Luận văn Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng tám

Nguyễn Tuân là một hiện tượng lớn và phức tạp của nền văn học Việt Nam. Từ khi xuất hiện đến nay ông đã giữ một vị trí quan trọng trên văn đàn và trong lòng độc giả biết bao thế hệ. Nguyễn Tuân để lại cho văn học hiện đại Việt Nam một khối lượng tác phẩm không nhỏ: 4683 trang sách in (theo công trình sưu tầm và biên soạn Nguyễn Tuân toàn tập của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh), chưa kể còn những tác phẩm mà người biên soạn chưa tìm thấy hoặc tìm được nhưng không đầy đủ. Con số 4683 ấy tuy lớn nhưng có thể nó sẽ trở nên vô nghĩa, sẽ không làm nên tên tuổi một Nguyễn Tuân như ta từng biết, nếu không có chất Nguyễn Tuân riêng biệt trong từng tác phẩm, từng trang sách, thậm chí nhiều khi trong từng con chữ. Chất Nguyễn Tuân ấy là tấm thẻ thông hành đặc biệt đưa Nguyễn Tuân vào lòng độc giả hiện tại, giữ ông lại với cả đời sau.

pdf110 trang | Chia sẻ: duongneo | Lượt xem: 7511 | Lượt tải: 6download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng tám, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH BÙI THANH THẢO CÁI ĐẸP TRONG VĂN XUÔI NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN TUÂN TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 5.04.33 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2005 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài: Nguyễn Tuân là một hiện tượng lớn và phức tạp của nền văn học Việt Nam. Từ khi xuất hiện đến nay ông đã giữ một vị trí quan trọng trên văn đàn và trong lòng độc giả biết bao thế hệ. Nguyễn Tuân để lại cho văn học hiện đại Việt Nam một khối lượng tác phẩm không nhỏ: 4683 trang sách in (theo công trình sưu tầm và biên soạn Nguyễn Tuân toàn tập của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh), chưa kể còn những tác phẩm mà người biên soạn chưa tìm thấy hoặc tìm được nhưng không đầy đủ. Con số 4683 ấy tuy lớn nhưng có thể nó sẽ trở nên vô nghĩa, sẽ không làm nên tên tuổi một Nguyễn Tuân như ta từng biết, nếu không có chất Nguyễn Tuân riêng biệt trong từng tác phẩm, từng trang sách, thậm chí nhiều khi trong từng con chữ. Chất Nguyễn Tuân ấy là tấm thẻ thông hành đặc biệt đưa Nguyễn Tuân vào lòng độc giả hiện tại, giữ ông lại với cả đời sau. Lâu nay, khi nhắc đến Nguyễn Tuân, hầu như chẳng mấy ai phủ nhận ông là một nhà văn tài hoa, uyên bác, một người luôn luôn xê dịch trong niềm say mê của cả cuộc đời mình. Và cũng không ai quên một Nguyễn Tuân tỉ mẩn đi tìm cái đẹp ở khắp mọi phương diện của đời sống, cả đời sống tự nhiên lẫn đời sống con người, để rồi đưa cái đẹp ấy vào những trang văn của mình như một cách trả nợ với chính cuộc đời về những gì đẹp đẽ mà mình đã nhận được. Đó là điều làm chúng tôi ấn tượng nhất khi tìm hiểu văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đó cũng là nguyên nhân thôi thúc chúng tôi đến với đề tài này: Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Không phải đến bây giờ và cũng không phải đến chúng tôi vấn đề cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân mới được đặt ra, nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã tìm hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên, bằng niềm say mê và lòng kính trọng văn tài Nguyễn Tuân, cộng với mong muốn có một chút tìm tòi đóng góp cho việc tìm hiểu giá trị mĩ học trong sáng tác Nguyễn Tuân một cách có hệ thống, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài này. Thêm vào đó, xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng bận rộn với quá nhiều công việc, quá nhiều tham vọng, đôi khi không còn có chút