Luận án Phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

1. Tính cấp thiết của đề tài Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới ở nước ta đã và đang có nhiều triển vọng tốt đẹp trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng dần bộc lộ. Đây là những rào cản lớn trên bước đường phát triển của đất nước. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiến hành mạnh mẽ công cuộc cải cách nhằm loại bỏ những khâu bất hợp lý trong tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tư pháp mà hệ thống Tòa án là một bộ phận quan trọng. Thực tiễn xét xử của ngành Tòa án trong thời gian vừa qua cho thấy không ít những vụ việc dân sự đã bị giải quyết kéo dài, gây tâm lý phản cảm, giảm sút niềm tin trong một bộ phận nhân dân. Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là ở sự bất cập trong cách thức tổ chức phân cấp thực hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án. Trên thực tế, đã có những vụ án dân sự bị xét xử kéo dài hàng chục năm chưa kết thúc và đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại. Có thể nói, những quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án chưa tạo ra một cách thức phù hợp, hiệu quả, chưa đủ khả năng giải quyết các tranh chấp dân sự, vốn đã phức tạp và ngày càng phức tạp trong đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật về tố tụng, về tổ chức Tòa án tuy đã có nhiều sửa đổi những vẫn có những quy định không phù hợp, mà tập trung nhất là ở vấn đề tổ chức thực hiện thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự của Tòa án. Trước tình hình đó, Đảng ta đã chủ trương đẩy mạnh cải cách tư pháp cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập hiện nay. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác cải cách tư pháp. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi Ban chỉ đạo cải cách tư pháp của Việt Nam đang xây dựng đề án Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2020, mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện mô hình tổ chức Tòa án và thủ tục tố tụng tư pháp, xác định "Tòa án là trung tâm của tư pháp, trọng tâm của hoạt động tư pháp là hoạt động xét xử của Tòa án", thì việc nghiên cứu mô hình tổ chức xét xử dân sự với việc phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục tái thẩm là một vấn đề hết sức cần thiết về phương diện lý luận cũng như về phương diện thực tiễn. Với các lý do nêu trên, tác giả lựa chọn đề tài "Phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" làm luận án tiến sĩ luật học. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp, đã có một số công trình khoa học, nhà nghiên cứu lý luận và thực tiễn, ở những mức độ khác nhau nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân (TAND). Có thể kể đến Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: "Vị trí, vai trò và chức năng của Tòa án nhân dân trong bộ máy nhà nước qua các thời kỳ cách mạng Việt Nam" của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) năm 1996; Đề án: "Đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp" của Bộ Tư pháp năm 1996; Đề tài khoa học cấp Bộ: "Những yêu cầu và giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân" của TANDTC năm 1999; Tiến sĩ Trần Văn Độ: "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân" (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2003). Đây là những công trình, bài viết đề cập đến những nội dung khác nhau, ở một số khía cạnh mang tính riêng lẻ vấn đề tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án trong việc thực hiện thẩm quyền xét xử vụ án nói chung hoặc chủ yếu là các vụ án hình sự. Đề tài "Phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" là công trình đầu tiên nghiên cứu kết hợp tất cả những vấn đề về tổ chức, về thẩm quyền về dân sự của Tòa án và thủ tục tố tụng dân sự, trên cơ sở đó có cái nhìn tổng quan về hoạt động giải quyết vụ án dân sự tại hệ thống Tòa án. 3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Trên cơ sở nghiên cứu những quy định về cách thức tổ chức thực hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống TAND và thực tiễn giải quyết về dân sự, luận án có mục đích xây dựng một mô hình tổ chức xử án dân sự thực sự khoa học, có khả năng nâng cao chất lượng xét xử về dân sự, phục vụ mục tiêu cải cách tư pháp. Đối tượng nghiên cứu của luận án là sự phân cấp thực hiện thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự trong hệ thống Tòa án theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục tái thẩm về dân sự. Đó là cách thức tổ chức thực hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong mỗi cấp Tòa án cũng như giữa các cấp Tòa án trong hệ thống Tòa án. Luận án cũng đã nghiên cứu những bất cập trong cách thức tổ chức phân cấp thẩm quyền sơ thẩm, thẩm quyền phúc thẩm, thẩm quyền giám đốc thẩm, thẩm quyền tái thẩm khi Tòa án giải quyết một tranh chấp dân sự. Luận án không nghiên cứu sự phân cấp thẩm quyền giải quyết việc dân sự trong hệ thống Tòa án. Phạm vi nghiên cứu của luận án là những quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm, thủ tục tái thẩm về dân sự. Những quy định về