1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Cạnh tranh là quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường, đồng thời là
động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Để thúc đẩy cạnh tranh,
các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều phương thức để truyền tải thông tin sản
phẩm của mình đến khách hàng, trong đó, quảng cáo được xem là hình thức
phổ biến hiện nay. Hoạt động quảng cáo không chỉ đơn thuần là một hành vi
thương mại, mà nó cũng là một biện pháp, một phương thức cạnh tranh không
thể thiếu trong kinh doanh. Những năm gần đây, quảng cáo trở nên thu hút sự
quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và nằm trong khâu chiến lược xúc tiến
hỗn hợp của marketing. Nó hỗ trợ cho hoạt động bán hàng đạt hiệu quả tốt
hơn theo đúng mục tiêu. Tuy nhiên, quảng cáo như thế nào lại là một vấn đề
cần được xem xét trong thời điểm hiện nay.
162 trang |
Chia sẻ: tranhieu.10 | Lượt xem: 1541 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
PHẠM ĐỨC HOÀ
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CẠNH TRANH
TRONG LĨNH VỰC QUẢNG CÁO
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH
LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
HÀ NỘI - 2017
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
PHẠM ĐỨC HOÀ
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CẠNH TRANH
TRONG LĨNH VỰC QUẢNG CÁO
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH
LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Mã số: 62 38 01 01
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. QUÁCH SĨ HÙNG
HÀ NỘI - 2017
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi; các số liệu, tư liệu được sử dụng trong luận án
là trung thực, có xuất xứ rõ ràng; những phát hiện đưa ra
trong luận án là kết quả nghiên cứu của tác giả luận án.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Phạm Đức Hoà
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT
VỀ CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC QUẢNG CÁO
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU 8
1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước 8
1.2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước 15
1.3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu và các vấn đề luận án
kế thừa 18
1.4. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu 21
Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC HOÀN THIỆN PHÁP
LUẬT VỀ CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC QUẢNG
CÁO 25
2.1. Khái niệm, đặc điểm, nội dung và vai trò của pháp luật về cạnh
tranh trong lĩnh vực quảng cáo 25
2.2. Các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh
trong lĩnh vực quảng cáo 51
2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc hoàn thiện pháp luật về cạnh
tranh trong lĩnh vực quảng cáo 58
2.4. Pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở một số nước
trên thế giới và những giá trị có thể tham khảo cho Việt Nam 63
Chương 3: QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ THỰC TRẠNG PHÁP
LUẬT VỀ CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC QUẢNG
CÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 78
3.1. Quá trình phát triển của pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực
quảng cáo ở Việt Nam 78
3.2. Thực trạng pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở
Việt Nam hiện nay 80
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP
LUẬT VỀ CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC QUẢNG
CÁO Ở VIỆT NAM 116
4.1. Quan điểm hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực
quảng cáo ở Việt Nam hiện nay 116
4.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực
quảng cáo ở Việt Nam hiện nay 124
KẾT LUẬN 146
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN
QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 149
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 150
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Cạnh tranh là quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường, đồng thời là
động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Để thúc đẩy cạnh tranh,
các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều phương thức để truyền tải thông tin sản
phẩm của mình đến khách hàng, trong đó, quảng cáo được xem là hình thức
phổ biến hiện nay. Hoạt động quảng cáo không chỉ đơn thuần là một hành vi
thương mại, mà nó cũng là một biện pháp, một phương thức cạnh tranh không
thể thiếu trong kinh doanh. Những năm gần đây, quảng cáo trở nên thu hút sự
quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và nằm trong khâu chiến lược xúc tiến
hỗn hợp của marketing. Nó hỗ trợ cho hoạt động bán hàng đạt hiệu quả tốt
hơn theo đúng mục tiêu. Tuy nhiên, quảng cáo như thế nào lại là một vấn đề
cần được xem xét trong thời điểm hiện nay.
Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực này đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp
ảnh hưởng đến hoạt động cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp thuộc
mọi thành phần kinh tế khác nhau, tác động xấu đến môi trường kinh doanh ở
Việt Nam, như: Nội dung quảng cáo không trung thực, sai lệch nhiều mặt,
dùng những hình ảnh, cử chỉ, lời nói gây phản cảm, vi phạm đạo đức truyền
thống Việc quảng cáo gian dối, sai sự thật, cạnh tranh không lành mạnh đã
và đang diễn ra khá phổ biến và gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Bởi vậy, để
chấn chỉnh, đưa quảng cáo vào chuẩn mực, rất cần đến sự giám sát, điều
chỉnh hiệu quả của pháp luật.
