Nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng lần thứ V (khóa VIII) xác định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian). Văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể” [3, tr. 63]. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, trong đó, dân tộc Hmông có dân số 1.068.189 người, đứng hàng thứ 6 (Kinh: 73.594.427, Tày: 1.623.920, Thái: 1.550.423, Mường: 1.268.963, Khơ me: 1.260.640) trong danh sách 54 dân tộc [157, tr. 273]. Nền văn hóa Hmông, trong đó, văn học dân gian hết sức đặc sắc đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí có bộ phận bị mai một trong xu thế cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay. Nghiên cứu đề tài này là việc làm đầy ý nghĩa góp phần phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa cổ truyền dân tộc.
169 trang |
Chia sẻ: lecuong1825 | Lượt xem: 2443 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Dân ca Gầu Plềnh và lễ hội Gầu Tào của người Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
BÙI XUÂN TIỆP
DÂN CA GẦU PLỀNH VÀ LỄ HỘI GẦU TÀO CỦA NGƯỜI HMÔNG Ở LÀO CAI – TRUYỀN THỐNG VÀ BIẾN ĐỔI
Chuyên ngành: Văn học dân gian
Mã số: 62.22.01.25
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Phạm Thu Yến
HÀ NỘI - 2015
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án là do tôi viết. Các cứ liệu nêu trong luận án trung thực, khách quan. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời cam đoan của mình.
Hà Nội, ngày tháng 01 năm 2015
Nghiên cứu sinh
Tác giả
Bùi Xuân Tiệp
DANH MỤC CÁC KÍ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Luận án sử dụng một số kí hiệu, một số chữ viết tắt:
1. Kí hiệu
- Dấu [ ]: để chú thích. Kí hiệu trong dấu móc được hiểu như sau: Số thứ nhất là số thứ tự tác phẩm trích dẫn theo danh mục tài liệu tham khảo; số thứ hai là số trang. Ví dụ: [1, tr.45] được hiểu: 1 là số thứ tự tác phẩm trích dẫn trong tài liệu tham khảo, 45 là trích dẫn tại trang 45. Nội dung trích dẫn tài liệu dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc do chúng tôi tự dịch sang tiếng Việt, sẽ thêm chữ bg (bản gốc). Ví dụ: [191, tr.126. bg]: 191 là số thứ tự tác phẩm trích dẫn trong tài liệu tham khảo, 126.bg. là trích dẫn tại trang 126 của bản gốc tiếng Trung đã dịch ra tiếng Việt.
- Dấu ( ): trong trường hợp để chú thích phụ lục ảnh. Ví dụ: (A2.6, tr.283): A là ảnh; 2.6 là ảnh 6 chương 2; tr. 283 là trang 283. Trong trường hợp chú thích phụ lục khác: Ví dụ (PL2.2, tr.259): PL2.2 là phụ lục số 2 chương 2; tr. 259: trang số 259 của phụ lục.
2. Các chữ viết tắt
TT
Viết thông thường
Viết tắt
1
Ảnh số
A
2
Bản gốc
bg
3
Hà Nội
H.
4
Lễ hội gầu tào
LHGT
5
Nhà xuất bản
Nxb
6
Phổ cập giáo dục tiểu học
PCGDTH
7
Phổ cập giáo dục trung hoc học cơ sở
PCGD THCS
8
Phụ lục
PL
9
Trang
tr.
10
Trung Quốc
TQ
11
Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam
UB TWMTTQVN
12
Ví dụ
VD
13
Xã hội chủ nghĩa
XHCN
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng lần thứ V (khóa VIII) xác định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian). Văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể” [3, tr. 63]. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, trong đó, dân tộc Hmông có dân số 1.068.189 người, đứng hàng thứ 6 (Kinh: 73.594.427, Tày: 1.623.920, Thái: 1.550.423, Mường: 1.268.963, Khơ me: 1.260.640) trong danh sách 54 dân tộc [157, tr. 273]. Nền văn hóa Hmông, trong đó, văn học dân gian hết sức đặc sắc đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí có bộ phận bị mai một trong xu thế cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay. Nghiên cứu đề tài này là việc làm đầy ý nghĩa góp phần phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa cổ truyền dân tộc.