thời gian cảm nhận những cái đẹp vẫn kiên trì tồn tại quanh mình, và biết đâu đến một lúc nào đó, ở những góc độ nào đó, con người ta sẽ vì lợi ích riêng mà ngoảnh mặt quay lưng với những giá trị đẹp của cuộc đời. Chúng tôi đến với đề tài này cũng là một cách để hiểu hơn về Nguyễn Tuân, để góp phần đưa cái đẹp trong văn ông đến với mọi người, để có một nốt lặng nghĩ suy về cái đẹp. 2. Lịch sử vấn đề: Từ khi xuất hiện trên văn đàn đến nay, Nguyễn Tuân đã làm cho giới văn học nghệ thuật tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Lời khen cũng nhiều, tiếng chê cũng lắm. Có người đánh giá văn ông từ chính văn bản tác phẩm, có người nhìn văn ông thông qua con người thực của ông, và có người kết hợp cả hai hướng đó. Có người dành phần lớn cuộc đời mình nghiên cứu về Nguyễn Tuân với tất cả tâm huyết và sự lao động cần cù, có người nghiên cứu một mảng nào đấy trong sự nghiệp Nguyễn Tuân, cũng có người chỉ đánh dấu sự tri âm của mình với Nguyễn Tuân bằng một bài phê bình, về một tác phẩm hoặc bằng một vài cảm nhận ban đầu Tất cả tạo nên một bề dày cho việc nghiên cứu về nhà văn tài năng này. Ở đây, trong phạm vi đề tài này, chúng tôi không thể trình bày hết tất cả những gì mà giới phê bình trước nay đã nói về Nguyễn Tuân, mà chỉ giới hạn lại ở phạm vi những gì giới phê bình nói về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho chúng tôi trong việc nghiên cứu đề tài này. Trong quyển Luận đề về Nguyễn Tuân [26], nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hưởng có dành một phần không nhỏ cho việc phân tích, nhận định về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, chủ yếu là cái đẹp trong tập Vang bóng một thời. Theo ông, Nguyễn Tuân đã “vừa vẽ lại cái đẹp xưa vừa nói cái đẹp của những nho sĩ cuối mùa tuy buông xuôi bất lực trước thời thế nhưng quyết giữ trọn thiên lương và sự trong sạch của tâm hồn bằng cách thực hiện cái đạo sống của người tài tử với những thú chơi phong lưu tao nhã” [26, 9]. Ở đây, nhà nghiên cứu chủ yếu phân tích một số hình tượng tiêu biểu như nhân vật cô Tú – cậu Chiêu (Ngôi mả cũ), nhân vật trong Chiếc lư đồng mắt cua, đặc biệt là nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù để tìm ra những cái đẹp trong con người cũng như cuộc đời của họ, từ đó khẳng định lòng yêu cái đẹp của Nguyễn Tuân. Về mặt hình thức tác phẩm của Nguyễn Tuân, tác giả nói trên không phân tích nhiều, chỉ chú ý đến cách đặt tên nhân vật trong Vang bóng một thời và cho rằng đó là “những cái tên gợi một nền văn hoá xưa, thanh lịch, nay còn đó, phảng phất hương sen”. Nhìn chung, ở công trình của mình, tác giả Trần Ngọc Hưởng có chú trọng đến cái đẹp trong văn chương của Nguyễn Tuân nhưng đó chưa phải là một cái nhìn toàn diện, thấu đáo, mà chỉ dừng lại ở mức độ phân tích, bình giá một số tác phẩm quen thuộc. Tác giả chưa đưa ra được một kết luận khái quát về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, trong tính toàn diện và thống nhất của nó. Trong công trình Thách thức của sáng tạo – Thách thức của văn hoá, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà có nhắc đến Nguyễn Tuân và sự say mê cái đẹp của ông. Trong bài Bí ẩn của sự say mê cái đẹp, tác giả nhắc đến cái đẹp trong chuyện ăn uống của Nguyễn Tuân, cho rằng “Nguyễn Tuân coi ăn uống không phải chỉ là chuyện thoả mãn nhu cầu đói khát thông thường mà còn là một hành động văn hoá, một cử chỉ thẩm mĩ” [70, 183-184]. Ở đây, chủ yếu tác giả nhắc đến Nguyễn Tuân như một hiện tượng minh chứng cho những vấn đề liên quan đến cái đẹp trong sáng tạo chứ không nhằm đi sâu phân tích cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân nên không thể đòi hỏi ở tác giả một sự cụ thể và đầy đủ được. Dẫu sao đây cũng là một công trình quan trọng đối với chúng tôi trong khi thực hiện đề tài vì nó cung cấp cho chúng tôi những vấn đề lí luận một cách khái quát để từ đó có thể đối chiếu so sánh tìm ra cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân. Công trình Nguyễn Tuân tác phẩm và dư luận cũng có nhiều bài viết về Nguyễn Tuân, ở đây chúng tôi chỉ nêu những bài viết về Nguyễn Tuân trước cách mạng. Tác giả Phan Cự Đệ trong Đọc lại “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân chủ yếu phân tích một số thú chơi của các nhân vật trong tập sách này để khẳng định “Nguyễn Tuân đi vào dĩ vãng với thái độ của một người đi tìm những cảm giác lạ, đi tìm một cái đẹp thuần tuý của nghệ thuật” [57, 187]. Còn tác giả Văn Tâm trong Về truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân cũng có khái quát về cái đẹp trong Vang bóng một thời: “ trừ Khoa thi cuối cùng có tính chất dạo đầu cho loại truyện Yêu ngôn; ngoài ra mười truyện còn lại có thể coi như mười nén tâm hương nguyện cầu cho cái đẹp cổ truyền Việt Nam, đó là: uống đẹp (“Những chiếc ấm đất”, “Chén trà trong sương sớm”), nhắm đẹp (“Hương cuội”), chơi đẹp (“Thả thơ”, “Đánh thơ”, “Đèn đêm thu”), ứng xử đẹp (“Ngôi mả cũ”), hoa tay đẹp (“Trên đỉnh non Tản”), tài nghệ đẹp (“Những kẻ bất đắc chí”) và nhân cách đẹp (“Chữ người tử tù”)” [57, 197] Nguyễn Đình Thi trong bài Người đi tìm cái đẹp, cái thật thì đề cập đến cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân nhưng tiếc là ở đây tác giả không đi vào phân tích hay miêu tả mà chủ yếu là lí giải nguyên nhân khiến Nguyễn Tuân tìm đến cái đẹp (trong xã hội cũ Nguyễn Tuân không tìm cái đẹp trong hiện tại mà phải quay về quá khứ là vì ông không tìm thấy cái đẹp song hành cùng cái thật, còn khi đến với cách mạng thì Nguyễn Tuân thấy cái đẹp bây giờ là cái có thật trong cuộc đời). Trong khi dựng chân dung văn học của các nhà văn (Cây bút, đời người), tác giả Vương Trí Nhàn đã dành những tình cảm ưu ái cho Nguyễn Tuân. Khác với những tác giả khác, Vương Trí Nhàn chú ý nhiều đến hình thức nghệ thuật trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Ông nhận định: “ đây là một trong số ít nhà văn ở ta nhạy cảm về hình thức và có được cách hiểu toàn diện về bản chất cái đẹp trong hình thức nghệ thuật” [47, 227] Mặc dù không có sự phân tích cụ thể nhưng những nhận định của tác giả về hình thức nghệ thuật trong văn Nguyễn Tuân cũng là một trong những gợi ý quan trọng cho chúng tôi khi tìm hiểu về cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám. Nguyễn Tuân – người đi tìm cái đẹp là công trình tập hợp nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau viết về Nguyễn Tuân. Mặc dù tên công trình này nêu ra rất rõ phạm vi quan tâm của nó nhưng điều làm chúng tôi thật sự tiếc là nội dung công trình đã không đáp ứng được mong đợi của độc giả. Những bài viết ở đây không chú ý nhiều đến văn Nguyễn Tuân mà chủ yếu là viết về người, về đời Nguyễn Tuân, về những kỉ niệm giữa Nguyễn Tuân với các bạn văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Cho nên, nói đúng ra ở công trình này người tập hợp và biên soạn chỉ mới khẳng định được một Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp trong đời chứ chưa phải là một Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp trong văn, một Nguyễn Tuân luôn khắc khoải vì nhu cầu chuyển tải cái đẹp trong đời nghệ sĩ của mình. Cũng là một công trình tuyển chọn nhiều bài viết về Nguyễn Tuân, quyển Nguyễn Tuân – cây bút tài hoa và độc