Với tính chất phức tạp và đa dạng, các hành vi cạnh tranh, cạnh tranh
không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo không nằm ngoài phạm vi điều
chỉnh của Luật Cạnh tranh, được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6
tháng 12/2004 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2005. Cụ thể, Luật Cạnh tranh
điều chỉnh các hành vi quảng cáo so sánh, quảng cáo bắt chước, quảng cáo
2
gian dối hoặc gây nhầm lẫn và các hoạt động quảng cáo bị pháp luật cấm
khác. Cùng với Luật Cạnh tranh, việc điều chỉnh hoạt động quảng cáo không
lành mạnh còn được thực hiện bởi Luật Thương mại, Luật Bảo vệ người tiêu
dùng, Luật Quảng cáo, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Dược, Luật Chất
lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Kinh doanh Bảo hiểm... và các văn bản
hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, sự trùng lặp và chồng chéo về nội dung giữa
các văn bản pháp luật này đối với các hành vi quảng cáo không lành mạnh đã
và đang gây khó khăn cho việc tổ chức thực thi pháp luật thống nhất trên thực
tế. Trong khi đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành quảng cáo tại
Việt Nam, tình trạng quảng cáo không lành mạnh đã xuất hiện ngày càng
nhiều làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và đặc biệt là
quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Cho đến nay, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh năm
2004 được ban hành nhưng không có văn bản nào hướng dẫn việc áp dụng
pháp luật cạnh tranh về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đặc
biệt là các quy định đặc thù để xử lý các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh
không lành mạnh. Luật Quảng cáo năm 2012 cũng không hướng dẫn cụ thể,
chi tiết về xử lý các hành vi quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành
mạnh. Luật này chỉ quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo,
việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo cũng quy định một cách chung
chung. Như vậy, cần nhận định rằng, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một
cơ chế thống nhất, đồng bộ trong việc xử lý có hiệu quả các hành vi cạnh
tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo...
Với các phân tích ở trên, việc nghiên cứu nhằm hoàn thiện pháp luật và
cơ chế bảo đảm thi hành pháp luật điều chỉnh các hành vi cạnh tranh gian dối,
không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo có ý nghĩa quan trọng để vận dụng
trong công cuộc phát triển nền kinh tế, xây dựng môi trường cạnh tranh lành
mạnh trong kinh doanh ở nước ta. Đây là cơ sở để nghiên cứu sinh lựa chọn đề
3
tài “Hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt
Nam hiện nay” để nghiên cứu và làm Luận án Tiến sĩ luật học của mình tại
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
2.1. Mục đích nghiên cứu của đề tài
Mục đích nghiên cứu của luận án là phân tích, làm rõ cơ sở lý luận hoàn
thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo, đánh giá thực trạng
pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam và đề ra quan
điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở
Việt Nam hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
- Phân tích khái niệm cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo, khái niệm
pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo; làm rõ những đặc điểm, vai
trò và nội dung của pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo; nghiên
cứu các tiêu chí để xác định mức độ hoàn thiện của pháp luật; các yếu tố ảnh
hưởng đến việc hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở
Việt Nam. Ở mức độ nhất định, luận án nghiên cứu pháp luật về cạnh tranh
trong lĩnh vực quảng cáo ở một số nước trên thế giới và rút ra những giá trị có
thể tham khảo ở Việt Nam.
- Nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về cạnh tranh
trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để khẳng định
những bước phát triển, những ưu điểm cần phát huy, đồng thời tìm ra những
hạn chế và nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó.
- Đề xuất quan điểm và những giải pháp hoàn thiện pháp luật về cạnh
tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu
4
Đối tượng nghiên cứu của luận án là những vấn đề lý luận và thực tiễn
của pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung: Theo kinh nghiệm pháp luật của một số quốc gia trên thế
giới cũng như thực tiễn pháp luật Việt Nam, pháp luật cạnh tranh như tên gọi
hiện nay bao gồm hai chế định chủ yếu là: (i) Pháp luật chống hạn chế cạnh
tranh, kiểm soát độc quyền; và (ii) Pháp luật chống cạnh tranh không lành
mạnh. Điều chỉnh pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo chủ yếu là
nhằm hướng tới mục tiêu chống lại các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh
không lành mạnh và thuộc phạm vi của chế định pháp luật chống cạnh tranh
không lành mạnh, bởi vậy, để làm sâu sắc hơn nội hàm đề tài nghiên cứu,
trong phạm vi luận án này, tác giả luận án tập trung nghiên cứu về chế định
pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo để đề
xuất quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực
quảng cáo ở Việt Nam hiện nay nhằm điều chỉnh và kiểm soát hiệu quả các
hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo.
Về không gian và thời gian: Luận án nghiên cứu pháp luật về cạnh tranh
trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam chủ yếu từ khi Luật Cạnh tranh năm
2004 được ban hành cho tới nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận của đề tài luận án
Cơ sở lý luận của luận án là lý thuyết về kinh tế thị trường có sự quản
lý của Nhà nước; đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và
hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện
trong văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội, đặc biệt là
đường lối, chính sách về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trong điều
kiện hội nhập kinh tế quốc tế; Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống
5
pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo Nghị
quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị.