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới có vị trí địa lý đặc biệt, nhiều đồng bào Hmông sinh sống (năm 2013: 154.709 người, chiếm 24,59% dân số toàn tỉnh, [156]) với 5 ngành Hmông cư trú tại 9/9 huyện, thành phố. Lào Cai có các nhóm (ngành) Hmông tiêu biểu cho cộng đồng dân tộc Hmông ở Việt Nam. Họ còn lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, độc đáo, hấp dẫn, trong đó, văn học dân gian có vị trí vô cùng quan trọng, mang đậm bản sắc dân tộc, phản ánh nhiều mặt đời sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, thẩm mĩ... của đồng bào. Đặc biệt, dân ca Hmông rất phong phú, với nhiều tiểu loại như: tiếng hát cưới xin, tiếng hát tang ma, tiếng hát tình yêu, tiếng hát làm dâu, tiếng hát mồ côi.... “Tiếng hát tình yêu” (dân ca Gầu plềnh; viết tắt: Gầu plềnh) có số lượng lớn nhất, giá trị văn học nghệ thuật độc đáo và vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, nhất là tại Lễ hội Gầu tào (Grâuk taox – viết tắt: LHGT). Nhưng đến nay, việc nghiên cứu Gầu plềnh, LHGT, nhất là sự biến đổi của chúng chưa được mấy người quan tâm nên rất cần được nghiên cứu cụ thể, sâu sắc hơn.
Từ năm 1945 đến nay, công tác sưu tầm văn học dân gian Hmông đạt nhiều thành tựu, diện mạo văn học dân gian Hmông hiện lên tương đối đầy đủ. Nghiên cứu về dân tộc Hmông như lịch sử, dân tộc học, văn hóa dân gian, văn học dân gianđược chú trọng, có kết quả. Đặc biệt, công tác sưu tầm dân ca Hmông được đẩy mạnh; số lượng tác phẩm Gầu plềnh sưu tầm, công bố trên 1000 trang. Đó là nguồn tư liệu chính đảm bảo cho tác giả Luận án lựa chọn, khảo sát thực hiện đề tài. Nghiên cứu đề tài “Dân ca Gầu plềnh và LHGT của dân tộc Hmông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi”, chúng tôi hy vọng góp phần giải mã, làm sáng tỏ một phương diện của văn học nghệ thuật dân gian Hmông và một mảng sinh hoạt văn hóa quan trọng của đồng bào.
Bản thân tôi có thuận lợi là sinh ra, lớn lên, công tác ở Lào Cai, được sống cùng đồng bào Hmông, nên hiểu biết nhất định về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tín ngưỡngcủa đồng bào, đã tham dự nhiều LHGT, sưu tầm được số lượng đáng kể tư liệu văn học dân gian, nhất là những bài Gầu plềnh. Điều đó thúc đẩy tôi nghiên cứu với hy vọng làm sáng tỏ vấn đề một cách sâu sắc, đầy đủ hơn, đóng góp thiết thực, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ
2.1. Mục tiêu
- Luận án làm sáng tỏ mối quan hệ biện chứng, mật thiết giữa Gầu plềnh và LHGT, sự biến đổi của chúng trong xã hội đương đại; vận dụng lý thuyết thi pháp học văn học dân gian, trên cơ sở văn bản và thực tế diễn xướng, đánh giá những giá trị nội dung, nghệ thuật Gầu plềnh; khẳng định vai trò quan trọng của Gầu plềnh trong đời sống tinh thần dân tộc Hmông.
- Từ đó, tác giả Luận án đề xuất thái độ ứng xử phù hợp và các biện pháp tổ chức quản lý, giáo dục tại cộng đồng, góp phần giữ gìn một cách hiệu quả bản sắc văn hóa Hmông trên địa bàn tỉnh biên giới Lào Cai.