đáo [44] chú trọng nhiều đến văn nghiệp của Nguyễn Tuân. Trong bài viết Nguyễn Tuân và cái đẹp, tác giả Hà Văn Đức quan tâm đến việc phân tích và lí giải bản chất cũng như động cơ khiến Nguyễn Tuân tìm đến với cái đẹp. Theo tác giả, “đối với Nguyễn Tuân thì cái đẹp chỉ nhằm thoả mãn, đáp ứng những khoái cảm thẩm mĩ của cá nhân”. Và theo ý kiến riêng của chúng tôi, có lẽ tác giả đã nhìn Nguyễn Tuân và những trang văn ông viết về cái đẹp theo một cách khác, cách mà chúng tôi cho là chưa được công bằng lắm với Nguyễn Tuân. Đó là khi tác giả cho rằng tính chất tiêu cực của Vang bóng một thời nằm ở chỗ Nguyễn Tuân đã đề lên thành mẫu mực lối sống của một lớp nhà nho lỗi thời, những người còn lại của tầng lớp thống trị cũ, tuy đã thất thế đầu hàng thực dân nhưng vẫn cố đóng vai quý tộc bằng nghệ thuật hành lạc hơn đời. Có lẽ tác giả đã quá khắt khe khi nhìn nhận vấn đề này. Đúng là những nhà nho kia thuộc lớp người mà thời của họ đã trôi qua nhưng liệu có phải vì thế mà họ không còn được phép gìn giữ những gì mà họ cho là tinh hoa trong lối sống tinh thần xưa kia? Một chén trà sớm, một bữa rượu thạch lan hương, một buổi thả thơ, một chiếc đèn kéo quân cho con cháu vui trung thu, liệu có phải là những thứ chứng tỏ cho hành động cố tình đóng vai quý tộc? Và nếu thế thì ngày nay chúng ta tìm về với nghệ thuật thư pháp, với chiếc đèn kéo quân, chúng ta dạy cho sinh viên biết thế nào là thả thơ, đánh thơ, là chúng ta đang đóng vai quý tộc, đang cố níu kéo thời đã qua chăng? Trong bài viết này, tác giả có những chỗ nhìn nhận xác đáng về Nguyễn Tuân, chẳng hạn nhìn nhận yếu tố dân tộc, lòng tự hào và giá trị thẩm mĩ dân tộc trong những trang viết của Nguyễn Tuân. Còn những điều như chúng tôi vừa nói ở trên có lẽ một phần do ảnh hưởng tất yếu của thời đại nên cái nhìn của nhà nghiên cứu đối với nhà văn còn có phần khe khắt. Trong bài viết “Những chặng đường sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Tuân” – mở đầu quyển Nhà văn trong nhà trường: Nguyễn Tuân, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá cũng có những trang viết khái quát về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, cả trước và sau Cách mạng tháng Tám. Với cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng, nhà nghiên cứu nhìn vấn đề ở cả hai mặt: khi Nguyễn Tuân đưa cái đẹp thăng hoa bằng tài năng của mình và cả những lúc dường như ông quá đà khi tìm kiếm cái đẹp cả trong những hành động như Ném bút chì. Nhà nghiên cứu đặc biệt chú trọng đến tinh thần dân tộc của Nguyễn Tuân, yếu tố khiến ông không lạc vào chủ nghĩa duy mỹ thuần tuý, không hoàn toàn “nghệ thuật vị nghệ thuật” [61, 13]. Đó cũng là yếu tố khiến Nguyễn Tuân có những trang viết rất hay về cái đẹp của những giá trị truyền thống của văn hoá dân tộc. Bài viết nói trên đã giúp chúng tôi có được cái nhìn khái quát về sự hiện diện của cái đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân, đồng thời có một cái nhìn hết sức khách quan về cả những thành công lẫn những lúc quá đà trên con đường đi tìm cái đẹp của Nguyễn Tuân. Trong số những nhà nghiên cứu về Nguyễn Tuân, chúng ta không thể không nhắc đến tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, người có những tìm tòi, suy ngẫm công phu và kĩ lưỡng. Nhiều công trình, nhiều bài viết của ông về Nguyễn Tuân chứng tỏ ông không chỉ có khả năng cảm thụ mà còn là người có cái nhìn khái quát và hệ thống về sự nghiệp của nhà văn lớn này. Ngoài những bài viết in trong các tập sách, các công trình chung, theo chúng tôi hai công trình đáng giá nhất của tác giả Nguyễn Đăng Mạnh khi viết về Nguyễn Tuân