4.2. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Thực hiện luận án này, tác giả vận dụng phương pháp luận của chủ
nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác –
Lênin. Bên cạnh đó, tác giả luận án còn sử dụng những phương pháp nghiên
cứu cụ thể sau đây:
- Phương pháp phân tích và tổng hợp được sử dụng trong các chương 2,
3 và 4 để làm rõ cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, giải
pháp hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo;
- Phương pháp tiếp cận hệ thống được sử dụng trong các chương 2, 3 và
4 để làm rõ nội dung, vai trò, các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp
luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo, các yếu tố ảnh hưởng và các điều
kiện bảo đảm hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở
Việt Nam.
- Phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, phương pháp lô gíc được sử
dụng ở các chương 2, 3, 4: Luận án nghiên cứu từng vấn đề trong mối quan hệ
chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, giữa quan điểm, đường lối của Đảng, pháp
luật của Nhà nước với thực tiễn thực hiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh
vực quảng cáo.
Ba chương của luận án được nghiên cứu trong mối quan hệ lôgíc xuyên
suốt từ cơ sở lý luận đến thực trạng và quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp
luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay.
- Phương pháp so sánh được sử dụng trong chương 1 để làm rõ tình hình
nghiên cứu, chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Phương pháp này
cũng được sử dụng ở chương 2 để so sánh các pháp luật về cạnh tranh trong
lĩnh vực quảng cáo của một số nước trên thế giới nhằm rút ra các bài học kinh
nghiệm vận dụng cho Việt Nam.
6
5. Những đóng góp mới về mặt khoa học của đề tài
Đây là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về hoàn
thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay.
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ có những đóng góp mới về mặt khoa học
như sau:
- Trên cơ sở phân tích một cách toàn diện các quan điểm, quan niệm về
pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo, luận án đã xây dựng khái
niệm khoa học pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo, chỉ ra đặc
điểm, vai trò và nội dung của pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo,
đồng thời, xây dựng các tiêu chí về nội dung và hình thức để xác định mức độ
hoàn thiện của pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo; phân tích làm
rõ các yếu tố ảnh hưởng đến việc hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh
vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay.
- Phân tích, đánh giá tổng quát thực trạng các quy định pháp luật và
thực trạng áp dụng pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt
Nam, chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập của pháp luật cũng như trong cơ
chế áp dụng pháp luật và nguyên nhân.
- Từ các nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận án đã đưa ra các quan
điểm và kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật và cơ
chế bảo đảm thi hành pháp luật cạnh trạnh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt
Nam.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
- Về mặt khoa học, luận án góp phần làm sáng tỏ thêm các vấn đề lý
luận của pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo phù hợp với điều kiện
thực tiễn của Việt Nam và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Những nghiên
cứu, đề xuất của luận án góp phần đáng kể vào việc hoàn thiện các quy định
của pháp luật canh tranh cũng như cơ chế bảo đảm thi hành pháp luật cạnh
trạnh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam.
7
- Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là tài liệu tham
khảo có giá trị trong công tác nghiên cứu lập pháp cũng như thực tiễn thi hành
pháp luật về cạnh trạnh trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay. Luận
án cũng có thể là tài liệu giảng dạy và học tập trong các cơ sở đào tạo pháp
luật về cạnh trạnh trong lĩnh vực quảng cáo.
7. Bố cục của luận án
Ngoài lời mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án được
kết cấu bốn chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu pháp luật về cạnh tranh
trong lĩnh vực quảng cáo và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Chương 2: Cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh
trong lĩnh vực quảng cáo.
Chương 3: Quá trình phát triển và thực trạng pháp luật về cạnh tranh
trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam hiện nay.
Chương 4: Quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh
trong lĩnh vực quảng cáo ở Việt Nam.