2.2. Nhiệm vụ
- Kế thừa, chọn lọc, nâng cao những kết quả nghiên cứu của người đi trước; nghiên cứu Gầu plềnh đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng, phong tục tập quán, môi trường diễn xướng tại LHGT; lý giải hiện tượng từ góc độ địa văn hóa, văn hóa tộc người.
- Làm rõ những đặc trưng trong diễn xướng và thi pháp Gầu plềnh. Phân tích giá trị tiêu biểu về nội dung, nghệ thuật Gầu plềnh trên phương diện thẩm mĩ ngôn từ; đồng thời làm rõ, sâu sắc hơn đặc trưng nguyên hợp của văn học dân gian, cụ thể ở đây là mối quan hệ mật thiết giữa Gầu plềnh với LHGT (ẩn sâu là các lớp tín ngưỡng, văn hóa) trên địa bàn tỉnh Lào Cai; thẩm định, đánh giá giá trị của chúng trong cuộc sống quá khứ, hiện tại và tương lai.
- Tỉnh Lào Cai có 5 ngành Hmông sinh sống, 4 ngành tổ chức LHGT. Luận án khảo sát, nghiên cứu sự tương đồng, khác biệt của các vùng lễ hội và của các ngành Hmông; nghiên cứu sự biến đổi, ảnh hưởng của chúng trong xã hội đương đại, ảnh hưởng của chúng đến đối tượng học sinh phổ thông, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp.
- Sưu tầm Gầu plềnh tại LHGT; biên dịch, bổ sung thêm vào kho tàng văn học dân gian nước nhà.
3. Phạm vi nghiên cứu
3.1. Về nội dung: Luận án chủ yếu khai thác phương diện ngôn từ, phương diện diễn xướng, đồng thời khai thác phương diện âm nhạc ở một mức độ hẹp hơn trong điều kiện có thể. Vận dụng lý thuyết thuyết thi pháp học văn học dân gian, chúng tôi đặt Gầu plềnh trong môi trường văn hóa của chúng để đánh giá, thẩm định nội dung, nghệ thuật, nhận diện bản chất thể loại. Môi trường văn hóa, xã hội truyền thống của người Hmông Lào Cai được xác định từ 1960 trở về trước (xem 3.2, Chương 3).
3.2. Về phạm vi, tư liệu khảo sát:
- Tài liệu dân ca đã công bố:
+ 04 tác phẩm, chủ yếu sưu tầm tại Lào Cai: 1) Doãn Thanh (1967), Dân ca Mèo (Lào Cai), Nxb Văn học, Hà Nội, (quyển 1). 2) Doãn Thanh (1974), Dân ca Mèo (Jăng Gâux Hmôngz) Lào Cai, Hội Văn học nghệ thuật Lào Cai (quyển 2). 3) Doãn Thanh, Hoàng Thao, Chế Lan Viên (1984), Dân ca HMông, Nxb Văn học, Hà Nội (quyển 3). 4) Doãn Thanh, Hoàng Thao, Triều Ân (2004), Ca dao dân ca Tày, Nùng, HMông, Nxb Văn học, Hà Nội (quyển 4). Tuy công bố sau 1960, song có thể xác định những bài dân ca trong các tập sách trên là lời cổ, thuộc về truyền thống.
+ 01 tác phẩm sưu tầm tại Hà Giang: Hùng Đình Quý (2001), Dân ca Mông Hà Giang, Sở Văn hoá Thông tin Hà Giang, Tập 1,2,3 và một số bài báo, tạp chí.
- Phạm vi, tư liệu điền dã của tác giả Luận án:
+ Về Gầu plềnh: Tác giả tham gia nhiều buổi hát Gầu plềnh tại các LHGT, hoặc nghe hát đơn lẻ; cùng một số nghệ nhân ghi âm, sưu tầm, biên dịch Gầu plềnh (PL0.1, tr.164) của các ngành Hmông hoa, Hmông đen, Hmông đỏ ở các vùng có điều kiện địa lý, lịch sử, xã hội khác nhau nên tính đại diện khá cao, phù hợp đối tượng nghiên cứu.