là bộ Nguyễn Tuân toàn tập (gồm Lời giới thiệu do Nguyễn Đăng Mạnh viết và những tác phẩm của Nguyễn Tuân mà tác giả tập hợp được) và quyển Những bài giảng về tác gia văn học trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam, tập I. Công trình thứ hai mà chúng tôi vừa nêu là tập hợp những bài viết của tác giả về Nguyễn Tuân, từ bài khái quát nhất tới bài viết về một tác phẩm cụ thể. Trong hai công trình này, tác giả đã có những nhận xét và lí giải thấu đáo về Nguyễn Tuân – một hiện tượng văn học phức tạp trên văn đàn. Chính vì có cái nhìn khái quát nhưng cũng rất cụ thể cho nên trong những công trình của mình tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã không bỏ qua một vấn đề nổi bật trong văn Nguyễn Tuân: vấn đề cái đẹp. Ông phân tích hai mặt trong quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân: một mặt là biểu hiện duy mỹ, trọng hình thức của một nhà văn ưa đặt nghệ thuật lên trên mọi thứ khác trên đời và một mặt là biểu hiện trọng nhân cách, trọng thiên lương của con người cũng trong văn Nguyễn Tuân. Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, là những tác phẩm được tác giả sử dụng nhiều trong quá trình lí giải của mình. Rõ ràng ở đây ông đã làm được điều mà nhiều nhà nghiên cứu khác chưa làm được khi viết về Nguyễn Tuân: tránh cái nhìn một chiều, phiến diện, giữ được thái độ khách quan của người làm khoa học và đặc biệt là cho người đọc thấy được hai mặt của một vấn đề luôn tồn tại song hành trong văn Nguyễn Tuân: yêu cái đẹp hình thức, cái đẹp thanh sắc trong đời nhưng cũng không quên cái đẹp tâm hồn, cái thiên lương lành vững trong mỗi con người. Và trong công trình thứ hai mà chúng tôi nêu ở trên, tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã có sự so sánh giữa cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng Tám, sự so sánh này làm cho người đọc nhận thức được rõ hơn biểu hiện cũng như động cơ khiến cho Nguyễn Tuân có sự thay đổi trong việc thể hiện đề tài yêu thích của mình. Tóm lại, những bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã cho chúng tôi những cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu đề tài này. Tuy nhiên tác giả đã không có một bài viết riêng về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, tất cả những điều chúng tôi trình bày ở trên là sự thu nhặt trong khi đọc những bài viết chung về Nguyễn Tuân. Nhìn chung, những công trình kể trên đều có đề cập đến cái đẹp trong đời và trong văn Nguyễn Tuân dưới nhiều góc độ, nhiều quan niệm khác nhau, tuỳ quan điểm của tác giả, tuỳ mục đích của công trình và tuỳ vào ảnh hưởng của thời đại. Tất cả những điều đó sẽ là cơ sở cần thiết để chúng tôi tiếp cận và tìm hiểu kĩ hơn về cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. 3. Phạm vi nghiên cứu: Về phạm vi tư liệu nghiên cứu, ở đề tài này chúng tôi chỉ giới hạn ở những tác phẩm văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân đồ sộ về khối lượng và phong phú về thể loại, trong đó bên cạnh những sáng tác văn học ông còn có không ít những bài nghiên cứu sắc sảo. Mặt khác, cũng như sự nghiệp của những nhà văn cùng thời trải qua hai đoạn đời trước và sau Cách mạng tháng Tám, sáng tác của Nguyễn Tuân cũng chia thành hai giai đoạn như thế. Tất nhiên về phong cách nói chung thì bao giờ Nguyễn Tuân cũng vẫn là chính mình, vẫn giữ một phong cách riêng biệt không thay đổi nhiều và cũng không lẫn được với ai. Tuy nhiên, xét về giá trị tư tưởng, về cách thể hiện nội dung tư tưởng qua tác phẩm, đặc biệt là xét về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, thì có sự khác nhau không nhỏ giữa hai giai đoạn sáng tác này. Cái đẹp tồn tại trong suốt đời văn Nguyễn Tuân, trong cả những sáng tác trước và sau cách mạng. Có thể giữa hai giai đoạn này những biểu hiện của cái đẹp không giống nhau trong những trang văn Nguyễn Tuân nhưng xét đến cùng đó cũng chỉ là hai giai đoạn của một quá trình, khác nhau nhưng không mâu thuẫn nhau là mấy. Cũng bởi vì cả đời văn, đời người của mình, Nguyễn Tuân luôn là kẻ cần mẫn đi tìm cái đẹp cho mình và cho đời. Tuy nhiên do phạm vi của một đề tài cao học, chúng tôi chỉ giới hạn phạm vi tìm hiểu của mình ở những sáng tác văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Về phạm vi nghiên cứu, cái đẹp trong văn chương là một đề tài lớn hàm chứa trong nó nhiều vấn đề và những vấn đề này được thể hiện không giống nhau ở những nhà văn khác nhau. Do đó, đến với đề tài về cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân, chúng tôi không có tham vọng trình bày tất cả các vấn đề có liên quan mà chỉ giới hạn lại ở hai mặt cụ thể: cái đẹp thể hiện trong nội dung tác phẩm Nguyễn Tuân và cái đẹp của sự hài hoà giữa nội dung và hình thức. Mặt khác, để làm rõ hơn cái đẹp cũng như sự đặc sắc riêng biệt của cái đẹp trong tác phẩm Nguyễn Tuân trước cách mạng, chúng tôi sẽ có sự so sánh đối chiếu giữa tác phẩm của Nguyễn Tuân với tác phẩm của một số nhà văn có cách chọn đề tài gần với Nguyễn Tuân như Lê Văn Trương, Nhất Linh, Thạch Lam, Tô Hoài, Vũ Bằng, 4. Phương pháp nghiên cứu: Thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng kết hợp một số phương pháp sau: - Phương pháp hệ thống: để xác lập tính nhất quán của việc thể hiện cái đẹp trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Những mặt thể hiện của cái đẹp ở đây không chỉ hiện diện trong một hay một vài tác phẩm cá biệt của Nguyễn Tuân mà nó tồn tại hầu như xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông, đặc biệt là giai đoạn trước cách mạng. - Phương pháp phân tích – so sánh: người viết áp dụng phương pháp này để làm rõ những mặt thể hiện của cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân. Song song với việc phân tích, chúng tôi cố gắng trong khả năng có thể so sánh với những sáng tác của chính Nguyễn Tuân sau cách mạng để thấy sự kế thừa phát huy và so với tác phẩm của một số nhà văn cùng thời hoặc cùng viết về mảng đề tài như Nguyễn Tuân để thấy được nét riêng của ông trong việc thể hiện cái đẹp vào văn xuôi nghệ thuật. - Phương pháp thống kê phân loại: luận văn sử dụng phương pháp này để xử lí tư liệu rút ra từ sáng tác của Nguyễn Tuân, nhằm tìm ra những chứng cứ cụ thể xác đáng cho việc chứng tỏ sự hiện diện của cái đẹp về nhiều mặt trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng, giúp cho việc trình bày vấn đề đảm bảo tính khoa học và tăng tính thuyết phục. 5. Đóng góp của luận văn: Thực hiện đề tài này, người viết không có tham vọng khám phá tất cả mọi khía cạnh xung quanh cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, chỉ hi vọng bằng niềm say mê và kính trọng văn tài Nguyễn Tuân, chúng tôi có thể đóng góp chút ít cho việc nghiên cứu về sự nghiệp của ông: - Trước hết, chúng tôi muốn tiếp xúc với Nguyễn Tuân trên văn bản tác phẩm và những gì mà sự nghiệp văn chương một đời ông để lại. Trong lịch sử phê bình văn học nước ta, dù ít hay nhiều, dù vô tình hay cố ý, vẫn không tránh khỏi hiện tượng nhìn nhà văn và tác phẩm không phải từ góc độ của người thưởng thức và phê bình nghệ thuật mà đôi khi dưới góc độ người làm chính trị, đặt tác phẩm văn học vào quỹ đạo chính trị xã hội và để cho cả nhà văn lẫn tác phẩm xoay tròn trong đó,
Luận văn liên quan