thẩm quyền giải quyết việc dân sự không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Luận án được triển khai trên cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của triết học Mác - Lênin về Nhà nước và pháp luật, những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về cải cách tư pháp và cải cách nền hành chính quốc gia. Việc nghiên cứu đề tài còn dựa vào thực tiễn xét xử, những tổng kết của ngành Tòa án, những số liệu thống kê về tình hình xét xử, về tổ chức cán bộ của các cơ quan chức năng, dư luận xã hội. làm cho những kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật về sự phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự không những chỉ dựa trên cơ sở khoa học mà còn có cơ sở thực tiễn. Phương pháp nghiên cứu so sánh những quy định tương ứng trong pháp luật của các quốc gia khác cũng như trong cổ luật của Việt Nam làm vấn đề được nghiên cứu trong tính hệ thống, từ đó cho phép đưa ra những kiến nghị về mô hình tổ chức sự phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Những phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý truyền thống cũng được áp dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài như phương pháp tổng hợp, tiếp cận hệ thống, lịch sử, thống kê v.v. 5. Những điểm mới của luận án Luận án với đề tài "Phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống cách thức tổ chức thực hiện thẩm quyền giải quyết một tranh chấp dân sự theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm về dân sự của hệ thống Tòa án. Luận án có những điểm mới sau đây: Một là, luận án đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về thẩm quyền về dân sự của Tòa án, thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự, xây dựng một hệ thống khái niệm liên quan đến nội dung luận án xung quanh vấn đề thẩm quyền về dân sự và thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự của Tòa án. Từ các nội dung này, luận án đã làm rõ khái niệm, sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của sự phân cấp thực hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống TAND. Hai là, luận án đã đi sâu nghiên cứu những quy định của pháp luật Việt Nam về phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án qua cách thức tổ chức thực hiện thẩm quyền sơ thẩm, thẩm quyền phúc thẩm, thẩm quyền giám đốc thẩm, thẩm quyền tái thẩm về dân sự của mỗi cấp Tòa án cũng như giữa các cấp Tòa án với nhau và thẩm quyền quyết định của mỗi Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm. Từ những nghiên cứu này, luận án đã chỉ ra những bất cập trong tổ chức thực hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử về dân sự, là nguyên nhân quan trọng đưa việc giải quyết vụ án dân sự rơi vào tình trạng xét xử lòng vòng qua nhiều cấp, kéo dài nhiều năm, gây bức xúc và mất niềm tin trong nhân dân. Ba là, luận án đã đề xuất những giải pháp nhằm đổi mới sự phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự, xây dựng mô hình tổ chức phân cấp thẩm quyền làm bảo đảm về mặt pháp lý cho việc nâng cao chất lượng xét xử về dân sự trong hệ thống Tòa án. Trước tiên là sự thay đổi việc tổ chức thẩm quyền tại mỗi Tòa án theo cách thức là có các Thẩm phán chuyên trách hoặc Tòa chuyên trách thực hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự của cấp Tòa án đó. Về lâu dài, mỗi cấp Tòa án chỉ nên có một thẩm quyền giải quyết, theo nguyên tắc mỗi cấp Tòa án tương ứng với một cấp xét xử. Giải pháp thứ hai là việc thay đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục tố tụng, tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự đạt hiệu quả cao như quy định thủ tục rút gọn, nguyên tắc tranh tụng, quyền kháng cáo giám đốc thẩm, kháng cáo tái thẩm cho các đương sự. Giải pháp mang tính đồng bộ là vấn đề tăng cường và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tòa án mà trung tâm là các Thẩm phán. 6. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án là những bổ sung quan trọng về cơ sở lý luận về tổ chức Tòa án, về thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến sự phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án. Kết quả nghiên cứu này cho phép tiếp cận với cách nhìn mới, cách đánh giá mới về những nguyên tắc và cách thức tổ chức Tòa án và Luật tố tụng dân sự. Đây là những cơ sở lý luận rất quan trọng để đưa ra một cách thức tổ chức phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án có tính mới. Những giải pháp nhằm hoàn thiện việc phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án có thể làm tiền đề cho những công trình nghiên cứu khoa học, những đề án về hoàn thiện mô hình tổ chức Tòa án, hoàn thiện hệ thống luật tố tụng và những kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán. Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho những nhà nghiên cứu pháp luật và những người làm công tác thực tiễn. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án gồm 3 chương, 7 mục.

doc201 trang | Chia sẻ: tuandn | Lượt xem: 3502 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự trong hệ thống Tòa án ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Luận văn liên quan