+ Về lễ hội: Tác giả nhiều lần trực tiếp tham dự, nghiên cứu LHGT ở các vùng và các ngành Hmông khác nhau: các xã Pha Long, Tả Ngải Chồ, Lùng Khấu Nhin (Mường Khương); xã Cán Cấu (Si Ma Cai); các xã Hầu Thào, San Sả Hồ, Tả Giàng Phình (Sa Pa), xã Thái Niên (Bảo Thắng), xã Lao Kha (huyện Hà Khẩu, TQ) (PL0.2, 0.3, tr.253-254); trên cơ sở đó, so sánh điểm chung và riêng giữa lễ hội các vùng. Tuy nhiên, địa bàn chúng tôi tập trung khảo sát chủ yếu ở 3 LHGT tiêu biểu tại 3 huyện của tỉnh Lào Cai là: Mường Khương: xã Pha Long; Si Ma Cai: xã Cán Cấu; Sa Pa: xã Tả Giàng Phình.
+ Về điều tra bằng phiếu: (PL0.4, tr. 257): Để đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng, biến đổi của Gầu plềnh và LHGT đối với lớp trẻ, chúng tôi lập phiếu điều tra, tổ chức điều tra trên đối tượng học sinh bậc trung học của 3 huyện Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai, tổng số 450 phiếu; tổng hợp, phân tích kết quả.
- Khảo sát Gầu plềnh: Tổng số tư liệu khảo sát 250 bài (lời). Luận án có mục khảo sát 175 bài đã xuất bản, có mục khảo sát cả 250 bài (lời). Cụ thể:
+ Tư liệu Gầu plềnh đã xuất bản: 175 bài, gồm: 95 bài quyển 1; 42 bài quyển 2 (bỏ 3 bài trùng: số 8, 12, 45); 38 bài quyển 3, từ bài 3 đến bài 52 (bỏ 11 bài trùng, số: 7, 9, 12, 21, 35, 36, 42, 43, 44, 45, 51).
+ Tư liệu Tiếng hát mồ côi, tiếng hát làm dâu tiềm ẩn khả năng chuyển thành Gầu plềnh:13 bài (6 bài quyển 1; 4 bài quyển 3; 3 bài quyển 4).
+ Tư liệu Gầu plềnh do tác giả Luận án sưu tầm: 61 bài (lời).
- Lưu ý một số vấn đề dịch thuật tiếng Hmông ra tiếng Việt: Ngôn ngữ dân ca Hmông là ngôn ngữ nghệ thuật rất tinh tế, duyên dáng, giàu hình tượng và biểu tượng. Dịch giả Doãn Thanh đã chú trọng đến việc chú thích tỉ mỉ những ý dịch chưa thoát, những từ ngữ lạ, những phong tục, tập quán, cách diễn đạt riêng... giúp cho người đọc có thể nắm bắt tương đối trọn vẹn tác phẩm. Tuy nhiên, đọc dân ca, lại thông qua bản dịch, dù sao cũng rất khó có thể cảm nhận hết cái hay, cái đẹp trong tình ý sâu xa của bài ca. Do đó, khi nghiên cứu dân ca Hmông, Gầu plềnh, cần thiết phải đối chiếu với văn bản gốc của ngôn ngữ đó. Chúng tôi đối chiếu bản dịch so với văn bản gốc 45 bài Gầu plềnh, xin lưu ý một số điểm sau:
Số lượng dòng thơ, từ ngữ: có 3 bài số dòng thơ bản gốc và bản dịch bằng nhau; còn lại đều lệch ngắn hơn, trong đó, 34 bài bản dịch ngắn hơn bản gốc (23 bài ngắn hơn từ 4 dòng trở lên; có bài ngắn hơn 35 dòng). Số chữ từng dòng thơ dịch cũng ít hơn số chữ bản gốc. Từ tiếng Hmông là từ đơn âm tiết như tiếng Việt, như vậy, nguyên nhân chủ yếu bản dịch vênh so với bản gốc là do cấu tạo ngữ pháp khác nhau và do đặc điểm dân ca Hmông có nhiều tiếng đệm không có nghĩa hay nghĩa mờ nhạt trong bài. VD: “Caox nav caox txir txơưx zus/ Zus caox pôngz ntơưs têx bông fơưr/ Caox hluz tơưv trôngx ntus plơưl/ Caox nav caox txir muôz caox xang/ Môngl têx tsêr cơưv ntơưr” (Dịch: Mẹ cha cô biết sinh/ Sinh ra cô đặt trong bịch thóc/ Lớn khôn, mẹ cha cô cho cô đi học [133, tr. 12]. Từ bốn dòng thơ VD trên, dịch còn ba dòng (lược 1 dòng). Vì trôngx ntus plơưl không có nghĩa nên dịch gộp hai dòng thơ cuối còn một dòng. Câu đầu 6 tiếng, dịch còn 5 tiếng vì caox nav caox txir (4 tiếng) dịch ra tiếng Việt là mẹ cha cô (3 tiếng). Như vậy, khi dịch ra tiếng Việt, có sự thay đổi đáng kể sẽ làm giảm đáng kể vai trò nhạc điệu, nhịp điệu của lời ca. Người đọc khó hình dung ra diễn xướng của lời ca ấy.
Đôi khi, dịch giả muốn dịch cho có hồn thơ thì lại bị sai lệch về ý nghĩa. VD: “Caox nav caox txir trôngx plangl txơưv tsaoz măngx/ Cha mur cêr jur/ Caox uô caox nav caox txir mêr nxeik gâux xưz/ Cur lê tâu txu cêr thur” (Dịch: Trước cửa nhà em có cây lanh mọc/ Ong có nơi về đậu/ Em làm thân con gái bẩy năm theo mẹ theo cha/ Anh có nơi qua lại) [133, tr. 10]. Nguyên nghĩa: bố mẹ em trồng cây lanh trước cửa, ong mới về đậu, em làm cô gái đồng trinh của mẹ, của cha, anh mới qua lại). Nếu nói bố, mẹ em trồng lanh...tức là gia đình có nề nếp lao động, bản thân em chắc biết làm lanh, may vá thêu thùa,... được thừa hưởng nền nếp gia đình...Em lại là cô gái còn trong trắng nên anh đến tìm hiểu là lẽ đương nhiên. Hiểu như vậy mới phù hợp phong tục, tập quán dân tộc Hmông. Mặt khác, dịch ra tiếng Việt như trên, câu thơ khó đảm bảo được vần điệu (jur vần với thur, dịch là đậu - lại).
Sau khi dịch, ý nghĩa hình tượng thơ không còn nguyên vẹn: VD: “Caox tuôr cur lux têl trơưr/ Cur tuôr caox lux têl truz/ Ưz uô chiv cêr plênhl gâux đrâus/ Puôr tangv têx jâuz tsênhx grêl jâuz sur hluz”. (Dịch: Em nắm tay anh nắm cho vững/ Anh cầm tay em cầm cho chặt/ Ta yêu nhau đằm thắm như khóm ngải xanh tươi) [133, tr. 8]. Nguyên nghĩa hai câu cuối: Con đường tình duyên của đôi ta, như là từ đám rau xương cá chuyển sang đám rau ngải lớn. Bản dịch đã bỏ từ con đường (cêr) và từ lớn (hluz), thêm vào đó từ xanh tươi. Nếu dịch như vậy thì chỉ cho ta cảm nhận về một tình yêu đằm thắm, ở thời điểm ấy mà thôi. Từ bản gốc, có thể phân tích ý nghĩa hình tượng thơ như sau: Vùng cao mọc nhiều rau xương cá và rau ngải, nhưng rau xương cá chỉ mọc vào mùa xuân, rất tươi tốt và tàn rất nhanh vào đầu mùa hè; rau ngải hầu như quanh năm không tàn. Từ sự nhanh tàn chuyển sang lâu tàn ví với con đường tình duyên là con đường dài lâu, bền chặt, càng ngày càng bền chặt hơn, thắm thiết hơn, tin tưởng hơn. Điều đó tương đồng với việc cầm tay nhau cho vững (têl truz) ở trên. Đây là cách diễn đạt quen thuộc của đồng bào Hmông (VD, về sự bất tận: Bài hát sắp hết, có bài không hết/ hết như từ nương ớt sang vườn kiệu) và phù hợp với tâm lý ưa thuỷ chung của nam nữ Hmông.