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU PHÁP LUẬT
VỀ CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC QUẢNG CÁO
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRONG NƯỚC
1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu về xây dựng và hoàn thiện pháp
luật cạnh tranh
Ở Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ
thống pháp luật nhằm đảm bảo để nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường
phát triển, đã có một số công trình nghiên cứu bước đầu về pháp luật cạnh
tranh, chống cạnh tranh không lành mạnh, như:
“Chuyên đề về cạnh tranh, chống cạnh tranh bất hợp pháp và kiểm soát
độc quyền” của tác giả Đặng Vũ Huân - Thông tin Khoa học pháp lý của Viện
Nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, tháng 11/1996 và “Pháp luật về
kiểm soát độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam” sách
tham khảo của TS. Đặng Vũ Huân, Nxb. Chính trị Quốc gia năm 2004. Ở hai
công trình này, tác giả đã làm rõ các khái niệm về cạnh tranh, phân loại các
hành vi cạnh tranh, nhận diện các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp và xu thế
cạnh tranh dẫn đến độc quyền; chỉ ra các yêu cầu, định hướng cũng như mô
hình xây dựng pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh và kiểm soát
độc quyền ở Việt Nam;
“Cạnh tranh và xây dựng pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay”
sách do PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Trần Đình Hảo làm chủ biên,
Nxb. Công an nhân dân năm 2001. Đây là công trình tập hợp các bài viết của
nhiều tác giả khảo cứu về kinh nghiệm xây dựng và thi hành pháp luật cạnh
tranh ở một số quốc gia trên thế giới; bàn luận về các chế định pháp luật cạnh
tranh như pháp luật về chống hạn chế cạnh tranh, pháp luật chống cạnh tranh
9
không lành mạnh, thiết chế quản lý nhà nước về cạnh tranh đồng thời gợi
mở một số vấn đề về xây dựng pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam;
Bên cạnh đó, cũng nhằm nhận diện và góp phần vào việc xây dựng
pháp luật về cạnh tranh ở Việt Nam, còn có một số công trình khác như: “Xây
dựng pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam hiện nay”,
Luận văn Thạc sĩ luật học của tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền, Đại học Luật Hà
Nội, năm 2003; “Pháp luật và thiết chế chống cạnh tranh không lành mạnh”
- Chương 25 “Chuyên khảo Luật Kinh tế” của tác giả TS. Phạm Duy Nghĩa
(2004), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, (tr. 865 - tr. 883); “Pháp luật chống
cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp ở Việt Nam -
Lý luận và thực tiễn”, Luận văn Thạc sĩ luật học của tác giả Nguyễn Vũ
Quỳnh Lâm, năm 2004;
Sau khi Luật Cạnh tranh của Việt Nam được Quốc hội khóa XI thông
qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 12/2004 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2005, đã có
thêm nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này nhằm bàn luận thêm về các
chế định của Luật Cạnh tranh và đặt ra các vấn đề cần quan tâm để đưa Luật
này vào cuộc sống như: “Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam”, sách tham khảo
của các tác giả Lê Danh Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc, Nguyễn Ngọc Sơn, Nxb. Tư
pháp, Hà Nội, năm 2006; “Đưa pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh
vào cuộc sống” của PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Tạp chí Luật học số 6/2006
(tr. 29 – tr. 35);
Nhằm phục vụ việc giảng dạy về Luật Cạnh tranh trong các cơ sở giáo
dục đại học, một số giáo trình về pháp luật cạnh tranh cũng được biên soạn
như: “Giáo trình Luật cạnh tranh” của TS. Tăng Văn Nghĩa, Đại học Ngoại
thương Hà Nội, Nxb. Giáo dục, năm 2009; “Giáo trình Luật cạnh tranh” của
Đại học Kinh tế - Luật do PGS – TS Lê Danh Vĩnh chủ biên ấn hành năm
2010; “Giáo trình Luật Cạnh tranh” của Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an
nhân dân, Hà Nội, năm 2012
10
“Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam”, Luận
án Tiến sĩ luật học của tác giả Lê Anh Tuấn, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà
Nội, năm 2008. Đây là công trình nghiên cứu khá toàn diện và sâu sắc về chế
định pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và đề xuất một số giải pháp
để thực thi chế định này trong bối cảnh Việt Nam chưa có văn bản pháp luật
nào hướng dẫn về thực thi chế định pháp luật chống cạnh tranh không lành
mạnh. Tuy nhiên, các đề xuất của công trình này vẫn là các giải pháp chung,
trong khi đó, cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực của
nền kinh tế và cho đến nay, tình trạng thiếu văn bản hướng dẫn vẫn đang tồn
tại, gây khó khăn và rất nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Sau 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh năm 2004, Cục Quản lý cạnh
tranh, Bộ Công Thương đã thực hiện “Báo cáo rà soát các quy định của Luật
Cạnh tranh Việt Nam” và phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản
thực hiện “Báo cáo rà soát Luật Cạnh tranh với pháp luật chuyên ngành”.
Qua hai báo cáo này cho thấy, Luật Cạnh tranh của Việt Nam đã trải qua 10
năm thực tiễn áp dụng, bước đầu đã có những chuyển biến trong việc tạo ra
môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng, ngăn ngừa các hành vi thỏa thuận
hạn chế cạnh tranh, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thương
trường. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh cũng đang bộc lộ rất nhiều bất cập trong
nhiều quy định pháp luật, đặc biệt là trong mối quan hệ với các Luật chuyên
ngành. Các báo cáo đã chỉ ra nhiều cơ sở thực tiễn để nghiên cứu nhằm hoàn
thiện các quy định pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay
Được đánh giá là “Hiến pháp của nền kinh tế thị t