH.doc
  • doc4 THÔNG TIN MẠNG TIẾNG VIỆT.doc
Luận văn liên quan