Bản dịch chưa thể hiện hết đặc trưng giao duyên, bối cảnh diễn xướng, nhất là trong các đối ca nam - nữ: Mở đầu các đối ca nam nữ, người Hmông thường hát một số làn điệu, câu hát quen thuộc: - Ntux tês nduô! - Ntux tês nduô nxeik gâux sênh! - Ntux tês nduô lênhx tangz!... Tất cả đều được dịch là chàng ơi!, nàng ơi! hoặc không dịch sẽ không lột tả hết sự tinh tế của câu hát. Ntux tês nduô có nghĩa: đất trời đẹp hoặc trời hết rồi kết hợp với lời gọi chàng ơi!, nàng ơi!... thì mới duyên dáng! Mặt khác, dịch là nàng ơi nhưng mấy từ chỉ cô gái có nghĩa khác nhau; chẳng hạn nxeik gâux xưz (nàng trinh nữ), nxeik gâux sênh (nàng tiên) nxeik nhăngz (nàng dâu). Không ai hát với người đã có chồng mà gọi là cô trinh nữ cả. Cái duyên của lời ca nằm ở chỗ đó!
Do ngôn ngữ bất đồng nên việc dịch tất nhiên không thể thể hiện hết cái hay, cái đẹp, tình ý sâu xa, sự tinh tế và đặc biệt là nét đặc sắc văn hóa của những lời ca. Vì lẽ đó, chúng tôi đề xuất: 1) Để hiểu được chiều sâu cũng như cái hay, cái đẹp của từng lời ca Gầu plềnh, việc cần thiết và hết sức quan trọng là người thực hiện cố gắng đối chiếu văn bản dịch với văn bản gốc và tìm hiểu trên cơ sở văn hóa truyền thống của đồng bào. 2) Hiện nay, các tác phẩm dân ca Hmông đã xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt, có quá ít tác phẩm ghi âm, văn bản tiếng Hmông hoặc song ngữ Việt – Hmông, vì vậy, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, sưu tầm cần quan tâm thỏa đáng để bảo tồn nền dân ca truyền miệng đặc sắc ấy. 3) Sưu tầm dân ca Hmông nói riêng, văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói chung, các tác giả nên ghi âm nguyên bản, ghi lại bằng chữ viết của dân tộc (nếu có) và khi dịch, cố gắng ghi chú tỷ mỷ, kỹ lưỡng những chỗ mà việc dịch thuật gặp khó khăn, như vậy sẽ giúp người đọc tiếp cận được giá trị đích thực của tác phẩm.
4. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chính là:
4.1. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Gầu plềnh tồn tại trong diễn xướng, ẩn chứa nhiều giá trị thuộc nhiều lĩnh vực nhận thức, tín ngưỡng, sinh hoạt, nghệ thuật, lịch sửCó thể các giá trị trên được thể hiện độc lập song do đặc trưng thể loại nên phần lớn là hỗn dung, nguyên hợp. Vì vậy, tác giả Luận án sử dụng đồng thời, khách quan, bình đẳng nhiều phương pháp chuyên ngành như ngữ văn học, văn hóa học, lịch sử học, dân tộc họcSử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành sẽ giúp cho việc khám phá các giá trị của Gầu plềnh toàn diện, sâu sắc hơn.
4.2. Phương pháp điền dã - dân tộc học: Chúng tôi thực hiện khảo sát thực tế (tham dự LHGT) thu thập tư liệu, tiến hành khảo cứu, tổng hợp, phân tích tư liệu...giải quyết mục tiêu đề tài, do vậy phải sử dụng các thao tác quan sát, phỏng vấn sâu, quay phim, chụp ảnh, điều tra bằng phiếu; ghi âm, biên dịch Gầu plềnh; thống kê, phân loại tư liệuVới phương pháp này, việc nghiên cứu Gầu plềnh trong môi trường diễn xướng tại LHGT có tính khoa học, tính thực tiễn rất cao và cho kết quả trung thực, chính xác; đáp ứng yêu cầu đặt ra.
