Luận án Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975)
Công nhân cao su Thủ Dầu Một là một bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong lịch sử ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp từ năm 1945 đến năm 1975, công nhân cao su ở Thủ Dầu Một là lực lượng chính trị, là một trong những “đội quân chủ lực” của phong trào cách mạng ở địa phương. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su tại đây đã diễn ra sớm, quyết liệt, lâu dài và được thế giới biết đến nhiều nhất. Những cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc của họ mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Trong ba mươi năm chiến tranh từ năm 1945 đến năm 1975, mọi diễn biến của phong trào công nhân cao su Thủ Dầu Một đều có ảnh hưởng đến phong trào công nhân cao su toàn xứ. Tìm hiểu phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1975 là tìm hiểu một bộ phận của phong trào công nhân cao su Nam Bộ, qua đó làm sáng tỏ những đặc điểm, vị trí, thành tích đấu tranh và vai trò của họ trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đội ngũ công nhân cao su Thủ Dầu Một ngày một trưởng thành, nhất là sự vững vàng về nhận thức xã hội, về ý thức giai cấp, ý thức cách mạng. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đội ngũ công nhân cao su trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một xưa, nay thuộc hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước là một trong những lực lượng vẫn luôn đi đầu trong việc xây dựng kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở địa phương. Lê nin – Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân thế giới đã chỉ rõ: “Đối với người công nhân giác ngộ không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ hiểu biết phong trào của chính giai cấp mình, hiểu biết bản chất, mục đích, nhiệm vụ, điều kiện và những hình thức hoạt động thực tiễn của phong trào đó”[75;12]