4.3. Phương pháp so sánh lịch đại và so sánh đồng đại: Chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu này để đối chiếu, so sánh Gầu plềnh (đặc biệt là diễn xướng của chúng trong LHGT) giữa các ngành Hmông khác nhau cư trú ở các vùng khác nhau, giữa các thời kỳ lịch sử khác nhau; đối chiếu Gầu plềnh với dân ca trữ tình của các dân tộc kháctrên cơ sở phân tích, tổng hợp, chỉ ra nét đặc sắc cũng như quá trình phát triển, biến đổi của chúng.
4.4. Phương pháp phân tích văn bản ngôn từ: Gầu plềnh được thể hiện qua nhiều yếu tố, song thể hiện qua văn bản ngôn từ hay phần lời là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất quyết định sự tồn tại, sự diễn xướng cũng như sự sáng tạo của người nghệ sỹ bình dân. Do đó, phân tích văn bản ngôn từ trong nghiên cứu Gầu plềnh là con đường khoa học để khám phá những giá trị (cả nội dung, nghệ thuật) đích thực, sâu sắc của chúng. Tuy nhiên, chúng tôi không phân tích văn bản ngôn từ Gầu plềnh một cách thuần túy như phân tích tác phẩm văn học mà kết hợp rộng hơn trong tổng thể của phương pháp nghiên cứu liên ngành và biện pháp phân tích các phạm trù thi pháp học văn học dân gian.
4.5. Áp dụng hướng tiếp cận nhân học - văn hóa (cultural anthropology) xem xét đối tượng nghiên cứu trong một quá trình vận hành của tổng thể văn hóa Hmông, đặc biệt là phong tục, tập quán, điều kiện sống..., từ đó luận bàn, lý giải sự phát sinh, truyền bá, sáng tạo, biến đổi của Gầu plềnh cũng như LHGT.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài, điểm mới của Luận án
5.1. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn: Đề tài “Dân ca Gầu plềnh và LHGT của người Hmông ở Lào Cai - truyền thống và biến đổi” phần nào đã đáp ứng tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Về lý luận là nghiên cứu Gầu plềnh đặt trong môi trường diễn xướng cụ thể, nơi Gầu plềnh được bộc lộ sinh động nhất, phản ánh đặc trưng nguyên hợp của tác phẩm văn học dân gian. Về thực tiễn, LHGT ngày nay đang biến đổi theo xu hướng phát triển quy mô ngày càng lớn hơn do sự phát triển xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào Hmông ngày càng tăng, theo đó, Gầu plềnh cũng đang biến đổi đa dạng nội dung, phong phú về phương thức diễn xướng.
5.2. Điểm mới của Luận án:
- Khảo sát, miêu thuật, đối chiếu các LHGT giữa các vùng của Lào Cai trong quá khứ và hiện tại.
- Ghi âm, quay phim, chụp ảnh, sưu tầm thêm và biên dịch Gầu plềnh, đóng góp thiết thực vào kho tàng văn học dân gian nước nhà.
- Lý giải bằng cơ sở khoa học, cơ sở nội tại của lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Hmông, vận dụng quan điểm thi pháp học văn học dân gian chỉ ra bản chất mối quan hệ giữa Gầu plềnh - LHGT và luận giải những vấn đề căn cốt nhất, đặc sắc nhất về nội dung, nghệ thuật Gầu plềnh một cách hệ thống.
- Nghiên cứu Gầu plềnh với tư cách một tiểu loại dân ca độc lập, đặt trong môi trường động của diễn xướng và quá trình vận động. Đánh giá sự biến đổi, dự báo xu hướng biến đổi Gầu plềnh và LHGT từ truyền thống đến hiện đại, đề xuất các giải